Home > Khai Thị Phật Học > Gam-Bao-Ao-Rach
Gấm Bao Áo Rách
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có một gã trộm lẻn vào nhà người giầu trộm được gấm quí, đem về dùng làm bao gói đống quần áo rách của gã.

Người ngu cũng vậy, đã có tín tâm, đến với Phật pháp, tu các thiện pháp và mọi công đức. Sau đó vì tham lợi dưỡng, phá mọi tịnh giới mất hết công đức, bị thế gian chê cười.

Lời Bình:

So sánh câu chuyện này với Kẻ trộm bảo y thứ 8. Tuy đều là ăn trộm, nhưng gã sơn dã giống như ngoại đạo ăn trộm Phật pháp, mà không biết cách dùng, còn kẻ trộm này như đệ tử Phật, lén trộm Phật hình nghi và giáo pháp, song sử dụng sai cách, mưu việc bất tịnh thay vì cầu thanh tịnh.

Người xuất gia nhưng không thành tâm nên nói là lẻn vào, như kẻ trộm lẻn vào nhà giầu. Xuất gia lãnh thọ giới pháp của Như lai, như kẻ trộm được gấm quý. Người xuất gia này thọ giới mưu cầu lợi dưỡng, không coi sự lãnh thọ giới pháp là mặc áo giải thoát, không biết y pháp của Như lai chính là ruộng phúc tối thắng của chúng sinh, có giá trị vĩnh hằng và tối thượng, lại chỉ dùng vào việc mưu cầu ngũ dục, là chỗ thấp hèn, chỉ có lợi nhất thời mà mất đi giá trị giải thoát tối thắng và vĩnh cửu, như kẻ trộm đem gấm quý gói vải thô và cũ bẩn.

Người ngu xuất gia kia, ban sơ được thiện tri thức khai thị, sinh tín tâm, song sơ tín tâm này, yếu ớt như lửa que diêm trong bóng đêm dầy đặc, nếu ngọn lửa leo lét này không được bảo trì và phát triển, tất sẽ tắt diệt trong ngày một ngày hai. Do thính pháp giải thoát, vọng tâm nhất thời bị sức thắng giải chế ngự khiến tâm bình trí lãng, tu hành thanh tinh được cung kính, cúng dường lợi dưỡng, khi đắc lợi dưỡng, do thiếu thường hằng tư duy thật tướng, vọng tưởng có cơ hội bùng lên, càng lúc càng mạnh, và cuối cùng quét sạch sức tín yếu ớt leo lét kia, thành tựu tà kiến, đưa tam nghiệp vào vòng ái thủ. Khiến người xuất gia thành người chấp thủ thế gian, mê đắm không xả, lưu chuyển luân hồi. Như kẻ trộm gấm dùng vào việc ngu dốt.

Phát triển bảo trì giữ không cho tín tâm tắt diệt, là làm cho mỗi ngày thêm sáng, ắt sẽ không diệt. Tín diệt thì trí huệ tắt, tín tăng thì huệ trưởng, Tín và huệ là một, không thể riêng có. Lấy tín củng cố huệ, do huệ tín kiên cố. Thường hằng tư duy, khiến huệ phát triển, nhờ vậy tín được tăng trưởng, quán sát mọi pháp, thấy được thật nghĩa, tức nơi nhất thiết pháp đều nhận chân không ám tế ngăn che, vì vậy sẽ thấy thật nghĩa nơi hết thẩy pháp này là ánh sáng tối thượng không gì không thấy, ánh sáng này phi ánh sáng của đèn đóm hay mặt trời mặt trăng, sự thấy này vượt khỏi nhãn thức. Nhờ vậy tín thành tựu viên mãn.