Hễ người nào niệm thì người đó được có cảm ứng, người nào trì tụng thì người đó được Bồ Tát Kim Cang Tạng hộ trì!
Chú Lăng Nghiêm là bài chú dài nhất, cũng gọi là “linh văn”, bởi vì nó quá linh thiêng, quá vi diệu, kỳ diệu không thể nói được, hễ ai đọc thì người đó có cảm ứng, ai trì tụng thì người đó liền được Bồ Tát Kim Cang Tạng hộ trì. Cho nên quý vị tu thần chú này thì cần phải chánh tâm thành ý, tu thân, cách vật; thế nào là “cách vật”? Tức là xa rời tất cả vật dục, cũng chính là không có tâm tham; nếu quý vị có thể “cách vật trí tri, ” thành ý chánh tâm, và tu thân (sửa mình), thì trì chú này sẽ có được cảm ứng rất lớn.
Có người không hiểu ý nghĩa của chú, dám nói một cách khinh suất rằng Chú Lăng Nghiêm là do rất nhiều chú nho nhỏ khác hợp lại mà thành, nên mới dài như vậy. Người nói ra những lời này thì không bằng cả đứa trẻ con, lời trẻ con nói cũng là do nghe người lớn nói rồi chúng lập lại theo, không biết là sai nghiêm trọng đến như vậy.
Chú Lăng Nghiêm, từ câu mở đầu là quy y hết thảy chư Phật trong mười phương tận hư không khắp pháp giới, rồi quy y hết thảy chư Bồ Tát trong mười phương tận hư không khắp Pháp giới, rồi lại quy y các bậc Thánh nhân hàng Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả A La Hán, và sau đó mới quy y thiên.
“Quy y thiên” ở đây không phải là phụng hành pháp của chư thiên, đó chẳng qua chỉ là cung kính chư thiên mà thôi. Vốn dĩ là người xuất gia thì cũng không cần lễ bái ai cả, người xuất gia thì ứng thọ sự cúng dường của chư thiên, vậy thì vì sao phải cung kính chư thiên? Chư thiên lễ bái quý vị, là vì quý vị có đạo đức, có tu hành, tuy nhiên bản thân quý vị không được có tâm cống cao ngã mạn mà nói rằng: “Quý vị có biết không? Tất cả hộ pháp chư thiên đều khấu đầu đảnh lễ tôi!” Quý vị không được sanh tâm cống cao ngã mạn, cảm thấy bản thân mình rất tài giỏi như vậy. Cho dù bản thân quý vị đạo đức đã viên mãn rồi, cũng nên coi như không có gì cả có cũng như không có, thực cũng như hư, bản thân có đạo đức mà không chấp trước, cho dù quý vị có học vấn thật sự cũng không nên tự mãn, như vậy mới đúng là một người tu đạo. Cho nên, người tu hành trì tụng thần chú này, cũng nên cung kính chư thiên thiện thần. Không những phải cung kính thiện thần, cho dù là đối với ác thần, quý vị cũng phải cung kính họ. Do đó, quý vị cần phải dẹp bỏ cái tập khí cống cao ngã mạn của mình.
Cho nên những điều lợi lạc trong việc thọ trì Chú Lăng Nghiêm, có nói cũng nói không hết được; tôi cũng không muốn nói rốt cuộc có điểm tốt nào, bởi vì nếu tôi nói ra thì e rằng lúc tụng trì, trong lòng quý vị lại nảy sanh một thứ tâm tham tụng trì Chú Lăng Nghiêm để đạt được điều tốt lành, lợi lạc gì đó! Như thế càng không phải là quý vị thực sự muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị thực sự muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì phải coi việc tụng Chú Lăng Nghiêm quan trọng giống như việc ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ vậy, chúng ta phải nên làm như vậy, thậm chí quý vị cũng không còn nghĩ đến việc mình sẽ có được sự cảm ứng hoặc linh nghiệm gì nữa cả. Bởi vì quý vị vừa nghĩ như thế, thì đó cũng là khởi vọng tưởng, là chưa thành công, làm sao lại có thể vọng tưởng như vậy chứ? Cũng giống như một đứa trẻ mới được sinh ra, ngay cả ngồi cũng không ngồi được, mà đã muốn chạy rồi! Đi còn chưa vững, còn chập chững, chưa biết đi, thì làm sao mà chạy được? Vì sao đứa bé lại muốn như vậy? Chính bởi vì nó không hiểu! Đợi đến lúc biết chạy rồi, thì lại muốn biết bay, quý vị nói xem, điều này có thể làm được không? Căn bản là việc không thể thực hiện được, thế thì vì sao lại muốn làm? Vốn dĩ mình đã không phải là chim chóc, cũng không thể mọc cánh, thế mà lại muốn bay, vọng tưởng này đúng là quá lớn rồi vậy!
Trì tụng Chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, tu hành là tu hành, không nên có tâm mong được sở đắc, nói tôi nhất định phải như thế nọ như thế kia. Như quý vị nói tôi nhất định không chết, song đến lúc rồi thì cũng phải chết thôi, chẳng có cách gì để không chết cả. Cho nên mong muốn này chỉ là vọng tưởng, nếu quý vị có thể chăm chỉ tu hành, chứng quả rồi, chấm dứt được sự sanh tử rồi, thì mới tính. Bấy giờ, quý vị muốn không chết thì không chết, chứ không phải ở đó mà nghĩ ngợi vẩn vơ: “Tôi không chết, tôi sẽ không chết, tôi phải bảo vệ cái túi da thối tha này!” Quý vị cứ bảo vệ đi, bảo vệ lại, song đến lúc phải ra đi thì đành nói hai tiếng “tạm biệt” nó rồi chạy đi mất thôi!
Chú Lăng Nghiêm là bài văn linh thiêng, mỗi câu có hiệu lực của mỗi câu, quý vị không nên nghĩ: “Tại sao tôi trì Chú Lăng Nghiêm lại không thấy có hiệu nghiệm gì cả?” Quý vị ăn cơm cho khỏi đói là được rồi, nếu quý vị lại muốn ăn bữa cơm này rồi mãi mãi không bị đói, thì làm sao có chuyện đó được! Đến lúc quý vị vẫn phải ăn nữa, tụng trì Chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, quý vị ngày ngày tụng, thì không hề uổng công, lâu dần sẽ có công dụng của nó.
Quý vị tụng trì Chú Lăng Nghiêm thì có Bồ Tát Kim Cang Tạng thường đi theo, và luôn ở bên cạnh để hộ trì cho quý vị – đó là sự thật. Nhưng lúc tụng chú, quý vị không nên vọng tưởng lung tung, bằng không, nếu Bồ Tát Kim Cang Tạng nhìn thấy sẽ cho rằng: “Các người không có chí khí, không có tiền đồ gì cả, như thế chỉ làm lãng phí thời gian của ta mà thôi!” Bồ Tát hộ pháp có thể sẽ giận, sẽ nổi nóng, cho nên quý vị phải rất chú ý.
Vì thế, trì chú Lăng Nghiêm thì điều quan trọng nhất là nghiêm trì Giới Luật, nếu quý vị không trì giữ Giới Luật, thì tụng trì thế nào cũng không được linh nghiệm; nếu quý vị có thể trì Giới Luật, không tật đố chướng ngại, không tham sân si, thì quý vị tụng trì Chú Lăng Nghiêm càng có đại cảm ứng, đại lợi ích. Tôi nói cho quý vị biết là trì tụng Chú Lăng Nghiêm được lợi nhuận còn nhiều hơn buôn bán vàng bạc, tụng một biến Chú Lăng Nghiêm có giá trị bằng cả mấy vạn vạn ounce vàng vậy, thế nhưng, quý vị không được dùng tâm tham để trì tụng.
Cách giảng Chú Lăng Nghiêm như của tôi, cũng không thể nói là không được tốt, nhưng xưa nay chưa có ai giảng như vậy cả. Lúc giảng chú Đại Bi, mỗi một câu chú tôi làm bốn câu kệ tụng để hình dung năng lực và công dụng của nó; đương nhiên là dùng bốn câu kệ tụng để giải thích một câu chú thì không thể nào giải thích cho hết được, bởi vì diệu nghĩa của chú là vô cùng vô tận, bốn câu kệ tụng làm sao có thể nói cho hết được? Chỉ là nói ra được một phần nhỏ mà thôi, vẫn biết là “nói được một điều mà thất thoát cả vạn điều”; song le, nhờ từ một phần nhỏ này mà quý vị hiểu được ý nghĩa của một câu chú, bởi vì bốn câu kệ tụng này rất dễ nhớ, từ cạn đến sâu, từ ít đến nhiều, từ gần đến xa, nhờ đó mà quý vị có thể thâm nhập nghĩa lý của câu chú vậy.
Chú vốn không thể giảng, cũng không thể giải thích, nhưng miễn cưỡng giảng qua thôi, cũng chính là “ném đá để tìm ngọc, ” vì thế hiện nay tôi giảng Chú Lăng Nghiêm, bất luận tôi nói có ý nghĩa hay không, hoặc có đúng hay không, thì đó cũng là lưu xuất từ trong tâm tôi, lại cũng có thể nói đó giống như máu, như mồ hôi của tôi vậy – tôi dùng chân tâm của tôi mà giảng giải, hy vọng quý vị sau khi nghe xong sẽ hiểu được nghĩa lý chân chánh của thần chú, và quý vị sẽ hiểu còn sâu xa hơn, nhiều hơn và rộng hơn tôi nữa, đây là tấm lòng của tôi. Cho nên nói “ném đá để tìm ngọc, ” hy vọng trí tuệ của quý vị sẽ hiển lộ, có thể khiến cho quý vị được thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. Người học Phật Pháp thì nên “tinh ích cầu tinh, ” đã tốt rồi lại muốn tốt hơn; chớ nên nói suông “tôi hiểu rồi, ” nhưng lại không biết tu tập. Quý vị phải tu hành một cách nghiêm túc, cho dù quý vị biết rồi, mà không chịu tu hành thì cũng vô dụng. Cho nên, tu hành thì nên thật sự chăm chỉ tu tập, áp dụng vào thực tế, không được tự dối mình dối người (bịt tai ăn cắp chuông). Những bài kệ tụng bốn câu mà tôi viết ra cũng có thể nói là để giới thiệu trí lực của tôi, bộc bạch tâm tư của tôi – tôi đã dùng chân tâm của chính mình để giảng giải Chú Lăng Nghiêm, hy vọng quý vị có thể hiểu rõ đôi chút.