Tên của Ngài vốn là An Tịnh, nhưng vì là thái tử nước An Tức (Parthian), nên người đời sau xưng danh Ngài là An Thế Cao. Đối với nước An Tức, sử nhà Tiền Hán và Hậu Hán, đời Tam Quốc, Nam Bắc triều, đã từng ghi rõ. An Tức là nước sáng lập ra quốc gia A Lỗ Tát Khải Tư (Arsakes). Vào đời Hán Minh Đế niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười sáu (73), Ban Siêu thọ mạng làm sứ giả sang Tây Vực. Đời Hán Hòa Đế, niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ ba (91), Ban Siêu nhậm chức Kỵ Đô Úy, thống trị ba mươi nước ở Tây Vực. Vào đời Đông Hán, niên hiệu Chương Hòa nguyên niên (87) nước An Tức triều cống sư tử cho Trung Thổ. Lại nữa, vào niên hiệu Dực Niên, quốc vương nước An Tức phái sứ giả mang lễ vật triều cống sang Trung Thổ, mở đầu cho sự giao thương giữa hai nước. Vào niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ mười ba (101), nước An Tức lại thường mang lễ vật sang triều cống cho triều Đông Hán. Bốn mươi bảy năm sau, ngài An Thế Cao mới qua Trung Thổ.
Đối với cha mẹ, Ngài rất là hiếu thảo, nên được dân chúng tán thán ca ngợi. Thiên tánh của Ngài rất minh mẫn, lại siêng năng học hành, nên thông suốt hết các điển tích ngoại quốc, cùng bảy diệu (mặt trời, mặt trăng, tinh tú), ngũ hành, y thuật, khí tượng, thiên văn. Quán xem sắc diện của người, Ngài liền biết bịnh tình, rồi chế thuốc thang mà trị bịnh cho. Nghe thinh âm của các loài cầm thú chim chóc đều biết qua ý của chúng. Lần nọ, đang đi trên đường, chợt có một đàn chim yến bay ngang, Ngài bèn bảo với đồng bạn:
- Những con chim yến kia bảo rằng lát nữa sẽ có người mang thức ăn đến cho chúng ta.
Chốc lát sau, quả nhiên ứng nghiệm có thật. Dân chúng nghe qua việc này rất đỗi kinh ngạc và thán phục Ngài. Vì vậy, thanh danh của Ngài từ đó lan truyền và chấn động khắp các nước ở Tây Vực, cùng được các quốc vương xa gần tôn kính.
Lúc còn tại gia học Phật pháp, Ngài thường nghiêm thủ giới luật rất cẩn mật, không có chút giải đãi. Ngài thường tụ hội dân chúng lại để giảng kinh thuyết pháp. Phụ vương vừa băng hà, Ngài bèn lên ngôi. Bấy giờ, vương triều Quý Sương (Kushans, 78 320; kiến lập nước Đại Nhục Chi) liên tiếp chinh phạt các nước ở phía tây, và uy hiếp nước An Tức. Ngài An Thế Cao thấy thế sự bất an, khổ, không, vô thường, nên đối với ngôi vua, Ngài rất chán chường khổ não. Do đó, lo an táng phụ vương xong, Ngài liền nhường ngôi cho người chú, rồi xuất gia học đạo, mà không lưu luyến gì với ngai vàng, chỉ một mực tinh tấn tu hành. Năm mươi năm sau khi Ngài viên tịch, nước An Tức bị diệt vong vì quần thần tranh ngôi vị.
Xuất gia xong, Ngài duyệt xem khắp tạng kinh thư, mà trong đó đối với luận học A Tỳ Đàm rất được tâm đắc. Ngài thường tụng trì thiền kinh nên hằng đạt được những sự vi diệu. Vì muốn hoằng dương Phật pháp, Ngài đi khắp các nước, nên rất thông thạo ngôn ngữ của các nước đó. Tạ Phu đời Tấn có viết: "Cao Tông bác thù tục, thiện chúng quốc chi âm", nghĩa là ngài An Thế Cao hiểu rõ phong tục khác nhau của mỗi nước và thông thạo âm thanh ngôn ngữ của các nước đó. Trước khi qua Trung Thổ, lúc còn ở tại nước An Tức, cho đến khi tới Tây Vực, Ngài đã từng tinh thông tiếng Tàu. Đến đời Hán Hoàn Đế (147 167), vào khoảng năm ba mươi tuổi, Ngài qua Đông Độ tới đất Trường An. Với tài năng cao tuyệt, cơ ngộ mẫn tiệp, nên chỉ xem qua một lần về điều gì, Ngài liền liễu giải. Đến nơi, Ngài bắt tay ngay vào việc hoằng dương Phật pháp, và phiên dịch rất nhiều kinh điển, như kinh An Ban Thủ Ý, Âm Trì Nhập, Đại Thập Nhị Môn, Tiểu Thập Nhị Môn, v.v...
Xưa kia, có một vị tam tạng pháp sư, người Thiên Trúc, tên là Tố Chúng Hộ, đã từng soạn viết yếu nghĩa kinh tích thành hai mươi bảy chương. Ngài An Thế Cao căn cứ bộ trước tác đó, tuyển chọn ra bảy chương rồi dịch sang chữ Tàu, tức là bộ kinh 'Đạo Địa' ngày nay. Tổng cộng, Ngài phiên dịch được hơn ba mươi bộ kinh. Tất cả nghĩa lý đều rõ ràng trong sáng, và văn tự rất chính xác. Lời văn tuy không hoa mỹ, nhưng thể chất không thô sơ.
Ngài An Thế Cao thường kể về nghiệp duyên tiền kiếp thần dị của mình mà người khác không thể hiểu nổi. Ngài kể rằng tiền kiếp của Ngài cũng là người xuất gia. Đương thời, Ngài có một người bạn đồng tu, tánh tình rất nóng nảy. Lúc gặp thí chủ nào làm không vừa ý thì bèn nổi tâm sân hận. Đã bao lần Ngài thường khuyên nhủ, nhưng tánh tình của vị tăng đó vẫn y nguyên. Hơn hai mươi năm sau, ngài An Thế Cao (thứ I) từ biệt vị tăng đó rồi nói:
- Tôi phải qua Quảng Châu để đền trả món nợ trong đời tiền kiếp. Thầy hiểu thâm sâu về kinh luận, lại tinh cần dụng tâm. Tuy nhiên, vì tánh tình của Thầy nhiều sân hận, nên sau khi xả báo thân, sẽ bị thọ hình tướng ác quỷ. Nếu tôi chứng quả thánh thì nhất định sẽ cứu độ Thầy thoát tai ương.
Nói xong, ngài An Thế Cao bèn đi qua Quảng Châu. Đương thời, vùng đó bị nạn loạn lạc, giặc cướp nổi lên như ong. Giữa đường, Ngài gặp một thiếu niên từ xa đi tới. Gã thiếu niên đó bèn tuốt đao ra bảo:
- A! Thầy tới đây để nạp mạng cho Ta!
Ngài bảo:
- Đời trước tôi thiếu ông một mạng, nên mới lặn lội bao dặm đường xa đến đây để đền trả. Vừa thấy tôi là ông liền khởi tâm sân hận. Đây chính là vì mối oán cừu chưa hóa giải xong!
Nói xong, Ngài an nhiên đưa đầu để bị chém, mà thần sắc chẳng chút kinh sợ. Không chút chậm trể, gã thiếu niên bèn vung đao chém đầu của Ngài. Đương thời thần thức bay qua nước An Tức, cũng đầu thai làm thái tử, tức là An Thế Cao (thứ II).
Trong đời Hán, hoạn quan tranh quyền. Giặc giã nổi lên không ngừng. Vì vậy, ngài An Thế Cao (thứ II) phải rời thành Lạc Dương, đến vùng Giang Nam để tiếp tục hoằng pháp. Ngài tự bảo:
- Trước tiên, Ta phải qua Lô Sơn, để hóa độ pháp lữ đồng học đời tiền kiếp.
Lúc đến Lô Sơn, Ngài cư trú tại am Đình Hồ. Theo ngài Huệ Viễn (334 417), trong quyển 'Lô Sơn Lược Ký' có ghi như sau: "Nơi đỉnh núi phía nam, dưới hồ Lâm Cung Đình, có một miếu thần. Dân chúng y theo danh tự của hồ mà đặt tên cho miếu thần la Cung Đình Hồ. Thần tại miếu Cung Đình Hồ, được ngài An Thế Cao cảm hóa. Sự tích vẫn còn ghi trong Tự Sơn Bắc Thiên".
Tương truyền, miếu Cung Đình Hồ rất linh dị. Các thương nhân qua lại vùng đó, trước tiên phải cầu khẩn cúng bái, thì mới được bình an vô sự. Một gã nọ, lén lên núi để chặt tre, mà không chịu qua miếu lễ bái. Thuyền chở tre của gã đó vừa ra khỏi bến sông thì bị sóng đánh lật chìm. Các thương nhân thấy vậy, nên lại càng kính thờ thần miếu.
Hôm nọ, ngài An Thế Cao theo hơn ba mươi thương nhân lên thuyền để đến miếu thần đó. Đến nơi, các thương nhân đi vào thần miếu lễ bái, còn Ngài thì ở trên thuyền. Sau khi họ dâng cúng các phẩm vật để cầu được bình an xong, thần trong miếu bèn bảo họ:
- Trên thuyền có một vị hòa thượng, vậy hãy mời vị đó đến đây.
Thương nhân nghe thế kinh hoàng, bèn vội chạy ra thỉnh Ngài vào miếu. Vừa bước vào, Ngài nghe thần nói:
- Tiền kiếp tôi đã từng cùng với Thầy xuất gia tu đạo tại Tây Vực. Tuy thường hành bố thí, nhưng tánh khí nhiều sân hận, nên mới làm thần tại miếu Cung Đình Hồ này. Chu vi miếu một ngàn dặm, đều do tôi cai quản. Vì nhờ đời trước thường tu hành hạnh bố thí, nên nay mới được thọ vô số tài vật trân bảo vô giá. Tuy nhiên, do tâm sân hận, nên thọ quả báo làm ác quỷ, có thân hình to lớn xấu xa. Mạng tôi sắp dứt. Lúc chết, thân thể sẽ tiết ra mùi hôi thúi khắp sông hồ. Vì vậy, tôi phải lên nơi khe suối ở vùng núi phía tây mà chết. Sau khi chết, sẽ bị đọa vào địa ngục thọ khổ. Xin Thầy từ bi, mang tất cả đồ vật trân bảo mà thay tôi cúng dường Tam Bảo, cùng xây cất chùa chiền, khiến đời sau của tôi được sanh lên cõi lành.
Nghe qua lời này, ngài An Thế Cao (thứ II) bảo:
- Ta vốn đến đây để hóa độ ngươi. Sao không hóa hiện nguyên hình?
Thần đáp:
- Tôi vốn có hình dạng ác quỷ xấu xa. Nếu hiện hình thì dân chúng chắc sẽ kinh sợ!
- Chỉ việc hiện hình ra là đủ. Dân chúng không sợ hãi đâu!
Từ trong đền thờ, xuất hiện ra một con thuồng luồng to lớn, bò đến kế bên ngài An Thế Cao (thứ II). Ngài bèn thuyết pháp, và tụng thần chú bằng tiếng Phạn. Một lát sau, con thuồng luồng cảm động tuôn trào rơi lệ như mưa, rồi từ từ biến mất. Ngài bèn nhặt lấy các trân bảo, rồi cùng các thương nhân trở lên thuyền. Bấy giờ, mọi người đều thấy con thuồng luồng hiện nguyên hình trên đỉnh núi phía tây, thân dài cả mấy dặm. Vào lúc hoàng hôn, thuyền đang lướt trên sông, chợt có một thiếu niên xuất hiện, tiến đến cúi đầu đảnh lễ Ngài. Được Ngài chú nguyện ban phước lành xong, thiếu niên đó chợt biến mất. Ngài bảo các thương nhân:
- Thiếu niên kia vốn là thần miếu Cung Đình Hồ. Nay đã thoát thân ác quỷ và thăng lên cung trời.
Miếu Cung Đình Hồ từ đó không còn linh hiển nữa. Sau này, dân chúng địa phương phát hiện một xác con thuồng luồng to lớn, dài cả mấy dặm, nằm tại một khe suối về phía tây của ngọn núi Lô Sơn. Hiện nay, vùng núi đó có tên là Xà Thôn, quận Tầm Dương, ở Giang Tây.
Tháp Tự Ký ghi: "Chùa Ngõa Quan ở Đơn Dương, do sa môn Huệ Lập kiến lập vào thời Tấn Ai Đế. Sau này, sa môn An Thế Cao đem dư vật từ Cung Đình Hồ đến sửa chữa".
Đền trả một phần nghiệp báo xong, Ngài cũng đến vùng Quảng Châu, tìm đến người thiếu niên giết mình đời trước, rồi kể lại nhân duyên tiền kiếp, để xả bỏ mối oan khiên xưa, hầu mong cùng nhau kết tình thân hữu. Gặp mặt nhau, Ngài lại nói với người đó:
- Tôi cũng còn một món nợ, chưa trả xong. Hiện tại phải đến nơi đó mà đền trả.
Người đó biết Ngài chẳng phải là phàm phu, nên cung kính cúng dường. Hôm sau, Ngài và người đó ra phố, gặp lúc hai gã nọ đang cầm cây đánh nhau. Một gã nọ chợt đánh nhầm vào đầu của Ngài, khiến Ngài phải vong mạng. Mục kích hai lần nhân quả báo ứng, người đó bèn phát tâm tinh cần tu tập Phật pháp, và cũng thường kể lại câu chuyện thật này cho người khác nghe. Bất luận người nào, hể nghe qua câu chuyện này cũng đều tin sâu lý nhân quả báo ứng trong ba đời.
Thế rồi thần hồn của Ngài cũng bay trở lại làm thái tử nước An Tức, tức là An Thế Cao (thứ III). Sau khi trưởng thành, Ngài cũng xả bỏ vinh hoa phú quý (như kể ở phần trên) để xuất gia học đạo, rồi sang Trung Thổ dịch kinh.
Tiếng Phạn và tiếng Tàu rất khác biệt. Tuy nhiên, những kinh điển do Ngài dịch ra, người người đều đọc dễ dàng.
Trong tập Tam Tạng Ký, đệ tử của ngài An Thế Cao là Nghiêm Phật Điều viết bài tựa về quyển 'Sa Di Thập Huệ Chương Cú'. Thầy rất tán dương công đức của vị tôn sư. Ngài Khương Tăng Hội (217 280) tán thán ngài An Thế Cao trong bài tựa về kinh 'An Ban Thủ Ý'. Trần Huệ xưng dương ngài An Thế Cao là Bồ Tát Phổ Kiến trong bài tựa về kinh Âm Trì Nhập. Ngài Đạo An (312 385) cũng rất tán dương ngài An Thế Cao trong bài tựa về kinh 'An Ban Thủ Ý', và thường bảo:
- Nếu gặp được ngài An Thế Cao, thì cũng đồng như gặp được bậc thánh nhân.
Theo ngài Đạo An thì ngài An Thế Cao liên tiếp dịch kinh điển trong hai mươi hai năm, từ đời Hán Hoàn Đế (148) đến đời Hán Linh Đế (169). Ngoài ra, trong các bài tựa về kinh Đại Thập Nhị Môn, Đạo Địa, v.v... các vị cao tăng đương thời đồng xưng tán công đức của ngài An Thế Cao.
Nghiêm Phật Điều đã từng viết: "Phàm nơi xuất nhập của ngài An Thế Cao, hoặc dùng miệng mà giải thích, hoặc dùng văn tự mà truyền".
Dùng miệng giải thích tức là Ngài thường diễn giảng kinh điển. Dùng văn tự mà truyền tức là Ngài phiên dịch kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Tàu.
Xưa kia, Phật giáo đã truyền vào Đông Độ rất sớm. Dân gian cũng đã biết phụng tín Phật pháp. Lại nữa, cũng có rất nhiều vị tăng từ Tây Vực sang phiên dịch kinh điển, nhưng phần nhiều không đề rõ tên kinh, thậm chí danh tánh của người dịch cũng không có. Mãi cho đến thời Hán Minh Đế, triều đình mới chính thức thừa nhận sự dịch kinh của hai tôn giả Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Song, bàn về lịch sử thì ngài An Thế Cao mới là vị phiên dịch kinh điển đầu tiên.
Hai trăm năm sau khi ngài An Thế Cao viên tịch, vào đời Đông Tấn, ngài Đạo An (312 385) soạn viết mục lục kinh điển. Người sau y theo đó mà viết ra quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', phân đoạn và ghi chép lại tên của các nhà dịch giả thời xưa. Y cứ theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' thì ngài An Thế Cao phiên dịch được ba mươi bốn bộ, và bốn mươi quyển kinh như sau: Kinh An Ban Thủ Ý (1 quyển), Âm Trì Nhập (1 quyển), Bách Lục Thập Phẩm (1 quyển), Đại Thập Nhị Môn (1 quyển), Tiểu Thập Nhị Môn (1 quyển), Đại Đạo Địa (2 quyển), Nhân Bổn Dục Sanh (1 quyển), Đạo Ý Phát Hạnh (2 quyển), A Tỳ Đàm Ngũ Pháp (1 quyển), Thất Pháp (1 quyển), Ngũ Pháp (1 quyển), Thập Pháp (2 quyển), Phổ Pháp Nghĩa (1 quyển), Nghĩa Quyết Luật (1 quyển), Lậu Phần Bố (1 quyển), Tứ Đế (1 quyển), Thất Xứ Tam Quán (2 quyển), Cửu Hoành (1 quyển), Bát Chánh Đạo (1 quyển), Tạp Kinh Tứ Thập Tứ Thiên (2 quyển), Ngũ Thập Giáo Kế (2 quyển), Đại An Ban Thủ (1 quyển), Tư Duy (1 quyển), Thập Nhị Nhân Duyên (1 quyển), Ngũ Ấm Dụ (1 quyển), Chuyển Pháp Luân (1 quyển), Lưu Nhiếp (1 quyển), Thị Pháp Phi Pháp (1 quyển), Pháp Thọ Trần (1 quyển), Thập Tứ Ý (1 quyển), Bổn Tướng Y Chí (1 quyển), A Tỳ Đàm Cửu Thất Bá Kết (1 quyển), Thiền Hành Pháp Tưởng (1 quyển), Nan Đề Ca La Việt (1 quyển).
Nội dung của các kinh điển mà ngài An Thế Cao phiên dịch, đại lược chia làm hai phần: Thứ nhất là loại kinh thuộc về thiền quán, như kinh Đại An Ban Thủ Ý, Thiền Hành Hành Pháp Tưởng, v.v... Loại thứ hai là theo pháp số, như kinh Âm Trì Nhập, Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Pháp, Thập Nhị Nhân Duyên, v.v...
Kinh điển đại biểu thiền quán là kinh An Ban Thủ Ý. Nội dung của quyển kinh này có mười điểm: Sổ tức, tùy tưởng, chỉ, quán, hoàn, tịnh, tứ đế3.
1/ Sổ tức (ganana) là đếm hơi thở. 2/ Tùy tưởng (anugama) là tùy theo hơi thở ra vào mà tâm không tán loạn. 3/ Chỉ (sthana) là ngưng tâm suy nghĩ vọng động. 4/ Quán (upalaksana) là quán sát cảnh giới rõ ràng. 5/ Hoàn (vivartana) cũng gọi là chuyển, tức là phản tỉnh mà quán tâm, biết rõ nó không thật. 6/ Tịnh (parisuddhi) là tâm không có chỗ nương y, không khởi vọng tưởng. Cộng thêm tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo, thành mười điểm phát huệ. Kinh An Ban Thủ Ý được thành lập do mười điểm huệ này. Song, bộ kinh này nổi bật tại sáu điểm đầu. Nương vào sáu điểm này mà sau này đại sư Trí Giả (538 596) của tông Thiên Thai lập ra Lục Diệu Pháp Môn. Sáu loại này do sổ tức quán mà nhập vào; từ từ điều hòa sự hô hấp, và đếm hơi thở ra vào, để khiến tâm tập trung một nơi, tức tu tập pháp tịnh lự. Nhờ quán sát mà biết rõ đối tượng được quán. Nhờ quán tâm mà thật ngộ lý không, rồi đạt đến cảnh giới hoàn toàn không khởi vọng niệm. Sáu loại này tức là An Ban Thủ Ý. Trong kinh lại dùng: Tứ niệm xứẠ là sổ tức; tứ chánh cầnẠ là tùy tưởng; tứ như ý túcẠ là chỉ; ngũ cănẠ ngũ lựcẠ là quán; thất Bồ Đề phầnẠ là hoàn; bát chánh đạoẠ là tịnh. Trong đó thuyết tường tận về sổ tức. Hành trì sáu pháp này thì cũng có thể thành tựu như trong kinh Tam Thập Thất Phẩm có dạy. Kinh An Ban Thủ Ý thuyết tường tận về cách hành pháp của sáu việc này.
Kinh An Ban Thủ Ý, bộ kinh đại diện cho giáo lý Tiểu Thừa do ngài An Thế Cao dịch, được người Tàu tiếp nạp rất mau chóng. Đạo giáo dùng bộ kinh này mà lập ra pháp 'Thai Tức'.
Ý nghĩa của kinh An Ban Thủ Ý [^]
Đức Phật bảo:
- Ta nhờ hành pháp 'An Ban Thủ Ý' trong chín mươi ngày mà thân tâm được tự tại. Sau khi đã hành pháp An Ban Thủ Ý xong, thì nhiếp thu ý niệm được. An là thân. Ban là hơi thở. Thủ là đạo, là cấm, cũng gọi là không phạm giới. Cấm cũng gọi là hộ, tức là hộ hết tất cả giới mà không phạm. Ý tức là tâm ý, cũng là đạo.
An Ban tức là hơi thở ra vào, cũng là pháp hô hấp. Pháp hô hấp, tức Sổ Tức Quán, chính là nền tảng căn bản của việc tu đạo. Y theo pháp này thì có thể sanh đức tướng Như Lai. 'An Ban' y theo pháp hô hấp mà thành 'Thủ'. Tứ thiềnẠ y cứ nơi thân mà hoàn thành 'Định'. Pháp hô hấp có sáu giai đoạn: Sổ tức, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Người tu hành thiền quán, thường phải trải qua bốn gian đoạn thiền định. Ngài Đạo An chỉ rõ quán Sổ Tức cùng Tứ Thiền là những yếu điểm đặc sắc của 'An Ban'.
Sự tiếp nạp kinh 'An Ban Thủ Ý' vào nền văn hóa tư tưởng của người Tàu như sau: Con người vốn y theo trời đất dưỡng khí mà sống. Do đó, sanh mạng dựa trên việc còn mất của sự hô hấp. Hô hấp tức hơi thở, là cội gốc của sanh mạng, cũng là lực hoạt động của trời đất. Nếu nhận rõ khí hô hấp thường vận hành, thì con người có thể hòa cùng trời đất đồng thành một thể. Pháp này đồng với lý thuyết của Trang Tử. Từ xưa đến nay, thân người thường hít vào hơi mới, và thở ra hơi cũ.
Pháp Thai Tức của người Tàu do các đạo sĩ Đạo giáo phát minh. Trong các bộ kinh do ngài An Thế Cao dịch như kinh An Ban Thủ Ý và Âm Trì Nhập, thì pháp 'An Ban' bị các đạo sĩ lợi dụng tiếp nạp mà biến chế ra pháp 'Thai Tức'.
Sau này đại sư Trí Giả nương vào lục hạnh (sáu hạnh) của kinh An Ban Thủ Ý để lập ra 'Lục Diệu Pháp Môn'. Thật vậy, phần thứ tư của Thiên Thai Tiểu Chỉ Quán đều đàm luận về pháp hô hấp. Thiền sư Đạo Nguyên người Nhật, khi thuyết về pháp môn tọa thiền, cũng bàn về pháp hô hấp.
Do đó, về phương diện tư tưởng pháp thức tu hành, trải qua bao đời, kinh An Ban Thủ Ý ảnh hưởng rất lớn đối với người tu hành thiền quán.
Đại biểu cho kinh pháp số mà ngài An Thế Cao phiên dịch là kinh Âm Trì Nhập. Trong đó có: Năm ấmẠ, sáu thểẠ, mười hiện sắcẠ, sáu thứcẠ, tứ đếẠ, ba mươi bảy phẩm trợ đạoẠ, bốn sangẠ, ba cõiẠ.