Home > Khai Thị Phật Học
Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Bát Nhã và Tịnh Ðộ đều đặc biệt nhấn mạnh nhân duyên quả báo – ‘nhân như vậy thì quả như vậy, duyên như vậy thì báo như vậy’ . Thế nên khi chúng ta khởi tâm động niệm nếu có thể nghĩ đến quả báo tương lai thì tự nhiên tâm sẽ thâu liễm, tự nhiên sẽ bình tĩnh lại. Nếu chúng ta tạo nhân gây chướng ngại cho người khác, tương lai nhất định sẽ nhận quả báo người khác chướng ngại mình, thiệt đúng là ‘một miếng ăn một miếng uống đều đã định sẵn’. Là do ai định sẵn? Là do nhân mình đã tạo định sẵn. Thế nên Phổ Hiền Bồ Tát Thập Nguyện vương dạy chúng ta phải tùy hỷ công đức. Tùy hỷ tức là tâm Bồ Tát, tùy hỷ tức là chẳng gây chướng ngại cho người khác.

Tâm đố kỵ, chướng ngại của phàm phu chúng ta rất nặng, vừa thấy người ta có một chút lợi lộc gì, chúng ta liền cảm thấy khó chịu. Có tâm niệm này thì đã là không đúng rồi, nếu còn tìm cách để phá rối họ, phá hoại họ, thì tội nghiệp sẽ rất nặng. Nếu thiện pháp này có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh thì tội lỗi này còn nặng hơn nữa, vì đây chẳng phải chỉ gây chướng ngại cho một người mà là chướng ngại rất nhiều người, vì vậy nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ những mối quan hệ nhân quả này.