Home > Khai Thị Phật Học
Sám Hối Nghiệp Chướng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Lần này, chúng ta nói về cương lĩnh tu học của Bồ Tát Phổ Hiền, tức là “Mười Đại Nguyện Vương” mà người thông thường hay nói. Chúng ta không nói được tường tận, mà chỉ là giới thiệu khái lược qua.

Chúng ta biết được Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ Tát Phổ Hiền, hay nói cách khác, mỗi một người ở nơi đó đều là tu hạnh Phổ Hiền. Hiện tại, nếu như chúng ta đối với hạnh Phổ Hiền làm nhiều một chút, thời gian ta chuẩn bị đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ càng thân thiết, càng quen thuộc, không đến nỗi quá xa lạ. Không chỉ là như vậy, nếu như chúng ta ở ngay nơi đây có thể rất chăm chỉ, rất nỗ lực y theo kinh giáo mà phụng hành, tương lai cầu nguyện vãng sanh cũng nhất định nắm chắc phần. Chúng ta không đến nỗi không có lòng tin, tuyệt đối không thể nói “tôi tương lai có đọa ác đạo hay không?”. Phổ Hiền hạnh nguyện đối với chúng ta mà nói sẽ rất là quan trọng. Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ nói về nguyện thứ tư, “sám hối nghiệp chướng”.

Nguyện thứ tư, “Sám hối nghiệp chướng”

Chúng ta trước tiên phải nói rõ, cái gì gọi là nghiệp chướng? Nghiệp là tạo tác. Không những làm ác có chướng ngại, mà làm thiện cũng có chướng ngại, đó là đạo lý gì vậy? Làm ác, quả báo của bạn ở ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu bạn làm thiện, quả báo của bạn ở ba đường thiện là cõi trời, cõi người, cõi A Tu La. Tóm lại mà nói, bạn không thể ra khỏi ba cõi. Vậy chúng ta phải làm thế nào đây? Phật dạy chúng ta tu tịnh nghiệp. Cái gì gọi là tịnh nghiệp? Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện mà không chấp trước thì gọi là tịnh nghiệp. Bạn có chấp trước thì nghiệp này không tịnh, liền sẽ sanh ra chướng ngại, cho nên nghiệp là tạo tác. Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, Phật nói rất hay: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”. Đó là thật, không hề giả, chúng ta không thể không thừa nhận, vì sao vậy? Bạn thử nghĩ xem, có chúng sanh nào khởi tâm động niệm mà không vì cái “Ta”? Mỗi niệm đều là vì “Ta”. Có cái “Ta” này thì phiền phức rất lớn, “Ta” chính là tội, “Ta” chính là nghiệp. Đồng tu mới học, nghe được cách nói này trên Kinh Phật có lẽ không cho là việc gì, vì từ xưa đến nay, trong và ngoài nước, có người nào mà không vì “Ta”? Trong dân gian Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Người không vì mình trời tru đất diệt”, dường như là khởi tâm động niệm là vì ta, mọi người đều cho rằng đó là việc đương nhiên, là lý đương nhiên, làm gì có người không vì “Ta” chứ? Không vì “Ta” thì còn có thể được xem là người sao? Không sai! Không vì “Ta” không được xem là người, họ là Phật, là Bồ Tát, họ không phải là người. Cho nên, khi vừa vì “Ta” thì chân thật họ là người, đích thực là một chút cũng không sai, cõi người cũng như sáu cõi, họ không thể ra khỏi. Vì sao Phật phải nói cách nói này? Chúng ta phải hiểu rõ ý của Ngài, Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh thật có chân ngã”, cái thân này là giả, không phải chân ngã; cái giả mới luân hồi trong sáu cõi, chân ngã nhất định không có luân hồi, không những không có luân hồi sáu cõi, ngay đến mười pháp giới cũng không có. Chân ngã ở nơi đâu vậy? Chân ngã ở nơi pháp giới Nhất Chân. Phật có chân ngã. Trong Đại Kinh nói, Phật có ba thân, mỗi người chúng ta cũng đều có ba thân. Bản thể của thân chúng ta chân thật là ta, là pháp thân. Cho nên, trên Kinh Phật nói: “Mọi người chúng ta tu hành đến trình độ tương đối, chúng ta liền chứng được pháp thân thanh tịnh”. Pháp thân thanh tịnh mới thật là “Ta”. Trong Thiền tông thường nói: “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra chính là pháp thân thanh tịnh, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na không phải là một người, mà Tỳ Lô Giá Na là chân ngã của chính chúng ta, là thân thật. Thân thật của chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na.

Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, ý nghĩa là trùm khắp mọi nơi, không lúc nào không có, không nơi nào không có. Nếu như ngay nơi đây không có chân ngã, thì cái thân giả này không thể hiện tiền, cho nên thật có chân ngã. Giả tướng là nương vào chân ngã mà sanh ra, cái ngã này là thể, là tánh, nương vào tánh thể chân thật mà hiện tướng, cho nên chân ngã này là nhất định có. Bởi vì tất cả chúng sanh mê mất đi chân ngã, cho nên mới biến thành phàm phu (chỉ là mê mất mà thôi, không phải thật đã mất đi). Vì sao mà mê vậy? Từ trong thể tánh chân thật hiện ra những giả tướng này. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói “duy tâm sở hiện”, cái tâm đó là thật. Chân tâm chính là chân ngã, chính là pháp thân, hiện ra là giả tướng, bạn chấp vào cái tướng, cho nên hư là ở ngay chỗ này. Hiện ra giả tướng này nhưng bạn không biết được nó là giả tướng, bạn chấp trước cái giả tướng này, cho nó là thật, thế là đem chân tánh bỏ mất đi, đem giả tướng xem thành thật, hư là ở ngay chỗ này. Bạn có phân biệt, chấp trước, nên mới đem Nhất Chân chuyển biến thành hoàn cảnh rất phức tạp, biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường. Vì sao biến đổi vậy? “Duy thức sở biến”.

Cái gì gọi là duy thức? Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói cụ thể cho chúng ta nghe, “thức” chính là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ba loại này hiện tại chúng ta thảy đều có. Chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, thế là pháp giới Nhất Chân này liền biến thành sáu cõi luân hồi. Nếu như trong ba loại này chúng ta đoạn một loại, trong tất cả pháp (thế gian pháp và xuất thế gian pháp) chúng ta đích thực không có chấp trước, xin nói với các vị, thì sẽ không có sáu cõi. Sáu cõi chính là chấp trước biến hiện ra, chấp trước không còn nữa thì bạn liền siêu việt sáu cõi. Siêu việt sáu cõi, bạn ở nơi đâu vậy? Bởi vì bạn còn có phân biệt, cho nên còn có pháp giới bốn thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Còn có bốn pháp giới này chính là bạn còn có tâm phân biệt, tùy theo phân biệt nặng nhẹ mà biến hiện ra. Tâm phân biệt của bạn rất nặng thì bạn là Thanh Văn, Duyên Giác; tâm phân biệt của bạn rất nhẹ thì bạn ở pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật. Mười pháp giới là do đây mà ra. Tâm phân biệt của bạn cũng không còn, vậy thì siêu việt luôn mười pháp giới, bạn mới có thể “phản bổn hoàn nguyên, phản phác qui chân”, chỗ này gọi là vào pháp giới Nhất Chân. Trong pháp giới Nhất Chân, vị thứ của Bồ Tát cũng không đồng nhau. Bạn xem, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, Phật Bồ Tát có cao thấp, phân thành 41 đẳng cấp. Bốn mươi mốt đẳng cấp này là từ vọng tưởng mà ra. Người trong pháp giới Nhất Chân còn có vọng tưởng, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không có phân biệt, không có chấp trước, vọng tưởng liền tương đối nhẹ. Vọng tưởng cũng gọi là vô minh, vô minh chính là vọng tưởng. Nếu 41 phẩm vô minh đoạn hết rồi thì bạn liền chứng được quả vị cứu cánh viên mãn. Quả vị cứu cánh viên mãn là gì? Là chân ngã của chính mình hoàn toàn hồi phục được viên mãn. Bổn lai diện mục hiện tiền viên mãn, đó chính là Phật quả viên giáo. Viên giáo Phật quả chính là hoàn toàn hồi phục bản lai diện mục của chính chúng ta. Đến ngay chỗ này chúng ta mới nghĩ đến hai câu nói trên “Kinh Lăng Nghiêm”: “Viên mãn Bồ Đề, qui vô sở đắc”. Viên mãn Bồ Đề là hồi phục bổn lai diện mục của chính mình, tuyệt nhiên không có một chút gì là bạn mới có được. Lý sự vốn là như vậy. Do đó, Phật nói với chúng ta, khởi tâm động niệm có một chữ “Ta” chính là chấp trước kiên cố. Chỉ cần có cái chấp trước này thì bạn không thể ra khỏi ba cõi, không ra khỏi luân hồi. Cho nên, có “Ta” chính là tội, chính là ác, huống hồ tất cả chúng sanh còn có chấp trước nghiêm trọng cái “của ta”, đó là mê đã quá nặng. Bạn chấp trước cái thân này là ta thì đã đủ phiền não rồi, còn có thêm chấp trước cái “của ta”, “cái nhà của tôi, tôi là sở hữu, đó là tiền của tôi, đó là quyến thuộc của tôi; khi xuất gia, đó là đạo tràng của tôi”, bạn nói xem, có đáng lo hay không? Vậy thì phiền não thật to lớn. Cái thân này kéo theo một đống to, kéo không nổi, bạn còn có thể ra được ba cõi sao? A Di Đà Phật có từ bi muốn kéo bạn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng thứ mà bạn kéo ở phía sau quá nặng, Phật cũng kéo không nổi. Phật dạy chúng ta phải nên buông bỏ, phải bố thí, phải xả. Xả, trước tiên xả hết cái ta sở hữu; ta sở hữu là vật ở ngoài thân, trước tiên đem nó xả hết, sau đó lại đem chấp trước của ta xả hết thì bạn ở trên đạo Bồ Đề liền không có chướng ngại. Cho nên mới nói, “khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”, đạo lý chính ngay chỗ này. Ngàn vạn lần không nên bị những thứ huyễn tướng này, những thứ giả có này lừa gạt. Bạn có thể đem chân tướng sự thật này thấy tường tận, thấy thấu đáo, đó gọi là nhìn thấu. Thế nhưng, phàm phu chúng ta thật sự từ vô thỉ kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp bị mê ngay trong những giả tướng này. Chúng ta phải luân hồi sáu cõi thật nhiều lần đến không thể tính đếm, vô lượng vô biên lần, cho nên tập khí vô cùng sâu. Phiền não, tập khí không phải ngay đời này học, mà nhiều đời nhiều kiếp mang đến đây, vậy mới biết được nghiệp chướng chúng ta rất nặng. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải tu pháp sám hối, phải tiêu trừ nghiệp chướng. Phiền não là chướng ngại, chướng ngại Niết Bàn, đó là phiền não chướng. Sở tri cũng là chướng ngại, chướng ngại Bồ Đề. Đó là danh từ thuật ngữ Phật học, cần phải giải thích, cắt nghĩa ra thì bạn mới có thể tường tận, mới có thể thấu hiểu.

Cái gì gọi là Niết Bàn? Niết Bàn là tiếng Phạn, ý nghĩa là bất sanh bất diệt. Các vị phải biết, chính chúng ta vốn dĩ là không sanh không diệt, thế nhưng hiện tại có sanh có diệt. Vì sao có sanh có diệt? Bởi vì bạn có thứ làm chướng ngại mất đi bất sanh bất diệt của Niết Bàn, bất sanh bất diệt biến thành sanh diệt. Điều này rất bất hạnh. Tất cả phàm phu có sanh diệt, có sanh tử chính là có phiền não. Phiền não đoạn hết rồi thì không còn sanh diệt, hay nói cách khác, không còn sanh tử nữa, vốn dĩ không có sanh tử. Đạo lý này rất sâu rất rộng, hiện tượng này thì vô cùng vi tế.

Sở tri chướng là gì? Dùng lời hiện tại mà nói chính là kiến giải, chính là bạn có tri có kiến, nếu nói thô một chút, chính là bạn có tư tưởng, có kiến giải. Bạn có những thứ này thì phiền phức, làm cho trí tuệ Bát Nhã đầy đủ trong tự tánh của bạn bị chướng ngại mất. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”. Đức tướng chính là Đại Niết Bàn, không sanh không diệt là đức tướng. Chúng ta có tư tưởng, có kiến giải thì hỏng rồi, trí tuệ Bát Nhã của chúng ta không còn, bị nó chướng ngại mất, làm cho trí tuệ Bát Nhã bị vặn cong đi, bị biến chất, biến thành cái gì vậy? Biến thành tà tri tà kiến, tư tưởng kiến giải hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật, biến thành ra thứ này. Bởi vì có thị phi nhân ngã, có tham-sân-si-mạn nên làm cho đức tướng biến thành sanh tử luân hồi, biến thành tướng chúng sanh của mười pháp giới. Sự thật này nếu không phải Thế Tôn xuất thế thì ai biết được, ai có thể đem sự việc này nói ra được rõ ràng, nói được tường tận? Tất cả các nhà tôn giáo, nhà triết học, nhà khoa học thế gian đều không cách gì nói rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta, vì thế cảm được Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh vì chúng ta nói rõ. Sau khi chúng ta nghe rồi bỗng nhiên hiểu ra. Then chốt là hiện tại làm thế nào hồi phục lại bổn lai diện mục của chúng ta, làm thế nào hồi phục trí tuệ, đức tướng của chúng ta viên mãn? Học Phật là quan trọng, học Phật chính là vì việc này, không phải vì thứ khác.

Hạnh Phổ Hiền là hành pháp cứu cánh viên mãn. Hành pháp là phương pháp tu hành, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là phương pháp sinh hoạt. Ngài nêu ra mười cương lĩnh. Phía trước chúng ta đã từng nói qua “lễ kính”, phải tu lễ kính, đối với tất cả chúng sanh, đối với người, với việc, với vật, phải có tâm thành kính, phải giữ lễ. Thứ hai, chúng ta phải biết “tán thán”, phàm hễ tương ưng với tánh đức thì chúng ta tán thán, không tương ưng với tánh đức thì không tán thán. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị đồng tham có thí dụ rõ ràng dạy bảo chúng ta. Thứ ba là “quảng tu cúng dường”, điều này tôi đã lược nói hai giờ đồng hồ. Nếu như giảng tỉ mỉ với các vị về bố thí cúng dường, thì năng lực của tôi có thể giảng một năm. Kinh văn ở đâu vậy? Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, chương hồi hướng thứ sáu giảng cho chúng ta nghe hơn một trăm loại về tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Một loại giảng ba ngày, thì chẳng phải giảng một năm sao? Chúng ta thật là không hiểu, ngày ngày đọc kinh đầy mồm lướt qua, cho nên tu hành không biết phải bắt tay vào từ đâu, cho rằng chính mình tu hành không tệ, nhưng trên thực tế thì cách với tiêu chuẩn Phật đã nói rất xa.

Khoa này cũng rất là quan trọng, nghiệp chướng tập khí của chúng ta, thực tế mà nói là quá nặng, chính mình phải thừa nhận, chính mình phải khẳng định. Bạn chính mình khẳng định thì bạn mới có thể thay đổi. Thay đổi thì công đức thù thắng. Ngay đến thánh nhân thế gian chúng ta thường nói: “Con người không phải thánh hiền thì làm gì không lỗi. Có lỗi mà có thể sửa thì lo gì không tốt chứ”. Chư Phật Bồ Tát đều tán thán, vì sao vậy? Chư Phật Bồ Tát trước khi chưa thành Phật, bản thân các Ngài cũng có cả một đống lỗi lầm, các Ngài có thể thay đổi, thành Bồ Tát, thành Phật, những cổ Phật về trước tán thán các Ngài. Ngày nay chúng ta cũng có thể thay đổi tự làm mới, đoạn ác tu thiện, tất cả chư Phật Bồ Tát đều sẽ tán thán chúng ta. Thay đổi là khóa mục tu hành rất quan trọng.

Ý nghĩa của hai chữ “nghiệp chướng” này chỉ lược nói qua. Làm thế nào để sám trừ? Sám hối! Sám là tiếng Phạn, dịch âm là sám ma, người Trung Quốc thích đơn giản, nên bỏ đi âm đuôi, chỉ dùng một âm là sám. Trong văn tự Trung Quốc có chữ “hối” (hối là hối quá), ý nghĩa rất gần với chỗ này, cho nên pháp sư dịch Kinh liền đem hai chữ này hợp lại, gọi là “Sám Hối”. Danh từ này trong Kinh Phật gọi là Phạn - Hoa hợp dịch; chữ trước là tiếng Phạn, chữ sau là chữ Trung Quốc. Ý nghĩa của chữ “Sám” là chính mình có lỗi lầm, có thể có dũng khí dám nói với mọi người là tôi đã làm ra những việc xấu ác gì, đó gọi là “Sám”. Ý nghĩa của chữ “Hối” này là về sau không làm nữa; về trước đã tạo ra lỗi lầm là đã làm qua rồi, về sau tuyệt đối sẽ không tái phạm lỗi lầm giống như vậy, chính là như nhà Nho đã nói “bất nhị quá”, lỗi chỉ có một lần, không có lần thứ hai. Lần thứ hai là phải sửa đổi lại, thay đổi tự làm mới, đây gọi là chân thật sám hối. Ngày nay, có rất nhiều đồng tu học Phật, nghe đến danh từ “sám hối”, “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, “sám trừ nghiệp chướng”, thì liền nghĩ đến việc lạy “Lương Hoàng Sám”, lạy “Thủy Sám”, mở đàn “Thủy Lục”. Cũng có người ở trong nhà lạy “Đại Bi Sám”, lạy “Tịnh Độ Sám”, “Hoa Nghiêm Sám”, “Pháp Hoa Sám”, thật nhiều, quá nhiều. Vậy tội của bạn có thể sám trừ hết hay không? Giả như vừa lạy “Lương Hoàng Sám” xong thì tội liền được sám trừ, vậy thì rất hữu hiệu; nếu như sau khi lạy rồi mà không thể sám trừ thì bạn có vấn đề. Vấn đề không phải là phương pháp sai, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám không sai. Bao gồm tất cả những sám nghi đều là của Tổ sư đại đức xưa căn cứ Kinh giáo mà biên soạn ra, đều là tinh hoa trong Kinh giáo thì làm gì sai chứ! Sai ở chỗ nào vậy? Sai ở chỗ chúng ta không hiểu được ý này, không rõ pháp này, chỉ là đem sám nghi chiếu theo đó đọc lướt qua, vậy thì không ích gì. Nếu đọc qua thôi, người xưa nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Ta một mặt tụng, còn một mặt dập đầu, người xưa có một thí dụ giống như đang giã gạo vậy, dập đầu một ngày một vạn cái cũng không thay đổi gì, không hữu dụng. Vậy phải sám như thế nào? Phải tùy văn nhập quán, tùy theo kinh văn, đem quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm của bạn thay đổi lại, vậy thì được, đó là thật sám hối.

Người xưa nói với chúng ta, sám trừ nghiệp chướng có ba loại.

Loại thứ nhất là “Phục nghiệp sám”.

Chúng ta có thể đè tội nghiệp của mình xuống, việc này tương đối là dễ dàng làm được. Thực tế mà nói, ngày nay chúng ta niệm câu Phật hiệu này, trì danh niệm Phật, các vị phải nên biết, mỗi câu mỗi chữ đều là phục nghiệp sám. Nếu lấy giáo nghĩa để giảng, bao gồm tất cả pháp môn đều là sám hối môn. Hai chữ “sám hối” này là hàm nhiếp tất cả pháp môn tu học của Phật pháp, chỉ là phương thức sám hối không như nhau; còn phương hướng, nguyên lý, nguyên tắc đều là giống nhau. Chúng ta dùng niệm Phật để tu pháp sám hối. Câu Phật hiệu này, Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta niệm như thế nào vậy? Chúng ta biết thì chúng ta phải đi làm. Bồ Tát nói với chúng ta phương pháp niệm Phật là “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Bạn niệm câu Phật hiệu này thì công phu liền tiến bộ, liền có thể hàng phục được nghiệp chướng của bạn; hàng phục thì đới nghiệp vãng sanh. Đạo lý chính ngay chỗ này. Nếu như không thể hàng phục được nghiệp chướng của bạn, bạn niệm câu Phật hiệu này không thể vãng sanh, người xưa gọi là “bạn một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”, không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Bạn không thể hàng phục được phiền não. Mang nghiệp thì chỉ mang nghiệp cũ, không mang nghiệp mới. Không thể nói “mang nghiệp thì không cần phải lo. Ta ngày ngày tạo nghiệp, hết thảy đều có thể mang đi”, làm gì có loại đạo lý này? Nghiệp quá khứ tạo có thể mang đi, nghiệp hiện tại tạo không thể mang đi. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

Công phu Phật hiệu của bạn có thể hàng phục được phiền não. Khi hàng phục được phiền não, ở trong pháp môn niệm Phật của chúng ta nói là “công phu thành khối”. Công phu thành khối chính là đem câu Phật hiệu hàng phục được phiền não; phiền não chưa đoạn, nhưng nó không khởi tác dụng, không khởi hiện hành. Thí dụ đó là thật dụng công, thật niệm Phật, mọi người nên biết. Trong lòng khởi lên phiền não, vì sao khởi lên? Xem thấy việc vừa lòng thì khởi lên tham ái, khi tâm tham khởi lên, ta niệm “A Di Đà Phật” làm cho tâm tham bị đè xuống, nó không khởi được tác dụng, đó gọi là công phu. Gặp phải những việc không vừa mắt, phiền não liền khởi lên, tâm sân hận khởi lên, ta niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…” để đè tâm sân hận xuống, quyết không để nó khởi tác dụng, đây gọi là biết niệm Phật. Niệm Phật không phải là xướng ca, hát để cho A Di Đà Phật nghe. Do đây có thể biết, ngay khi trong tâm bạn một niệm không sanh thì có thể không cần niệm Phật, vì tâm của bạn thanh tịnh. Khi tâm vừa mới động thì vội vàng niệm A Di Đà Phật, làm cho phiền não, tập khí “hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục” của bạn thảy đều đè xuống, không để nó khởi tác dụng, con người này gọi là người niệm Phật. Đây chính là phương pháp sám trừ nghiệp chướng, hàng phục phiền não, không thể để nó khởi tác dụng. Tịnh tông chúng ta là như vậy, pháp môn nào không là như vậy?

Trong nhà Phật thường nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, chữ niệm này chính là phiền não khởi hiện hành. Vì sao không sợ phiền não khởi hiện hành vậy? Phiền não nhất định sẽ khởi hiện hành, nếu phiền não của bạn không khởi hiện hành thì bạn chính là Phật Bồ Tát tái lai, bạn không phải là phàm phu; phàm phu thì phiền não nhất định sẽ khởi hiện hành, vấn đề là phải giác được nhanh. Giác thì đối trị mê. Cái giác này chính là đại biểu pháp môn công phu tiến bộ. Giác chính là câu Phật hiệu có thể đề khởi lên. Công phu niệm Phật của chúng ta là ở ngay nơi cửa ải quan trọng, Phật hiệu đề khởi lên làm cho phiền não bị chế phục. Điều này rất quan trọng, mọi người phải biết niệm. Công phu này dùng lâu rồi thì sanh ra sức mạnh, thì liền được Nhất Tâm Bất Loạn.

Công phu Nhất Tâm Bất Loạn có sâu cạn, cao thấp rất nhiều, không chỉ là nói Lý Nhất Tâm, Sự Nhất Tâm. Nếu như nói Sự nhất tâm bất loạn, thì Tiểu thừa - Tứ quả - Tứ hướng đều là thuộc về Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Vậy thì bạn liền biết được, Sự Nhất Tâm Bất Loạn chí ít có đến tám đẳng cấp, đó là Tứ quả - Tứ hướng. Nếu như theo cách nói của Viên Giáo Bồ Tát thì Sự Nhất Tâm đó chính là Bồ Tát Thập Tín vị. Từ sơ phát tâm đến Thập Tín có đến mười đẳng cấp, công phu sâu cạn khác biệt không như nhau. Lý Nhất Tâm đẳng cấp càng cao, Lý Nhất Tâm là 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, hay nói cách khác, Lý nhất tâm có 41 đẳng cấp, trình độ cạn sâu không đồng nhau, không phải đơn giản như vậy. Đồng thời chứng được Lý Nhất Tâm Bất Loạn có người là Bồ Tát Sơ Trụ, không như nhau. Đồng thời chứng được Sự Nhất Tâm Bất Loạn có người là Bồ Tát Sơ Tín vị, có người là Bồ Tát Thất Tín vị, cũng không như nhau. Do đây có thể biết, công phu thành khối của mỗi một người chúng ta cũng sẽ cạn sâu không đồng nhau, cho nên trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư có ba bậc chín phẩm. Nếu bạn không làm đến được trình độ như vậy, thì bạn không thể vãng sanh. Đó là việc chúng ta không thể không biết.

Loại thứ hai là “Chuyển nghiệp sám”.

Đó là người rất thông minh, họ có thể chuyển biến. Việc này rất vi diệu, hiệu quả rất thù thắng, chính là đem tư tưởng, ý niệm của bạn chuyển đổi lại, chuyển phàm thành thánh. Cách chuyển như thế nào vậy? Chúng ta cũng đã có mấy lần nói đến, bạn thấy, từ trước đến nay, chúng ta chẳng phải là khởi tâm động niệm đều vì chính mình sao? Đều vì lợi ích của chính mình, vì danh vọng lợi dưỡng của chính mình, chấp trước kiên cố. Hiện tại nghe Phật pháp thấu hiểu rồi, quan niệm ý nghĩ của chúng ta vừa thay đổi, từ nay về sau ta không còn vì chính mình nữa, mỗi niệm vì chúng sanh, mỗi niệm vì Phật pháp, nghĩ là như vậy, làm cũng là như vậy, lời nói và việc làm của chúng ta đều vì xã hội, đều vì chúng sanh thì bạn chuyển đổi rồi. Đây chính là chuyển phàm thành thánh. Hiệu quả này thì vô cùng to lớn.

Vốn dĩ chúng ta ngày ngày tạo ra ác nghiệp đều là vì tự tư tự lợi, đều là vì hại người lợi mình, chỉ làm những việc như vậy tương lai ắt đọa đường ác. Hiện tại ý niệm vừa chuyển, quyết định không vào ác đạo. Vì sao vậy? Cái duyên ác đạo của bạn đã bị cắt, duyên của ba ác đạo là tham-sân-si không còn nữa, phải quấy nhân ngã không còn nữa, vì xã hội, vì đại chúng, vì chúng sanh, trong “Tứ Thư” nói là “Hy sinh phụng hiến, xả mình vì người”. Cho nên khi vừa chuyển đổi (chuyển không chỉ là chuyển ba đường, chuyển sáu cõi), thì trực tiếp vào con đường thánh nhân, siêu phàm nhập thánh. Đây là một loại sám pháp, là chuyển đổi. Thế nhưng, pháp sám hối cứu cánh là nhất định phải tiêu trừ hết tội nghiệp, diệt nghiệp mới là cứu cánh. Có thể diệt hết hay không? Có thể! Vì sao vậy? Tội nghiệp đã tạo từ vô lượng kiếp, ở trên kinh Phật có một thí dụ, giống như một gian phòng tối, như căn nhà tối, bên trong là tối đen, tuy là phòng tối ngàn năm, nhưng chúng ta đốt lên một ngọn đèn thì căn phòng liền được chiếu sáng, bóng tối liền không còn. Dùng bóng tối để thí dụ cho tội nghiệp, đèn thí dụ cho trí tuệ. Do đây có thể biết, định có thể hàng phục tội nghiệp, huệ có thể phá tội nghiệp. Tu học của chúng ta là nương giới sanh định, do định mà khai huệ, vậy thì đúng. Cho nên, các vị phải nên biết, nếu như trì giới mà không thể được định, thì việc trì giới đó chỉ là phước báo hữu lậu của thế gian, không thể chuyển nghiệp, không thể diệt tội; không những là không thể diệt tội, mà phục tội cũng không phục được. Việc này chúng ta nhất định phải nên hiểu. Trì giới phải được định thì có công đức, trì giới mà không thể được định thì việc trì giới này là phước đức, không phải công đức. Cho nên, trì giới có phước đức, có công đức, được định thì có công đức. Công đức có thể thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi; phước đức thì không thể.

Vì sao có người trì giới mà không thể thành tựu được công đức? Vì họ vẫn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chính mình trì giới được rất nghiêm, rất thanh tịnh, hiếm thấy, mọi người đều tán thán là một việc tốt, thế nhưng vẫn có phiền não. Vì sao phiền não? Xem thấy người kia phá giới, người nọ không giữ giới, họ còn có những phân biệt này. Những phân biệt này làm cho công đức trì giới của họ bị mất hết, vậy họ làm sao có thể được định? Cho nên, Lục tổ Đại Sư Huệ Năng nói ở trong “Đàn Kinh” rất hay: “Nếu người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Người chân thật tu hành trì giới thì không thấy lỗi thế gian. Người thế gian đã phạm rất nhiều lỗi lầm, giả như nếu họ thật không thấy thì họ chẳng phải biến thành người mất trí rồi sao? Vậy vì sao gọi là không thấy? Thấy như không thấy, quyết không để ở trong lòng. Người tu hành luôn là thông minh hơn người không tu hành, thì làm sao có thể tu thành mất trí? Làm gì có loại đạo lý này? Thấy như không thấy, không để ở trong lòng, đó gọi là không thấy lỗi thế gian. Phía sau Đại Sư còn nói rất rõ ràng: “Nếu thấy lỗi của người là lỗi ở nơi mình”. Nếu bạn thấy lỗi lầm của người khác, bạn đem lỗi lầm của người khác để ở trong lòng, dính ở trên miệng, thường hay nói lỗi lầm này, Đại Sư nói lỗi lầm đó chính ở nơi bạn, trái là hạ thấp xuống, bạn đã đọa lạc rồi, đã rơi xuống thấp. Vào thời xưa thường hay nói: “Bên phải là lên cao, bên trái là xuống thấp”. Chúng ta lên giảng đài phải lên từ bên phải, xuống thì từ phía bên trái. Trái là bạn đã hạ xuống, ý chính là như vậy. Lại nói: “Người lỗi ta không lỗi, ta lỗi tự có lỗi”. Họ làm không phải, ta không thể làm giống như họ thì ta không lỗi, ta không sai. Nếu như ta cũng làm như họ vậy, còn phê bình người khác, còn xem thường người khác, nói lỗi lầm của người khác, thì cho dù chính ta giữ giới luật có nghiêm hơn thì chính ta cũng có lỗi lầm. Chỗ này Lục Tổ nói rất hay, chân thật là nhắc nhở chúng ta. Chúng ta chính mình phải tu hành thành tựu công đức, phải chân thật sám trừ nghiệp chướng. Bạn không hiểu được đạo lý này thì bạn làm sao được?

Chúng ta xem thấy trong lịch sử, thời đại nhà Đường, Tổ sư sáng lập Luật tông Trung Quốc là Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam, có ai sánh bằng? Không chỉ người thời đó tôn kính Ngài, tán thán Ngài, mà mãi đến ngày hôm nay, nhắc đến Luật sư Đạo Tuyên có ai mà không khởi lên tâm cung kính. Ngài trì giới rất tinh nghiêm thanh tịnh, cảm được thiên nhân cúng dường. Ngài nửa ngày ăn một bữa, buổi cơm trưa của Ngài là do thiên nhân đưa cơm đến để cúng dường, Ngài không cần phải đi khất thực, phước báo lớn đến như vậy. Có một hôm, Đại Sư Khuy Cơ đi ngang qua núi Chung Nam, Đại Sư cũng rất là ngưỡng mộ Luật sư Đạo Tuyên, liền thuận tiện đến thăm Luật sư Đạo Tuyên. Luật sư Đạo Tuyên nghe Đại Sư Khuy Cơ đến thăm, Ngài liền nghĩ đến cần phải hiển lộ một chút để Đại Sư Khuy Cơ thấy, bởi vì nghe nói Đại Sư Khuy Cơ rất kém đối với việc giữ giới. Đại Sư Khuy Cơ sanh ra trong một nhà giàu có. Chú của Ngài - Uý Trì Kính Đức là đại tướng của Đường Thái Tông, sanh ra từ hào môn quý tộc. Khi xuất gia, người ta gọi Ngài là Tam Xa Hòa Thượng. Đại Sư Huyền Trang tìm Ngài, khuyên Ngài xuất gia. Ngài đưa ra ba điều kiện với Đại Sư. Ngài nói: “Xuất gia cũng được, thế nhưng tôi phải hưởng thụ”. Pháp sư nói: “Ông muốn hưởng thụ gì?”. Ông nói: “Việc thứ nhất là tôi thích đọc sách, tôi muốn mang theo một xe sách để đi xuất gia”. Pháp sư nói: “Được! Không vấn đề gì”. “Việc thứ hai, hưởng thụ trên vật chất cũng không thể thiếu kém, tôi muốn mang theo một xe vàng ròng”. Pháp sư cũng nói: “Được, không hề gì”. “Tôi còn phải có mỹ nữ hầu hạ tôi, tôi cần phải mang theo một xe mỹ nữ”. Đại Sư Huyền Trang đều đáp ứng hết mọi thứ. Cho nên, người ta gọi ông là Tam Xa Pháp sư. Do đối với việc trì giới không có được nghiêm khắc như vậy, Luật sư Đạo Tuyên cho rằng Đại Sư Khuy Cơ tuy học vấn tốt, có biện tài, thế nhưng giới luật thì không được, vậy thì hôm nay phải biểu diễn một chút để cho ông ấy xem. Biểu diễn như thế nào? Buổi trưa thiên nhân đưa cơm đến cúng dường (việc này thì rất là hiếm lạ). Đại Sư Khuy Cơ lên trên núi ngồi đến giữa trưa, thế nhưng thiên nhân ngày hôm đó không đưa cơm cúng dường đến cho Luật sư Đạo Tuyên. Luật sư Đạo Tuyên rất thất vọng, vốn dĩ muốn biểu diễn một chút để cảm hóa Khuy Cơ, không nghĩ đến thiên nhân hôm nay thất tín không đến, bất đắc dĩ không còn cách nào. Buổi chiều Đại Sư Khuy Cơ xuống núi. Đến ngày hôm sau, buổi trưa thiên nhân lại đưa cơm cúng dường đến, Luật sư Đạo Tuyên liền trách cứ họ: “Hôm qua vì sao ông không đến vậy?” Vị thiên nhân này nói, hôm qua Bồ Tát Đại thừa ở trên núi, cả núi đều có thần hộ pháp bảo hộ, tôi không đến được. Luật sư Đạo Tuyên nghe lời nói này rồi, trên thân liền toát mồ hôi, hổ thẹn đến cùng tột, mới biết được ý niệm của chính mình là sai lầm, chính mình có tội nghiệp.

Một đoạn câu chuyện này, thực tế ra mà nói, có thể lấy mấy câu nói này của Đại Sư Huệ Năng làm một chú giải. Chúng ta xem thấy người khác có lỗi lầm là bạn chính mình cho rằng có lỗi lầm. Họ thật có lỗi lầm hay không?

Không hề thấy! Người khác xem thấy Đại Sư Khuy Cơ khuyết điểm cả người, lỗi lầm cả người, thế nhưng thiên nhân xem thấy Ngài thì không phải như vậy. Bạn tu giới luật Tiểu thừa được nghiêm như vậy, thiên nhân tôn kính bạn, thế nhưng còn cách xa so với Bồ Tát Đại thừa. Thiên nhân ngày ngày đưa đồ cúng dường đến cho bạn, nhưng thiên nhân không thể tiếp cận được Bồ Tát, thần hộ pháp ngăn trở họ, muốn vào cũng vào không được, làm gì giống nhau chứ? Những lý cùng sự này chúng ta phải tường tận, phải thấu suốt. Hiểu được đạo lý này thì tội nhất định có thể tiêu trừ, quyết định có thể tiêu diệt.

Thế nhưng chúng ta phải sám hối như thế nào? Đại đức xưa dạy cho chúng ta, chúng ta khởi tâm động niệm tạo tác tội nghiệp có hai loại, một loại gọi là “giá tội”, một loại gọi là “tánh tội”.

Cái gì gọi là giá tội? Giá là phòng chỉ, phòng phạm, bản thân không có tội, nó là phòng ngừa bạn tạo tội nghiệp. Loại giới điều này, loại giáo hối này, nếu bạn phạm rồi thì đều gọi là giá giới, vậy thì nhẹ.

Tánh tội là cho dù Phật có chế định giới luật hay không, bạn tạo tác thì nhất định phạm tội. Lấy ngũ giới để nói, sát sanh là tánh tội. Bạn chưa thọ năm giới, bạn sát sanh vẫn là có tội. Không thể nói bạn không thọ giới thì bạn sát sanh không có tội, không hề có đạo lý như vậy. Không thể nói quốc gia chế định giết chết người thì nhất định phải xử tử hình, tôi không hiểu pháp luật nên không có tội. Không hiểu pháp luật mà bạn giết người thì bạn không bị xử tội chết hay sao? Không hề có đạo lý này, bản thân liền có tội. Dâm dục là tánh tội, trộm cắp là tánh tội, vọng ngữ lừa gạt chúng sanh cũng là tánh tội, cho dù bạn giữ giới hay không giữ giới, bản thân chính là tội. Trong năm giới, uống rượu là giá tội. Uống rượu không có tội, vì sao Phật lại liệt nó vào trọng giới? Sợ bạn uống rượu say rồi thì phạm các giới trước, tạo tác những ác nghiệp khác, cho nên giới không uống rượu là phòng phạm. Nếu bạn phạm vào giới rượu là giá tội, đó không phải là tánh tội. Đạo lý này chúng ta phải hiểu, phải thông suốt.

Năm xưa khi tôi cầu học ở Đài Trung, Lý lão sư giảng “Lễ Ký” cho chúng tôi nghe. “Lễ Ký” là do tôi lễ thỉnh, lão sư thật không muốn giảng, vì sao vậy? Hiện tại ai chịu học? Đã không có người học thì giảng nó để làm gì? Tôi rất thành khẩn cầu thỉnh rất nhiều lần, thầy mới giảng cho tôi nghe mấy thiên. Giảng “Lễ Ký” đương nhiên nhất định nhắc đến người chú giải “Lễ Ký” là Trịnh Khang Thành, Trịnh Huyền chú. Chúng ta chọn lấy Thập Tam Kinh, quyển Kinh đóng bìa. “Trịnh Huyền chú giải” chính là nói đến câu chuyện của Trịnh Huyền. Khi nói đến câu chuyện của Trịnh Huyền, người Trung Quốc thường nói “uống rượu ba trăm ly”. Ba trăm ly là có một điển tích, điển tích này chính là câu chuyện của Trịnh Khang Thành. Trịnh Khang Thành là đại Nho triều nhà Hán, ông thông minh tuyệt đỉnh.

Thầy của ông cũng làm quan rất to, thế nhưng có rất nhiều thị hiếu, thầy ông không đoạn được tập khí này. Khi lên lớp dạy học trò, thầy ông còn phải thưởng thức âm nhạc. Vào lúc đó không có loại máy hát. Trong nhà thầy ông có nuôi một đội nhạc, ca kỹ đều là con gái. Khi thầy ông lên lớp, những cô gái này ở phía sau xướng ca khảy đàn. Thầy ông một mặt thưởng thức, một mặt thì dạy học. Phía sau thầy ông dùng một miếng vải để che lại. Đó là tình hình thầy ông lên lớp. Có một người học trò nào mà không muốn ra phía sau xem thử? Không thể tránh khỏi được việc này. Chỉ có Trịnh Khang Thành ở nơi đó ba năm nhưng chưa từng ra phía sau xem lần nào. Thầy giáo của ông để ý thấy, biết được những gì ông đã dạy ba năm, một mình Trịnh Khang Thành hoàn toàn học được hết. Thế nhưng thầy giáo là phàm phu, không phải thánh nhân, nên vẫn không tránh khỏi tâm đố kỵ. Thầy giáo biết được đứa học trò này tương lai nhất định sẽ vượt qua mình, thầy giáo không phục, tìm biện pháp hãm hại ông, để trị ông. Khi Trịnh Khang Thành bái biệt thầy giáo trở về nhà, thầy giáo dẫn theo học trò đi đến đình Thập Lý Trường để đưa tiễn. Khi tiễn biệt, mỗi một học trò kính Trịnh Khang Thành ba ly rượu (đại khái có khoảng mấy chục người), Trịnh Khang Thành đã uống hết ba trăm ly. Thầy giáo thì muốn tắm ông cho say sau đó mới trị ông, làm gì biết được Trịnh Khang Thành sau khi uống xong ba trăm ly, một lễ tiết nhỏ cũng không thất lễ. Ông có tửu lượng lớn đến như vậy, cho nên năm xưa khi Lý lão sư giảng đến đoạn này, thầy nói: “Nếu mỗi người chúng ta đều có tửu lượng này, thì Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ không cần đưa ra giới điều này”. Ông uống ba trăm ly nhưng không say, thế là ông rời khỏi. Vị thầy giáo này còn mướn một sát thủ, muốn giết ông ngay trên đường. Ông thông minh, ông đi không bao xa thì liền rẽ vào đường nhỏ mà đi. Trên lịch sử có một đoạn câu chuyện như vậy. Thầy giáo cũng đố kỵ học trò, bạn mới biết được thật gian nan, thật không dễ dàng gì. Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử.

Cho nên, giá tội cùng tánh tội chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Giá tội thì làm pháp sám hối, y theo phương pháp sám hối Phật dạy, bạch chúng, tuyên bố với mọi người là ta đã làm ra những việc sai lầm gì, những điều răn dạy của Phật ta chưa thể tuân thủ, ta đã phạm. Nếu như đã phạm tánh tội, thì trong sám hối có sự sám, có lý sám, tương đối phiền phức. Cần phải chân thật phát tâm sám hối từ chính nội tâm mình, sau không làm nữa; cầu Phật Bồ Tát gia hộ, cầu điềm lạ, cầu cảm ứng. Những phương pháp sám hối này ở trong kinh luận nói rất nhiều.

Vào thời trước, năm cuối triều nhà Minh, Đại Sư Ngẫu Ích đã y theo “Triêm Sát Sám Pháp”, đó là y theo pháp môn Địa Tạng tu Triêm Sát Sám Pháp này. Phương pháp này đích thực rất có hiệu quả. Trong Địa Tạng ba Kinh có một bộ pháp sám hối là “Triêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh”, ở trong đó có dạy cho bạn phương pháp sám hối. Cả đời Đại Sư Ngẫu Ích Ngài dùng phương pháp này để tu môn sám hối. Việc này cũng đáng được chúng ta học tập. Thế nhưng ở trong giá tội có rất nhiều khai mở, chúng ta cần phải hiểu. Giới luật là linh động hoạt bát, không phải là khô cứng.

Khi tôi ở Hoa Kỳ, có đồng tu học Phật rồi, nhưng chồng và người nhà của cô không học Phật, thế nhưng họ đối với việc học Phật của cô tuyệt đối không bài trừ. Sau khi học Phật rồi, cô muốn ăn chay, ăn chay thì người nhà liền khó khăn. Có một lần tôi ở Miami, người chồng của một đồng tu đến hỏi tôi: “Đồ chay nếu như không dùng những gia vị như hành tỏi thì không có mùi vị, sẽ rất khó ăn. Việc này có nghiêm cấm không?”. Tôi nói: “Không nghiêm cấm, có thể dùng”. Bạn phải nên biết, họ dùng một chút hành tỏi còn tốt hơn nhiều so với ăn thịt; có thể bảo họ không ăn thịt, ăn một ít hành tỏi thì có đáng gì chứ? Đây là khai duyên. Nếu như ngay đến những phối liệu này cũng không cho phép họ dùng thì họ sẽ không ăn chay, mỗi ngày vẫn ăn thịt chúng sanh. Chúng ta ở ngay chỗ này mà so sánh khinh trọng, có thể làm cho họ không tạo trọng tội thì cái tội nhẹ kia có thể thông qua, “thông quyền đạt biến”.

Thông quyền đạt biến thì làm gì tính toán đến những việc như vậy, huống hồ chỉ làm gia vị. Việc này ở trong nhà Phật nhất định không cho phép, vì sao vậy? Sợ người ta hiềm khích, người ta đàm tiếu, “bạn xem, vị Hòa thượng đó không giữ giới, vẫn còn ăn hành tỏi”. Cư sĩ các vị ở nhà thì không có gì để hiềm nghi, người bên ngoài sẽ không nói lời đàm tiếu. Việc này có thể làm được không? Có thể. Có lỗi lầm gì không? Không có lỗi lầm. Tại vì sao Phật ngăn cấm ăn ngũ tân? Ăn nhiều ngũ tân thì sẽ có lỗi lầm, cũng giống như rượu vậy, nó thuộc về giá tội; rượu uống say rồi thì mới có lỗi lầm. Có rất nhiều người khi uống rượu say rồi thì ngủ một giấc thật dài, họ không có phạm lỗi lầm, vậy thì không có việc gì. Thế nhưng có người uống say rồi thì khởi tửu phong, vậy thì rất phiền phức, đó mới có lỗi lầm. Chúng ta xem thấy rất nhiều tửu tánh không tệ, khi uống say rồi thì họ liền đi tìm một nơi để ngủ, những người này thì sẽ không có lỗi lầm. Nhất định phải thấu hiểu chân tướng sự thật.

Nhà Phật không có định pháp, không phải là nhất định. Trong gia vị có những thứ này cũng giống như là những thứ hương liệu vậy, vậy thì không khởi tác dụng gì. Vị rượu, có người xào rau phối một ít rượu, rượu ở trong đó không thể làm say, bạn ăn những thứ đó có thể say sao? Không thể nào. Việc đó không gọi là phá giới. Ngày trước tôi ở Thư viện Từ Quang - Đài Trung, nhân viên làm việc chúng tôi có ba người, trong đó có vị cư sĩ Lưu, hiện tại ông vẫn còn, nghe nói đã xuất gia rồi. Ông là người Sơn Đông, thích ăn củ hành, mỗi bữa cơm nếu không có củ hành thì không nuốt được cơm, luôn phải ăn vài củ hành. Trong nhà bếp nấu cơm là một bà cụ, cũng là một lão cư sĩ rất chân thành, ngày ngày mắng ông phá giới, thế nhưng khi nấu cơm, mỗi ngày nấu mì cho lão sư Lý (Lý lão sư là người Sơn Đông thích ăn mì), trong mì bà để thêm một chút rượu. Cư sĩ Lưu này ngày ngày mắng ông: “Ông phá giới!”, thế nhưng bà nấu mì lại để rượu trong đó. Chúng tôi ở bên cạnh thường hay xem thấy chuyện cười này. Kỳ thực hai bên đều không có lỗi lầm, ông ăn vài củ hành như vậy không khởi tác dụng gì, trong mì để một ít rượu cũng không khởi tác dụng gì, đều xem là gia vị để dùng. Ở trong tự viện thì sợ có người hiềm nghi, còn ở đạo tràng cư sĩ, ở trong nhà cư sĩ thì không việc gì. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, không thể nói phạm một chút này thì là phạm đại tội, vậy thì không được rồi, nói ra nghiêm trọng đến như vậy. Tội nghiêm trọng chân thật thì họ đều quên mất. Tội nghiêm trọng chân thật là gì? Bạn xem Sa Di Luật Nghi, trong giới Sa Di nói, trên mình mang tiền là phạm đại giới, mỗi ngày trên người chúng ta đều mang cổ phiếu, cái đại giới này bạn không nói, cái lỗi nhỏ đó mà bạn tô vẽ ra, chẳng phải là điên đảo sao? Vì sao Phật bảo người xuất gia trên người không nên mang theo tiền? Cũng là giá giới, phòng ngừa tâm tham. Tiền càng nhiều thì tâm tham càng nặng, càng nhiều thì càng khó xả được, cho nên Phật cấm người xuất gia cầm tiền trong tay, trên người không được mang theo tiền, trên tay không được cầm vàng bạc, tiền của, vật báo, đây đều là thuộc về giá giới. Chúng ta nhất định phải nên hiểu, đó là ngừa quấy dứt ác, một loại quyền nghi thiết lập. Các vị biết được Thế Tôn khổ tâm dạy học, nơi nơi đều vì chúng ta làm ra rất nhiều công việc phòng phạm.

Đó là hai loại tội.
Có hai phương pháp sám hối.

Nếu ở sự sám, thí dụ chúng ta tu pháp sám hối, như vừa rồi đã nói, bạn tu Đại Bi Sám, tu Lương Hoàng Sám, tu Thủy Sám, chiếu theo nghi qui đó mà làm thì đó thuộc về sự sám. Chúng ta y theo trong sám nghi dạy, chân thật mà làm, vậy mới có tác dụng. Không phải chỉ đọc qua một lần, đọc qua một lần không ích gì, mà phải chân thật làm.

Nếu như có thể y theo định mà khai huệ, đó là tu tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh sẽ sanh trí tuệ, sau đó thấu hiểu chân tướng của những tội nghiệp. Trên Kinh Phật nói: “Vạn pháp đều không. Vạn pháp do duyên sanh. Phàm hễ là pháp duyên sanh, ngay thể đều là không, không thể có được”. Chúng ta tạo tác chủng chủng tội nghiệp là duyên sanh. Đã là pháp duyên sanh, đương nhiên cũng là ngay thể đều là không, không thể có được, đó là đạo lý nhất định. Bạn hiểu được đạo lý này, khế nhập không tánh, cái tội này liền diệt. Thế nhưng, nếu bạn không thể khế nhập (chỗ khế nhập này chúng ta thường gọi là chứng đắc), bạn chưa chứng được cảnh giới này, bạn chưa vào được cảnh giới này thì bạn vạn lần không nên nghĩ tội nghiệp là không. Bạn ăn cơm có không hay không? Ăn cơm thì có, một cái có thì tất cả đều có, một không thì tất cả đều không. Nếu bạn quả nhiên có thể vào được cảnh giới tất cả không này thì tội nghiệp của bạn liền tiêu trừ, giống như vào cảnh giới như trong Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. “Quán” là huệ, vào được cảnh giới này, như kinh phía trước đã nói “Tam tâm bất khả đắc, duyên khởi tánh không”. Việc này là then chốt. Bạn chân thật được giải thoát, không những siêu việt sáu cõi, mà mười pháp giới cũng siêu việt luôn. Đó là lý sám, từ trên lý mà tu pháp sám hối.

Từ trên sự mà sám hối là phục phiền não, phục tội nghiệp, làm cho tội nghiệp không khởi hiện hành. Cách sám hối trên lý là nhổ sạch hết gốc tội nghiệp, nhổ sạch tận gốc, chân thật là chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đó mới là pháp sám hối cứu cánh. Cách sám hối này phải bắt đầu từ đâu? Ở trên kinh Phật dạy cho chúng ta mười phương pháp để làm. Phật nói có mười sự việc là thuận theo sanh tử, cũng chính là nói nếu như bạn có mười sự việc này thì bạn nhất định phải sanh tử luân hồi, bạn không thể thoát khỏi tam giới sáu cõi. Ngoài ra cũng có mười sự việc có thể làm cho bạn siêu việt luân hồi, siêu việt mười pháp giới. Trước tiên chúng ta phải sám trừ mười loại tâm lý tùy thuận sanh tử luân hồi của chúng sanh.

Mười loại tâm lý tùy thuận sanh tử luân hồi của chúng sanh

Thứ nhất là “Vọng kế nhân ngã, khởi ư thân kiến”. “Vọng” là hư vọng, không hề có sự thật này. “Kế” chính là chấp trước. Bạn chấp trước hư vọng, cho cái thân thể này là ta, chấp trước cái thân thể của người khác là người, từ ngay trong đó sanh khởi ngã chấp nghiêm trọng. Phật đem chỗ này xếp vào điều thứ nhất, điều này gọi là thân kiến. Bạn thấy, chúng ta ở trong kiến tư phiền não. Kiến hoặc có năm loại lớn là thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Năm loại lớn này là kiến giải sai lầm của chúng ta.

Cái đầu tiên chính là thân kiến. Thân kiến là từ do đâu mà có? Không hiểu rõ chân tướng sự thật, ở trong chân tướng sự thật khởi lên hiểu lầm nghiêm trọng, đem cái thân này xem thành chính ta, thế là ở trong đó liền khởi lên thị phi nhân ngã, điên đảo, vọng tưởng. Đây là căn bản của luân hồi. Bạn muốn hỏi sáu cõi luân hồi từ do đâu mà ra? Chính là do sự việc này mà ra, đó là Phật đem căn bản của luân hồi, nguyên nhân của luân hồi nói ra cho chúng ta. Cho nên thiện ác ở trong Phật pháp nói là “vì chính mình chính là ác, vì người khác chính là thiện”, tiêu chuẩn là như vậy mà định. Vì chính mình là tăng thêm ngã kiến, tăng thêm ngã chấp. Cái thứ này thì rất phiền phức. Không vì ta nữa, vì chúng sanh thì ngã chấp dần dần sẽ tan nhạt. Không còn chấp trước cái thân này là ta thì hân hoan vui vẻ, an vui, tự tại, vì chúng sanh, vì xã hội, không luận chúng ta ở một nơi nghề nghiệp nào đều là vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, đều là chân thật làm đến được hy sinh phụng hiến. Thực tế mà nói, trong hy sinh phụng hiến còn có ngã chấp, ai hy sinh vậy? Ta hy sinh. Ai phụng hiến? Ta phụng hiến. Còn chưa quên được cái “ta” thì hy sinh phụng hiến đều không có. Pháp vốn như vậy. Trong tự nhiên chính là ta có cách làm như vậy, cho nên phải quên cái ta đi mới được, phải vì chúng sanh.

Thứ hai là bên trong có vô lượng vô biên phiền não (phiền não chính là thị phi nhân ngã, tham-sân-si-mạn), bên ngoài có mê hoặc. Những thứ này là phiền não lớn. Mê hoặc bên ngoài, có người mê hoặc, có việc mê hoặc, có vật mê hoặc, những thứ mê hoặc quá nhiều. Xã hội ngày nay mỗi bước đều là hầm hố, mỗi bước đều là hầm lửa, có được mấy người có thể thuận buồm xuôi gió đi qua con đường hiểm này? Thật khó! Nếu bạn không có trí tuệ chân thật thì dễ dàng bị dụ hoặc. Sự tạo tác ác nghiệp này thì nặng, nhất định là tăng thêm vô minh, tăng thêm phiền não, cũng chính là tăng thêm nghiệp sanh tử luân hồi. Đây là loại thứ hai cần phải nên sám hối.

Thứ ba là “nội ngoại duyên thảy đều đầy đủ. Bên trong có phiền não, bên ngoài có ác duyên”. Ý niệm làm thiện của chúng ta không có. Không những chính mình không thể tu thiện, thấy người khác tu thiện thì rất khó chịu, còn có thêm đố kỵ, còn có hãm hại; xem thấy người khác làm thiện thì nghĩ ra hết cách để phá hoại, để cản trở, thậm chí không ngại tạo ra tội nghiệp cực trọng, hủy báng, nhục mạ, hãm hại, thảy đều làm ra hết. Việc này chúng ta nhất định phải biết sám hối. Giả như chúng ta chính mình gặp phải loại tình huống này, không nên bị cảnh giới bên ngoài dao động, tuyệt đối không nên cho rằng chúng ta làm người tốt, làm việc tốt, giữ tâm tốt mà vẫn còn gặp phải rất nhiều khổ nạn, không làm người tốt được. Nghe có người nói “làm người tốt bị người gạt, ngựa tốt bị người cưỡi” thì không dám giữ tâm tốt, không dám làm việc tốt, vậy thì hỏng rồi, hoàn toàn bị hư hết. Nói ra hai câu này không phải là Phật nói, mà là ma nói, vậy chẳng phải bạn đi theo ma để học sao? Chúng ta học Phật, khi cảnh ma hiện tiền, chúng ta mới có thể trải qua được khảo nghiệm, quyết không lo sợ, quyết không thoái lui. Biết được chúng ta gặp phải muôn vàn khó khăn, đối với bản thân chúng ta mà nói, giúp cho chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, đây là việc tốt, không phải việc xấu. Trên “Kinh Kim Cang”, Phật có nói một đoạn: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng thử kinh”, thử kinh là chỉ “Kinh Kim Cang”, nói “Kinh Kim Cang” tốt. Thọ trì là y theo giáo huấn của “Kinh Kim Cang” mà làm, y giáo phụng hành, đó là người tốt. Thế nhưng bị người ta khinh rẻ, bị người ta xem thường. Phật nói: “Con người này đời trước tạo tội nghiệp phải đọa ác đạo, nếu họ không thọ trì “Kinh Kim Cang”, nếu không học Phật, tương lai sẽ đọa đường ác. Hiện tại học Phật, chăm chỉ cố gắng học tập như vậy còn bị người khinh rẻ, bị người ta chà đạp, tội nghiệp của người này hiện tại sẽ trả hết, tương lai sẽ không đọa ác đạo nữa. Không những không đọa ác đạo, mà còn được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Họ có thành tựu. Bạn thấy như vậy thì tốt biết mấy. Cho nên chúng ta nghe được Phật nói những lời này, trong lòng có được sự an ủi. Phật nói đều là thật, không phải là giả. Cho nên, người học Phật chúng ta gặp phải nghịch duyên, gặp phải nghịch cảnh, trong lòng phải rất thản nhiên, phải nỗ lực mà kiểm điểm. Người khác hủy báng chúng ta, chúng ta phải cố gắng nghĩ xem ta có hay không? Nếu như có thì phải mau sửa đổi, nếu không có thì cố gắng khích lệ, nhất định không thể làm việc sai. “Có thì sửa đổi, không thì khích lệ”, vậy thì tốt. Quyết không nên trách người khác, không nên có một niệm tâm sân hận, tâm báo thù, vậy thì sai rồi, vậy thì chúng ta lại đọa lạc. Chúng ta vẫn có tâm cung kính đối với họ, vẫn có tâm cảm ân. Họ tiêu tai, diệt tội thay ta, thì họ là đại ân nhân của ta, làm sao ta không cảm kích? Tu học của chính ta vẫn là mỗi niệm hồi hướng cho họ, cầu phước cho họ. Đó là Phật dạy bảo chúng ta phải nên có cách làm như vậy.

Thứ tư, nếu như chúng ta có tội nghiệp này, thân-ngữ-ý ba nghiệp không ác nào không tạo, cũng chính là thường nói tạo mười ác nghiệp. Thân tạo ra sát-đạo-dâm; miệng vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt, trong tâm có tham-sân-si-mạn, vậy thì bạn phải nỗ lực cầu sám hối. Việc sám hối này là phải phát lồ sám hối. Chúng ta không có dũng khí ở trong đại chúng đông đảo phát lồ sám hối, thì chí ít phải ở trước mặt Phật Bồ Tát phát lồ sám hối. Có một số người ở trước mặt Phật Bồ Tát thầm lặng mà sám hối, chúng ta xem thấy miệng của họ đang động đậy, một câu cũng không nghe được, e rằng Phật Bồ Tát cũng không nghe thấy. Phật dạy chúng ta phát lồ sám hối, phát lồ sám hối là phải nói ra, không nên che giấu. Do đây có thể biết, loại sám hối này là rất muốn sám hối, nhưng lại còn ngượng ngùng, lại còn bị xấu hổ, vậy thì nghiệp chướng này không thể sám trừ. Cho nên nói, ở trước mặt Phật Bồ Tát mà bạn còn không chịu phát lồ, còn không chịu lớn tiếng nói ra, có thể thấy được ý nguyện của bạn không chân thành. Người chân thật thì không những ở trước mặt Phật Bồ Tát phát lồ sám hối, mà trước mặt thiện tri thức thông thường đều phải nên phát lồ sám hối.

Thứ năm, Phật nói, tuy bạn tạo ra những việc ác này không nhiều, thế nhưng tâm ác của bạn trùm khắp, bạn không thể làm ác đó là duyên chưa chín muồi, nếu như duyên chín muồi thì việc ác của bạn cũng trùm khắp. Thực tế ra mà nói, tạo ác cũng phải có phước báo, không có phước báo thì chỉ có thể làm được việc ác nhỏ, không thể làm được việc ác lớn. Người phước báo lớn mới có thể làm được đại ác, họ có thể tùy theo tâm mình muốn, muốn làm gì thì làm. Thông thường người không có phước báo muốn làm đại ác cũng không làm được, chỉ có thể làm được chút ác nhỏ. Tuy là ác nhỏ, nhưng tâm ác của họ có thể không nhỏ, việc này cần phải nên biết.

Thứ sáu là ý niệm làm ác ngày đêm tiếp nối không ngừng nghỉ, vậy thì không tốt. Cho nên ban ngày tạo ác, buổi tối nằm mộng vẫn là đang tạo ác, vẫn đang làm việc sai, nên gọi là “ngày nghĩ việc gì, đêm mộng làm việc đó”, bạn nói xem có đáng sợ không? Trên kinh Phật nói những sự việc này, thực tế mà nói đều là hiện tượng ác hạnh thông thường của chúng ta hiện tại. Phật nói ra một chút cũng không sai, một chút cũng không quá đáng.

Thứ bảy là “che giấu lỗi lầm của chính mình, tránh né lỗi lầm của chính mình”. Chính mình tạo tác tất cả lỗi lầm, đem trách nhiệm đẩy cho người khác, vậy việc ác này thì lớn, việc ác này thì nặng. Chính mình tạo tác thì chính mình phải dũng cảm gánh vác, mạnh dạn nhận lỗi, vậy lỗi của bạn mới có thể sám trừ. Nếu như che giấu, ngụy trang, đậy kín, thì tội này sẽ càng thêm nặng. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải tích âm đức. Chúng ta làm việc tốt không nên để cho người khác biết, phải che giấu, thì phước đức của bạn càng tích càng dày, quả báo tương lai sẽ thù thắng. Tội nghiệp thì không nên che giấu, cho dù tạo ra tội nghiệp nhiều hay ít đều mong muốn người khác biết. Để làm gì vậy? Người này nghe thấy mắng bạn một câu, người kia trách bạn một tiếng, thì quả báo này thảy đều trả hết. Chính mình tạo ra vô số ác nghiệp thì phải mau báo hết, còn những thiện nghiệp thì không nên để người biết. Bạn thấy hiện tại người thông thường thật là điên đảo, họ tạo ra việc ác thì không muốn người khác biết, chỉ làm có một chút thiện mà muốn đem nó tuyên dương thành đại thiện để mọi người xem trọng họ, tán thán họ, vậy thì thiện đã xài hết rồi, ác thì thảy đều ém, để ở đó vẫn chưa động, để khi đến Diêm La Vương tính sổ luôn một lần, vậy thì sai rồi. Đó là người ngu si, không phải người thông minh. Phật dạy cho chúng ta thật có đạo lý,...
 
Trích từ: Kinh Vô Lượng Thọ, Lão pháp sư Tịnh Không giảng lần 10


Từ Ngữ Phật Học Trong: Sám Hối Nghiệp Chướng