Năm Trăm Bánh Hoan Hỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có một người vợ nọ, bản tính phóng đãng, chán ghét người chồng, nên tìm mọi cách hại chồng, nhưng không thành công. Nhân cơ hội người chồng đi sứ nước ngoài, người vợ dùng độc dược làm bánh nói với chồng “nay anh đi xa, sợ dọc đường khó tìm lương thực, nên làm cho anh 500 cái bánh hoan hỷ, khi nào ra khỏi biên cương, có đói thì dùng”.
 
Người chồng nghe lời, khi qua biên giới, chưa kịp ăn bánh thì trời tối mịt, nên phải ngủ lại trong rừng, người chồng sợ thú dữ, nên leo lên cây ngủ, và để quên gói bánh bên dưới. Trong đêm đó có 500 tên cướp, trộm 500 ngựa chiến và nhiều bảo vật của vua, đến nghỉ dưới gốc cây, bọn cướp cả ngày trốn chạy, mệt lả đói khát, thấy gói bánh liền chia nhau ăn, ăn xong cả bọn trúng độc chết sạch.
 
Người chồng chờ đến sáng, leo xuống gốc cây dùng gươm đâm chém và bắn tên vào các tử thi, thu lại toàn bộ chiến mã và bảo vật, giải về cho vua nước này. Giữa đường gặp nhà vua đem binh tướng đi truy nã bọn cướp, nhà vua hỏi “ông là ai, vì sao có được bầy ngựa này”. Người này thưa “thần từ nước láng giềng đi sứ, qua đây gặp đám cướp, sau khi chiến đấu với đám giặc, thần giết sạch bọn chúng, xác còn ở dưới cây, vì vậy thần thu hồi được bầy ngựa và trân bảo, đem trả về cho ngài, nếu đại vương không tin sai người đến chỗ đó sẽ thấy”. Vua phái người thân tín đến coi, thấy quả nhiên đúng như lời người kia, vua lấy làm hy hữu, về tới cung đình, phong quan  ban thưởng trân bảo và đất đai hậu hĩ cho người.
 
Các cựu thần của vua đố kị, cùng tâu với vua “kẻ kia từ xứ khác đến, không nên tin cậy, vì sao lại đại vương lại phong thưởng hơn cả các vị cựu thần. Người nọ nghe tâu như vậy, liền thách thức “nếu ai dõng kiện thì xin cùng tôi so tài”. Các cựu thần đều sợ hãi không dám đáp lời.
 
Chẳng bao lâu sau, xuất hiện một con sư tử hung dữ vô cùng, chặn đường giết người, không ai dám qua lại. Bấy gìơ các cựu thần thương nghị với nhau “gã kia tự thị dõng kiện, nếu gã giết được sư tử, trừ hại cho dất nước, thì mới thật sự là bậc tài cán phi thường”. Nghĩ rồi liền đến tâu với vua. Vua nghe xong, ban cấp đao trượng sai người đó đi giết sư tử.
 
Người này kiên cường nhận lãnh sứ mạng, tìm đến chỗ sư tử, sư tử vừa thấy bóng người liền gầm lên dữ dội và lao đến, người kia kinh sợ, vội vã leo lên cây, sư tử chồm theo, há miệng muốn táp, người nọ run sợ làm rơi lưỡi kiếm trúng ngay họng sư tử, khiến sư tử chết tươi.
 
Người ấy vui mừng về báo với vua, vua càng hậu đãi gấp bội. Cả nước tán dương thành tích và bản lãnh phi thường này.

 
Người vợ dụ cho bố thí nhưng tồn tâm bất kính. Vua phái làm sứ dụ cho thiện tri thức. Tới xứ khác dụ cho cõi thiên. Sát quần tặc dụ cho chứng quả Tu đà hoàn, đoạn được ngũ dục và chư phiền não. Gặp vua nước kia dụ cho gặp bậc hiền thánh. Các cựu thần tật đố dụ cho ngoại đạo, thấy bực trí giả trừ được ngũ dục và phiền não, liền sinh hủy báng, cho là không có chuyện đó. Người kia thách thức cựu thần so tài, dụ cho ngoại đạo không dám tranh luận với Phật pháp. Giết sư tử dụ cho phá ác ma; đã đoạn phiền não, lại hàng phục ác ma, liền được ban thưởng đạo quả vô trước. Mỗi lần cảm thấy sợ hãi dụ cho dùng nhược thắng cường. Ban sơ tuy người vợ bố thí bất tịnh, nhưng bố thí đúng thiện tri thức nên thành quả báo thù thắng.
 
Bất tịnh bố thí còn được như vậy, huống hồ là bố thí bằng thiện tâm, vì vậy nên nỗ lực tu bố thí tăng trưởng phúc điền.
 
Lời Bình:

Người vợ trong câu chuyện chỉ cho ái dục, bởi ái dục thường đầu độc chúng sinh, khiến chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Trắc nết như tâm viên ý mã, không ngừng thay đổi đối tượng ái dục, khiến chúng sinh lao nhọc bao đời vì chạy theo phục vụ, do vậy bị vọng tâm này giết dần giết mòn, bằng đủ mọi độc dược phiền não từ 108 đến 8 vạn 4 ngàn phiền não độc. 500 tên cướp và 500 cái bánh dụ cho ái nhiễm và phiền não nơi ta. Ái dục như bánh có độc, cướp là đám tham si, đói khát tham dục.
 
Như một hành giả tu học, nương Phật pháp tu tập lìa ái dục, để đến cảnh giới thanh tịnh, do nhờ lìa ái và tiêu trừ được 500 phiền não, đạt đến cảnh giới cao hơn, gặp bậc hiền thánh được quả Tu đà hoàn. Trừ phiền não bằng phương cách xả bỏ mọi tam độc, khiến tam độc và phiền não đều tiêu tan, như sứ giả bỏ bánh độc, khiến giặc cướp và bánh độc đều tận diệt. Ngoại đạo thấy vậy nên hủy báng phê bình hành giả không thật sự cát ái trừ phiền não, song không dám công khai tranh luận vì sợ oai lực của hành giả. Sau đó hành giả trừ ác ma, nên đắc quả vô trước. Mỗi phen chiến đấu với phiền não hay ác ma thường không dụng tâm thắng bại, mà chỉ dụng tâm vô thắng bại, tức bình thường tâm không dao động, chế ngự được sức mạnh của phiền não và ác ma. Như vị sứ giả không trực tiếp chiến đấu với giặc cướp và ác thú bằng tâm sát hại mà chỉ hành sử vô tâm, nên chung cục “bất chiến tự nhiên thành”, tận diệt được giặp cướp và ác thú. Đó gọi là vô tâm thắng hữu tâm.
 
Người vợ làm bánh đầu độc chồng, để được như ý sống chung với kẻ khác, nên gọi bánh độc này là bánh hoan hỷ, tựa như phàm nhân thường dùng tới tam độc để được hoan hỷ như ý, nhưng không dè càng dùng tam độc thì càng gặt hái kết quả bất như ý, khiến sầu não khổ đau. Người ngu dùng tam độc làm phương tiện cầu được hoan hỷ như ý, chẳng khác chị vợ dùng bánh độc giết chồng để được hoan hỷ. Song người hiền trí nhờ không dùng tam độc, nên không bị độc gây hại, ngược lại độc nào cũng trở thành phương tiện thành đạo, như sứ giả nhờ bánh độc của vợ và ác ý của quần thần ganh ghét mà thành công lớn. Chẳng phải đó là lấy “nghịch cảnh làm duyên tiến tu” đấy ư? Một khi không tâm “nghịch” thì mọi nghịch sẽ thành thuận. Đề Bà đem biết bao sự bức hại đến “cho” đức Phật, song nhờ vào tâm “vô nghịch” ngài đã biến mọi bức hại thành sự trợ giúp dẫn đến đạo quả.
 
Tâm thủ hay xả, tâm thiện hay ác, tâm đắc hay thất đều là tâm nghịch. Nên đại sư Vĩnh Gia nói “thủ xả chi tâm thành xảo ngụy”. Chỉ khi nào “ư tâm vô sự, ư sự vô tâm” (trong tâm không một sự, nơi sự chẳng buộc tâm) thì tâm này không còn chút nghịch, nhờ vậy mà hết thầy nghịch đều thành thuận, đó mới chân thật là “lấy nghịch cảnh làm duyên tiến tu”. Hơn nữa nhất thiết thế gian pháp đều là nghịch vì đưa chúng sinh đi nghịch hướng với con đường giải thoát. Thế nên họa phúc, thành bại của thế gian đều là nghịch cả, lìa những thứ nhị biên đó tất lìa nghịch cảnh và thuận đường đến thẳng bến bờ giải thoát, đây cũng là nghĩa “lấy nghịch cảnh làm duyên tiến tu”, nhờ vào pháp tu lấy nghịch tức thế gian pháp làm đối tượng tu hành.
 
Người vợ đem bánh độc bố thí, mưu giết chồng, nào dè nhờ bánh độc người chồng giết giặc được phong quan, rồi đến các cựu thần đẩy nghịch cảnh hiểm họa đương đầu với ác thú cho sứ giả, nhưng lại giúp sứ giả nổi danh, cũng vậy ác nhân làm việc ác hại trí giả, nhờ vậy trí giả chẳng những không bị hại mà còn được thành tựu.
 
Thế mới biết hành giả tu hành chân chính chuyển ác thí thành quả thánh, tức chuyển sự phá hoại thành giúp đỡ, chuyển nghịch cảnh thành duyên tiến tu, khiến bất tịnh thành thanh tịnh. Tựa như chuyển sự độc hại của bánh thành lợi khí, tất cả đều do “ư tâm vô sự”, tâm không chút khởi thuận nghịch, khiến nghịch thành thuận. Đây là điều người tu học Phật cần chiêm nghiệm và hành sử trong cảnh thuân nghịch của thế gian.
 
Để đạt được năng lực này hành giả cần phải phúc huệ song tu. Phúc để hiện tiền an lạc, thoát mọi nghịch cảnh, nói nôm na là may mắn. Huệ để được cứu cánh an lạc, diệt tận mọi thuận nghịch, vô vi bất động. Như Bồ tát Quan Thế Âm cứu độ chúng sinh bằng hai cách, ban phúc và ban huệ. Bởi chúng sinh cầu cứu khổ bao gồm hai hạng, một hạng khổ vì thiếu phúc, và một hạng khổ vì thiếu huệ. Tuyệt đại đa số chúng sinh chỉ nhận ra khổ khi thiếu phúc, còn thiếu huệ đến mấy cũng chưa nhận ra khổ.
 
Phật pháp nhấn mạnh nhân sinh thị khổ, nhưng dưới mắt đa số chúng sinh đều hiểu khổ là thiếu phúc, thiếu dục như nghèo, hèn, bệnh tật, mất ngũ dục, vất vả song không được hưởng thụ…Vì vậy mà kẻ vô trí cho đạo Phật là yếm thế, và sai lầm, vì có rất nhiều người giầu có sung sướng, hưởng thụ cả đời, nên không thể vơ đũa cả nắm mà kết luận nhân sinh thị khổ được. Rồi cũng chính vì vậy, chỉ khi nào lâm vào những cảnh thiếu phúc, chúng sinh mới cầu cứu khổ, cầu bồ tát bố thí phúc để trừ khổ. Thế nhưng dưới mắt bậc trí, chúng sinh khổ vì thiếu huệ, do không huệ nên bao đời mê muội mò trăng đáy nước, chưa từng được một lần, cho dù phải trải qua lao nhọc bao đời, ấy vậy song vẫn chưa hề nhận ra khổ ở ngay chỗ hư ngụy đó. Cũng chỉ do nơi thiếu huệ trầm trọng, nên không những không nhận ra khổ, lại còn điên đảo cho là lạc nữa, vì thế không sao nhận chân được “nhân sinh thị khổ”. Do vậy người chân chính nhận chân được nhân sinh thị khổ, là người có trí, vì thế để cứu khổ người trí cần cầu xin trí huệ của chư Phật và chư bồ tát, để diệt tận vô minh, căn bản của mọi tội khổ.
 
Quan âm bồ tát cứu khổ cho những kẻ khổ vì thiếu phúc, bằng phúc báu của ngài tức đại bi tâm, và cứu khổ cho những kẻ khổ vì thiếu huệ bằng trí quán tự tại của ngài, khiến chúng sinh nhận chân ngũ uẩn giai không, nhờ vậy diệt tận nhất thiết khổ ách và điên đảo mộng tưởng, đắc được niết bàn tịch tĩnh vô vi bất động.
 
Phúc chỉ giúp nhất thời, huệ mới cứu muôn thuở. Có phúc mà vô huệ, phúc có thể trở thành họa. Có phúc lại có huệ mọi họa đều thành phúc.
 
Nhờ phúc huệ song tu, nên do phúc hiện tiền tai qua nạn khỏi, nhờ huệ diệt gốc tai ương, đắc cứu cánh an lạc. Lại do phúc huệ viên mãn, nên dùng phúc độ chúng sinh hiện tiền thoát khỏi mọi tai họa, dùng huệ độ chúng sinh diệt nhất thiết khổ ách. Thành tựu thượng cầu hạ hóa, viên mãn hạnh tự lợi lợi tha. Đó gọi là tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.
 
Hành giả trong câu chuyện trên nhờ vào phúc huệ mà chuyển mọi tai họa thành phúc báo, biến sự phá hoại thành sự giúp đỡ.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Nguyệt Thực Đánh Chó
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Sợ Đau Mắt
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giết Con Giữ Hoa Tai
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giặc Cướp Chia Của
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ