Home > Học Phật Căn Bản > Thien-Thu-8-Kinh-Tang
Thiên Thứ 8: Kính Tăng
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có bốn phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Lợi ích do kính Tăng. Tội lổi do bất kính.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Phàm bàn về Tăng bảo, đấy là những bậc xuất thế uy nghi, giữ mình trì giới, phát tâm siêu thoát, xa lánh cuộc đời. Quan sang không động đậy lòng, thân thích không vương vấn niệm. Hoằng pháp để báo tứ ân, dưỡng đức để nuôi tam giới, siêu việt nhân thiên, quý hơn vàng ngọc. Như thế gọi là Tăng bảo. Bởi vậy, lợi ích Tăng bảo, không thể nói hết. Kinh dạy: “có vị nào, giữ giới hay phá giới, dù lớn hay nhỏ, đều phải tôn kính, không được xem thường. Vi phạm điều này, sẽ mang tội nặng”. Nếu chờ Tử Nha làm tướng, suốt nghìn năm cũng chẳng gặp Tử Nha; nếu đợi La Thập làm thầy, hết muôn kiếp cũng không thấy La Thập. Đừng thấy một vị Tăng làm bậy, liền bắt tội Đức Phật, gặp một nhà phá giới, liền coi rẻ Pháp bảo. Có thể vì đạo bỏ người, vì người ấy không bằng đạo. Không thể vì người phá đạo, bởi đạo là thầy của người. Thế nên, đức Phật Thích Ca đúng là Phật bảo. Lời vàng thuyết pháp, chỉ dạy diệu quả, đúng là pháp bảo. Sa môn chứng quả, đúng là Tăng bảo. Một lần đảnh lễ chiêm quan, đủ khiến tiêu trừ muôn tội; một câu xưng dương tán thán, đủ khiến hóa giải nghìn tai. Hiềm vì chúng sinh phúc mỏng, không gặp được Đức Phật, chỉ trông vào di tích, thừa hưởng di ngôn. Vàng, đồng, trầm, nhiễu, tạo nên hình tượng, gọi là Phật bảo. Giấy, vải, lụa, tre, ghi chép lời huyền, gọi là Pháp bảo. Gọt tóc nâu sồng, ca sa bình bát, gọi là Tăng bảo. Ba phẩm quý ấy, hình thức tuy giả, nhưng biểu hiện thật tướng. Nếu biết kính trọng, sẽ thoát khỏi trầm luân; cố ý xem thường, sẽ chịu khổ sở. Như tượng gỗ chẳng phải là mẹ, chân thành lễ bái, sẽ hưởng phước nghìn năm, thân phàm chưa phải Thánh Tăng, chí tâm cung kính, sẽ siêu thăng vạn kiếp. Cho hay, phong

trào đã nổi, xa gần đều đã tuân theo. Nhiệm mầu cứu độ chúng sinh, uy linh không thể lường hết. Kẻ nào thiếu xót, mắc tội càng nhiều. Khi đã xuất gia, đương nhiên chừa bỏ thói xấu. Như triều Tống u mê, tin tưởng tà thuyết, khủng bố dân lành, đạo đời đều sợ. Sau đó giác ngộ, hối hận đã chuốc oán thù, bèn mở lòng kính cẩn thờ phụng. Nước Tống ở vùng Kinh Sở nhỏ nhoi, núi sông cách trở, làm sao có thể sánh nổi Trung Quốc, lớn lao, văn hiến rực rỡ, thờ phụng trang nghiêm? Hơn nữa, kinh Lễ nói: “Kẻ mang giáp trụ võ quan, nếu không cúi bái là thất lễ”. Điều này chẳng giống với bậc xuất gia đã mang sẳn trên mình giáp trụ nhẫn nhục. Nếu phải bái lạy người phàm, hẳn nhiên không thể chấp nhận. Tam bảo vốn đã như nhau, cần phải kính trọng tất cả. Không thể kính riêng Phật, Pháp, bỏ phế Tăng ni. Bởi pháp không thể tự hoằng dương, cần thiết phải do người. Chỉ có người mới hoằng dương được Pháp, nên phải kính trọng như nhau.

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Phạm Võng nói: “Kẻ xuất gia không được bái lạy nhà vua, cha mẹ, anh em, bà con, cũng như kính lạy quỷ thần”.

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “Kẻ xuất gia không bái lạy người thế gian”,

Lại nữa, Luật Tứ Phần nói: “Đức Phật sai các vị Tỳ kheo lần lượt bái lạy nhau, nhưng không được bái lạy tất cả mọi người thế gian”.

Lại nữa, kinh Phật bản hạnh nói: “Vua Du đầu đàn cùng quần thần thân thích lần lượt bái lạy đức Phật. Xong xuôi, đức Phật bảo rằng: “bây giờ, nên lễ bái các Tỳ kheo như Ưu ba ly”. Theo lời đức Phật, nhà vua liền đứng dậy, lần lượt đảnh lễ năm trăm vị Tỳ kheo”.

Lại nữa, kinh Tát già ni kiền nói: “Kẻ nào phỉ báng giáo pháp của các vị Thanh văn, Phật Bích chi và chánh pháp đại thừa, cũng như chê bai, cản trở, đều phạm tội căn bản”.

Lại nữa, luận Thuận chánh lý nói: “Chư Thiên đừng nên trông mong các vị thọ ngũ giới lễ bái, các quần vương cũng đừng trông mong các vị Tỳ kheo lễ bái, vì sẽ bị tổn hại công đức và tuổi thọ”.

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “ Đức Phật bảo Ca diếp: “Nếu có người thành lập, hộ trì chánh pháp, phải tuân hành và hy sinh tánh mạng cho họ giống như đối với ta”. Vì vậy, kinh Đại thừa có kệ nói rằng:

“Có người lo pháp vụ, Dù lớn hay dù nhỏ

Cần phải biết phụng sự.

Cung kính và lễ bái Như phụng sự lửa đỏ. Các vị Bà la môn

Biết lo toan pháp vụ,

Dù lớn hay dù nhỏ, Cũng phải biết phụng sự. Cung kính và lễ bái, Cũng giống như chư Thiên Phụng sự Trời Đế Thích”.

Bấy giờ, Ca diếp bạch đức Phật rằng: “Nếu có vị tôn túc giữ gìn giới luật đến tham vấn kẻ thiếu niên những điều chưa biết, tôn túc phải hành lễ thiếu niên chăng? Nếu thế, không còn là người giữ đúng giới luật. Nếu có kẻ thiếu niên giữ gìn giới luật, đến tham vấn vị tôn túc phá giới những điều chưa biết. Thiếu niên phải hành lễ vị tôn túc chăng? Lại có kẻ xuất gia đến tham vấn người tại gia những điều chưa biết, người xuất gia cần phải hành lễ người tại gia chăng?” “Đúng là người xuất gia không cần phải hành lễ người tại gia. Đúng theo Phật pháp, kẻ thiếu niên cần phải hành lễ bậc tôn túc, vì vị này đã thọ giới cụ túc và thành tựu uy nghi sớm hơn, nên kẻ thiếu niên phải tỏ lòng tôn kính và cúng dường”.

Lại nữa, kinh Trung A Hàm nói: “Làm sao biết được người nào hơn? Các vị Tỳ kheo biết có hai hạng người: Người có đức tin và người không có đức tin. Nếu người có đức tin hơn thì người không có đức tin không bằng được. Người có đức tin lại có hai hạng: Người thường đến tham kiến các vị Tỳ kheo và người không đến tham kiến các vị Tỳ kheo. Nếu người thường đến tham kiến các vị Tỳ kheo hơn thì người không đến tham kiến các vị Tỳ kheo không bằng được. Người thường đến tham kiến các vị Tỳ kheo lại có hai hạng: Người biết lễ kính các vị Tỳ kheo và người không biết lễ kính các vị Tỳ kheo. Nếu người biết lễ kính các vị Tỳ kheo hơn thì người không biết lễ kính các vị Tỳ kheo không bằng được. Người biết lễ kính các vị Tỳ kheo lại có hai hạng: Người hỏi kinh và người không hỏi kinh. Nếu người hỏi kinh hơn thì người không hỏi kinh không bằng được”.

Lại nữa, kinh Cựu tạp thí dụ nói: “Ngày xưa, có nhà vua mỗi lần du hành, gặp vị Sa môn, liền bước xuống xe hành lễ. Vị Sa môn bảo: “Xin Đại vương dừng lại, đừng bước xuống xe”. Nhà vua đáp rằng: “Ta bước lên chứ không bước xuống. Bởi vì hôm nay ta bước xuống hành lễ ngài, sau này khi mạng chung ta sẽ được sinh lên Thiên giới. Do đó, ta mới nói bước lên chứ không bước xuống”.

Lại nữa, luật Thiện kiến nói: “Vua Du đầu đàn na đảnh lễ đức Phật xong, liền bạch rằng: “Tính đến nay ta đã ba lần đảnh lễ dưới chân đức Như lai. Lần thứ nhất, khi ngài vừa giáng sinh, di mẫu nói, nếu ngài ở thế gian, sẽ làm bậc Chuyển luân vương, nếu ngài xuất gia học đạo, chắc chắn sẽ thành Phật. Lập tức mặt đất rung chuyển mạnh. Ta thấy được thần lực, bèn đảnh lễ. Lần thứ hai, ta du hành xem nông dân làm ruộng. Gặp Bồ tát đang ngồi dưới gốc cây diêm phù. Bấy giờ Trời đã về chiều, bóng cây dừng lại che nắng cho Bồ tát, không chịu nghiêng mình. Ta thấy được thần lực, liền đảnh lễ. Lần thứ ba, hôm nay cung nghinh đức Phật về nước, ngài phóng mình lên không trung thị hiện mười tám phép biến hóa để hàng phục các ngoại đạo. Vì thế, ta liền đảnh lễ”.

Lại nữa, kinh Trung A hàm nói: “Bấy giờ, đức Thế tôn bảo các Tỳ kheo: “Vào thời quá khứ, Trời Đế thích muốn vào vườn tham quan, liền sai người đánh xe chuẩn bị xe nghìn ngựa. Xong xuôi, liền bước xuống điện Thường thắng, chắp tay hướng về phía Đông đảnh lễ đức Phật. Người đánh xe thấy thế, giật mình kinh hãi, đến nỗi đánh rơi roi ngựa xuống đất. Trời Đế thích trông thấy, bèn nói kệ rằng:

“Kỳ quái! Sợ đến nỗi

Roi ngựa rơi xuống đất!” Người đánh xe ngựa nói kệ bẩm cùng Đế thích:

“Sở dĩ sinh kinh hãi,

Roi ngựa rơi xuống đất,

Vì thấy Trời Đế thích,

Phu quân của Xá chí,

Là Vua Trời Đế thích,

Tất cả các thế giới,

Trời, người, vua lớn nhỏ,

Cùng bốn vị Thiên vương, Chư Thiên Tam Thập Tam,

Tất cả đều đảnh lễ. Từ đâu còn có bậc

Tôn quý hơn Đế thích, Đến nỗi hướng về đông,

Chắp tay kính đảnh lễ?” Bấy giờ, Trời Đế thích nói kệ đáp lại:

“Ta là vua trên hết,

Của các vua lớn nhỏ,

Kể cả bốn Thiên vương Cùng Trời Tam Thập Tam.

Thế nên tất cả đều

Cung kính đảnh lễ ta. Tuy nhiên còn có bậc

Thế gian Đẳng Chánh Giác

Gọi là Đại đạo sư

Nên ta phải đảnh lễ”.

Người đánh xe lại bạch kệ rằng:

“Đây là bậc tuyệt thế

Khiến cho Trời Đế thích Phải cung kính chắp tay Hướng phía Đông đảnh lễ. Tôi nay cũng đảnh lễ Bậc Đế thích đảnh lễ”.

Đức Phật bảo các vị Tỳ kheo: “Trời Đế thích ấy là vị vua tự tại, còn biết cung kính đức Phật. Các ông là Tỳ kheo xuất gia học đạo, cũng phải biết cung kính đức Phật như thế. Trời Đế thích ấy là phu quân của Xá chi, còn biết cung kính, tán thán và lễ bái Pháp, Tăng. Các ông đã biết tin tưởng xuất gia học đạo, cũng cần phải biết tán thán, lễ bái Pháp, Tăng như thế”.

Bấy giờ, Trời Đế thích từ điện Thường thắng bước xuống giữa sân, hướng về các phương, chắp tay cung kính. Người đánh xe thấy thế, vô cùng kinh hãi, bất giác lại đánh rơi roi ngựa xuống đất, bật miệng nói kệ rằng:

“ Vì sao Kiều thi ca Kính trọng kẻ không nhà?

Xin hãy giải thích rõ,

Rất khao khát muốn nghe”.

Trời Đế thích bèn nói kệ: “Ta cung kính bậc ấy, Vốn là kẻ không nhà.

Tự tại khắp mười phương Không cần nơi dừng nghỉ. Thành trì hay lãnh thổ,

Không vướng bận trong lòng.

Không để dành tiền của.

Chân đi không định hướng, Chân đi chẳng mong cầu.

Thanh tịnh là niềm vui.

Chỉ nói lời hiền thiện.

Không nói thì nhập định. Chư Thiên, A tu la

Tất cả đều lầm lổi. Thế gian tranh cãi nhau, Lầm lổi cũng như thế. Chỉ có bậc xuất gia Im lặng khi tranh cãi.

Đối với mọi chúng sinh Dẹp bỏ hết dao kiếm, Xa lìa cả tài sắc. Không say sưa trụy lạc, Bỏ xa mọi thói xấu.

Vì thế phải kính lễ.”

Bấy giờ, người đánh xe lại nói kệ rằng: “Vị chư Thiên kính lễ, Đúng là bậc tuyệt thế. Nên tôi từ hôm nay, Kính lễ bậc xuất gia”.

Lại nữa, kinh Phổ đạt vương nói: “Bấy giờ, có vị Quốc vương nước Phù Diên tên là Phổ Đạt, cai trị các tiểu quốc, được lân bang khắp bốn phương triều cống. Nhà vua thân hành thờ phụng Phật pháp rất tinh thành, nuôi từ tâm thương xót dân đen chưa biết Tam bảo. Thường trai giới lên đền cao thắp nhang, dập đầu hành lễ. Thấy thế, thần dân trong nước đều lấy làm lạ, cùng nhau bàn tán rằng: “Đức vua là bậc chí tôn, xa gần đều thần phục vâng theo, cớ sao lại hủy bỏ uy nghi, dập đầu xuống đất?” Quần thần thảo luận hoài, muốn can gián nhưng không dám. Nhà vua ra lệnh sửa soạn xa giá rồi cùng mấy nghìn thần dân rời cung lên đường. Chưa xa, bỗng gặp một vị đạo nhân, nhà vua xuống xe, cho tùy tùng dừng lại, dập đầu sát đất hành lễ đạo nhân và cúng dường cơm nước. Chuyến đi chỉ đến đó. Quần thần can gián rằng: “Đại vương là bậc chí tôn, không thể dập đầu hành lễ một đạo nhân đói khát đi khất thực bên đường. Quý nhất trên đời, chỉ có đầu. Hôm nay, đại vương là vua của một nước, không thể giống người thường.” Nhà vua không trả lời, chỉ sai đi kiếm đầu người chết và đầu bò, ngựa, heo, dê. Quần thần lục tìm khắp nơi suốt ngày mới đủ số, bèn tâu rằng: “Vâng mệnh tìm kiếm đầu người chết và đầu lục súc đã đủ số.” Nhà vua phán: “Đem ra chợ bán”. Quần thần sai người đem bán. Đầu lục súc đều bán hết, chỉ còn đầu người không bán được. Nhà vua phán: “Mắc rẻ cũng bán, nếu không, đem cho hành khất.” Suốt mấy ngày cũng không bán được, cho hành khất cũng không ai lấy. Đầu sình lớn, hôi hám không chịu nổi nhà vua giận dữ bảo quần thần: “Các khanh trước đây can gián rằng đầu người quý nhất, không thể hạ nhục, dập xuống sát đất hành lễ đạo nhân. Nay sai bán đầu lục súc đều được. Tại sao hành khất không nhận đầu người?” Lập tức, nhà vua truyền lệnh bày xa giá đi ra khỏi thành, đến chổ đồng không, sẽ có chuyện muốn hỏi. Tất cả quần thần đều sợ hãi. Đến nơi, nhà vua hỏi quần thần: “Các khanh còn nhớ dưới triều tiên vương ta có chú bé cầm lọng đứng hầu chăng?” Quần thần tâu: “Bẩm, còn nhớ rõ”. Nhà vua hỏi: “Hiện nay chú bé ở đâu?” Thưa rằng: “Đã mất mười bảy năm rồi”. Nhà vua hỏi: “Chú bé ấy là người thế nào?” Thưa rằng: “Bọn thần thấy thường hầu hạ tiên vương, trai giới sạch sẽ, trung thành cẩn thận, nói năng lễ phép”. Nhà vua hỏi: “Nay thấy chiếc áo của chú bé ấy, các khanh còn nhận ra chăng?” Thưa rằng: “Tuy đã lâu ngày, nhưng vẫn nhận ra được.” Nhà vua bảo nội thị mau quay về kho lấy chiếc áo của chú bé mang đến. Giây lát, áo được đưa lại. Nhà vua hỏi: “Phải đây chăng?” Thưa rằng: “Chính là chiếc áo này”. Nhà vua hỏi tiếp: “Nay nếu thấy người chú bé, có thể nhận ra chăng?” Quần thần im lặng một hồi rồi thưa rằng: “Bọn thần ngu tối, sợ không nhận ra”. Nhà vua toan nói rõ ngọn nguồn, chợt đạo nhân hôm trước đi đến. Nhà vua hết sức vui mừng, dập đầu xuống đất hành lễ. Quần thần đều rất hân hoan, mời đạo nhân ngồi. Nhà vua chắp tay cáo bạch, vì mối tiền duyên, hôm nay mới đưa quần thần đến đây nói rõ. Nguyện xin đạo nhân giải tỏa mê mờ, chỉ dạy chân lý giúp cho thần dân trong nước. Đạo nhân liền giải thích tiền thân của nhà vua vốn là chú bé trước đây cầm lọng theo hầu tiên vương. Thường trai giới tinh thành, không sơ suất nên sau khi mệnh chung, được sinh hạ làm con của tiên vương. Ngày nay sang quý tột bực, đều nhờ công đức của kiếp trước. Quần thần lớn nhỏ cùng bảo rằng: “Chúng tôi may mắn được gặp gỡ đạo nhân, nguyện xin ngài mở lượng Từ bi thâu nhận làm đệ tử”. Đạo nhân bảo: “Thầy của ta gọi là đức Phật, có đủ mọi tướng tốt, siêu việt, cả tam giới truyền dạy chân lý giải thoát, ở cách đây khoảng 6 nghìn dặm”. Nhấp nháy, đạo nhân phi hành đến nước Xá vệ, bạch cùng đức Phật, xin ngài mở rộng từ tâm chỉ dạy chân đế cho vua tôi nước Phù diên. Đức Phật hoan hỷ nhận lời. Sáng mai, ngài đến nước ấy, thuyết pháp cho Quốc vương và triều thần rằng: “Đại chúng muốn biết ngọn nguồn của Quốc vương Phổ Đạt và đạo nhân chăng?” A nan bạch rằng: “Tôi xin nghe”. Đức Phật bảo: “Ngày xưa, vào thời đức Phật Ma ha văn xuất thế, Quốc vương đây là con nhà quý tộc. Phụ thân muốn cúng dường Tam bảo, sai con mình chuyền hương. Bấy giờ, có một kẻ hầu bị người con ấy khinh thường không giao cho bình hương. Vì nghiệp ác ấy, người con phải chịu quả báo, tạm làm kẻ hầu, nhưng vẫn phụng thờ chánh pháp rất tinh tiến nên nay được làm vua. Đạo nhân chính là kẻ hầu kia, đương thời, tuy không được nhận bình hương, nhưng trong lòng không nuôi chút oán hận, phát nguyện rằng: “Nếu ta đắc đạo, sẽ độ người này”. Nhờ duyên lành ấy, nên nay đến cứu độ Quốc vương và mọi thần dân. Nhà vua nghe đức Phật thuyết pháp đầy đủ ngọn ngành, bỗng nhiên giác ngộ, chứng quả Tu đà hoàn, nhân dân trong nước nghe kinh, phát nguyện đều giữ gìn ngũ giới và thực hành thập thiện.

Lại nữa, kinh A dục vương nói: “Ngày xưa, vua A thứ già gặp một chú Sa di mới bảy tuổi bên tấm bình phong, liền cúi đầu đảnh lễ và dặn rằng: “Đừng nói cho ai biết ta đảnh lễ Sa di”. Thấy trước mặt có bình đựng nước tắm, Sa di liền bò vào trong rồi chui ra và bảo nhà vua: “Xin đại vướng chớ nói cho ai hay Sa di tôi đã bò vào bình rồi lại chui ra!” Nhà vua lập tức trả lời: “Ta sẽ nói cho mọi người hay, không thể giấu được”. Vì thế, các kinh đều nói rằng: “Sa di dù nhỏ, không thể khinh dễ. Hoàng tử dù nhỏ, không thể xem thường. Bởi vì Sa di tuy nhỏ, có thể độ người, hoàng tử tuy nhỏ, có thể giết người. Rồng con tuy nhỏ có thể làm mây, tạo ra gió mưa sấm sét. Thế nên dù gặp chuyện nhỏ, chớ nên xem thường”.

Lại nữa, Kinh Phó pháp tạng nói: “Ngày xưa sau khi đức Phật nhập diệt khoảng một trăm năm, có vua A dục kính tin Tam bảo, thường tổ chức pháp hội Bát già vu sắt. Đến ngày đại hội, nhà vua tắm nước trầm hương, thay áo quần mới, lên lầu cao đảnh lễ khắp bốn phương, mời hai mươi vạn chư Thánh Tăng chúng bay về tham dự. Không phân biệt Thánh phàm, lớn nhỏ, nhà vua đều kính cẩn hỏi thăm và đảnh lễ. Bấy giờ có vị quan tên là Dạ xa, tà kiến bồng bột, không biết kính tín. Thấy nhà vua bái lạy, liền tâu rằng: “Đức vua thật thiếu sáng suốt, hạ thấp tôn quý đảnh lễ trẻ con”. Nghe xong, nhà vua ra lệnh đình thần mỗi người phải kiếm ra một đầu muông thú, riêng Dạ xa, phải kiếm ra một đầu người rồi đem ra chợ bán. Đầu muông thú các loại đều bán được. Đầu người của Dạ xa bị chê bai, không có ai mua. Qua mấy hôm, đầu ấy sình lên và rất hôi hám. Mọi người trông thấy đều mắng nhiếc rằng: “Nhà ngươi chẳng phải là bọn Chiên đà la, Dạ xoa hay La sát, tại sao lại đem bán đầu người?” Bị mắng nhiếc, Dạ xa tâu cùng nhà vua rằng: “Tôi vâng lệnh đi bán đầu người. Bị dân chúng mắng nhiếc, không ai muốn nhìn thấy, làm sao có người mua?” Nhà vua phán: “Nếu không có người mua, hãy đem cho không.” Dạ xa vâng lệnh, đem đầu ra chợ rao lên: “không có tiền mua, nay sẽ cho không”. Mọi người nghe xong, càng mắng nhiếc thậm tệ, không ai thèm xin. Dạ xa vô cùng xấu hổ, trở về chắp tay tâu lên: “Đầu này thật khó bán, cho cũng không lấy, còn bị mắng nhiếc, làm sao có kẻ mua!” nhà vua hỏi Dạ xa: “Vật gì quý nhất?” Dạ xa buột miệng đáp: “Đầu người quý nhất”. Nhà vua phán: “Nếu quý sao chẳng ai mua?” Dạ xa thưa rằng: “Đầu người sống mới quý, đầu người chết bị coi rẻ”. Nhà vua gặng hỏi: “Đầu ta, nếu chết, cũng bị coi rẻ như thế chăng?” Dạ xa run rẩy sợ hãi, không dám trả lời. Nhà vua phán: “Nhà ngươi đừng sợ, cứ nói sự thật”. Dạ xa cúi đầu lập cập trả lời: “Đầu của nhà vua, nếu chết đi, cũng sẽ như thế”. Bấy giờ, nhà vua ôn tồn phán: “Đầu ta, sau khi chết đi, cũng sẽ bị coi rẻ như thế. Tại sao khanh trách ta cúi đầu kính lễ chư Tăng? Nếu khanh đúng là bạn tốt của ta, khanh nên khuyên ta đem cái đầu mỏng mảnh này đổi lấy cái đầu kiên cường. Cớ sao khanh lại cản trở ta hành lễ chư Tăng?” Dạ xa nghe mấy lời ấy của nhà vua, liền hết sức ăn năn, đổi lòng quy y Tam Bảo. Nhờ duyên lành này, mọi người nghe đến tên Tam bảo. Liền cảm thấy hiện hiển trước mắt, phát thành tâm cung kính đảnh lễ”.

Lại nữa, Luật Tứ phần nói: “La hán Tân đầu lô nguyên là thần tử của Quốc vương Ưu điền. Nhờ tinh thành khổ hạnh, được nhà vua cho phép xuất gia, chứng quả A la hán. Sau đó, nhà vua thường đến lễ bái ngài trong ngôi chùa ở cách kinh thành hai mươi dặm. Bọn nịnh thần thấy ngài không đứng dậy nghinh đón nhà vua, đem ác tâm can gián. Nhà vua nghe lời, nổi giận muốn giết ngài. Lần sau, thấy nhà vua vừa bước vào cửa, Ngài liền rời khỏi thiền sàng, đi bảy bước đón chào. Nhà vua tức giận, hỏi: “trước đây đại đức không hề nhúc nhích, tại sao hôm nay rời chổ đón ta?” Ngài ung dung đáp lời: “Bệ hạ trước đây với thiện tâm, nên bần Tăng không đứng lên nghinh đón. Hôm nay bệ hạ đến với ác tâm, nếu bần Tăng không đứng lên cung nghinh, bệ hạ sẽ giết chết mất!” nhà vua hối hận thưa rằng: Hay thay! Đệ tử ngu si. Nghe lời bọn gian nịnh, không phân biệt được Thánh phàm. Do đó, nhà vua hết sức ăn năn lổi lầm. Tuy không sa vào địa ngục, nhưng mắc phải lời ngài nói đứng lên nghinh đón, bảy ngày sau, nhà vua bị mất ngôi báu, vì lân bang kéo sang đánh, bắt được, nhà vua phải chịu cảnh cùm chân tù tội suốt mười hai năm”.

Thuật rằng:

Theo ý nghĩa trên, cần phải thận trọng, không được ngã mạn, bởi sau sẽ chịu quả báo. Thường thấy người đời, hơi có chức tước, liền sinh cao ngạo, mắng nhiếc Tăng ni, nhục mạ đủ thứ. Hoặc đứng giữa công đường, hoặc ngồi trên ghế lớn, bắt người khiêng vác, vô cớ đánh đòn. Phá hoại đạo đức, nuôi dưỡng thói xấu, ai hơn hạng này? Thật là quá quắc! Xử phạm phép nước, phải đủ chứng lý, khiến thân chịu phạt, tâm biết xấu hổ, dầu đạo hay đời, vẫn còn làm người, ở trong tam giới, chưa chứng quả Thánh, mấy ai không lổi?

Có kẻ xuất gia, không giữ đạo hạnh, đầu cạo sạch tóc, thân đắp cà sa, thấy vẻ hiền từ, chúng sinh cung kính. Những Tăng ni ấy, cũng hay đăng đàn, thuyết pháp đủ thứ, hóa độ chúng sinh. Đại chúng nghe theo, giữ gìn lục độ, lần lượt thay đổi, tu tập nghiệp lành. Sau đó vãng sinh được về thiên giới. Trải qua nhiều kiếp, chứng được quả Thánh, lần lượt hóa độ, vô biên vô số, giống một đèn nhen, trăm nghìn đèn sáng, chiếu diệu bất tận. Xét công đức ấy, vô lượng vô biên, do kẻ phá giới, thuyết pháp mà thành. Dẫu được như thế, nhưng vẫn phải tránh, vì chỉ trăm nghìn vạn kẻ xuất gia, nhưng bản thân chẳng tạo được mảy may công đức, trái lại tiếng xấu càng nhiều, vang lừng bốn biển. Mai sau sẽ đọa muôn kiếp, chịu đủ tai ương. Thế nên kinh nói: “Chỉ một niệm xấu, đủ mở năm cửa chẳng lành, như sau đây sẽ nói đầy đủ.

Lại nữa, kinh Tạp bảo tạng nói: “Quốc vương nước Nguyệt chi tên Thiên đàn kế ni tra nghe tiếng Tôn giả A la hán của nước Kế tân là Kỳ dạ đa, muốn sang tham kiến, liền cùng quần thần lên đường. Đi nữa chừng, nhà vua suy nghĩ: “Nay ta làm vua cả thiên hạ, mọi người đều kính phục. Nếu không có đức lớn, không thể tự do đi hành lễ cúng dường thế này được”. Nhà vua tiếp tục cuộc hành hương. Nước Kế tân có người biết được tin ấy, đến báo cùng Tôn giả rằng: “Quốc vương Nguyệt chi cùng quần thần đến tham kiến. Xin Tôn giả sửa soạn pháp phục ra nghinh đó”. Tôn giả đáp: “Ta nghe đức Phật dạy, kẻ xuất gia được đạo đời kính trọng, chỉ chăm lo trau dồi đức hạnh, cần gì phải sửa soạn pháp phục đón chào?” Tôn giả vẫn điềm nhiên ngồi tịnh tọa, không ra. Quốc vương Nguyệt chi vào tận chổ tham kiến, thấy uy dức của Tôn giả, càng sinh lòng kính tin, bước đến hành lễ rồi đứng lùi một bên. Bấy giờ, Tôn giả muốn khạc nhổ, nhà vua bước ra, nâng ống nhổ lên. Tôn giả nói: “Bần đạo hôm nay chưa tạo được công đức gì cho nhà vua. Sao nhà vua chịu hạ thấp long thể đến thế?” Quốc vương nghe nói, vô cùng hổ thẹn. Tôn giả suy nghĩ, ta vừa động niệm, nhà vua đã hay. Nếu không có Thánh đức, tâm cơ làm sao minh mẫn đến thế, bèn thuyết pháp rằng: “Nhà vua đến bằng đường lành, khi về cũng sẽ như vậy”. Nhà vua nghe xong, liền bái từ trở về nước. Đi nữa đường, quần thần oán than rằng: “Bọn thần tháp tùng đại vương đến nước xa xôi ấy, rốt cuộc chẳng nghe được chút gì, phải trở về không”. Nhà vua bảo: “Tôn giả đã thuyết pháp cho ta, khi đến bằng đường lành khi về cũng sẽ như vậy. Các khanh chẳng hiểu gì sao? Do kiếp xưa ta đã giữ giới, bố thí nhiều công đức để gieo mầm vương giả, nay mới hưởng được ngôi báu. Ta lại tiếp tục tu nhân tích đức, kiếp sau chắc chắn sẽ hưởng phúc. Vì Thế Tôn giả dạy ta rằng đến bằng đường lành, khi về cũng sẽ như vậy”. Quần thần nghe xong, cúi đầu tạ lổi: “Bọn thần ngu mê, đã hiểu sai lạc. Đại vương là bậc Thánh trí, thể hội mọi lẽ huyền vi. Nhờ trông cội phúc nên hưởng được ngôi báu”. Nói xong, quần thần bèn vui vẻ trở về nước.”

Lại nữa, Luật Thập tụng nói: “ Bấy giờ, đức Thế tôn nói về nhân duyên tiền kiếp, bảo các Tỳ kheo rằng, vào thời quá khứ, gần dưới chân núi Tuyết sơn, có ba con thú sống chung là chim cưu, khỉ đột và voi. Cả ba con quen tính coi thường, không biết nể nang nhau, bỗng nhiên nghĩ ra: “Tại sao bọn ta không biết tôn trọng nhau? Nếu ai sinh trước, phải nuôi nấng, yêu quý và dạy dỗ bọn ta”. Do đó, chim cưu và khỉ đột cùng hỏi voi: “Nhà ngươi có nhớ được chuyện gì trước đây chăng?” Nhân chổ ấy có cây tất bát to lớn, voi liền trả lời: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi qua đây, cây nầy nằm trọn dưới bụng ta”. Voi và chim cưu cùng hỏi khỉ đột: “Nhà ngươi nhớ được chuyện gì?” Khỉ đột trả lời: “Ta nhớ hồi nhỏ ngồi xuống chụp ngọn cây này, kéo sát xuống mặt đất”. Voi bảo khỉ đột: “Như thế, nhà ngươi lớn tuổi hơn ta, ta phải kính nể. Hãy thuyết pháp cho ta”. Rồi voi cùng khỉ hỏi chim cưu: “Nhà ngươi nhớ ra chuyện gì?” Chim cưu đáp: “Chổ kia có cây tất bát rất lớn, ta ăn hột của nó, đại tiện xuống đấy, nên mới mọc lên cây lớn này. Ta nhớ như thế. Khỉ đột bảo chim cưu: “Nhà ngươi lớn tuổi hơn ta. Ta sẽ cúng dường nhà ngươi và nhà ngươi phải thuyết pháp cho ta”. Liền đó, voi kính trọng khỉ đột, xin đi theo thuyết pháp rồi giảng giải lại cho các voi khác nghe. Khỉ đột cung kính chim cưu, xin đi theo thuyết pháp và giảng giải lại cho các khỉ đột khác. Chim cưu cũng thuyết pháp cho các chim cưu khác (Theo luật Tứ phần, chim cưu cưỡi trên lưng khỉ đột, khỉ đột cưỡi trên lưng voi rồi đi thuyết pháp hóa độ khắp nơi). Ba con thú này trước đây thích giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nay cùng dạy nhau chừa bỏ lổi lầm, khi mệnh chung đều được sinh lên cõi Trời. Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Chim cưu đương thời chính là ta, khỉ đột là Xá lợi phất, còn voi là Mục liên”. Đức Phật bảo tiếp: “Loài cầm thú vô tri còn biết tôn trọng lẫn nhau, còn biết tự lợi lợi tha. Các ông là những người thành tín xuất gia, há chẳng cung kính lẫn nhau?” Rồi đức Phật nói kệ rằng:

“Nếu người chẳng kính Phật

Và đệ tử của Phật Đời này bị nhiếc mắng, Đời sau đọa đường Ác.

Nếu người biết biết kính Phật, Đời này được tán thán,

Đời sau lên thượng giới”.

Khi đã tán thán phép cung kính qua các nhân duyên ấy xong, đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Kể từ nay, ai thọ đại giới trước, dù sớm hơn một lát, người ấy được ngồi trước, được thọ lãnh nước uống và thức ăn trước”.

Thứ ba: PHẦN LỢI ÍCH DO KÍNH TĂNG

Như luận Thật tính nói: “Tam Bảo có sáu nghĩa cần phải tôn kính:

1 Là hiếm có, như báu vật của thế gian mà kẻ nghèo không thể có. Như thế chúng sinh bạc phước dù trải qua trăm nghìn vạn kiếp cũng không gặp được.

2 Là lìa xa dơ uế, giống như báu vật không có vết tì, tuyệt đối lìa xa phiền não.

3 Là thế lực, giống như báu vật trừ nghèo giải độc, có uy lực lớn lao, đầy đủ sáu phép thần thông vi diệu không thể nghĩ bàn.

4 Là trang nghiêm, giống như báu vật trang sức trên đầu mình, khiến cho toàn thân đẹp đẻ thanh tịnh.

5 Là tuyệt diệu, giống như báu vật quý giá nhất đời.

6 Là không biến đổi giống như vàng ròng, tôi luyện không hề đổi thay. Như thế, tam bảo không bị tám pháp của thế gian làm biến đổi. Hơn nữa, Tam bảo còn đủ sáu ý phải tôn kính:

1 Là Phật thường giáo hóa, pháp là thuốc hay, Tăng thường truyền thụ. Tam bảo đem lại lợi lạc cho ta. Để báo ơn sâu, ta phải tôn kính.

2 Đời mạt pháp hung ác, sự nghiệp hoằng pháp khó khăn, cần cầu xin Tam bảo gia hộ, nên phải tôn kính.

3 Làm cho chúng sinh phát tâm tin tưởng, phụng thờ, nên phải tôn kính.

4 Chỉ dạy Tăng ni nghi thức kính cẩn phụng thờ, nên phải tôn kính.

5 Khiến mọi chúng sinh hoan hỷ cúng dường để pháp được tồn tại lâu dài, nên phải tôn kính.

Biểu hiện tướng tốt lành nhất, nên phải tôn kính.

Vì thế, luận Thành thật nói: “Tam bảo tốt lành nhất, nên kinh điển thường tôn trí lên đầu”.

Thứ tư: PHẦN TỘI LỖI DO BẤT KÍNH

Như kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: “Thậm chí, tất cả mọi người phàm, không kể sang hèn, đều không được đánh đập nô tì, gia súc của Tam Bảo, không được thọ nhận lễ bái của nô tì tam bảo, nếu cố ý vi phạm, sẽ mang tội lổi”. Do đó, kinh Tát già ni kiền nói rằng: “Nếu phá hoại tháp, chùa hoặc lấy cắp đồ vật của Phật, hoặc bắt làm trò giúp vui, hoặc gặp Sa môn mặc pháp phục, dù giữ giới hay phá giới, nếu bắt giam giữ, đánh đập, trói buộc, bắt hoàn tục hay giết chết, đều phạm tội trọng căn bản, chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián.

Trong nước xảy ra tội này, các vị hiền Thánh sẽ bỏ ra đi, các thiên thần sẽ không hộ vệ nữa, các lãnh chúa sẽ xâu xé, nổi loạn khắp bốn phương. Hạn hán, lụt lội sẽ thất thường, gió mưa sẽ không đúng tiết. Nhân dân sẽ bị đói khát, trộm cướp sẽ tung hoành khắp nơi. Bệnh dịch sẽ gây ra chết chóc nhiều vô số. Dẫu thế, đã không biết do mình gây nên tội lổi, lại còn oán trách Trời cao!”

Lại nữa, kinh Nhân Vương nói: “Quốc vương và đại thần cậy Thế tôn quý, ra tay phá hoại chánh pháp của ta, đặt ra phép tắc khống chế đệ tử của ta, không cho xuất gia, không cho đúc tạc tượng Phật, đặt quan chức thâu tóm đất đai của Tăng ni, đưa các cư sĩ ngồi trên Tăng Ni! Hơn nữa, Quốc vương và đại thần còn ngang nhiên đặt ra thể chế không đúng với Phật pháp, nhằm phá hoại chư Tăng, đặt quan lại cai quản, kiểm soát chư Tăng, khống chế chư Tăng, khiến cho Phật pháp không được tồn tại lâu dài”.

Lại nữa, kinh Đại tập nói: “Đức Phật bảo, mọi chúng sinh hiện tại và mai sau cần tin tưởng sâu sắc Tam bảo, vì sẽ được thọ hưởng phước báo tốt đẹp nhất trong cõi Trời người. Tương lai không xa, sẽ được nhập vào cõi Niết bàn. Thậm chí cúng dường một người xuất gia theo ta, hoặc cắt tóc cạo râu, mặc áo cà sa xuất gia theo ta, nhưng không thọ giới, cũng sẽ được hưởng phước báo, thậm chí cũng sẽ được nhập vào cõi Niết bàn. Vì thế, ta mới nói rằng, nếu có người xuất gia theo ta, dù không giữ giới, nhưng đã cắt tóc cạo râu, mặc áo cà sa, nếu vô cớ làm hại, hành hạ người này, chính là phá hoại pháp thân và báo thân của chư Phật ba đời, thậm chí làm Tăng trưởng dẫy đầy ba đường ác. Đức Phật nói rõ, nếu có người xuất gia theo ta, cắt tóc cạo râu, mặc áo cà sa, dù không giữ giới, người ấy cũng đã được ấn chứng Niết bàn rồi. Nếu có kẻ vô cớ phá hoại nhục mạ, chê bai, dùng dao gậy trói đánh, chém giết, hoặc đoạt y bát hay đồ ăn thức uống của người này, kẻ ấy phá hoại pháp thân và báo thân của chư Phật ba đời, đã chọc mắt của tất cả chư Thiên, làm mai một mầm mống chánh pháp Tam bảo của chư Phật, khiến tất cả Trời người đều không được lợi ích, bị đọa vào địa ngục và làm Tăng trưởng dẫy đầy ba đường ác.

Bấy giờ, vua của thế giới Ta bà là Đại phạm Thiên vương bạch đức Phật rằng: “Có người xuất gia theo đức Phật, cắt tóc cạo râu, mặc áo cà sa, hoặc không thọ giới, hoặc phá giới, nếu nhà vua phá hoại, nhục mạ, trói đánh, sẽ chịu bao nhiêu tội?” Đức Phật bảo: “Đại phạm! Bây giờ ta sẽ nói sơ lược cho nghe. Nếu có kẻ đánh xuất huyết hàng vạn ức chư Phật, thử hỏi tội của kẻ ấy có nhiều chăng?” Đại phạm Thiên vương thưa rằng: “Nếu có kẻ chỉ đánh xuất huyết một đức Phật, sẽ mắc tội nhiều không thể tính nổi, sẽ bị đọa vào đại địa ngục vô gián, huống gì đánh xuất huyết hàng vạn ức chư Phật! Ngoại trừ đức Phật, không ai có thể nói rõ quả báo tội lổi của kẻ ấy. Đức Phật bảo: “Đại Phạm! Nếu có kẻ hành hạ, nhục mạ, trói đánh người xuất gia theo ta, cắt tóc cạo râu mặc áo cà sa dù không giữ giới hay phá giới, sẽ mắc tội nhiều hơn kẻ kia. Bởi vì người này có thể chỉ dẫn phép giải thoát cho cả chư Thiên, người này đã ở trong Tam bảo, có đức tin hơn tất cả chín mươi lăm hàng ngũ ngoại đạo. Người này có thể nhanh chóng nhập Niết bàn hơn cả mọi cư sĩ, trừ những tu sĩ tu phép nhẫn nhục. Do đó, tất cả Trời người đều phải đến cúng dường. Huống chi người đã giữ gìn đầy đủ giới cấm, ba nghiệp đều thanh tịnh? Mọi Quốc vương, đại thần, pháp quan thấy có người xuất gia theo ta, tạo các tội lớn như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, chỉ nên trục xuất khỏi nước, không cho phép ở chùa sinh hoạt cùng chư Tăng, không được đánh đập, nhục mạ, làm tội. Nếu cố ý vi phạm, sẽ không được giải thoát, sẽ bị đọa vào đường súc sinh thấp kém, xa hẳn mọi đường Trời người tốt lành và chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ. Huống chi đánh đập những người theo ta, giữ gìn đầy đủ giới luật?”

Lại nữa, kinh Thập luân nói: “Đức Phật bảo: “Các thân thích! Có bốn loại Tăng:

1 Là Tăng đệ nhất nghĩa, 2 Là Tăng thanh tịnh.

3 Là Tăng dê câm, 4 Là Tăng đáng xấu hổ.

Sao gọi là Tăng đệ nhất nghĩa? Chư Phật, Bồ tát, Bích chi và bốn loại Sa môn chứng quả. Tất cả 7 bậc này gọi là Tăng đệ nhất nghĩa. Các cư sĩ tại gia chứng Thánh quả cũng gọi là Tăng đệ nhất nghĩa. Sao gọi là Tăng thanh tịnh?

Những người biết giữ giới cụ túc gọi là Tăng thanh tịnh. Sao gọi là Tăng dê câm?

Những người không biết phạm hay không phạm các tội lớn nhỏ có thể sám hối được, ngu si vi ám độn, không biết thân gần các bậc thiện tri thức, không biết hỏi han nghĩa lý sâu xa đã đúng hay chưa, gọi là Tăng dê câm. Sao gọi là Tăng không biết xấu hổ?

Những người vì sinh kế, tìm vào cửa Phật, phạm đủ mọi giới, phá hoại lục hòa, không sợ quả báo, buông thả lục tình, ham mê vật chất. Những kẻ ấy gọi là Tăng không biết xấu hổ”.

Lại nữa, kinh Đại bi nói: “Đức Phật bảo A nan, trong giáo pháp của ta có những Sa môn đã làm ô uế phạm hạnh, nhưng vẫn tự xưng là

Sa môn, mang dáng dấp Sa môn, mặc phẩm phục Sa môn. Trong Hiền kiếp này có hàng nghìn đức Phật, đứng đầu là đức Phật Di lặc, cuối cùng là đức Phật Lô xá na. Các Sa môn ấy cũng sẽ lần lượt nhập Niết bàn Vô dư trong hiền kiếp nghìn Phật ấy. Vì các Sa môn ấy dầu chỉ một lần niệm danh hiệu đức Phật, một lần sinh tín tâm, nhưng đã tạo ra công đức có lợi ích thật sự. A nan! Ta đem Phật trí xem xét khắp pháp giới, đâu đâu cũng đều biết rõ. A nan! Tạo nghiệp trắng có quả báo trắng; tạo nghiệp đen chịu quả báo đen. Nếu chúng sinh nào giữ lòng thanh tịnh niệm nam mô Phật, nhờ vào thiện căn này, nhất định sẽ được gần gũi Niết bàn, huống gì gặp được đức Phật và thành kính cúng dường?”

Lại nữa, kinh Thập luân nói: “Đức Phật bảo, nếu có các Tỳ kheo xuất gia theo Phật pháp, tất cả Trời người, A tu la đều phải cúng dường. Nếu có Tỳ kheo giữ gìn giới luật, không được đánh phạt, trói cột, chặt đứt chân tay hay giết chết. Nếu có Tỳ kheo phá giới, tệ hại như ung nhọt vỡ mủ, không có phạm hạnh mà vẫn nói có, bị mọi phiền não cấu kết phá hại, thối thất tiêu tan Thánh quả, nhưng Tỳ kheo ấy vẫn còn có thể giáo hóa tất cả các loài Rồng, người, A tu la, nhờ có tiềm tàng vô lượng công đức quý báu. Thế nên những kẻ xuất gia theo ta, hoặc giữ giới, hoặc Phá giới, ta đều không cho phép các Quốc vương và đại thần trách phạt, trói buộc lại đánh đập, chặt đứt, chân tay, thậm chí giết chết, huống gì chỉ phạm những tội nhỏ nhặt như làm mất mát uy nghi? Tỳ kheo phá giới, dù đã chết đi, nhưng vẫn còn uy lực của giới luật giống như ngưu hoàng, tuy bò đã chết đi, người ta vẫn tím kiếm lấy ra cho được, hoặc giống như xạ hương, sau khi chồn chết, vẫn đem lại lợi ích cho mọi người. Tỳ kheo vô hạnh, tuy phạm giới cấm, nhưng uy lực của giới luật vẫn còn đem lại lợi ích cho vô lượng Trời người. Giống như đốt nhang, tuy thân nhang đã hết, nhưng mùi hương vẫn còn thơm ngát mọi người. Tỳ kheo phá giới cũng thế, tuy bị đọa vào đường ác, nhưng đã làm cho chúng sinh Tăng trưởng thiện căn. Bởi thế, mọi kẻ thế gian không được chê bái khinh rẻ các Tỳ kheo phá giới, trái lại, phải bảo vệ, tôn trọng, cúng dường. Ta không cho phép trách phạt, trói buộc, thậm chí cướp mất sinh mạng. Bấy giờ, đức Phật nói kệ rằng: “Hoa chiêm bặc tuy héo Vẫn hơn các hoa khác. Các Tỳ kheo phá giới

Vẫn hơn bọn ngoại đạo.

Lại nữa, trong kinh Đại tập, đức Phật nói kệ rằng:

“Cắt tóc mặc cà sa

Giữ giới hay phá giới Trời người nên cúng dường. Đừng để phải thiếu thốn. Cúng dường Tỳ kheo ấy, Chính là cúng dường ta!

Nếu vì kính Tam bảo,

Quy y và cắt tóc, Thân mặc áo cà sa, Đấy chính là con ta.

Mặc dù đã phá giới, Vẫn còn chưa thối thất. Nếu ai đánh đập họ, Chính là đánh đập ta! Nếu ai nhục mạ họ, Chính là nhục mạ ta! Kẻ ấy tâm dù mất,

Chánh pháp vẫn sáng lòa.

Vì của tiền xâu xé,

Vua chúa cũng vẫn xa!

Lại nữa, kinh Thập luân nói: “Giống như ngày xưa có vị quân vương tên Phúc Đức, gặp tội nhân bị trói, không muốn tự tay giết chết, ra lệnh đưa đến cho con voi hung dữ. Voi liền chụp lấy hai chân toan quật xuống đất, nhưng thấy tội nhân mặc áo cà sa hoại sắc, bèn từ từ thả ra, không dám làm hại. Rồi voi ngồi xổm, lấy vòi liếm chân tội nhân, tỏ vẻ thương xót. Thân thích! Voi là súc sinh, thấy người mặc áo cà sa, còn không nhẫn tâm giết chết, sau này, sẽ có quân vương chiên đà la, thấy người xuất gia theo ta, có thể trở thành Sa môn, dù chân chính hay không, liền hành hạ hay cướp đoạt sinh mạng. Khi chết, quân

vương ấy chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục A tỳ.” Tụng rằng:

“Tẩn bộ dưới gốc cây, Cầu đạo chí hăng say. Chứng được thần thông lực, Chống gậy cưỡi rồng mây. Chong đèn phát đại nguyện, Diệu chỉ chẳng gì tày! Không ham muốn kiếp thọ, Chẳng quản sống vài giây.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Thuật sơ lược 10 chuyện linh nghiệm:

1. Sa môn Thích Đàm Thủy đời Ngụy.

2. Sa môn Thích Đạo Khai đời Tấn.

3. Tư không Hà Sung đời Tấn.

4. Thánh Tăng ở Thất lãnh thuộc Lô Sơn đời Tấn.

5. Sa môn Thích Tăng Lãng đời Tấn.

6. Sa môn Thích Pháp Tướng đời Tấn,

7. Sa môn Thích Pháp An đời Tấn.

8. Sa môn Thích Tuệ Toàn đời Tống.

9. Sa môn Thích Tuệ Minh đời Tề.

10. Thánh Tăng ở các núi non của Trung Quốc.

1 Đời vua Thái Vũ (424 439) nhà tiền Ngụy (Bắc ngụy), Sa môn Đàm Thủy có nhiều điều thần dị. Ngài thường ngồi, không nằm, hơn năm mươi năm, chân không đụng đến dép. Đi trong sình lầy, rút chân lên liền sạch sẽ, trắng tinh như da mặt, nên đời thường gọi là ngài chân trắng như lụa. Khi Hách Liên xương thắng trận, chiêm được Trường An, vì không tin Phật pháp nên ra lệnh giết hại Tăng ni. Ngài bị hành hình hằng dao kiếm, nhưng không bị thương. Bọn Tăng thấy thế, đâm ra hoảng sợ, bãi bỏ lệnh tàn sát. Nhờ ngài Tăng ni thoát chết rất đông. Vua Thái Vũ tỏ lòng kính trọng ngài. Sau ngài viên tịch hơn 10 năm, thần sắc vẫn không hề thay đổi.

2 Đời Tây Tấn, Sa môn Thích đạo Khai, vốn người Đôn Hoàng, tu hành trên núi, ăn đọt tùng non suốt 30 năm. Sau chỉ ăn toàn sỏi nhỏ. Ngài đi bộ nhanh như bay, không thích lạc thú thế gian, chuyên ẩn tu ở núi Bảo Phúc. Khi Thạch Hổ (335 348) (nhà Hậu Triệu) cầm quyền, ngài đi từ Tây Bình đến. Nghiệp quận, vượt bảy trăm dặm bằng chân, dạo quanh xóm làng, cứu tế những kẻ khốn cùng, chi xẻ tiền bạc kiếm được. Cuối đời Thạch Hổ, ngài cùng đệ tử đến lại Kiến Nghiệp, vào phía Nam núi La Phù, rồi ngài viên tịch trong thảo am tại đó. Giữa niên hiệu Hưng Ninh (đời Đông Tấn), Viên Ngạn Bác có lên đây chiêm bái di thân của ngài.

3 Tư không Hà Sung (có chổ chép là Nhược) có đức tin từ thuở nhỏ. Lập nên pháp tòa ở Tinh xá để chờ đón Thánh thần suốt mấy năm. Bấy giờ, ông mở pháp hội tại nhà, trong đạo ngoài đời đến tham dự rất đông. Trong số đó, có một vị Tăng mặt mày quần áo lem luốc dơ bẩn, tướng mạo lùn ngắn, xấu xí. Vị Tăng bước lên pháp tọa, chắp tay ngồi yên. Đại chúng lấy làm lạ, cho là ngớ nhẩn, Hà Sung cũng tỏ vẻ bực dọc. Đến trưa, vị Tăng cũng thọ trai trên ấy. Xong xuối xách bát bước ra khỏi nhà, quay đầu lại bảo Hà Sung: “Tinh tiến đón chờ có vất vả lắm không? Dứt lời, liệng bát giữa không trung rồi vút mình bay đi mất. Hà Sung cùng đại chúng đưa mắt nhìn theo tận chân Trời, lòng ân hậ nhưng vô cùng, bèn dập đầu sám hối trọn cả tuần. (3 chuyện trên đây rút từ Lương Cao Tăng Truyện).

4 Bảy ngọn núi ở Lô sơn cùng tụ hội tại phía Đông, tạo thành đỉnh cao vút, sườn núi cheo leo hiểm trở, chẳng ai dám leo lên. Giữa niên hiệu Thái Nguyên (376 395) đời Đông Tấn, thái thú quân Dự chương là Phạm Ninh sửa soạn xây trường học, sai người lên núi đốn cây, thấy có người mặc áo Sa môn, bay vút lên giữa hư không rồi đáp xuống trên đỉnh núi. Một hồi lâu, mới theo mây biến mất. Bấy giờ, có mấy người đi hái thuốc cùng đứng nhìn. Vì thế, các văn nhân đương thời lấy chuyện này làm cảm hứng để sáng tác, như bài Phú Lô sơn của Sa môn Thích Đàm Đế có câu:

“Cưỡi mây hiện xuống non cao,

Rồi theo sương khói tan vào hư không”.

5 Đời Tấn, Sa môn Trúc Tăng Lãng giữ gìn giới luật nghiêm minh, trong và ngài nước đều kính ngưỡng. Có lần ngài cũng vài pháp lữ được tín chủ mời đến nhà hành lễ. Đi được nửa đường, ngài bỗng nói: “Hình như có kẻ trộm đang lấy áo quần đồ đạc của các huynh đệ để ở chùa. Các pháp lữ cấp tốc trở về, quả đúng như thế. Giữa niên hiệu Thái Nguyên, ngài khởi công xây dựng chùa chiền trong hang Kim dư thuộc huyện phụng cao. Về già, vua Phù Kiên nhà Tiền Tần (357 384) đâm ra bài trừ chư Tăng, nhưng không dám xâm phạm đến ngài và các đệ tử, vì quá kính trọng đạo hạnh, Đương thời, trong đạo ngoài đời đều ngưỡng mộ ngài, mỗi khi có tín chủ lên chùa, số lượng bao nhiêu, ngài điều biết trước, nên sai đệ tử chuẩn bị đầy đủ. Thường đúng như lời ngài đã cho hay. Lâu nay, hang núi ấy có nhiều cọp dữ làm hại người. Từ khi ngài đến lập chùa. Cọp trở nên hiền lành như gia súc. Về sau, vua Tiên tỳ Mộ Dung Đức nhà Nam Yên (398 bốn trăm) cho thâu thuế hai huyện này đem về triều chi dụng Hiện nay, người ta gọi hạng ấy là hang Lãng công.

6 Đời Tấn, Sa môn Thích Pháp Tướng người ở Hà đông, thường tu khổ hạnh một mình trên núi. Chim chóc tụ tập chung quanh, thân thiết như thú nhà. Thần niếu trên núi Thái sơn có rương lớn bằng đá đựng tiền bạc châu báu. Ngài nhân đi qua, đêm ghé vào ngủ nhờ, gặp một người mặc áo đen, đội mũ võ quan, sai quan mở rương. Nói xong, người ấy biến mất. Rương đá ấy vốn nặng hơn mấy vạn cân. Ngài thử giở nắp lên, bỗng nhiên mở ra thật nhẹ nhàng, bèn lấy tiền của châu báu đem phân phát cho người nghèo, về sau, ngài sang Giang nam, ở tại chùa. Việt Thành và đi vân du khắp nơi, làm trò ca hát khôi hài. Có lúc cởi trần chọc tức bọn quyền quý. Trấn bắc tướng quân Tư Mã Điềm ghét ngài không chịu giữ lễ nghi, sai người mời đến, bắt uống rượu độc. Ngài uống trọn ba chén nhưng thần sắc vẫn tươi tỉnh như thường. Cuối niên hiệu Nguyên Hưng, ở tuổi tám mươi chín, ngài mới viên tịch.

7 Đời Tấn, Sa môn, Thích Pháp An là đệ tử của Pháp Sư Tuệ Viễn ở Lô Sơn, cuối niên hiệu Nghĩa Hy (405 418) đời An Đế, huyện Dương tân bị nạn cọp dữ hoành hành. Trong huyện có miếu thờ thổ thần rất lớn nằm dưới tàn cây cổ thụ. Dân chúng chia nhau ở hai bên, đông đến hàng trăm. Gặp nạn cọp bắt, mỗi đêm chết khoảng một hai người. Ngài từng vân du qua đây, chiều tối vào làng xin ngủ nhờ. Vì sợ cọp. Dân làng đóng cổng rất sớm, lại không biết ngài, nên không cho vào. Ngài đi thẳng đến gốc cây, ngồi thiền suốt đêm. Gần sáng, cọp cõng người chạy đến, liệng xuống phía bắc. Gặp ngài, cọp nhảy lên như mừng rỡ và nằm mẹp xuống trước mặt. Ngài bắt đầu giảng dạy và truyền giới luật, cọp ngồi xổm một lúc rồi bỏ đi. Chờ Trời sáng hẳn, dân làng mới xúm nhau đi tìm người chết. Đến dưới gốc cây, thấy ngài điềm nhiên tịnh tọa, hết sức kinh dị, cho là thần nhân nên không bị cọp làm hại. Từ đó, dân làng hết nạn cọp dữ. Mọi người càng nên kính tin. Dân chúng toàn huyện hầu như đều phụng thờ Phật pháp. Sau đó, ngài muốn vẽ tượng Phật lên vách núi, nhưng không kiếm ra màu xanh da Trời, muốn dùng màu xanh đồng, nhưng cũng không có đồng. Thao thức mãi, đêm nằm mơ thấy người đi quanh quẩn trước Thiền sàng, bảo rằng: “Dưới chổ này có cặp chén bằng đồng, nên đào lên mà dùng”. Sáng mai ngài đào thử, liền gặp. Nhờ thế tượng được hoàn thành. Khi Pháp Sư Tuệ Viễn đúc tượng, ngài đưa một chén góp phần công đức, còn lại một chén Thái Thú quận Vũ Xương là Hùng Vô Hoạn mượn xem rồi chiếm luôn, không trả lại.

- Đời vua Tống Hiếu Minh, Sa môn Tuệ Viễn ở chùa Trường Sa tại quận Giang Lăng, vốn tên Hoàng Thiên, là đệ tử của thiền sư Tuệ Ấn. Thiền Sư Tuệ Ấn nhập định, thường thấy Sa môn từng làm thầy của mình trong tiền kiếp. Dù Sa môn đã già, nhưng vẫn thế độ cho làm đệ tử. Sau đó, Sa môn ở nhờ họ Dương tại Giang Lăng để tu phép định. Ban châu rất tinh tiến. Hơn một năm, chứng được khá nhiều kỳ bí. Trong một ngày, Sa môn thấy rõ hậu thân đến mười lần, nhưng vẫn an nhiên thực hành phép ban châu. Sa môn biết trước ngày viên tịch. Đúng kỳ Sa môn thanh thản ra đi. Sau đó rất lâu, Sa môn hiện ra, bảo Sa môn Đàm Tuân ở chùa Đa Bảo rằng: “Ngày hai mươi ba tháng hai sang năm, ta sẽ cùng chư Thiên đến đón”. Nói xong liền biến mất. Đúng hôm ấy năm sau, Sa môn Đàm Tuân mở pháp hội rất lớn, bày trai lễ giả từ. Khi cảm thấy trong người bất thường, Sa môn biết sắp sửa mệnh chung. Vào khoảng canh ba, giữa không trung có tiếng âm nhạc và mùi hương thật lạ lùng. Sa môn bảo: “cái hẹn của ngài Tuệ Viễn đã đến”. Vừa dứt lời, Sa môn liền viên tịch.

8 Đời Tống, Sa môn Thích Tuệ Toàn là Thiền Sư ở Lương Châu. Ngài giáo hóa môn đồ đông đến năm trăm người. Trong đó, có một đệ tử tính tình hơi thô bạo, không được ngài lưu ý. Sau đó, bỗng nhiên đệ tử ấy buột miệng nói đã chứng được quả tam đạo. Ngài vẫn cho là hạng vô hạnh, nên không tin lời và ấn chứng dùm. Khi ngài lâm bệnh, đệ tử ấy đang đêm vào phòng vấn an dù cửa đã đóng kín. Ngài rất lấy làm lạ, muốn thử một lần nữa, bèn dặn đệ tử ấy đêm mai sẽ đến. Rồi ngài đóng chặt cửa, gài then thật kỹ. Nữa đêm hôm sau, đệ tử ấy vẫn ung dung bước vào, đến trước Thiền sàng thưa rằng: “Xin sư phụ chứng cho con đã đến đúng hẹn!” Rồi nói tiếp: “Khi sư phụ viên tịch, sẽ sinh vào nhà Bà la môn”. Ngài bảo rằng: “Ta ngồi thiền đã lâu năm, lẽ nào lại sinh vào chổ đó?” Đệ tử ấy đáp: “Sư phụ không tin tưởng tuyệt đối vào đạo, lại chưa bỏ hẳn ngoại giáo. Dẫu có phước đức, cũng không thể siêu thăng, nếu chịu mở pháp hội lớn, cúng dường một vị giải thoát, may ra thành tựu đạo quả”. Sa môn nghe lời, mở pháp hội lớn. Đệ tử ấy dặn thêm: “Nên đem ca sa cúng dường. Nếu có ai xin, đừng câu nệ tuổi tác lớn nhỏ”. Pháp hội hoàn thành, đến lượt cúng dường cà sa, có một Sa di bước đến xin nhận. Ngài thấy là đệ tử ở chùa, liền bảo: “Ta muốn cúng dường cho vị Thánh Tăng, không thể cho ngươi”. Chợt nhớ lại lời dặn đừng câu chấp tuổi tác lớn nhỏ trong đây, ngài bèn hoan hỷ giao cho Sa di ấy. Một hôm gặp lại Sa di, ngài hỏi: “Áo hôm trước có rộng lắm không?” Sa di đáp: “Chẳng phải đệ tử không đáng nhận áo đâu, chỉ vì lý do riêng, cảm thấy xấu hổ nên không tham dự pháp hội mà thôi”. Bấy giờ ngài mới hiểu rằng vị Thánh Tăng đã hóa thân thành Sa di ấy. Sau đó, đệ tử ấy mạng chung, không xảy ra điều linh dị nào, ngoại trừ bốn phía mộ thỉnh thoảng phát ra hào quang trắng bạch. Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi (443), ngài vẫn còn sống ở vùng Tửu Tuyền. (6 chuyện trên rút từ Minh tường ký).

9 Đời Tề, tại núi Xích Thành thuộc huyện Thủy Phong có Sa môn Thích Tuệ Minh vốn người Khang cư. Tổ Tiên chạy loạn sang Đông ngô, cư trú trong thạch thất tại núi Xích Thành. Ngài chuyên tâm thiền định, hình dáng khô gầy. Sau đó, trong khi nhập định sâu xa, ngài thấy một thần nữ tự xưng là lão bà, nói rằng: “Ta sẽ luôn luôn che chở giúp cho”. Thỉnh thoảng có vượn trắng, hươu trắng, cọp trắng và rắn trắng lân la trong thềm rất hiền lành, không gây sợ hãi. Cánh Lăng vương nghe tiếng rất ngưỡng mộ, trong sau phái ba người lên mời, ngài mới xuống núi, đến thăm vương phủ ở kinh đô. Vương nghinh tiếp cung kính, theo lễ thầy trò. Được một lát, ngài Từ biệt xin về.Vương năn nỉ, ngài cũng không chịu ở lại, đành bày lễ vật cúng dường và phái người đưa về núi. Ngài viên tịch vào cuối niên hiệu Kiến Vũ (494 497), thọ bảy mươi tuổi.

10 Cung chiêm các chùa chiền trên núi, các hang động thạch thất khắp non nước Trung Quốc, có nhiều chùa linh thiêng do các Thánh Tăng tu tập, được các vị hành giả phát hiện. Nay chỉ thuật lại năm ba chuyện có bằng chứng xác thật. Số còn lại rất nhiều, không thể ghi chép hết.

- Xưa kia, vào đầu niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, Sa môn Trúc Đàm Du, người Đôn Hoàng, chuyên hành Thiền và đi khất thực, khi ngài đang vân du ở núi xích thành tại huyện Diễm thuộc đất cối kê, gặp bầy cọp xông đến, ngài bình tâm thuyết pháp, có một con lăn ra ngủ say, ngài lấy gậy như ý gõ lên đầu kêu tỉnh dậy. Lại có con rắn lớn mười ôm quấn quanh mình, ngài vẫn thản nhiên không chút sợ hãi. Thần núi cũng xin cúng dường nhà để ngài lập chùa. Sau đó ngài tịnh tọa trên núi Xích Thành. Núi này tiếp giáp với núi Thiên Thai đầy suối thác và núi Tứ Minh. Các phụ lão nói núi Thiên Thai có chùa thần, ngài bèn đi tìm. Có cầu đá bắc qua khe sâu, rêu xanh trơn trợt, không thể đi được. Đá mọc chắn đường, không tài nào cất bước tiến tới. Ngài đành ngủ tại đầu cầu suốt một tuần, bỗng nghe bên kia văng vẳng có tiếng đọc tụng giới luật, bèn cố gắng tịnh tâm. Thình lình, tảng đá chắn lối tự nhiên mở ra, ngài lập tức bước tới, thấy toàn Tinh xá, nhiều vị Thánh Tăng đang thắp nhang, khi ngài thọ ngọ trai xong, các Thánh Tăng bảo rằng: “Sau 10 năm nữa, tự nhiên sẽ lên đây”.

- Đời Tề, Sa môn Viên Thông ở chùa Đại Trang Nghiêm vùng Nghiệp hạ được một vị thần Tăng đến nghe thuyết pháp suốt mùa an cư. Ngày xuất hạ, thần Tăng nào Từ biệt, nói mình ở chùa Trúc Lâm và mời Sa môn sang chơi. Sa môn hỏi han đường sá. Qua năm sau bèn đi sang thăm, núi ấy nằm phía Tây bắc đất Nghiệp. Thần Tăng ra nghinh đón. Chùa chiền mở cửa rộng rải, thông thoáng, phòng ốc trang nghiêm. Sa môn ở chơi, đàm đạo hợp ý, nên muốn xin ở lại hẳn. Thần Tăng vào bẩm lên Hòa thượng. Hòa thượng không chấp thuận, Sa môn đành trở về. Đi hơn 3 dặm, Sa môn quay đầu nhìn lại, chẳng thấy gì nữa. Những người lên tìm sau này cũng không biết chổ nào.

- Gần châu Nghiệp có vị Sa môn tên Đạo cần đi lên phía bắc, đứng dựa sườn nùi tìm tòi, thấy bốn phía chung quanh hiện rõ cảnh chùa. Mọi thứ đều đủ, nhưng không có người. Sa môn bước xuống xem xét, bỗng lạc mất đường, bèn cất nhà bên cạnh lối đi, ý muốn gặp gỡ các thần Tăng trong hang Bảo phúc ở núi Giới sơn nằm về phía đông nam châu Phần. Về sau, các vị Tăng tu hành trên núi thường thấy Sa môn phi hành tự tại giữa không trung.

Lại nữa, trong động Hồng nhai nằm ở phía nam châu Lương hiện còn các chùa xưa bia cũ do Thư Cừ mông Tốn (401 411), vua nhà Bắc Lương, xây dựng trước đây. Trong đó có tượng các vị thần Tăng biết đi hành đạo. Thấy người đến liền đứng lại, người vừa bước qua, lại đi như cũ. Vì thế, hai bên hiện đầy dấu chân, nhưng chẳng thấy ai cả.

- Thuật rằng: Như ba mươi quyển Danh Tăng truyện, mười lăm quyển Lương cao Tăng truyện, bốn mươi quyển Đường cao Tăng truyện và truyện, sử của các nhà ghi chép công đức lạ lùng của hơn mấy nghìn danh Tăng được trong đạo ngoài đời ngưỡng mộ. Vì tản mạn trong các chương mục và văn từ phức tạp, nên không thể ghi chép hết ra đây. Thế nên chỉ thuật lại đôi phần để biểu dương đạo hạnh của các cao Tăng ấy mà thôi.

 

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiên Thứ 8: Kính Tăng