Có một người tướng mạo khôi ngô, lại rất giầu có, cả thiên hạ đều xưng tán người này. Bấy giờ có người ngu nghĩ rằng, ta nên nhận người giầu là anh, để lúc túng sẽ có tiền tiêu sài, khi nào thấy người kia trả nợ thì nói chẳng phải anh ta. Có người hỏi, anh là người ngu, vì sao lúc cần tiền thì nhận là anh, khi thấy trả nợ thì nói chẳng phải anh.
Người ngu đáp, tôi vì muốn được tiền của họ nên nhận là anh, nhưng kì thật chẳng phải là anh, nên khi họ trả nợ thì không cần nhận là anh. Mọi người nghe xong, ai cũng cười chê.
Như ngoại đạo, trộm những lời hay của Phật sử dụng như là của chính mình, đến khi có người khuyên nên tu hành, thì không nghe theo, mà nói, chỉ vì lợi dưỡng nên trộm lời Phật hóa đạo chúng sinh, kì thật thì không vậy, nên làm sao tu hành?. Khác nào gã ngu vì tiền nhận anh, đến khi trả nợ thì chối bỏ.
Lời Bình:
Ngoại đạo còn tự biết là mình vì lợi dưỡng mà giả lời Phật. Hàng Phật tử tại gia, thờ Phật cũng chỉ vì muốn dựa vào công đức chư Phật cầu phúc báo lợi dưỡng cho mình, còn chuyện trả nợ tức phụng sự chúng sinh thì tự cho là mình vô can, với lý luận là chúng con phàm phu thấp hèn, không đủ trình độ làm các việc cao thượng đó, nhưng phúc đức tu hành của chư Phật thì chúng con gánh vác được. Những người đó không hiểu rằng xin phúc báo của chư Phật chính là xin được phụng sự chúng sinh, nên ngài Triệu châu dậy cho bà lão pháp tu mau thành Phật, đó là nguyện độ hết chúng sinh, và ta là người cuối cùng thành Phật.
Thế nhưng dù sao hạng tín chúng này không lợi dụng sự cúng dường của tha nhân, nên không tội lỗi như ngoại đạo. Cũng có hàng Phật tử chân chính, biết tạo phúc hành thiện, y lời Phật dậy để tự tạo công đức cho bản thân, không như hàng mê tín không chịu tu phúc, mà chỉ mong Phật ban bố phúc cho mình.
Hàng xuất gia cũng có kẻ chẳng khác ngoại đạo, chỉ cầu lợi dưỡng mà không thật tâm tu hành, người này sẵn sàng thọ nhận cúng dường, bình đẳng không kể giầu nghèo thương ghét, ai cúng cũng thọ, nhưng khi phụng sự chúng sinh thì không sẵn lòng, hoặc dù có sẵn sàng cũng phân biệt người nào nên phụng sự người nào không nên, theo tiêu chuẩn tình cảm và lợi lộc. Đức Phật lấy độ sinh làm sự nghiệp, hay còn gọi là Phật sự, thọ nhận cũng chỉ để gieo duyên đắc độ cho tha nhân hay tạo phúc bố thí cho người, như ngài Ca diếp thọ nhận của bà lão ăn mày, nhờ vậy quý ngài thành tựu được vô lượng công đức, khiến nhất thiết chúng sinh trong ba đời mười phương đều được ân triêm công đức, thậm chí ngoại đạo cũng dựa được. Thực tâm tu hành ắt hành mọi Phật sự, tức độ nhất thiết chúng sinh. Chỉ cầu lợi dưỡng tức thích dựa vào công đức lực của tam bảo mà thọ nhận sự cúng dường của tín thí, nhưng không thực tâm tu hành nên không sẵn sàng y Phật tu hành độ hóa chúng sinh, nếu phải thuyết pháp hay phụng sự chúng sinh thì tránh né và cho không phải việc của mình, khác nào gã nhận người làm anh.
Nếu sư trưởng không biết sửa sai tâm địa đồ chúng, bắt phải vứt bỏ chủng tính ngoại đạo chuyên cầu lợi dưỡng, để trau dồi tu tập bồ tát hạnh, chỉ truyền dậy cho chúng pháp đản chỉnh oai nghi, dĩ chiêu lợi dưỡng (chỉ lo chỉnh đốn tác phong bề ngoài để cầu cúng dường), thì càng làm cho chúng đắm sâu vào con đường lợi dưỡng, chỉ thích hưởng quả mà không chịu tu nhân, ám tế ngu si như vậy, cộng thêm sự lợi dụng tín tâm của đồ chúng, nên phải chịu quả vô minh và trả nợ bằng thân trâu ngựa nhiều đời, thực là tưởng khôn hóa dại, cái khôn của ngưòi ngu luôn ám sát người ngu, như câu chuyện lê đánh vỡ đầu.
Đại đa số Phật giáo đồ chúng ta làm một lần hai gã đầy mâu thuẫn, về mặt đạo thì là cùng tử, nghèo cùng phúc huệ, không phúc nên cùng khổ từ tâm đến thân, thiếu huệ nên không sao thoát được cảnh khổ đó. Về thế tục thì là lợi tử, chỉ biết kiếm lợi như gã nhận người làm anh.
Sống trong đạo thường tự ti mặc cảm, thấy ta là cùng tử, cho dù bậc cha lành của ta giầu có trí huệ vô biên, dụng khắp nơi, cho mọi người cũng vẫn không vơi, nói gì đến hết, còn ta thì mảy may trí huệ cũng không, nên nào dám mở miệng bàn chuyện của cha, mà chỉ ưa chuyện của gã ngoại đạo hàng xóm, pháp bảo của từ phụ dậy thì không chịu tiếp thu, viện cớ chúng con không đủ trình độ thọ nhận, như cùng tử từ chối gia tài vậy. Trong khi đó lại lén học pháp của hàng xóm ngoại đạo, ngược lại ngoại đạo lại rình cơ hội trộm Phật pháp để hưởng dụng.
Người xuất gia nhận đức Phật làm thầy, gồm hai hạng. Hạng thứ nhất bằng thiện tâm chính tín, nhận tam bảo làm thầy để cầu học trí huệ và hành từ bi, hầu thành tựu hạnh tự giác giác tha. Hạng thứ hai bằng tặc tâm bất thiện, nhận làm đệ tử của tam bảo để hồ giả hổ uy, lợi dụng oai lực tam bảo, mưu cầu lợi dưỡng né tránh độ sinh, như gã lợi tử.
Về mặt đời thì tuy thờ Phật, nhưng cầu học pháp mưu lợi của ngoại đạo, y pháp ngoại đạo phụng hành, cho đó là trí huệ đưa đến thành công đắc ngũ dục quả. Thậm chí mang giáo pháp ngoại đạo này vào truyền bá trong chốn gìa lam, gọi đó là Phật sự, lấy ngũ dục hữu lậu làm mục tiêu tu hành, thay cho công đức vô lậu, sử dụng pháp Phật theo lối ngoại đạo, oản thì ăn trước, mà phụng sự chúng sinh thì lại nói ngược quý vị phục vụ tôi cho có phước, còn tôi thì làm gì cho có phúc đây?, khác nào gã lợi tử nhận người làm anh.