Thông thường chúng ta chúc nhau khi đôi vợ chồng nọ vừa sinh một em bé. Xét ở phương diện nào đấy, đó là hạnh phúc luân thường của con người. Tuy nhiên, cuộc đời vui ít khổ nhiều, bản thân của việc sinh đã là một nỗi khổ trong bốn khổ sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Thế nên, Phật pháp khuyên chúng ta không nên lấy khổ làm vui.
Chu kì hình thành của một chúng sinh gồm sinh ra, lớn lên rồi già đi, bệnh tật và chết, được Phật giáo liệt vào bốn nỗi khổ. Trong đó, già, bệnh và chết là những nỗi khổ dễ dàng nhận biết và có thể hiểu được, nhưng nếu nói sinh ra là khổ thì phần đông không nghĩ như thế vì điều này khá khó hiểu.
Con người thường không nhớ rõ trạng thái của bản thân khi vừa lọt lòng mẹ nên khi mới sinh ra đời khó có thể biết được trạng thái lúc đó là sướng hay khổ. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy tưởng rằng da của đứa bé mới sinh rất mềm mỏng, trơn bóng, tách khỏi bào thai mẹ rồi đột ngột thay đổi môi trường sống từ môi trường bụng đến môi trường không khí tự nhiên thì đứa bé nhất định sẽ có cảm giác khó chịu, đau khổ. Có lẽ quá khó chịu vì bị sốc nhiệt do sự thay đổi của môi trường nên khi vừa sinh ra, đứa bé nào cũng chào đời bằng tiếng khóc, thế nhưng ai cũng vui mừng vì có một sinh linh mới chào đời! Với bản thân người mẹ, việc sinh nở có lẽ cũng không phải là một trạng thái thư thái, thoải mái. Nhiều bà mẹ còn nói rằng cảm giác đau đớn khi sinh con thật không thể nói hết, đau đớn vạn trạng, nỗi đau xé thịt. Vì thế, người xưa gọi ngày sinh là “mẫu nạn nhật” (ngày mẹ gặp nạn). Sau khi sinh con, nỗi đau cũng vơi dần vì đứa con là niềm an ủi lớn nhất của người mẹ, họ xem việc sinh nở như một thử thách đầy chông gai giờ đã qua rồi nên tự nhiên thấy sảng khoái vui vẻ. Nhưng thực ra đó chỉ là niềm vui bị cảm giác đánh lừa vì người mẹ vừa trải qua một cơn đau khủng khiếp, giờ đây chỉ lấy lại được cảm giác bình thường thôi cũng thấy đó là hạnh phúc, chứ không phải đó là cảm giác hạnh phúc đến từ một điều kiện bên ngoài nào khác. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng “sinh” là khổ, là nỗi thống khổ thực sự chứ không vui sướng như chúng ta nghĩ.
Khi sinh ra đã khổ, lớn lên vật lộn mưu sinh với cuộc đời cũng chẳng có nhiều niềm vui. Nếu có vui chăng thì đó chỉ là sự thỏa mãn một hoặc vài điều gì đó trong năm thứ tham muốn của mình, như thỏa mãn được cái nhìn của đôi mắt, thỏa mãn cái nghe của hai tai, thỏa mãn hương thơm của lỗ mũi, thỏa mãn vị ngon của miệng lưỡi và thỏa mãn được cảm giác êm ái của thân thể. Năm giác quan luôn đòi hỏi các đối tượng để thỏa mãn tương ứng như mắt thích nhìn cảnh đẹp, tai thích nghe lời êm dịu, mũi thích ngửi hương thơm, lưỡi thích nếm vị ngon, thân thích trải những khoái cảm dễ chịu. Ngoài ra, con người thường có cảm giác vui sướng khi nói chuyện hợp gu với một ai đó hay gặt hái một thành quả hoặc phát minh một điều gì mới mẻ, khiến họ có cảm giác thành công, thành danh... Tất cả những điều đó đều thuộc về cảm giác của tâm lí, thuộc về “dục lạc” (niềm vui khi tham muốn được thỏa mãn).
Tất cả niềm vui (lạc) trong cõi dục đều có chứa đựng mầm đau khổ, gọi là “khổ trong lạc”, thế nhưng chúng ta thường không hay biết gì đến yếu tố khổ trong lạc này. Ví dụ khi bạn trông thấy một cô gái đẹp như thiên thần xuất hiện trước mắt bạn, khi đó nhất định bạn sẽ vui. Nhưng nếu lúc nào bên cạnh bạn cũng có con trai hoặc con gái đẹp vây quanh thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy bình thường, chẳng có gì vui nữa. Niềm vui cũng giống như cái đẹp, khi bạn thấy đến lần thứ một triệu thì cảm giác vui, đẹp không như ban đầu nữa mà dần dần rất có thể chỉ cảm thấy bình thường như những thứ bình thường khác.
Tất cả dục lạc đều mang tính tạm thời, vô thường, không trường tồn mà chúng sẽ qua nhanh, về mặt cảm nhận, chúng ta thấy nó như rất thực nhưng thực ra đó chỉ là ảo giác hư vọng, mà bản thân của sự hư vọng, không thực đó đã là nỗi khổ. Niềm vui của ngũ dục (năm thứ tham muốn gồm tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ) trong đời này luôn có mặt của sự đau khổ. Nói cách khác, khi một người cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc thì trước đó họ phải biết thế nào là khổ và ngược lại, vì vui sướng, khổ đau chỉ mang tính đối đãi tương đối.
Thực ra cũng không hẳn là đời này chẳng có gì vui vì còn có một niềm vui không mang mầm khổ của dục lạc, đó là “định lạc” (niềm vui trong thiền định). Định lạc là niềm vui cao hơn, mạnh hơn niềm vui dục lạc vì niềm vui đó đã thoát khỏi sự ràng buộc của hình hài, nhất là đã thoát khỏi nỗi đau của thể xác, không còn mê mờ, khi đó tự nhiên sẽ có cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Khi nào đạt đến trạng thái “vô sự” trong thiền định, bạn sẽ thấy rất hạnh phúc. Nhưng sau khi xuất định, do thân thể còn vướng bận các việc lăng xăng nên vẫn còn đau khổ. Vì thế, ngay cả niềm vui thiền định cũng không thể duy trì lâu dài trong đời này được.
Niềm hạnh phúc đích thực nhất là niềm vui giải thoát; sự giải thoát có được nhờ quá trình tu tập thì không còn bất kì sự phiền muộn, sầu não nào nữa, trong lòng không còn bất kì gánh nặng nào nữa, khi đó mới đích thực là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực, tuyệt đối, đồng thời đấy mới chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta