Home > Khai Thị Phật Học > Bop-Chan-Su-Truong
Bóp Chân Sư Trưởng
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có vị thầy bị đau chân, dặn hai người học trò, mỗi người bóp một chân. Hai người này thường xuyên đố kỵ nhau, một hôm khi A bóp chân xong ra ngoài, B bèn lấy đá vào đập gẫy cái chân A mới bóp. A biết được nổi giận lấy đá vào đập gẫy chân chàng B thường bóp. Chung cục sư trưởng gẫy hết 2 chân.

Người học Phật cũng vậy, học pháp phương đẳng, khinh chê tiểu thừa, học tiểu thừa pháp chê bai phương đẳng, chung cục thánh điển bị suy hoại.

Lời Bình:

Vị thầy đau hai chân, phân chia cho hai đệ tử mỗi người chăm sóc một chân, ví như đức Phật vì chúng sinh bệnh sai khác nên lập các pháp môn để chăm sóc chữa trị các loại chúng sinh bệnh.

Chúng sinh nhờ tu hành các pháp khế cơ mà nhập được lý, nhưng tứ tướng hãy còn nên bị mê trí, cho rằng với kinh nghiệm của bản ngã, đích thực pháp này mới đưa ta đến giải thoát, do vậy phải biết pháp này là pháp thật giải thoát là pháp cao thượng. Song ai cũng hành theo pháp khế cơ của mình mà được giải thoát, nên mỗi thực nghiệm có mỗi khác, vì vậy người nào cũng tin kiên cố rằng pháp ta tu hành mới thực là pháp giải thoát, và như thế là pháp tối thắng, do vậy phát khởi tranh cãi, và khi cầu thắng tất chỉ trích phê bình các pháp khác, vô hình chung hủy báng Phật pháp. Như thiền chê tịnh, hiển chê mật, đại bác tiểu và ngược lại. Giống như hai gã đệ tử đập gẫy chân vị thầy, vì quên đi đó là chân vị thầy, mà do tâm tranh đấu nên nghĩ là cái chân đó thuộc về đối phương nên đập cho gẫy, giả sử như người tu thiền cố chấp muốn đập cho gẫy tịnh, mà nào hay tịnh là pháp của Phật, tức chân của Phật.

Tất cả những pháp đó đều là pháp của Phật phương tiện thiết lập ứng cơ với các căn bệnh chúng sinh, để độ chúng sinh nhập vào chân lý. Chân lý này bình đẳng bất động, vốn vô cao hạ, những người này chưa thật chứng chân lý nên chấp vào chân lý của bản ngã, tức phương tiện pháp khế cơ với mình, mà quả quyết là phương tiện này mới thực sự là chân lý, và chê bai các pháp phương tiện khác của chư Phật, nên trong Đại bảo tích kinh đức Phật dậy, người tu bồ tát đạo mà thấy có pháp cao pháp thấp là hủy báng kinh điển.

Thầy thuốc chữa bệnh, tùy bệnh mà cho thuốc, bệnh có nhiều loại nên thuốc có nhiều thứ, thuốc nào cũng có cùng công năng là chữa bệnh, tuy rằng mỗi thuốc cũng có công năng riêng, chuyên trị một thứ bệnh. Dưới nhãn quan của lương y, thuốc nào cũng có công dụng chữa trị và cần thiết cũng như hữu dụng như nhau. Song dưới  nhãn quan của bệnh nhân thì thuốc trị bệnh của họ là tốt nhất, cần thiết, và hữu dụng nhất, còn như những thứ khác thì vô dụng không cần thiết. Do đứng trên lập trường bản ngã, người bệnh nhận chân như vậy, nhưng đối với lập trường vô ngã, hay lập trường của chữa bệnh, thì lương y thấy mọi thứ mà bệnh nhân nọ cho là vô dụng, vẫn hữu dụng cho bệnh khác, và đối với bệnh nhân khác thì thuốc trị cho bệnh nhân nọ mới là vô dụng. Hai người bệnh này có cãi đến tận vị lai kiếp cũng không sao giải quyết, vì ai cũng trúng trên lập trường kinh nghiệm của cái ngã nơi họ, và ai cũng sai trên lập trường vô ngã và lập trường trị bệnh, nói chung là trên phương diện chân lý. Các sự tranh luận đó đều là hí luận.

Như vậy hễ dựa trên bản ngã tư duy tất lực tư duy sẽ bị hữu hạn, vì sẽ dẫn đến sự suy nghĩ “cho pháp này nên thủ vì hữu dụng, pháp kia nên xả vì vô dụng”, tất cả đều do ngã phan duyên, vì vậy “ngã” bị pháp phược. Nếu vô ngã tất tư duy sẽ chính xác hơn, và không sinh tâm “thủ xả xảo ngụy”, tùy bệnh dữ dược, tức tùy duyên bất biến. Pháp nào cũng hữu dụng và bình đẳng giúp chúng sinh giác ngộ, nên sử dụng pháp tự tại, gọi là pháp vương.

Vô ngã thành pháp vương, và ngã thì thành pháp phược.

Câu chuyện cho ta các kết luận sau.

1. Do không hiểu tinh thần phương tiện tùy bệnh dữ dược của Như lai, nên sinh tranh chấp.

2. Do bản ngã, nên chỉ thấy chân lý hạn hẹp nơi kinh nghiệm của bản ngã, mà không thấy chân lý vô ngã, tức thấy sự thật ngoài cái ngã này. Có nghĩa người bệnh chỉ thấy qua bản thân thuốc này hữu dụng và những thuốc kia vô dụng, nhưng nếu không dựa vào ngã để thấy hạn hẹp như vậy, tất hiểu rằng thuốc nào cũng hữu dụng, kể cả những thứ vô dụng đối với ta, nhưng sẽ hữu dụng với một tha nhân nào đó.

3. Do hai lý do trên dẫn đến hủy báng đập phá giáo pháp của Như lai, vì ngã nên mê mờ cho là những pháp kia là của đối phương mà không biết rằng cũng từ Như lai ra, như hai gã đệ tử đấu đá nhau bằng cách đập gẫy chân của nhau, nhưng thực lại là chân vị thầy, như người mê đập phá giáo pháp của người kia, nhưng thực sự là giáo pháp của chư Phật.

4. Do vậy vừa đập phá hủy báng Phật pháp, vừa tự nơi mình biến Phật pháp vốn vô lượng thành một thứ tiểu pháp hạn hẹp, chỉ khế cơ với một số ít chúng sinh, mà không độ nhất thiết được. Như người khỏi bệnh chỉ biết thứ thuốc trị bệnh cho ta, mà bác bỏ mọi thứ thuốc, khiến những căn bệnh khác vô phương cứu chữa. Đồng nghĩa khiến Phật pháp thành bất liễu nghĩa.

5. Do còn tứ tướng nên thành sự mê trí này. Vì vậy Như lai thường khuyên hành giả phải tiên quyết lìa tứ tướng khi tu tập, lìa tứ tướng mới chân vô ngã, khi đó mới hiểu và vào được (ngộ nhập) cảnh giới của chư Phật. Cảnh giới này không có nơi chốn (vô trụ) để đến, không có hình tướng (vô tướng) để thấy, chỉ thấy và đến được bằng Phật tri kiến, và phải không có « ngã để vào », mới vào được cảnh giới của chư Phật.

6. Giáo pháp của Như lai vốn bình đẳng, pháp nào cũng bình đẳng đưa chúng sinh đến chỗ quy căn tức tính bình đẳng không tịch. Nên hễ phân cao hạ tức còn tứ tướng và vẫn còn mê chấp, do đó vẫn khởi tâm thủ xả thành bại, đấu tránh như hai gã đệ tử hủy hoại chân vị thầy.

7. Do không nhận thức được tinh thần ‘ưng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp’ xét căn tính mà hiện thân thuyết pháp. Khi Như Lai nói pháp theo đúng căn tính chúng sinh, ngài thường nhấn mạnh chỉ có pháp đó mới chính xác, nhưng phải hiểu chính xác đó là cho căn cơ thích hợp với pháp môn mà Như Lai vì họ diễn bầy, ví như lương y dặn người đau tim « chỉ có thuốc tim mới tốt cho bạn, tuyệt đối đừng dùng các thứ khác ». Đó là phương tiện tốt nhất, mà không hề là cứu cánh tốt nhất, tức pháp ta tu hay thuốc ta dùng vượt trội mọi pháp và thuốc khác, song đa số những người học một pháp môn thường ngộ nhận kinh điển của pháp môn đó, và cho rằng « thấy chưa! pháp môn này mới tối thắng hơn cả, vì trong kinh đã nói như thế ». Vì thế cũng cần phát nguyện « pháp môn vô lượng thệ nguyện học ». Ở pháp hội Pháp Hoa, Như Lai nhấn mạnh « mọi pháp môn đều là phương tiện, chỉ có giác ngộ là cứu cánh », cứu cánh pháp mới chính thật là pháp tối thượng mà Như Lai muốn khai thị cho chúng sinh được ngộ nhập. Pháp môn là phương tiện để đưa đến giác ngộ, và phương tiện lại có vô lượng môn. Nếu muốn so sánh pháp môn nào cao thấp thì phải so nơi kết quả, song nơi kết quả cho thấy hiển mật, thiền tịnh, tính tướng đều đưa đến cùng kết quả giác ngộ, điều này chứng minh các pháp bình đẳng vì đồng có chung một kết quả. Dụ như thuốc tim, thuốc phổi đều đưa đến tình trạng sức khỏe lành mạnh cho cả 2 loại bệnh nhân, như vậy trên phương tiện thì cái này cần hơn cái khác, nhưng trên mặt cứu cánh thì bình đẳng vô cao hạ.

8. Người chân thật hiểu pháp tất chỉ chú trọng đến cứu cánh giác ngộ, mà không hề chấp vào phương tiện, để thường suy nghĩ rằng « đây là pháp môn của ta, là pháp hay nhất, các pháp kia đều không cần gìn giữ » khác nào ôm chân này mà đập gẫy chân nọ, gây tổn thương toàn bộ thân thể. Phần đông hiểu lầm rằng chỉ học pháp ta tu, không cần hao phí thì giờ vào việc học pháp khác, hơn nữa lại sợ lập trường bị dao động. Ở đây có 2 điều cần chú ý: Thứ nhất nếu ta tin rẳng lập trường và đức tin về pháp tu của ta là kiên cố, thì sợ gì bị dao động khi học về các pháp khác.

Thứ hai do chỉ biết một, như ếch ngồi đáy giếng, làm nghèo trí huệ và sự truyền bá giáo pháp của Như Lai.

Thế nên học vô lượng pháp môn dẫn đến sự phong phú trí huệ, đức tin càng củng cố, do thấy cứu cánh giác ngộ biến nhất thiết xứ, mà không hề sợ « bỏ chân này, ôm chân kia », cho đó là thay đổi lập trường, chân nào cũng vẫn là chân, và đều thuộc thân. Tính chất u mê nằm ở chỗ « ôm chân này sợ đổi chân kia », nên không sao hiểu được « lo cho chân cũng bởi toàn thân », chân đau bóp chân, tay đau bóp tay, tay chân không cao thấp, đều bình đẳng nơi thân, và thân vẫn hơn tay chân, thân khỏe thì tay chân chẳng cần bóp.

Kết luận phương tiện nào cũng được chỉ miễn đưa ta đến giác ngộ, đó là người thực tâm muốn giải thoát. Nếu chỉ khư khư bảo vệ phương tiện, thờ ơ với cứu cánh, chung cục cứu cánh tổn thương nặng nề, và phương tiện trở thành tai hại, như hai gã đệ tử bóp chân sư trưởng.