Ngồi Giường Gieo Hạt
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có một người sơn dã nọ đến một cánh đồng lúa tươi tốt, sơn dã mới hỏi người chủ, làm cách gì mà lúa tươi tốt như vậy, người chủ liền bầy, cầy đầt cho phẳng rồi bón phân tưới nước thì lúa sẽ tươi tốt. Sơn dã trở về y lời thực hành, cũng cầy đất phẳng, bón phân tưới nước, chuẩn bị đâu đó, đến lúc gieo hạt, sợ dẵm lên làm đất cứng, lúa mọc không được, nên nghĩ ra một cách, ngồi trên giường, mướn người khiêng, rồi từ trên giường gieo hạt, như vậy sẽ tránh dẵm lên mặt đất. Nghĩ rồi liền muớn 4 người phu khiêng giường cho gã gieo hạt, kết quả 4 bàn chân dẵm đạp khiến đất càng thêm cứng, chung cục vì tránh không để hai chân đạp nên thành tám chân dẵm.
 
Phàm phu cũng vậy đã tu ruộng giới, mầm thiện sẽ sinh, lẽ ra nên thỉnh bậc giáo thọ chỉ bầy, theo cách hành để mầm pháp sinh, nhưng lại vi phạm, làm nhiều điều ác, khiến mầm giới không sinh, như sơn dã sợ hai chân mà thành 8 chân.
 
Lời Bình:

Người xuất gia vì hạnh nguyện độ sinh nên tâm phải bình đẳng, không tắng ái, hơn thua, như nhà nông cầy cho đất phẳng, sau đó phát  nguyện và hành độ sinh, như tưới nước bón phân. Và cuối cùng là thực hiện các giới pháp trên nền tảng bình đẳng nguyện hành độ sinh, và như vậy sẽ gặt hái được mọi công đức lành, như lúa mọc lên tốt tươi.
 
Nguyện độ bình đẳng, hành bình đẳng độ nhất thiết chúng sinh, không phân biệt thân sơ, người hay vật, tất cả đều nằm trong phạm vi của tâm nguyện độ và thân hành độ. Đó là bồ tát hành thực hiện nguyện gánh vác nhất thiết chúng sinh.
 
Phàm phu tu hành, cạo đầu khoác pháp phục, được tín chúng cung dưỡng, phục dịch bằng công sức và tiền tài, như những người khiêng sơn dã đi gieo hạt, người tu cũng được tín chúng gánh vác đi hành đạo, khác gì sơn dã ngồi giường đi gieo hạt. Người tu này tự cho ta được mọi người khiêng gánh, là công đức tu hành của ta, chỉ ngồi trên lưng thiên hạ mà gieo hạt công đức, thực là tu hành thoải mái, người này như sơn dã không biết rằng kết quả của sự thoải mái và lợi này là hậu quả ngược lại, do hưởng sự gánh vác của tín chúng, mà phải chịu bị họ dẫm nát ruộng công đức. Giờ thì được họ gánh, tương lai phải gánh lại họ, dụ như sơn dã được bốn người gánh, người tu tương lai phải gánh một lần 4 kẻ. Phàm phu không rõ, nên được càng nhiều người gánh càng sung sướng, và cho là ta nhiều phúc đức, mà không hiểu rằng ta đang hành ác pháp khiến bồ đề tâm vì đó mà bị dẵm nát. Chúng ta cần phải hiểu rằng ác pháp có nghĩa dứt thiện căn, làm thối thất đạo tâm, tăng trưởng pháp bất tịnh, đó đích thực là ác pháp. Khi bồ đề tâm bị dầy xéo như thửa ruộng bị đám đông đạp nát, tất nhiên không đạt được quả trong tương lai mà mất hết nhân tu hành đang gầy dựng, như sơn dã mất hết công phu xới đất bón phân, gieo hạt giống, tất cả đều bị hủy hoại, bởi ác pháp tham dục, thích lợi dưỡng, thích được cung phụng và lợi dụng tín chúng.
 

Phàm phu xuất gia, thay vì gánh vác nhất thiết chúng sinh, lại được chúng sinh gánh vác, không sinh tâm tàm quý, lại sinh tâm cao ngạo và sung sướng, mà quên đi hình ảnh những con ngựa kéo xe với cả chục người ngồi trên xe, điều này đâu phải là ngẫu nhiên, mà là do nhân quả chiêu cảm thành, hoặc giả cứ nhìn trâu bò kéo cầy trả nợ cũng đủ hiểu bài học nhân quả ngay trong đó. Những con ngựa này đời trước được biết bao người khiêng cõng, mỗi lần khiêng không phải 4 mà là 10 người nên đời này phải trả cái nợ quá khứ. Ngày qua ngày được phục dịch khiêng vác nên đời sau phải chịu thân trâu ngựa ngày đêm không ngừng kéo xe na cầy trả cái nợ hầu kia.

Phàm phu có thói quen coi sự được cung dưỡng phục thị là lợi lạc, thói quen này thành chủng tử trải qua bao đời, do vậy cho dù đã quy y tam bảo, học Phật tu pháp nhưng vẫn cho rằng phát tâm phụng sự chúng sinh là điều khó khăn, nhưng nếu phát tâm bồ đề phụng sự chúng sinh để làm lý do khiến chúng sinh kính ngưỡng cúng dường thì sẵn lòng phát, vì thế hàng xuất gia thẩy đều phát tâm, nhưng người phát tâm và thực hiện tâm đã phát thì ít mà kẻ tuy phát tâm phụng sự nhưng không hành và chỉ để được phục vụ thì lắm. Phát tâm bồ đề tựa như cầy đất phẳng, bón phân tưới nước, nhưng không tự thực hiện việc gieo hạt bồ đề, lại để cho thiên hạ phụng sự khiêng vác mình, do vậy mà mảnh đất phát tâm mới bị dầy xéo, bằng chính những người khiêng mình. Xem ra kẻ ngồi trên giường gieo hạt chỉ gieo thứ hạt lấy bồ đề tâm làm cớ cho thiên hạ phụng sự mình.
 
Cũng do bởi thói quen coi sự được phụng sự là lợi nên sinh tâm lợi dưỡng, tâm này đạp nát ruộng công đức, lại mê muội nên phát sinh lối tư duy « ngồi giường gieo hạt », cho đó là khôn ngoan và lợi lạc. Do không thật phát tâm bồ đề tức không thực hành nên bị tâm lợi dưỡng sai sử đạp hỏng ruộng bồ đề, người phát tâm xuất gia hạ phẩm được hưởng lợi dưỡng sinh tâm bám chấp không xả, họ nào hay tâm lợi dưỡng đó khác nào kẻ ngồi giường gieo hạt, chung cục không đạt được hoa mầu, bao nhiêu công phu đều tiêu tan.
 
Vì vậy chư Phật dậy người tu hành phải phát tâm trước nhất, nguyện gánh vác nhất thiết chúng sinh trên vai, đi đứng nằm ngồi đều đương nguyện chúng sinh, nhờ gánh vác mà không bao giờ chịu quả khổ trâu ngựa, trái lại trở thành chỗ nương tựa của nhất thiết chúng sinh, là phúc điền của chúng sinh, nên ruộng công đức mọc lên tươi tốt. Như Lão tử nói, hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn, có nghĩa lo cho người trước để thân ta ở sau, thì thân lại lên trước, bỏ ta ra ngoài sự ưu tư, thì ta luôn được tồn tại.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Vợ Chồng Tranh Bánh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Mình Hại Người
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Dùng Dao Khoét Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Ngựa Ô Đuôi Trắng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ