Nếm Quả Yêm Bà La
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Trưởng giả sai gia nhân đến vườn mua quả yêm bà la, và dặn rằng « chỉ mua những quả ngọt ». Gia nhân vâng lời cầm tiền đi mua, gặp chủ vườn nói « trên cây này quả nào cũng ngọt, không có quả nào dở cả, anh cứ ăn thử một quả thì biết ». Gia nhân nằng nặc « tôi phải nếm hết mọi trái mới mua, nếu chỉ nếm một quả chưa chắc đã trúng ». Nói rồi nếm hết quả này đến quả kia. Đến khi mang về nhà, trưởng giả nhìn thấy phát ghê, không dám ăn, đem vứt toàn bộ.
 
Thế gian cũng vậy, nghe nói trì giới và bố thí được giầu có và an lạc, thân tâm thường an ổn, không có họa hoạn, không chịu tin như vậy, lại lý luận rằng, nếu bố thí được phúc, để ta được phúc rồi mới tin. Mắt thấy thế nhân người giầu kẻ nghèo, đều do nghiệp báo đời trước chiêu cảm, song vì không biết từ sự tư duy suy luận về quy luật của nhân quả, mà tu  nhân đắc quả, lại đem lòng nghi hoặc, muốn ta phải trải qua mọi thứ trước rồi mới tin. Vì vậy luống qua một đời, khi vô thường đến, mọi thứ đều mất, như người nếm quả, thẩy đều bị vứt bỏ.
 
Lời Bình:

Chữ nếm trong câu chuyện này, là thiệt căn tiếp xúc với vị trần của quả yêm bà la, thành thiệt thức, nếm rồi mới chọn lựa, tức thiệt thức phối hợp với ý thức để thủ xả. Tiền ngũ thức độc lập với nhau, và không có ý kiến, ý kiến thuộc về cái kiến của ý, gọi là ý thức. Ý thức cũng không độc lập, mà dựa trực tiếp vào mạt na thức và gián tiếp vào thói quen tích lũy lâu nay, gọi là tàng thức, để phân biệt thủ xả. Do vậy mỗi chúng sinh mỗi ý thức, dẫn đến sự phán đoán khác nhau về một pháp, nên thủ xả bất đồng. Vì dựa vào ý thức phán đoán sự vật nên sự phán đoán chỉ trúng với ý thức đó, mà có thể sai trái với những ý thức khác. Lý do là vì ý thức tự cho mình là chân lý, thước đo mọi sự vật, cái gì nghịch ý là xấu, ác, ngược lại là tốt thiện, mà chẳng quản gì đến chân lý của thiện ác, xấu tốt. Vì vậy mọi phán đoán của ý thức đều vô giá trị đối với chân lý.
 
Vì sao đức Phật dậy bất y thức? Dụ như khi nếm vị thấy ngon, liền ái và thủ, nếu dở thì tắng và xả, hay khi thấy sắc là đẹp, liền sinh ái và thủ, ngược lại thì tắng và xả. Thức chỉ nương căn trần mà khởi tạo tác, không thấy hậu quả, như chỉ thấy ăn thịt cá ngon miệng, nhưng không thấy sát sinh hại mạng, gây nghiệp vào thân, cảm giác ngon thì mất mà nghiệp sát thì còn. Hay chỉ thấy ăn rau luộc chấm tương là dở, mà không thấy được lợi ích đoạn sát nghiệp, tăng phúc thọ. Tất cả những trần này đều duyên với căn sinh thức, thức miệt mài với những duyên này, vọng thủ vọng xả, gọi chung là ái thủ tạo thành nghiệp hữu, đưa đến luân hồi sinh tử. Vì những lý do này đức Phật dậy bất y thức.
 
Vì sao đức Phật dậy y trí? Do thức chỉ biết phân biệt thủ xả, tạo tác theo vọng thức chẳng màng đến chân lý, nói đúng hơn thức chỉ nhận biết cảm thọ, và chiếu theo cảm thọ của ngã tức Mạt na mà khởi ý thức, song Mạt na lại chấp lấy mọi chủng tử cố hữu của Tạng thức làm ngã, nên các chủng tử nghiệp, một thứ thói quen của ngã, làm chủ ngã, vì vậy thức không nhận ra được nhân quả nơi mọi tư tưởng và hành động. Nếu khởi trí quán thức thấy vọng nơi thức, tất diệt được vọng, trừ được nghiệp quả. Dụ như trí quán thấy ăn thịt cá tuy ngon miệng béo thân, nhưng tự gây ác nghiệp vào thân để lãnh ác quả trong tương lai, nên nói không với thức. Hoặc quán biết ăn rau chấm tương tuy đạm bạc nhưng có phúc báo tránh được nghiệp sát và tăng trưởng phúc thọ, nên nói ừ với trí. Thấy được nhân quả của pháp, thấy được vọng của thức đó mới thật là trí huệ. Vì lý do này đức Phật dậy, y trí.
 
Như vậy ta có thể nhận chân rằng, nếu thức hướng dẫn tư tưởng và hành động tất chỉ thấy cái quả hư ngụy nhất thời nơi cảm thọ mà không biết đến cái quả chân thật sẽ xẩy ra trong tương lai, vì vậy mọi hành động được hướng dẫn bởi thức chỉ nhắm vào cái thấy nhất thời tức trước mắt của thức, nên chung cục toàn bộ suy nghĩ và hành động của thức đều đưa chúng sinh vào nghiệp và tội, như kinh Địa Tạng khuyến cáo « chúng sinh Nam Diêm phù đề, cử chỉ động niệm, vô phi thị nghiệp, vô bất thị tội ». Cũng bởi chúng sinh vô trí chỉ theo thức nên mọi động niệm tư duy  và cử chỉ hành động của thức đều là tác nghiệp và tạo tội. Nếu khởi trí tất nhận ra chính nhân chính quả, nhờ vậy tránh được mọi tập nhân và khổ quả của vọng thức. Do vậy mà chư Phật dậy y trí bất y thức.
 
Đã biết không thể y vào thức được, nên người tu học không được phép dùng thức phân biệt mọi pháp, như gia nhân đòi nếm mọi quả, rồi mới chọn lựa. Cũng vậy Phật giáo đồ, bất luận tại gia hay xuất gia, đều từng nếm quả chính pháp, nếm đủ mọi pháp, như từng nếm từ bát trai giới, 10 giới, cụ túc giới, cho đến Bồ tát giới, lại nếm kinh Kim cương, kinh Viên giác, kinh Pháp hoa, tính không, duy thức, …nếm các pháp môn niệm Phật, thiền tọa, trì chú…nếm bằng vọng thức, nên thấy vị Phật pháp hơi khác lạ so với thói quen, bởi vị của Phật pháp, không phải vị thuộc về thức, mà là vị thuộc về trí. Chỉ có trí mới hân thưởng được hương vị giải thoát, còn thức do không hợp thói quen, nên không sao hân thưởng được vị giải thoát của Phật pháp. Vì vậy khi dùng ngã tức vọng thức tu hành, sẽ cảm thấy phần nào chịu đựng cái không hợp với thói quen của ta nơi Phật pháp, nên đôi lúc muốn hưởng lại thói quen, do đó quay về nếm lại những gì đã vứt bỏ khi xuất gia hoặc quy y thành tại gia đệ tử.
 
Người tại gia vì nếm Phật pháp bằng thức, nên cảm thấy vị Phật pháp không thích bằng những hương vị thế gian quen thuộc của mình bấy lâu, nên dù có quy y đi nữa, vẫn thụ hưởng vị thế gian quen thuộc hơn là vị Phật pháp rất khác lạ, cũng do lý lẽ này nhiều người đã vì vị ngũ dục, như vì tình yêu, vì quyền lợi, vì miếng cơm manh áo, mà bỏ hẳn vị Phật pháp.
 
Người xuất gia cũng vậy, sau khi nếm đủ vị Phật pháp vẫn thấy vị này khác lạ với thói quen, hễ đã khác với thói quen tất nhiên không hạp, nay cố gắng giữ Phật pháp bằng thói quen vọng thức, hẳn nhiên sẽ là một sự chịu đựng, mà không phải là một sự hân thưởng thích thú. Nếu sử dụng trí quán, mới sinh tâm hoan hỷ và hân thưởng được hương vị giải thoát thói của Phật pháp, khiến cho ta chẳng còn bị một thói quen cũ nào chi phối. Khi thân tâm thoát khỏi mọi sự chi phối này mới được tự tại và giải thoát. Nhưng vì không biết khởi trí quán hướng dẫn sự tu hành thay cho vọng thức, nên về lâu dài “chịu đựng” Phật pháp khó nổi nữa, nên thèm thử lại các món quen cũ, mà từng bị ép bỏ khi xuất gia, và cắn nếm quả tình ái, quả lợi dưỡng, quả ngũ dục, lúc đó cảm thấy hương vị quen thuộc phải nhịn lâu nay, mới ngon làm sao. Và do vậy bao nhiêu công lao cắn nếm Phật pháp thẩy đều như những quả yêm bà la của gia nhân, vừa sứt mẻ, vừa bất tịnh, cho không ai muốn nhận, chỉ đem vứt bỏ, uổng công phu tu tập vô ích, như dã can chạy tới lui với gốc cây. Những điều này  chứng minh họ vẫn ưu tiên chạy theo thói quen tức nghiệp lực.
 
Người học Phật giống như gã gia nhân, đức Phật tựa như người chủ vườn. Đức Phật dậy các pháp trên cây chính pháp của chư Phật đều bình đẳng có vị giác ngộ như nhau. Nhưng như gã gia nhân không tin, chỉ tin sau khi nếm thử, chúng sinh cũng vậy, nếm pháp nào thì tin pháp nấy, pháp chưa nếm không tin, cho nên nghi ngờ và chê bai các pháp chưa nếm, chỉ cố chấp cho pháp ta đã nếm mới thực sự có vị giác ngộ. Thực mâu thuẫn thay, chính đức tin đó thật sự hiển bầy tinh thần bất tín chư Phật cũng như giáo pháp của Như Lai. Tựa như gã gia nhân không tin người chủ vườn nói « quả trên cây đều ngọt giống nhau », dù rằng nếm biết bao quả đều giống nhau, nhưng vẫn chưa chịu tin các quả khác cũng đều bình đẳng có vị ngọt như nhau, nên người này vẫn chỉ tin người chủ vườn trong phạm vi những quả đã nếm, ngoài ra thì không tin, nên cứ tiếp tục phải nếm. Người học Phật cũng vậy, họ tin Phật qua pháp môn họ được tu học (nếm), nhưng đối với các pháp môn chưa được tu học, họ vẫn sinh tâm nghi ngờ hoặc coi thường, như vậy tất nhiên họ không tin những lời Phật dậy « các pháp đều bình đẳng », « đạo của ta chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát »…Như thế niềm tin của họ vào đức Phật rất giới hạn, có cái tin và có nhiều cái không tin, tin như vậy làm sao được gọi là chân chính « tin Phật ». Phàm nói tin Phật tất mọi lời Phật dậy đều tin, không chỉ tin Phật trong cái phạm vi hiểu biết hạn hẹp và chủ quan của thức tình. Pháp nào họ tin thì dẫn lời Phật dậy để chứng minh, còn những lời dậy khác thì lờ đi. Tuy nhiên chúng sinh vẫn luôn ngỡ rằng chỉ tin vào một pháp môn của mình và cho rằng chỉ có pháp đó mới chân chính đưa đến giác ngộ, như thế ta mới thực sự tin vào Như Lai và giáo pháp của ngài.
 
Người ngu muốn được hưởng quả trước rồi mới tin và hành theo, song không hành để gieo nhân đắc quả, thì làm sao đòi nếm quả trước rồi gieo nhân sau, hơn nữa do vọng nên không nhận được quả của thiện giới. Phàm phu dùng thức xem xét mọi vật, nên nhân quả dưới mắt phàm phu rất nông cạn. Đơn cử như phàm phu nghĩ « muốn giầu có thì cần bo bo ôm giữ tài sản, keo sẻn với tha nhân, nhờ vậy tài sản chỉ tăng mà không giảm », họ không hề nhận thấy nhờ vào may mắn trong sự nghiệp, mà có được tài sản để ôm giữ, nhưng thay vì ôm giữ và phát triển cái may để tài sản tự tìm đến ta, phàm phu lại chẳng những chỉ bỏ cái may bằng bỏn sẻn, còn giết luôn sự may mắn của mình bằng lòng tham chiếm đoạt của người, do đó không những mất hết may mắn còn bị thảm họa, đó là do cứu xét mọi sự bằng trí khôn của thức tình. Người trí biết do may mắn mà vừa được mọi thứ, vừa được cả bình an, vô tai họa, song may mắn không tự dưng có, mà do nơi tạo phúc, phúc hay họa đều dựa theo nhân quả mà thành tựu, hễ cho thì được, vì nhân cho khiến thiên hạ được, nên ta sẽ gặt quả « được », nhân bỏn sẻn đưa tới quả không ai được, nên ta gặt quả « không được gì cả », nên người trí thường giữ gìn và phát triển tài sản bằng hành bố thí. Tóm lại dùng trí quán thì nhân quả chính xác, dùng thức xét thì nhân quả hư ngụy. Đó là lý do vì sao phàm phu gieo nhân lại hay bị quả bất như ý. Lại như người ngu dùng thức đi mua quả yêm bà la nên mới hồ đồ như vậy, thức tình khiến phàm nhân hồ đồ trong mọi lãnh vực nhân quả nơi thế gian, mà không chỉ riêng chuyện nếm quả yêm bà la, nên muôn đời lưu chuyển trong sinh tử, chỉ đến bao giờ biết bỏ cái truyền thống theo thức, chuyển thành truyền thống y trí của chư Phật mới hết bệnh hồ đồ lưu chuyển.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Năm Trăm Bánh Hoan Hỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Chỉ Học Bằng Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vợ Chồng Tranh Bánh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Mình Hại Người
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ