Có hai người đi dự đại hội, ngang qua chỗ làm bình, gặp thợ gốm dùng chân đạp bánh xe làm bình, thấy hay quá xem không biết chán. Chốc sau một người bỏ đi trước đến đại hội được ăn một bữa sơn hào hải vị no nê, và còn được tặng trân bảo nữa, riêng người kia mải mê coi thợ gốm làm bình, lại suy nghĩ đợi coi xong rồi tính, chẳng dè coi đến mặt trời lặn, vừa mất bữa ăn ngon, vừa mất quà trân bảo.
 
Người ngu cũng vậy, bận buộc gia duyên, không biết gia duyên không thường hằng, nay kinh doanh chuyện này, mốt lo sự nghiệp kia.
 
Chư Phật như rồng xuất thế, pháp âm như sấm động thế gian, pháp vũ tuôn khắp nơi, song do bận buộc nên không nghe, không biết tử thần bất chợt đến, còn đâu dịp dự Phật hội, không được pháp trân bảo, thường ở nơi cùng cực của ác đạo, quay lưng bỏ chính pháp lại đàng sau, như người mải lo xem bình, không biết khi nào mới hết, cho nên mất pháp lợi, vĩnh viễn không giải thoát.
 
Lời Bình:

Hai người này dụ cho một người có lý tưởng và một người không lý tưởng. Người không lý tưởng là người mải xem làm bình, người có lý tưởng là người rời bỏ thú vui để đến đúng mục đích.
 
Người có lý tưởng, là người tư duy và hành động có mục đích, và biết giá trị của mục đích, nhận rõ con đường ta phải đi và chỗ ta phải đến. Nhờ vậy trên đường đi không bị cảnh vật dọc đường lôi cuốn mê hoặc, hay đe dọa cản trở. Nhờ trung thành với lý tưởng, ta vẫn vượt qua mọi thứ trên để đến được mục đích lý tưởng. Như người thứ nhất dừng chân đứng hân thưởng nghệ thuật làm bình của thợ gốm trong chốc lát, rồi vẫn lìa bỏ thú vui này, tiếp tục đến pháp hội, được hưởng một buổi dạ yến sơn hào hải vị, lại thêm được quà trân bảo.
 
Người không lý tưởng, là người tư duy và hành động không mục đích nhất định, gặp cảnh nào thích thú thì đắm chìm trong sự si mê không sao lìa nổi, cho đến khi nào gặp nhân duyên khác gây cảm thọ thuận hơn, bấy giờ lại bỏ cái cũ ôm lấy cái mới không xả, tâm ý người này bị cảnh làm biến động như vượn truyền cây, như ngựa rong ruổi, đuổi bắt các duyên, không có lý tưởng để trụ, không có hướng đi để hành, tâm ý loạn động, hành xử bất định, đối với mọi sự vật, lúc thiện lúc ác, lúc tắng lúc ái, lúc thủ lúc xả, điên điên đảo đảo, tạo tác biết bao vọng nghiệp.
 
Thế nhân say sưa ngắm nghía ngũ dục, tợ như người xem làm bình, do tâm phan duyên nên mê mệt đắn chìm theo vọng cảnh, chỉ thấy cái vui thỏa mãn căn trần, mà không thấy cái hại "trói buộc" của thức tình, như người say sưa xem làm bình quên hết mọi sự, đánh mất lợi lớn của pháp hội, đến khi xem chán thì trời đã tối, pháp hội chẳng còn. Thế nhân cũng vậy miệt mài trong thế sự, bị dục lạc của thế gian lôi cuốn, chỉ thấy cái vui của sự đắc dục lạc mà quên cái hại trói buộc đến thành nghiệp cho muôn đời của "tính tham dục", đến khi cuối đời mệt mỏi, thân tâm cằn cỗi suy hoại, dục lạc kề bên mà không đủ lực và tinh thần hưởng, bấy giờ trong tiềm thức chợt thấy rằng dục lạc không giúp ích gì được trong cơn suy thoái cằn cỗi của thân tâm, khi ấy  mới chợt tỉnh ngộ, muốn lìa cảnh giới khổ, vô thường trước mắt thì đã quá trễ, vô minh dầy đặc do tích nghiệp một đời như trời đã tối, nên xa lìa giáo pháp của chư Phật vời vợi, như pháp hội đã tàn.
 
Hai người trong câu chuyện dụ cho hai người tu hành, một người có đức tin kiên cố nơi lý tưởng, một người có đức tin yếu kém, hai người trên con đường tu học. Người có đức tin kiên cố, đụng chạm với các pháp thế gian, không bị dục nhiễm trói buộc, tuy đối duyên nhưng vô nhiễm, nhờ đức tin bất động, nên lìa được duyên, tiếp tục tiến tu đến được chỗ thật pháp, thành được chính quả như người thứ nhất rời thợ gốm đến pháp hội. Người thứ hai do đức tin yếu kém, bị cảnh mê hoặc, đức tin dao động, nên xả không nổi cảnh, như người thứ hai xem làm bình đến chiều tối.
 
Người có đức tin yếu kém này bao gồm hai hạng, tại gia và xuất gia.
 
Hàng tại gia, vì đức tin yếu kém, bị hoàn cảnh chi phối, dừng chân lại nơi ngũ dục, sinh hoạt với ngũ dục đến hết cuộc đời, như người mê xem làm bình đến trời tối hết ngày, bỏ lỡ cơ hội đến các pháp hội thính pháp văn kinh, gieo duyên giải thoát. Đời sau từ sự trói buộc đó của kiếp này mà thọ thân, thế nên tiếp tục bị ngũ dục cột trói và sai sử, khống chế và làm chủ thân tâm cùng thời gian của người này.
 
Hàng xuất gia vì lý tưởng giải thoát không đủ mạnh nên bị ngũ dục mê hoặc, quên mất lý tưởng giải thoát, nhận sự hưởng dục làm lý tưởng, vọng cho Phật sự đồng với phát triển ngũ dục, không có tài chính sẽ không làm Phật sự được, do vậy vấn đề Phật sự tiên quyết là kiếm tài chính, và rồi kiếm tiền thành Phật sự lúc nào không hay. Bản thân Phật giáo lấy thượng cầu trí huệ và hạ hóa chúng sinh làm Phật sự. Căn bản của Phật sự là trí huệ, không trí huệ thì không hành Phật sự được, vì không trí huệ thì thượng cầu hạ hóa đều bất khả thi, và không thành Phật pháp, mà là thế tục pháp. Thế tục lấy ngũ dục làm lý tưởng, trên thì cầu ngũ dục, dưới thì trấn lột tha nhân, vì vậy không tiền không làm chuyện thế tục được.
 
Nay người tu vô trí biến đạo thành đời, như đuôi dắt đầu, thay đổi lý tưởng nên bị ngũ dục bắt giam hết thì giờ và thân tâm của họ. Người này hiến trọn thân tâm và thời gian cả đời phục vụ cho ngũ dục, tạo nên các Phật sự thiếu vắng tinh thần thượng cầu hạ hóa, mà chỉ có toàn phiền não và là gánh nặng cho tín chúng, để chung cục Phật sự đó trở nên sự trói buộc họ và đồ chúng, như dây trói tù nhân, mất hết tự do, không được giải thoát, tự tác tự thọ. Tự làm mất nhân duyên với pháp hội của chư Phật, không được công đức bảo, như kẻ mải coi làm bình.
 
Song làm thế nào để có lý tưởng chính xác và đủ mạnh để xả thú vui trần gian? Và đâu là con đường đến pháp hội?
 
Đức Phật luôn khẳng định "thâm tín nhân quả" là nền tảng của học Phật, dùng nhân quả làm cơ sở cho mọi tư duy và lý luận. Bất luận kinh điển Đại hay Tiểu của đạo Phật đều thừa nhận kẻ bất tín nhân quả là nhân của địa ngục, là hàng nhất xiển đề.
 
Tất cả pháp môn của đạo Phật đều nương vào nền tảng này làm cơ sở tu tập, lìa bỏ nhân quả tu học tất thành ngoại đạo tà giáo, vì thế pháp môn hay tông phái nào của đạo Phật cũng có đồng một nền tảng là nhân quả. Do yếu tố làm thế nào phát triển được nhân đưa đến quả báo tốt lành, và diệt trừ mọi nhân dẫn tới quả báo thống khổ mà đức Phật lập giới. Giới này bao gồm 2 phương diện "đoạn ác" và "hành thiện"
 
Với người có đức tin vững chắc và chân chính phát tâm bồ đề, thệ độ nhất thiết chúng sinh, thì đó chính là nhân triệt mọi quả khổ, mang đến quả công đức vô lậu. Vì vậy mà bồ đề tâm được coi là nền tảng của Bồ tát giới, thậm chí bồ đề tâm chính là Bồ tát giới và cũng là Bồ tát đạo, là giới viên mãn đưa đến quả Vô thượng Bồ đề. Do đó Thế Tôn khẳng định có phát tâm thì có thành Phật, không phát tâm thì không thể thành Phật như trong phẩm Phát tâm kinh Hoa Thủ ghi :
 
A Dật Đa! Đương tri chư phật nhất thiết công đức, giai tại sơ phát điều phục tâm trung, thị cố Bồ tát, thế gian nan ngộ, Phật diệc nan trị. A Dật Đa! Thí như vô ngưu tắc vô đề hồ, như thị nhược vô Bồ tát phát tâm, tắc vô Phật chủng. Nhược hữu ngưu tắc hữu đề hồ, như thị nhược hữu Bồ tát phát tâm, tắc Phật chủng bất đoạn. A Dật Đa! Thí như hữu chủng tắc hữu hoa thật, như thị nhược hữu Bồ tát phát tâm, tắc Phật chủng bất đoạn. Thị cố đương tri phát tâm vi nan, phát tâm nan cố, Phật diệc nan đắc.
 
(A Dật Đa! Phải biết hết thẩy công đức của chư Phật đều từ nơi sơ phát tâm điều phục ra, cho nên thế gian khó gặp Bồ tát, Phật càng khó được. A Dật Đa! Thí như không bò tất không có đề hồ, do vậy nếu không có Bồ tát phát tâm, ắt không có Phật chủng. Nếu có bò tất có đề hồ, do vậy nếu có Bồ tát phát tâm tất Phật chủng không dứt. A Dật Đa! Thí như có hạt giống tất có hoa quả, cũng vậy nếu có Bồ tát phát tâm ắt Phật chủng không mất. Cho nên phải biết phát tâm rất khó, do phát tâm khó mà Phật quả khó thành).
 
Phát tâm là nhân, thành Phật là quả. Trong sự phát tâm đã có bồ đề quả bởi tính chất quả ở ngay trong nhân, mà không từ đâu đến, không thể lìa nhân mà cầu Phật hay Thần linh để được quả. Trong phát tâm có bồ đề quả, nên tùy theo sự phát tâm mà thành quả, điều này Liên tông Thập nhất tổ Tỉnh Am đại sư đã giải bầy cặn kẽ qua 8 sắc thái phát tâm (Tà Chính, Chân Ngụy, Đại Tiểu, Thiên Viên) trong bản văn Khuyến phát bồ đề tâm. Thế nên mới biết một tâm nhiếp hết mọi cảnh mọi quả. Do vậy chính nhân là phát tâm bồ đề, chính quả là Chính đẳng Chính giác, thế nên cảnh giới tụ hội của những người phát đại đạo tâm chẳng cần đến giới "phòng phi chỉ ác" của Tiểu thừa, vì vậy các cảnh giới thanh tịnh gọi là Tịnh độ của chư Phật không có thọ tiểu giới này, mà chỉ lãnh thọ đại giới đó chính là phát tâm Vô thượng bồ đề như chúng ta thấy trong kinh Vô Lượng thọ nói về hàng Hạ phẩm tức hàng chưa phát tâm.
 
Giới theo tiểu thừa là con đường trừ Tập diệt Khổ, do hành động phòng phi chỉ ác. Trừ Tập diệt Khổ lại là Đạo đưa đến Diệt, nên Giới được coi là Thánh hạnh, dẫn đến giải thoát. Theo đại thừa, giới là con đường hành pháp cứu độ, gọi là Đạo, đưa tới Diệt, nên giới được coi Tịnh hạnh dẫn đến sự giải thoát cho chúng sinh. Song Giới do nơi phát tâm mà thành, vì vậy phát tâm tiểu thì thành Giới tiểu, phát tâm Đại thì thành Giới đại. Phát tâm tiểu thì chú trọng vào "phòng phi chỉ ác" để thủ hộ thân tâm, thuộc về phạm vi "trừ Tập diệt Khổ", tự lợi nhiều hơn lợi tha. Phát tâm đại thì hướng đến "thệ độ nhất thiết chúng sinh", thuộc lãnh vực "hành Đạo chứng Diệt", tự tha lưỡng lợi. "Thệ độ nhất thiết chúng sinh" là Đạo trừ Tập tối thắng, là pháp cứu cánh Diệt sạch Khổ. Đây là tài sản mà trưởng giả Như lai muốn ban cho hàng cùng tử phàm nhân, bằng sự thị hiện nơi đời.
 
Dựa vào những lý lẽ trên, ta có thể kết luận rằng: bất cứ là Hiển hay Mật, Tịnh hay Thiền đều phải dựa vào nhân quả tu tập và hành động, gieo nhân "độ nhất thiết chúng sinh" làm Đạo tu hành, trừ sạch Tập nhân đầy chấp ngã, được quả Diệt không còn chút dư Khổ, không những cho mình mà còn cho người nữa. Vì vậy không thể chỉ dựa vào sự cầu hư ngụy cho bản thân, mà phế bỏ mọi hành động tích cực độ sinh như bố thí phóng sinh…
 
Chúng ta không thể mang tiền tài sản nghiệp hay tình cảm cá nhân, thậm chí cho đến cái xác thân và tâm vọng tưởng này theo lên cõi Phật, mà chỉ mang lên đó được bằng mọi công đức cứu độ, cũng như sự vứt bỏ lại mọi thứ hư vọng trên. Vì vậy mà đức Bổn Sư nhiều đời đã xả bỏ 3 pháp không kiên cố là "Thân, Mạng và Tài sản" để cứu độ vô lượng chúng sinh, do vậy mà đắc 3 pháp kiên cố là "Pháp thân, Huệ mạng và Công đức vô lậu". Chư Phật còn phải xả và hành như vậy mới thành Phật quả, lý nào chúng ta không cần hành chỉ dựa vào sự cầu suông mà thành tựu được Phật quả và cõi Phật? Chúng ta chỉ có thể dựa vào hành để qua bờ, mà không thể cầu hay gọi bờ kia tới với mình.
 
Đến thân và mạng còn xả cho chúng sinh, huống lại có thể trộm máu thịt của chúng sinh để nuôi hưởng cái vị nhất thời nơi lưỡi môi?. Tài sản cũng ban phát chia cả cho chúng sinh là thân bằng quyến thuộc ba đời, huống lại có thể gian tham bỏn sẻn chiếm đoạt của người?. Thế mới hay phát tâm bồ đề là lý tưởng vững chắc, là giới thể cho người tu học vin vào để tránh thoát mọi mê hoặc của thế gian pháp, và là con đường thẳng tắp tới cung trạch của Như lai dự pháp hội.
 
Người hành các pháp cứu độ từ bồ đề tâm, là người đang trên con đường đến pháp hội. Người "đứng xem trong chốc lát" rồi đi, là chỉ cho việc tiếp xúc với thế sự bằng con mắt cứu độ và xả bỏ, nhờ vào giới đức của phát tâm. Người "xem đến trời tối mịt" là diễn bầy sự tham đắm khi tiếp xúc với thế sự, không xả nổi các món hưởng thụ, do thiếu giới đức phát tâm, cho đến khi nào quả báo trổ, không còn chút khí lực chống trả, bấy giờ mới hối tiếc, và mất đi quả lợi lớn.
 
Tóm lại, qua câu chuyện này, người học Phật nên chiêm nghiệm, thời gian của chúng ta là hãy tiến bước đến pháp hội qua các con đường thế gian, vừa đi vừa xả tức gom góp mọi công đức "xả để cứu độ", và biết chắc rằng đây là con đường trực chỉ tới pháp hội, giấy phép tham dự pháp hội là "xả tâm vì chúng sinh". Nếu không, chung quy người học Phật dù đã có nhân duyên quy y Tam bảo, vẫn trở thành kẻ mải mê xem bình, gìn giữ cái lợi vui nhỏ, chỉ thích được mà không thích xả, thời gian 1 đời chỉ dùng vào việc bòn góp của cải và sinh mạng của chúng sinh để hưởng thụ, cho đó là "đắc", mãi cho đến hết đời, mới chợt ngộ mọi thứ này không xả cũng mất, và chỉ là chiêu cảm quả khổ, như trong kinh Bảo tích ghi :
giả sử kinh bách kiếp, sở tác nghiệp bất vong nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ. (Dù trải qua trăm kiếp, nghiệp đã làm không mất một khi nhân duyên đến, phải lãnh thọ quả báo) khi ấy đã quá muộn màng…..
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Đầu Và Đuôi Tranh Nhau
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Cạo Râu Cho Vua
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Sợ Chiếc Áo Quỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Căn Nhà Có Quỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vợ Chồng Tranh Bánh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ