Home > Khai Thị Phật Học
Trọn Hiếu
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Tiết trời ở đây (Úc Đại Lợi) hiện mùa lạnh, ngược với quê nhà là mùa nóng, đang chuyển sang Thu. Hai bên đất nước dù cách nhau ngàn dặm nhưng tình người con Phật đồng hướng về ngày Vu Lan chẳng ngại không gian hoàn cảnh.

Ngày Vu Lan là ngày rằm tháng Bảy, tưởng nhớ về đức hiếu hạnh của bậc đại thánh Mục Kiền Liên. Theo truyền thống như vậy, nên dù ở phương trời nào, người Phật tử chẳng quên sự kiện này. Nhưng không phải chỉ có người Phật tử mới hiểu được Vu Lan là ngày trọng đại. Hai tiếng Vu Lan chỉ là một danh từ ghi lại một sự kiện, làm mốc điểm thời gian, khởi đi vào sinh hoạt xã hội của một dân tộc hay một quốc gia. Như thế ý nghĩa và thật chất của sự kiện mới là quan trọng. Ý nghĩa đó là diễn đạt về lòng hiếu; vậy hễ ai nhận thức được Hiếu là nhận thức được niềm vui và có chung một suy tư, cảm kích về hai đấng sanh thành.

Cảm niệm, suy tư, tưởng ghi, cảm kích, xúc động, ưu hoài… đều là những gì phát xuất từ một tình thương; và tình thương, tình yêu đó nhẹ nhàng sâu đậm thế nào tùy vào mỗi tâm tư con người bộc phát. Nếu là văn sĩ, thi sĩ, tình cảm này sẽ hóa thành tác phẩm chuyên chở, tải đi hiến tặng cho người. Cả đến họa sĩ chỉ mượn đường nét, màu sắc cũng vẽ nên hình ảnh trừu tượng, lập thể, hóa thành cụ thể như chân dung hình dáng mẹ già, với nhiều nét nhăn hằn trên khuôn mặt, với ánh mắt từ hòa, thương mến. Trong ánh mắt nặng trĩu tình thương con, thương luôn cả cháu. Chân dung người cha cũng vậy, họa sĩ tài ba có thể phác họa, nói lên tánh cương trực dõng dạc của một người chồng, thương lo cho vợ, cho con, in hằn lên nếp nhăn sâu kín. Nói chung thương yêu đã được hình ảnh hóa trên khối óc bàn tay nghệ sĩ.

Tuy vậy vẫn chưa đủ để nói lên tình thương của cha mẹ, và lòng hiếu thảo của những người con; vì tất cả thi văn, họa phẩm chỉ là gắng gượng phô bày hạn hẹp trong ý thức sâu thẳm mầu nhiệm của tình thương. Bởi tình thương cần nên biểu hiện qua hành động, để không đánh mất tính chất cao quý của người thương và được thương.

Có nhiều người không cần phô bày hình thức hiếu kính cha mẹ, họ chỉ âm thầm làm những gì cha mẹ thích; cố gắng tận hưởng trọn những ngày tháng cha mẹ hiện tiền. Rồi khi cha mẹ chết đi họ vẫn âm thầm tiếp tục hiếu kính, tưởng niệm bằng cách ghi nhớ lời cha mẹ dạy, thể hiện qua cách sống dạy dỗ con cái.

Nhưng cũng có người con vì quá hiếu cha mẹ, phải vâng lời dạy bảo, làm những việc trái với điều thiện. Đây lại nói lên niềm kính hiếu, lòng thương yêu vô hạn của người con. Chính việc sâu sắc tế nhị của lòng hiếu thảo như vậy, nên sự diễn bày qua ngôn ngữ, thi, văn… chỉ là sơ sài giới hạn.

Đến đây chúng ta thử nghĩ về sự hiếu kính trong đạo giải thoát. Nói về tội và phước, Phật từng dạy, không tội nào hơn bằng tội bất hiếu, và không phước nào hơn, phước hiếu kính hai đấng sanh thành. Thâm sâu hơn nữa Phật lại dạy, sanh ra trong thời không Phật, hãy nên thờ kính cha mẹ như kính thờ Phật. Như thế đủ thấy, hiếu thảo là nền tảng xây dựng nhân cách con người tuyệt hảo mãi mãi làm đẹp cho đời.

Nếu thế hệ ngày nay chữ Hiếu được tuyệt đối đề cao ca ngợi, thế hệ sau theo đó sẽ được duy trì, ngược lại nếu hiếu kính chẳng còn xem trọng, tất đàn trẻ nhỏ lớn lên không ai học hỏi, biến thành xem nhẹ hai đấng sanh thành.

Một xã hội, một quốc gia sanh toàn những người con hiếu thảo, ta có thể đoán rằng, tệ nạn bạo hành, khủng bố đấu tranh, chắc chắn sẽ hiếm xảy ra ở quốc gia đó. Người con hiếu thảo sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của một gia đình sống trong từ hòa hiếu kính với nhau; tính chất từ hòa đó sẽ tạo nên con người lương thiện hơn, từ đây họ sẽ tôn trọng hạnh phúc người khác. Đó là nguyên nhân tối trọng của sự hiếu kính. Tuy nhiên, người con hiếu thảo còn phải hiểu lời Phật dạy, phải cố gắng lấy chánh pháp thể hiện qua lòng hiếu thảo của mình; phải phương tiện giúp cha mẹ phân biệt được chánh tà chân vọng theo pháp giải thoát. Chỉ vừa lòng cha mẹ trong một mức độ giới hạn của người Phật tử; không nên vì quá thương cha mẹ, tạo ra nghiệp ác, gây quả báo bất thiện cho cha mẹ và chính mình.

Người con hiếu thảo nên khuyên cha mẹ quay về con đường chánh pháp, đây là chánh nhân đền đáp công đức sâu dầy của cha mẹ, để mong ra khỏi biển khổ luân hồi. Có như vậy mới là báo hiếu trọn vẹn, không thì tất cả chỉ là quả báo hữu lậu; cha mẹ có hạnh phúc sung sướng thế nào cũng là phước báo thế gian, hay nhiều lắm là thiên phước (cõi trời), vẫn còn quay mãi trong ba cõi.

Ngày nay, chúng ta đang sống vào thời kỳ xa chánh pháp, không diễm phúc nghe được pháp âm của đấng Điều Ngự Vô Thượng Sư (Phật) dạy về chữ hiếu; lẽ đó ta có thể nghi ngờ phước báo thâm sâu này; nhưng ta lại nhớ trong kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu, lời đức A Nan thuật lại, chính thân Đấng Điều Ngự đã quỳ phục lạy tạ đống xương, kính tưởng ân nghĩa ông bà cha mẹ sanh ra thân này. Hình ảnh đó đủ cho ta hiểu, hiếu kính ông bà, cha mẹ, trọng ân đức người đi trước là duyên lành đưa ta sống trong chánh pháp; và lời Phật dạy trong vô lượng pháp âm, cũng chỉ thấy rõ việc lễ hiếu kính người là tối trọng.

Giờ đây mỗi mùa Vu Lan về, lòng người con hiếu chẳng thể quên được ân đức cao dầy của cha mẹ, và công ơn đi trước của các bậc tiền nhân. Chúng ta hãy lắng lòng trầm tư mặc niệm, tưởng về ân đức sinh thành cha mẹ từ vô số kiếp, và sám hối dâng lên niềm yêu thương kính hiếu cha mẹ hiện tiền. Ta nguyện sẽ là những người con hiếu sống trong giáo pháp giải thoát, để từ đây cho đến tương lai góp phần tô điểm hiếu hạnh, hiếu từ trong muôn loài muôn vật.

Nam Mô A Di Đà Phật

2003 –