Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Ngài Ba La Pha Ca La Mật Đa La (Prabhakaramitra)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Ba La Pha Ca La Mật Đa La (dịch là Minh Trí Thức) người trung Thiên Trúc, thuộc dòng Sát Đế Lợi, tục tánh Sát Lợi Đế, xuất gia từ năm mười tuổi, tụng thuộc kinh Đại Thừa cả trăm ngàn câu kệ. Thọ giới cụ túc xong, Ngài chuyên cần học luật tạng, uyên bác nơi giới luật, tâm thích thiền pháp, nên theo chư thạc đức tu tập thiền định, mà không xả bỏ kinh điển suốt mười hai năm trường. Sau này, Ngài đến tu viện Na Lan Đà ở nước Ma Già Đà (hay Ma Kiệt Đà). Nơi đó, gặp lúc luận sư Giới Hiền đang hoằng dương luận Thật Thất Địa, nên Ngài bèn ở lại nghe giảng giải. Luận này hiển minh giáo lý Tiểu Thừa. Ngài lại tụng đọc thông suốt các luận Tiểu Thừa. Nhờ khí chất thông minh uyên bác, Ngài nghiên cứu tinh tường giáo lý Đại Thừa và Tiểu Thừa. Ngài lại làm bậc giáo thọ sư cho các đồng học, cùng hóa độ tăng chúng, và thường diễn giảng những bộ kinh như Bát Nhã Nhân Đà La Bạt Ma, v.v..., khiến các học nhân đều thâm đạt nghĩa lý u huyền. Danh vang pháp hóa của Ngài, khiến vua quan triều thần đều phải kính phục. Song, người xuất gia không thường trú ở một phương. Tùy theo duyên pháp, cứ khoảng sáu tháng, Ngài di chuyển một lần. Vì dân Bắc Địch Đột Quyết chưa biết đến Phật pháp, nên Ngài đến đó để giáo hóa. Lần hồi, Ngài cùng với chư tăng kẻ tục khoảng mười người đi về phương bắc, đến phía tây Khả Hãn Thống Diệp Hộ (Jabgu), và dùng Phật pháp giáo hóa những kẻ chưa từng biết đến chánh giáo, khiến Nhung Chúa ở vùng đó thâm tín bội phục vô vàn, nên cấp cho hai mươi người để hầu hạ cung phụng ngày đêm. Chư tăng kẻ tục đồng hành thấy ân đức giáo hóa của Ngài như thế, nên lại càng sanh tâm tín phục.

Năm 626, tướng quân Cao Bình Vương sai sứ giả vào đất Phiên, nên gặp được Ngài, và được hóa độ. Sứ giả đem những lời đã được dạy, trở về thuật lại cho Cao Bình Vương. Thế nên, Cao Bình Vương ra lịnh cho sứ thỉnh cầu Ngài đến Đông Độ, mà quần thần nước Diệp Hộ đều lưu luyến không cho Ngài đi. Quốc vương nước Diệp Hộ nghe biểu tấu của Cao Bình Vương, bèn hạ lịnh cho Nhung Chúa phải đưa Ngài vào Trung Thổ. Thấy yếu thế, Nhung Chúa đành phải nhân nhượng, để cho Ngài vào Trung Thổ cùng với Cao Bình Vương.

Năm đó, vào tháng mười hai, Ngài đến kinh đô. Vua ban sắc cho Ngài trú tại chùa Đại Hưng Thiện, và thường sang đó vấn an và đàm đạo về nghĩa lý u huyền. Ngài tùy theo cơ duyên, đối đáp tường tận, khiến nhà vua rất mực tôn sùng, nên sai năm vị tăng làm thị giả hầu Ngài. Những lời của Ngài giảng giải đều không vượt ngoài kinh điển. Nhà vua lại ban sắc cho Ngài phiên dịch kinh điển, cùng mời mười chín danh tăng thạc đức đến hỗ trợ, như sa môn Huệ Thừa (lo việc đối chiếu nghĩa lý), sa môn Huyền Mô (lo việc chuyển ngữ), sa môn Huệ Tịnh, Huệ Minh, v.v... (lo việc trau chuốt lời văn), cùng trụ quốc thượng thư tả bộc và thái tử (lo việc hiệu đính giảo định), Quang Lộc đại phu thái phủ Khanh Tiêu Chương (lo việc giám hộ). Các quan triều cùng nhau tứ sự cúng dường thâm hậu. Đầu tiên, Ngài dịch được kinh Bảo Tinh, rồi kế đến là kinh Thắng Quang, luận Bát Nhã Đăng Đại Trang Nghiêm; tổng cộng là ba bộ cùng ba mươi lăm quyển. Sáu năm sau, Ngài thảo duyệt, trau chuốt lời văn cho lưu loát, rồi dâng lên nhà vua xem xét. Sau khi duyệt xem tường tận, nhà vua bèn ra lịnh sao chép mười bộ để lưu truyền trong nước, rồi trọng thưởng Ngài thâm hậu, và ra lịnh cho thái tử viết lời tựa cho các quyển kinh luận vừa được phiên dịch. Ngài cũng thường giảng kinh luận cho các quan triều và danh sĩ.

Sa môn Huệ Giai là vị tăng tài trí bạt quần, nói với quan sử giám hộ:

- Ngài Ba La Pha Ca La Mật Đa La từ phương xa muôn dặm đến Đông Hạ chẳng vì lợi danh, mà chỉ vì muốn khiến đạo lý được lưu truyền ngàn năm, pháp âm vang thiên cổ. Xưa kia, trong hai đời vua Phù Kiên và Dao Hưng, các học sĩ phiên dịch kinh điển có cả ba ngàn vị. Hiện tại, ở đời Đường, chỉ có hơn hai mươi người tham gia phiên dịch. Vậy xin đại quan hãy tấu trình việc này lên với Hoàng Thượng, để cho người thêm phụ giúp việc dịch kinh, hầu mong hậu thế không nghi ngờ.

Do thệ nguyện hoằng dương Phật pháp, Ngài không màng bao gian nan nguy hiểm, đi hơn bốn mươi ngàn dặm, vượt ngọn Thông Lĩnh, băng qua các bãi sa mạc cùng núi sông hiểm trở, tự mang kinh điển để sang nước Chấn Đán phiên dịch. Song, chí nguyện chưa được hoàn mãn, mà nào biết thố lộ cùng ai, nên sanh bịnh. Tự biết không cứu trị nổi, Ngài bèn phân phát vật dụng, tạo các tịnh nghiệp, rồi ngồi thẳng trước chánh điện chùa Thắng Quang, chánh tâm quán tượng Phật mà thị tịch, thọ sáu mươi chín tuổi vào năm 633. Đông cung thái tử sai hai mươi người thỉnh nhục thân của Ngài lên núi để làm lễ trà tỳ. Sau đó, sa môn Huyền Mô thâu nhặt xá lợi và đặt trong tháp thờ phụng tại chùa Thắng Quang, vào mồng sáu tháng tư, niên hiệu Trinh Quán thứ bảy. Bao năm Ngài cống hiến công sức phiên dịch, hầu mong ngọn đuốc chánh pháp soi sáng cho những kẻ u mê. Tuy nhiên, thệ nguyện hoằng pháp chưa hoàn thành mà Ngài đã nhập diệt, khiến cho hậu thế bàng hoàng thương tiếc.