Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Dam-Ma-Nan-De-Dharmanandi
Ngài Đàm Ma Nan Đề (Dharmanandi)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Đàm Ma Nan Đề (dịch là Pháp Hỉ), vốn là người Đâu Khư Lặc (tức nước Thổ Hỏa La hay Đại Nhục Chi, nơi thường tín phụng giáo lý Tiểu Thừa). Ngài xuất gia vào lúc còn trẻ, thường chuyên cần tụng đọc kinh điển, xem khắp ba tạng; thích nghiên cứu tu học hai bộ kinh Tăng Nhất A Hàm và Trung A Hàm; trí huệ thông minh, mẫn tiệp; kiến thức rộng sâu, đa văn thông suốt tất cả pháp, khiến các học giả trong và ngoài nước, xa gần đều bội phục.

Lúc trẻ, Ngài thường đi khắp các vương quốc, và có ý chí cùng hoài bão sang Đông Độ hoằng dương chánh pháp. Trong niên hiệu Kiến Nguyên (365 384), đời Tần Phù Kiên, Ngài đến Trường An. Nghe thanh danh của Ngài, rất nhiều danh sĩ tìm đến học đạo. Tần Phù Kiên vừa gặp được Ngài thì đón tiếp lễ bái thâm hậu.

Vì lúc ấy Trung Thổ chưa có bốn quyển kinh A Hàm, nên thái thú Triệu Chánh muốn thỉnh Ngài dịch kinh. Đương thời, Mộ Dung Sung phản loạn, khởi binh đánh Tần Phù Kiên, khiến Trường An náo loạn. Do ngưỡng mộ Phật pháp, quyết xả thân vì đạo, thái thú Triệu Chánh bèn cầu ngài Đạo An vân tập các danh tăng ở Truờng An, thỉnh ngài Đàm Ma Nan Đề dịch Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tỳ Đàm Tâm, Tam Pháp Độ, v.v... Tổng cộng ngài Đàm Ma Nan Đề dịch được một trăm lẻ sáu quyển. Ngài Đàm Ma Nan Đề thật là một pháp sư chuyên về kinh A Hàm. Lúc ấy, thầy Trúc Phật Niệm chuyển ngữ, và thầy Huệ Sùng ghi chép. Từ mùa hè cho đến mùa xuân năm sau thì mới hoàn tất. Ngài Đạo An và Trúc Pháp Hòa cùng kiểm duyệt trau chuốt lời văn.

Vào tháng năm, năm 385, Dao Trường vây hãm Trường An, khiến nhân tâm xáo trộn. Ngài Đàm Ma Nan Đề bèn rời Trường An, trở về Tây Vực, rồi không ai biết Ngài thị tịch tại nơi nào.