Không Nên Tham Đấm Chấp Thủ Vào Niềm Vui Thiền Định
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch

Người tu tập thiền định, trong năm giác quan mắt, tai, mũi, v.v... của họ, thậm chí là ý thức cũng không tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, không bị tác động ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Trong thế giới nội tâm của họ cùng với những hồi ức, sự trải nghiệm, vạch ra kế hoạch cho tương lai, đồng thời hoàn toàn cách ly với môi trường xung quanh. Bấy giờ người đó sẽ độc lập hoàn toàn, vì không có bất cứ sự chấp thủ đắm trước nào nên không có bất cứ vật gì có thể quấy nhiễu người đó được. Từ đó có thể đạt đến cảnh giới an vui không bị ngoại cảnh chi phối, đó chính là cảnh giới “an lạc trong thiền định”.

Cảnh giới an vui trong thiền định cũng có sâu có cạn, cảnh giới thiền định cạn là không gánh vác trọng trách của thân thể, cảm giác ấy vô cùng nhẹ nhàng tự tại; còn cảnh giới thiền định sâu thì ngay cả gánh nặng tư tưởng của niệm trước niệm sau cũng không có, trong tâm không còn vướng mắc bất cứ một vật nào, chỉ có cảm giác “vô cùng an lạc”, có cảnh giới “hà xứ nhạ trần ai”, cho dù vật gì đi nữa cũng không quấy nhiễu được người đó.

Song, cho dù ở trong cảnh giới thiền định sâu hay thiền định cạn chăng nữa cũng còn có “tự ngã trung tâm”. Trong cảnh giới thiền định sâu, tuy không phân biệt có cái ta bản ngã chẳng phải của ta, nhưng cảm giác an vui trong thiền định vẫn còn tồn tại nên vẫn còn có cái ta bản ngã. Nếu thiền định càng sâu thì càng mất đi cảm giác có thời gian và không gian, sau khi đi vào thiền định, cảm giác chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng thực tế đã trải qua những mấy tiếng đồng hồ, thậm chí là qua mấy ngày nhưng vẫn không biết. Đã không có cảm giác về thời gian thì chứng tỏ không có bất cứ vọng niệm hay cảnh huyễn hóa xen kẽ vào trong đó, trong đầu không xuất hiện bất cứ cảnh giới nào cả, đây không phải là trạng thái mê ngủ cũng chẳng phải là trạng thái tử vong, mà là không khởi lên bất cứ tác dụng tâm niệm nào. Tuy không khởi tác dụng tâm niệm, nhưng “cái ta” vẫn còn tồn tại trong đó.

Người sau khi ngồi thiền xong xuất định sẽ cảm thấy thân thể thoải mái, nhẹ nhàng không gì có thể sánh được, điều này chính là vì khi nhập định, đầu óc được thư giãn, thân thể cũng được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong khoảng thời gian đó, các tế bào và những lỗ chân lông trong cơ thể đều được thông thoáng không bị ngăn ngại, không có cảm giác căng thẳng, bức bách khó chịu, đây mới là cảm giác nghỉ ngơi hoàn toàn triệt để, vả lại có thể so sánh với cảm giác nghỉ ngơi đạt được khi ngủ là đầy đủ. Bởi vì khi ngủ ý thức vẫn cứ hoạt động không ngừng, nên không thể so với cảm giác được nghỉ ngơi thật sự.

Niềm vui trong thiền định có thể nói là niềm hạnh phúc được giải phóng, nó như cảm giác sau khi sinh xong đứa con thì cảm giác đau đớn như trời đất quay cuồng trước kia không còn nữa, chỉ còn lại cảm giác vui vẻ không thể nói được. Cảm giác khi chúng ta nhập định cũng như vậy, vì thường ngày gánh nặng trong đầu óc chúng ta quá nặng, nên các dây thần kinh trong thân thể cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng khi đi vào cảnh giới thiền định thì những gánh nặng trong thân tâm hoàn toàn được giải thoát, tiêu diệt không còn thấy nữa, cảm giác an lạc hạnh phúc như thế ai lại chẳng thích ư?

Vả lại cho dù niềm an lạc hạnh phúc trong thiền định hay là niềm vui sau khi đã xuất định vẫn cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, không có gì so sánh được. Nếu người nào đã trải nghiệm qua cảm giác này thì sau khi xuất định cũng đều muốn nhập định lại, họ muốn tiếp tục ngồi thiền mãi, cho nên người hưởng thụ qua cảm giác an vui thiền định không tránh khỏi cảm giác nhàm chán thế gian, không muốn gặp bất cứ người nam hay nữ nào, cũng không tham đắm vào các món ngon vật lạ. Bởi vì bất cứ niềm vui nào trong thế gian cũng không so sánh được với niềm vui trong thiền định, trong đó bao gồm cả niềm vui bị kích thích bởi năng lực cơ quan cũng không so kịp được!

Thế nhưng, nếu người tham đắm chấp thủ vào niềm vui thiền định thì giống như loài rùa vậy, khi gặp phải kẻ thù và bị thú dữ tấn công thì nó lập tức thu tất cả bốn chân, đầu và đuôi vào trong vỏ để bảo vệ mình không bị tổn thương, bấy giờ cho dù kẻ thù có muốn ăn nó cũng không thể nào ăn được, mà chỉ biết cắn vào vỏ cứng của nó mà thôi. Vì thế, niềm vui trong thiền định thực sự không phải là niềm vui rốt ráo nhất, mục đích tu tập thiền định của chúng ta nhằm đi sâu vào lãnh vực trí tuệ, làm nền tảng thực tiễn để hành đạo Bồ tát tự lợi và lợi tha. Nếu chúng ta tham đắm chấp thủ vào niềm vui vắng lặng trong thiền định, không muốn thoát ly ra khỏi thiền định, thế thì vĩnh viễn không thể đạt được mục đích học phật được.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm