Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Phat-Da-Ba-Loi-Buddhapali-Dich-La-Giac-Ho
Ngài Phật Đà Ba Lợi (Buddhapali, Dịch Là Giác Hộ)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người nước Kế Tân ở bắc Thiên Trúc. Quên thân mạng hết lòng vì đạo, đi chiêm ngưỡng lễ bái hết các thánh tích. Nghe Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ẩn tích tại núi Thanh Lương, không quản đường xá xa xôi, Ngài lặn lội đến núi Ngũ Đài. Đời Đường Cao Tông, niên hiệu Nghi Phượng nguyên niên (676), Ngài chống tích trượng đến núi Ngũ Đài, khẩn thành lễ bái, lệ rơi như mưa, mong mỏi được xem thánh tướng Bồ Tát. Lát sau, một ông lão từ trong núi đi ra, nói tiếng Bà La Môn (tức tiếng Phạn):

- Thầy cầu việc gì?

Ngài đáp:

- Nghe Bồ Tát Văn Thù ẩn tích tại núi này, nên từ Thiên Trúc sang đến đây để chiêm bái.

- Thầy từ Thiên Trúc sang, vậy có mang theo kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni chăng? Chúng sanh nơi đây tạo rất nhiều nghiệp ác. Các người xuất gia cũng phạm giới rất nhiều. Thần chú Phật đảnh có thể thầm mật giúp họ tiêu trừ nghiệp tội. Nếu không đem quyển kinh này, thì có tới đây cũng vô ích. Dẫu có gặp Bồ Tát Văn Thù, nhưng cũng không thể nhận ra. Thầy nên trở về Tây Vực để thỉnh bộ kinh đó, hầu mong lưu truyền nơi nước này. Đó là phụng hành lời dạy của chư thánh chúng, thường độ khắp quần sanh, tức là trực tiếp báo từ ân của chư Phật.

Nói xong, ông lão biến mất. Ngài lại càng thâm tín lễ lạy gấp bội, và lập tức trở về Thiên Trúc. Vừa thỉnh được quyển kinh đó, Ngài liền trở lại Đông Độ. Đường Cao Tông thấy Ngài chân thành tôn sùng quyển kinh bí mật đó, nên cho vời sa môn Điển Khách ở chùa Hồng Lư và tam tạng pháp sư Nhật Chiếu vào kinh đô cùng cộng tác phiên dịch. Họ phiên dịch xong, nhà vua ban thưởng cho Ngài ba mươi xấp lụa, và giữ ở lại hoàng cung. Ngài rơi lệ thưa với nhà vua:

- Tôi xả thân mạng vì chí nguyện lợi sanh. Xin Hoàng Thượng hãy cho lưu bố bộ kinh này.

Nhà vua thấy Ngài rất mực chân thành, nên trả lại quyển kinh bằng chữ Phạn, và giữ bản văn dịch. Lấy lại được nguyên bản chữ Phạn, Ngài vui mừng đến chùa Tây Minh, cùng sa môn Thuận Trinh (thông thạo tiếng Phạn) đồng dâng sớ xin tự phiên dịch. Nhà vua vừa chấp thuận, Ngài và sa môn Thuận Trinh cùng chư đại đức đồng phiên dịch, gọi là kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni. Lần phiên dịch này, về phần chân ngôn thần chú có khác với các nhà dịch giả lúc trước (tức sa môn Điển Khách và Nhật Chiếu). Dịch xong, Ngài bèn đem bản kinh chữ Phạn đến Ngũ Đài, rồi ẩn tu tại hang động Kim Cang. Hiện nay, tại Vĩnh Hưng Long Thủ Võng còn thờ phần xá lợi của ngài Phật Đà Ba Lợi.

Vào niên hiệu Đại Lịch (766 779), sa môn Pháp Chiếu ở chùa Vân Phong tại núi Nam Nhạc, vào núi Ngũ Đài, lễ bái trong hang động Kim Cang. Trời vừa chập tối, Pháp Chiếu chợt thấy một vị Phạn tăng cao bảy thước, nói tiếng Phạn rõ ràng, và tự xưng là Phật Đà Ba Lợi, hỏi:

- Thầy lễ bái nhọc nhằn ở đây, vậy nguyện muốn gì?

Pháp Chiếu thưa:

- Con nguyện muốn thấy Bồ Tát Văn Thù.

- Nếu chí thành kiên cố chân thật không hư vọng, thì Thầy có thể bước qua tấm vách này, và trong gang tấc sẽ thấy rõ tôn nhan của Bồ Tát.

Pháp Chiếu vừa nhắm mắt thì thân đã vào trong hang sâu; lúc mở mắt ra, liền thấy một đại viện, đề viết những chữ vàng tỏa ánh hào quang rực rỡ: 'Chùa Kim Cang Bát Nhã'. Đại viện đó trang nghiêm tráng lệ và cực kỳ tôn nghiêm không thể diễn tả; đó chính là nơi cư trú của Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù tuyên nói những lời an ủi, rồi đưa trà cho Pháp Chiếu uống. Sau đó, ngài Phật Đà Ba Lợi dẫn Pháp Chiếu ra khỏi đại viện. Tuy Pháp Chiếu khẩn cầu trú lại trong đại viện, nhưng ngài Phật Đà Ba Lợi không đồng ý, mà khuyên rằng phải nên nỗ lực cần mẫn tu hành thì sau này trở lại, mới có thể trú tại đại viện. Pháp Chiếu vừa bước ra ngoài tấm vách, rồi xoay đầu lại, thì không còn thấy ngài Phật Đà Ba Lợi nữa.