Vớt Vàng Dưới Ao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Một người nọ ngang qua bờ ao, nhìn thấy dưới ao có chân kim, lật đật săn quần xuống ao, vọc bùn khuấy nước đến phát mệt nhoài mà vẫn không tìm được, nên lên bờ ngồi nghỉ, đến khi bùn lắng nước trong, chân kim lại hiện ra dưới ao, gã lại nhẩy xuống xục sạo tìm kiếm. Mãi cho đến khi người cha đi tìm con, thấy vậy mới hỏi "con làm gì vậy?". Người con đáp "dưới đáy ao có chân kim, con xuống mò dưới bùn kiếm, mệt gần chết mà vẫn không lấy được". Người cha nhìn tượng vàng hiện trong hồ nước, biết vàng ở trên cây bên cạnh bờ hồ, hiện ảnh dưới nước, liền bảo với con "vàng không thật ở dưới nước mà chắc do chim tha lên trên cây". Người con nghe lời cha leo lên cây lấy được chân kim.
 
Phàm phu vô trí cũng giống vậy, nơi năm ấm vô ngã này, vọng sinh có ngã, như người thấy ảnh vàng, cần khổ cầu được, chỉ nhọc công vô ích.
 
Lời Bình :

Người con dụ cho thức, người cha dụ cho trí. Nhãn thức phân minh thấy rõ ràng có vàng dưới đáy ao, nếu y thức tất như gã này lao nhọc vô ích, vì thật sự vàng không có dưới nước. Trí quán biết cái vọng của thức nên y trí bất y thức, vì thế chẳng những không hề lao nhọc vất vả, mà lại được chân kim. Do vậy tu học Phật pháp nhắm đến mục đích chuyển thức thành trí, y trí bất y thức. Do vì chúng sinh luôn y thức bất y trí, dựa vào sự phân biệt của mắt thấy tai nghe, mà chấp thật (thức), từ đó sinh cảm thọ, tư tưởng và hành, chẳng khác gã mò vàng dưới đáy ao, vàng không được chỉ được một đống cấu uế, hôi hám bùn sình, khiến thời gian của họ thành sự chịu đựng mệt mỏi và hy vọng hão huyền.
 
Vọng thức phân biệt không ngừng, duyên vào cảnh sinh mọi thọ, tưởng và hành. Mọi thức phân biệt gọi chung là thức uẩn, mọi cảm thọ gọi chung là thọ uẩn cho đến hành uẩn, những tập hợp từ nhất niệm vọng thức này thành 4 uẩn, thọ tưởng hành thức. Từ thức sinh ra ba uẩn kia, nên thức uẩn tự cho là chủ tể của tâm, gọi là tâm vương, ba thứ kia nương thức mà hiện hữu nên gọi là tâm sở hữu pháp, coi như quần thần của vua. Bốn thức này gọi chung là tâm. Do bốn uẩn này vọng thấy cảnh của bốn uẩn là thật, cảnh huyễn này là sắc uẩn, được coi như thân và cảnh. Dụ như người ngủ, do vọng thành mơ, chấp cho nhân ngã và cảnh giới của vọng cảnh là thật, thấy ngũ uẩn trong mơ là thật, đều do từ thức phát sinh ra các vọng này. Nếu lìa vọng thức tất thành trí, chúng sinh quen theo thức nên bội trí hợp thức, nay hồi đầu lìa thức hợp trí tất không những miễn trừ được vô lượng lao lự, mà còn được bình an bất động.
 
Tứ đại bổn vô, ngũ uẩn phi hữu, song vì vọng nhận là ngã, nên ngã này thực chất chỉ là một thứ ngã "bổn vô phi hữu" đồng với lông rùa sừng thỏ. Ngã đã bổn vô mà mọi cử chỉ động niệm đều vì ngã, đồng nghĩa với vì huyễn, nên vì ngã hành ác hay hành thiện cũng chỉ lao lự vô ích, như gã mò vàng, song vàng mà gã thấy vốn không thật nên có mò suốt kiếp cũng không đạt được. Mỗi lần vọng thức của gã vọng nhận ra vàng, là lập tức toàn bộ ngũ uần khởi tác dụng theo, và mỗi lần tác dụng là mỗi lần chịu cấu nhiễm mệt mỏi và đạt được cái quả không thật.
 
Phật pháp lấy tam pháp làm ấn chứng, chứng nhận là chính pháp, nếu không có ba dấu ấn này tất là tà pháp. Ba dấu ấn đó là "vô thường, vô ngã và niết bàn". Giáo pháp Như lai chỉ rõ các pháp vốn vô ngã, chúng sinh cũng vô ngã. Vô ngã đồng với "chiếu kiến ngũ uẩn giai không", cũng đồng với vô vọng thức. Trí chiếu kiến là bát nhã, còn ngũ uẩn là tác phẩm của vọng thức, dùng trí quán chiếu thức giai không tức chuyển thức thành trí. Ban sơ khởi thức "quán thức" gọi là trí, thức quán nhận ra chỗ hư huyễn của thức gọi là huyễn trí, huyễn trí lìa được vọng thức gọi là thủy giác, cho đến khi huyễn trí cũng lìa mới là cứu cánh giác.
 
Không có ngã bị sinh diệt cũng không có ngã giải thoát lìa sinh tử, vì ngũ uẩn phi hữu, nên ngã không, đồng thời pháp "sinh diệt và giải thoát" cũng không. Đó mới thật giải thoát. Giải thoát có 2 bậc gồm "hóa thành giải thoát" và "bảo sở giải thoát". Hóa thành giải thoát là sự tu tập giúp ngã thoát khỏi mọi khổ đau, nhưng ngã vẫn tồn tại, dụ như người trong mộng thấy tự thân thoát được các khổ thống, nhưng vẫn còn trong mộng. Bảo sở hay cứu cánh giải thoát tức nhận chân ngã còn chẳng có huống hồ là khổ hay lạc, hơn nữa khổ lạc là do từ ngã sinh khởi, nay nhận thức ngã đã không tất nhiên khổ lạc cũng không, dụ như người tỉnh mộng, biết rõ, ngã và khổ lạc trong mộng đều là hư huyễn không thật.
 
Tu hành lấy chiếu kiến ngũ uẩn giai không tức vô ngã làm căn bản, nhờ vậy hành giả không bị vọng thức làm lao lự, nên khinh an trụ định bất động, không ngã để khổ lạc, cũng không cảnh để thủ xả, được cảnh giới thanh tịnh an lạc, như gã ngu hồi đầu được chân kim. Chân kim đó chính là cảnh giới chân thật giải thoát.
 
Câu chuyện này lại cũng cho chúng ta thấy có 2 thứ dụng công tu hành.
Thứ nhất tu tập để mong cầu cho ngã được cái quả như ý, ở đây như ý đồng nghĩa với mưu lợi cho ngã theo xu hướng vì ngã, gạt bỏ mọi khía cạnh lợi người. Sự dụng công này chẳng khác kẻ mò vàng dưới đáy hồ, bởi lẽ ngã là gốc sinh các thứ mâu thuẫn như khổ lạc, đắc thất, thủ xả, nên không thể tìm cho ngã cái thuần lạc không khổ, hay thuần đắc không thất…Bất luận lạc hay đắc nào của ngã cũng chỉ là thứ nhất thời vô thường biến đổi, nên mọi dụng công tìm một sự lạc hay đắc vĩnh hằng thường trụ cho ngã đều chỉ là lao lự, cấu nhiễm vì tạo tác thêm nghiệp phiền não như người ngu mò vàng nọ.
 
Thứ hai tu tập để tìm ra chân lý của sự tu hành, đó là vì sao có khổ để phải tu tập? Khổ từ đâu sinh và do đâu diệt? Nếu không nhận ra bốn điều : thứ nhất thế nào là khổ? thứ hai nguyên nhân chính đưa đến khổ não (tập)? thứ ba đâu là phương cách hay con đường diệt khổ chính xác (đạo)? thứ tư thế nào mới thật sự là cảnh giới không còn có khổ (diệt)? tất mọi nỗ lực tu hành đều chỉ là dã tràng xe cát. Phàm nhân không biết do ngã chấp sinh khổ lạc, do có khổ lạc mới thành khổ, rồi vì khổ mà phải tu tập thoát khổ, nhưng do không biết 4 thánh đế, nên nỗ lực vì ngã cầu lạc tránh khổ, khác nào mò vàng dưới đáy ao.
 
Chúng ta cần lưu ý, do khổ mà con người tu tập hay không tu tập. Tu tập để tìm con đường thoát khổ bằng tâm linh. Không tu tập để tìm con đường thoát khổ bằng vật chất, lại có thể nói tìm đường thoát khổ bằng sự hưởng thụ ngũ dục là con đường "tu tập" theo quan điểm phi tôn giáo của phàm nhân. Cả hai xu hướng "vì ngã tu tập" trên, dưới nhãn quan Phật giáo đều chỉ là "mò trăng dưới nước".
 
Trên nền tảng của Tứ thánh đế, đạo Phật nhận chân ra "ngã" là nguyên nhân phát sinh ra 4 đế lý này, không ngã thì cả 4 đế đó đều không. Ngã là nền tảng sinh ra muôn ngàn sai biệt, như người và ta, đắc và thất, khổ và lạc…nói chung là nhị biên. Như vậy ngã là nguồn vọng, vọng gây ra khổ. Muốn diệt khổ tất cần trừ vọng, trừ vọng là diệt ngã, song diệt ngã không phải là dùng ngã giết ngã như một hình thức tự sát, mà diệt ngã bằng cách đồng hóa ngã với nhất thiết chúng sinh, coi phụng sự chúng sinh chính là tự phụng sự, làm cho chúng sinh được lợi ích đó là lợi lạc của ta, đại thừa Phật giáo gọi sự hiểu biết và hành động này là "bồ đề tâm" hay "chân tâm" hoặc "vô ngã". Vô ngã chính là tịnh hạnh "đương nguyện chúng sinh", nhờ tinh thần này không còn chút "vọng ngã" nào năng sinh mọi sai biệt trong tư tưởng và hành động, do không "vọng ngã" nên thành tựu "trí lực bất nhị" vô phân biệt, phát khởi đại lực nhiếp tất cả chúng sinh qua các tịnh hành cứu hộ muôn loài. Nhiếp tất cả chúng sinh đồng với "đương nguyện chúng sinh" tức thống lý đại chúng một cách vô ngại, đó là thật "vô ngã" và là đại lực phá tan gốc vọng, khiến "ngã" và cảnh giới nhị biên của ngã đều tiêu ma.
 
Kết luận "ngã" không thể có chỗ đứng trong sự giải thoát, mà ngược lại giải thoát tất phải "vô ngã". Vì vậy vấn đề tiên quyết của sự tu hành thoát khổ chân chính là phát bồ đề tâm. Đừng bao giờ quên rằng chúng ta không thể vác cái ngã này đến bất kì tịnh độ nào lễ Phật nghe pháp, bởi một lẽ đơn giản "cõi Phật không có chỗ cho ngã", dụ như xứ tuyết không có chỗ cho cây dừa, sa mạc không có chỗ cho tùng bách. Tựu chung do hoàn cảnh và nhân duyên không thích hợp, nên cửa tịnh độ nào cũng rộng mở mà chúng sinh vẫn thủy chung với cõi nhị biên, không chút ngưỡng mộ cõi Phật vô ngã. Phải chăng do vì chúng sinh ái ngã kiên cố, không thể xả bỏ? Vừa ôm ngã vừa mong giải thoát, khác gì kẻ mò trăng dưới đáy ao.
 
Ngã như ao nước, giải thoát như vàng hiện trong lòng ngã, dùng ngã mò vớt giải thoát chỉ lao nhọc muôn đời vẫn không kết quả. Người cha như Phật, người con như chúng sinh. Phật thấy chúng sinh tu hành hay không tu hành đều mệt mỏi tìm kiếm giải thoát bằng ngã, nên thị hiện nơi đời như người cha đến bờ ao, chỉ bầy chúng sinh bỏ cái ao ngã đó đi thì sẽ được chân thật giải thoát, như người con nghe cha lìa ao tìm được chân kim.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Nhạc Sư Và Vua
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Bóp Chân Sư Trưởng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Đầu Và Đuôi Tranh Nhau
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Cạo Râu Cho Vua
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ