Thật ra đức Phật không có bất cứ nguyên tắc chung nào để dạy chúng ta, ngoài con đường Trung đạo duyên khởi; nhằm giải thoát mọi vướng mắc khổ đau trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng ngay chính bản thân con đường này cũng chỉ là một phương tiện. Do đó, mọi nguyên tắc đối trị mọi căn cơ để đưa chúng sanh đến giải thoát khổ đau phiền não, thì chính chúng là con đường trung đạo. Vậy chúng chỉ là pháp phương tiện đối trị bệnh cơ của chúng sanh mà thôi. Hơn nữa, nguyên tắc luôn là trói buộc, do đó vấn đề giải thoát được đức Phật đặt ra như là một tiên quyết cho một thể nghiệm về phương tiện; qua đó phương tiện sống được coi như là một đối tượng nhận thức sẽ bị vượt qua, tất cả đều trở thành phương tiện chuyên chở cho một cứu cánh cho chính chúng. Và vì vậy cho nên pháp của đức Phật khi ra giáo hoá được Ngài sử dụng như là phương tiện đối trị bệnh chứ không là gì hết. Thế nhưng, ngay trong khi đức Đạo sư khi còn tại thế; những lời giáo hoá của Ngài vẫn bị xuyên tạc và hiểu nhầm một cách có ý thức bởi các ngoại đạo, mà đại diện cho các ngoại đạo vào lúc bấy giờ là Ni kiền tử[1] thuộc phái lõa hình ngoại đạo. Trong chương nói về thuốc của Tứ phần Luật[2] (Đ. 22, q. 42, tr. 871b) nói về tịnh nhục, truyện kể rằng:
«Thế Tôn ở tại Tỳ xá ly. Bấy giờ có tướng quân Tư ha[3] là đệ tử của Ni kiền. Tại công đường, [4] có năm trăm Lê xa ngồi ăn, họ dùng vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, tướng quân Tư ha tại chỗ ngồi nghe vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng nên sanh lòng tin ưa, muốn đến yết kiến đức Phật. Ông ta nghĩ như vầy: ‹Nay ta có thể đến thưa với thầy Ni kiền để đến chỗ Cù đàm.› Bấy giờ, Tư ha liền đến thưa với Ni kiền rằng:
«Tôi muốn đến chỗ Sa môn Cù đàm.»
Ni kiền nói rằng:
«Ông chủ trương nên làm.[5] Cù đàm giáo hóa đệ tử bằng thuyết không nên làm. Thôi, đừng nên đến đó.»
Bấy giờ, tướng quân Tư ha rút lại ý định đi gặp Phật trước đó. Các Lê xa lần thứ nhì, lần thứ ba cũng khen ngợi Phật, Pháp, Tăng như vậy. Tướng quân Tư ha khi nghe lần thứ hai, lần thứ ba sự khen ngợi như vậy, khởi ý nghĩ như vầy: ‹Nay ta hãy đi gặp Cù đàm, khỏi phải từ giã thầy Ni kiền. Xem Thầy sẽ làm gì được ta?› Bấy giờ, Tư ha liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Tư ha nghe Phật phương tiện nói pháp tâm sanh đại hoan hỷ bạch Phật rằng:
«Tôi nghe nói Cù đàm giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm. Các sa môn đồn như vậy, có đúng sự thật, có đúng như pháp chăng?»
Đức Phật nói với Tư ha rằng:
«Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết hãy nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng pháp đoạn diệt; [6] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp uế ác; [7] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp điều phục; [8] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử, đó là thuật ngữ bằng pháp diệt ám; [9] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng ‹Sự sanh của Ta đã dứt; không còn tái sinh nữa›[10]; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng, Ta đã đến chỗ vô uý, thuyết vô uý pháp; [11] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Đức Phật nói với Tư ha:
«Vì sao Ta nói ‹Không nên làm› cho đến ‹chỗ vô úy› để giáo hóa đệ tử, rằng lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp?»
«Ta nói ‹không nên làm›, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác.
«Ta nói ‹nên làm›, là nên làm ba pháp thiện.
«Ta nói ‹pháp đoạn diệt›, là đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹pháp uế ác[12]› là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý.
«Ta nói ‹pháp điều phục[13]› là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹diệt ám› là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện.
«Ta nói ‹sự sanh của ta đã dứt› là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai, và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử.
«Ta nói ‹đến chỗ vô úy› là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh.
«Này Tư ha! Đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‹không nên làm›; ‹đến chỗ vô úy›, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Qua đoạn kinh văn này, cho chúng ta thấy rằng phương pháp giáo hoá của đức Phật không ngoài nhân duyên phương tiện; mà nhân duyên phương tiện thì thiên hình vạn trạng đa thù. Do đó cách giáo hoá của Ngài luôn tuỳ thuộc vào nhân duyên phương tiện mà dạy dỗ, nên nguyên tắc giáo hoá cũng trở nên đa dạng. Vì vậy không có bất cứ nguyên tắc nào dành chung cho việc giáo hoá của Ngài cả.
Như đức Phật đã dạy ở đoạn kinh văn trên, trước hết Ngài xác nhận sự sai lầm trong nhận thức của ngoại đạo về những lời dạy của Ngài dù là vô tình (không hiểu thấu ý nghĩa) hay cố ý (có hiểu, nhưng vì sợ đệ tử mình sẽ bị khuất phục nên đưa ra sự mâu thuẫn khiến họ không đến). Họ chấp chặt vào thiên kiến, không biết phương tiện phân biệt tạm thời dành để đối trị, mà chỉ chấp chặt vào một vài lời dạy nào đó, và cho đó là chủ trương của người ta, ngoài ra đều hư dối, rồi nhằm vào đó má huỷ báng. Kế đến Ngài thuyết minh về nhân quả cùng định thức duyên khởi (có bệnh thì có thuốc, có thuốc là có bệnh), mà ở đây Ngài nhắm vào chuyển mê khai ngộ, chuyển khổ thành vui, chuyển phàm thành Thánh cho mọi đối tượng khi có nhân duyên phương tiện đến:
«Vì sao Ta nói ‹Không nên làm› … cho đến ‹chỗ vô úy› để giáo hóa đệ tử, rằng lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp[14]?»
«Ta nói ‹không nên làm›, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác.
«Ta nói ‹nên làm›, là nên làm ba pháp thiện.
«Ta nói ‹pháp đoạn diệt›, là đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹pháp uế ác› là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý.
«Ta nói ‹pháp điều phục› là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹diệt ám› là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện.
«Ta nói ‹sự sanh của ta đã dứt› là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai, và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử.
«Ta nói ‹đến chỗ vô úy[15]› là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh.
«Này Tư ha! Đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‹không nên làm›; ‹đến chỗ vô úy›, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Từ câu hỏi «Tôi nghe nói Cù đàm giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm. Các sa môn đồn như vậy, có đúng sự thật, có đúng như pháp chăng?» Đức Phật đã tự khẳng định là Ngài đã giáo hoá cho các đệ tử của Ngài như vậy. Không những chỉ có thế, đức Phật còn đưa ra hàng loạt các biện pháp giáo hoá khác, và cho đến tự trả lời là tại vì sao Ngài đã nói ‹Không nên làm› … cho đến ‹chỗ vô uý›. Ở đây, đức Phật không những tự khẳng định là Ngài đã giáo hoá cho các đệ tử mình ‹không nên làm›, mà còn giáo hoá ‹nên làm›.
Nguyên tắc chung thuyết giáo của Ngài là tuỳ duyên, nhằm đối trị mọi căn bệnh của chúng sanh. Vì vậy, bất cứ lúc nào bất cứ nơi đâu dù có người thắc mắc thưa hỏi hay không có người thắc mắc thưa hỏi về cuộc sống thì Ngài cũng giải đáp mọi thắc mắc một cách mau chóng và chính xác; hay Ngài tự nói ra nếu thấy điều đó có lợi ích cho việc giải thoát đối với mọi người. Qua một câu hỏi trên mà đức Phật không những chỉ trả lời cho một câu hỏi mà Ngài còn đưa ra rất nhiều câu nói khác và tự trả lời nhằm, trước hết để thoã mãn lòng thắc mắc nghi kỵ về cuộc sống của người hỏi, thứ hai là để giải toả những hiểu lầm do chấp thủ thiên kiến về những lời giáo hoá của Ngài. Đức Phật dạy không nên làm là không nên làm những gì, tức là có điều kiện giới hạn, chứ không có nghĩa là không nên làm là không nên làm bất cứ điều gì đề rồi chúng đối lập lại với nên làm.
Ở đây đức Phật cũng đứng trên lập trường nhân quả mà thuyết minh về không nên làm: Vì từ tác nhân đưa đến thọ quả có thể là đồng thời hay dị thời, nhưng chúng luôn luôn tuỳ thuộc vào nhân duyên đủ đề hình thành quá trình hiện hữu của chính chúng. «Ta nói ‹không nên làm›, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác.” Nghĩa là trong hiện tại chúng ta không tạo ra nhân nghiệp ác thân, khẩu, ý; và vì không tạo ra nghiệp nhân ác nên không lãnh thọ quả. Đó chính là con đường đưa đến giải thoát khổ đau pháp ác bất thiện. Ngược lại nên làm ba pháp thiện qua thân, khẩu, ý, đó chính là:
«Đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý.
«Là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện.»
Nên làm ở đây, có nghĩa là ngoài việc không nên nuôi lớn ba độc Tham, sân, si qua sự thể hiện của thân khẩu, ý ra, chúng ta còn phải diệt trừ chúng, kinh tởm xa lìa chúng, điều phục chúng; nói chung là chúng ta diệt trừ pháp tối tăm ác, bất thiện kia. Những việc làm này chính là việc nên làm. Ở một góc độ nào đó chúng đồng nghĩa với không nên làm. Vì ở đây một đàng không nuôi lớn ba độc tham, sân, si, là chận đứng bước phát triển của chúng, và một đàng khác tiêu diệt ba độc tham, sân, si, tuy trên mặt tích cực thì thấy có vẻ như sai khác, nhưng trên mặt tiêu cực thì chúng đồng nghĩa nhau, tức là không đồng lõa với pháp ác bất thiện tối tăm.
Không nên làm và nên làm ở đây mang ý nghĩa thực thành hơn là ý nghĩa lý thuyết. Đức Phật đã đứng trên hiện thực sống động thực tiễn của cuộc sống của chúng sanh mà giáo hoá nên làm như thế nào, và không nên làm những gì. Như trên chúng tôi đã nói, một mặt chúng ta chận đứng việc tạo nhân ác qua ba nghiệp thân, khẩu, ý; mặc khác tìm cách tiêu diệt chúng, đàng nào chúng ta cũng vô hiệu hoá tác nhân tạo ác pháp của chúng ta, thì đó chính là cái nhân đưa đến sự vô sinh của chúng ta, như chính đức Phật đã dạy:
«Ta nói ‹sự sanh của Ta đã dứt› là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai[16], và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử. [17]»
Vì không tạo nhân ba đường sáu cõi luân hồi sinh tử nên đức Phật không còn tái sinh vào cõi đời này nữa để mang bào thai hữu tình chúng sanh như chúng ta. Nhân sinh tử luân hồi ba cõi sáu đường chính do thân, khẩu, ý chúng ta tạo ra hình thành ba nghiệp ác; từ ba nghiệp ác này lôi kéo chúng ta vào ba cõi luân hồi không dừng nghỉ. Chúng sẽ dừng nghỉ khi nào chúng ta dừng được ba nghiệp ác thân, khẩu, ý, và tiêu diệt tận cùng, cắt đứt gốc rễ của chúng thì chúng ta cũng sẽ như đức Phật ‹sự sanh của Ta đã dứt›. Và chúng sanh cũng sẽ như vậy nếu chúng ta không nên làm và nên làm những gì như đức Phật đã dạy. Và cũng từ không tác nhân của ba nghiệp ác bất thiện, nên đức Phật đã đạt tới trạng thái vô uý, không còn tâm sợt sệt như một hữu tình chúng sanh nữa, vì đây chính là trạng thái vô ngã, không phải là trạng thái hữu ngã của chúng sinh nữa, và nhờ đó chúng sanh được Ngài an ủi:
«Ta nói ‹đến chỗ vô úy› là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh.
«Này Tư ha! Đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‹không nên làm›; ‹đến chỗ vô úy›, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Sau khi tướng quân Tư ha được đức Phật dạy về pháp không nên làm và nên làm. Có lẽ đây là lần nghe pháp đầu tiên của tướng quân Tư ha, nên những mâu thuẫn khác nhau giữa không nên làm và nên làm trước đó đã nghe từ Ni kiền Tử nay đã được đả thông:
Tư ha bạch Phật:
«Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau, con không sát sanh cho đến không uống rượu. [18]»
Đức Phật bảo Tư ha:
«Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.»
Tư ha thưa:
«Khi mà con đến làm đệ tử của ngoại đạo sa môn, bà la môn, họ liền cầm phan, xướng lệnh khiến cho người trong nước biết: ‹Tư ha là đệ tử của Ni kiền.› Nay con nghe đức Thế Tôn ân cần dạy bảo rằng: ‹Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm, việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.› Điều này làm cho con càng tin tưởng sâu xa hơn.»
Trước khi đức Thế tôn cho phép tướng quân Tư ha quy y tam bảo, đức Phật đã làm một việc mà trước đó, và ngay đến tận cùng sau này cũng không có một vị giáo chủ tôn giáo nào khác có tinh thần tự do nhân bản đến cực độ như vậy. Mặc dù đức Phật đã biết tướng quân Tư ha đã đặt lòng tin kiên cố đối với Ngài rồi. Đó là đối với cá nhân ông, nhưng còn những người liên hệ chung quanh ông không phải ít với chức vụ tướng quân này; sự liên hệ đó có thể gây khó khăn sau này cho chính ông. Qua đây cho chúng ta thấy nhân cách tuyệt vời của đức Phật, cọng với một nền giáo lý nhân bản từ bi trí tuệ và giải thoát của Ngài, luôn luôn là một điểm tựa vững chắc, nơi mọi người có thể nương về để hoàn thành công việc giải thoát khổ đau cho chính mình. Đã hơn hai thiên niên kỷ qua, sau khi đức Phật qua đời, giáo lý và hình ảnh của Ngài vẫn là một điểm sáng hoàn hảo nổi bậc nhất. Nơi thu hút mọi sự chú ý của con người, qua sự tình nguyện trong nghiên cứu và thực hành. Người đến với đạo Phật là người đến để hoàn thành nhân cách chính mình, chứ không phải đến để hoàn thành nhân cách của vị giáo chủ, như các tôn giáo khác; đến để rồi vong thân, làm kẻ nô lệ qua những nhân danh, rồi tạo ra bao cuộc thánh chiến, bao cuộc thập tự chinh, lùa người vào trong chỗ chết nếu không theo họ. Họ đã từng dùng sức mạnh của súng đạn quân sự, sức mạnh của chính trị[19], và đang dùng sức mạnh của kinh tế tiền bạc, hoặc bắt ép, hoặc dụ dỗ người khác theo đạo mình. Trong khi đó sự truyền giáo của đạo Phật không đổ một giọt máu, không tốn một đồng tiền cắc bạt để đưa ra dụ dỗ o ép, mà bằng sự tự nguyện trong sáng. Con người đến với đạo Phật thật hoà bình, thật nhân bản, thật nhân cách, như hình ảnh của chính đức giáo chủ của họ vậy. Một hình ảnh tuyệt vời, mà xưa kia tướng quân Tư ha, người có thế lực về quân sự vào lúc bấy giờ, đã nương về, cho đến mãi ngày hôm nay vẫn còn đẹp.
Lúc đó, tuy người chủ của vận mệnh chính mình đã có một quyết định cân nhắc sau khi nghe đức Phật dạy cho mình, và tìm thấy nhân cách vĩ đại của Ngài, qua đó nhân cách của những vị sa môn[20], bà la môn khác cũng đã được tướng quân Tư ha đánh giá trở lại qua quyết định nương về với Ngài, giáo pháp, cùng chúng Tăng, và nguyện suốt đời không sát sinh, … cho đến không uống rượu. Nhưng Ngài vẫn nhắc nhở với lòng ai mẫn: ‹Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm, việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.› và cũng chính nhân cách này đã làm ông càng thêm tin tưởng vào đức Phật một cách sâu xa hơn, và về quyết định của mình là chính xác, nên:
Tư ha lại bạch Phật:
«Bạch Đại đức! Lần thứ hai, con xin trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh, cho đến không uống rượu. Từ nay về sau, cửa ngõ nhà con Ni kiền ngoại đạo không được vào. Phật và các đệ tử tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ra vào cửa ngỏ nhà con không có sự trở ngại.»
Đức Phật nói với Tư ha rằng:
«Trước đây, Ông như là nguồn suối ngày đêm cung cấp cho ngoại đạo Ni kiền, nay làm sao đoạn tuyệt được?»
Tư ha lại hỏi đức Phật:
«Con được nghe người ngoài nói rằng: Sa môn Cù đàm tự nói, ‹Bố thí, nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác. Bố thí cho ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho người khác sẽ không được quả báo. Nên bố thí cho đệ tử của Ta. Không nên bố thí cho đệ tử người khác. Bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho đệ tử người khác sẽ không được quả báo.› »
Đức Phật trả lời cho Tư ha rằng:
«Ta không nói như vậy, mà ta nói: Nếu người có từ tâm, chỉ đem nước vo gạo cho đến như nước cơm, đem đổ chỗ nước bất tịnh có trùng, khiến cho loài trùng kia được thọ hưởng chất này; Ta nói người kia còn có phước. Huống chi là cho con người. Ta nói, bố thí cho người trì giới được quả báo lớn hơn so với cho người phá giới. [21]»
Tư ha bạch Phật rằng:
«Như lời đức Thế Tôn đã nói, như lời đức Thế Tôn đã nói. Chúng con xin tự biết.»
Rồi đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư ha được hoan hỷ. Từ chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; liền bạch Phật rằng:
«Nay, lần thứ ba, con nguyện trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.»
Sau lần thứ hai tướng quân Tư ha nói lên lời nguyện, xin được nương về Phật, Pháp, Tăng, và nguyện trọn đời không sát sinh, … cho đến không uống rượu. Và như vậy là cửa ngõ nhà tướng quân Tư ha từ nay về sau Ni kiền ngoại đạo không được phép đặt chân vào. Chỉ có Phật và các đệ tử tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ra vào cửa ngỏ nhà tướng quân là không có sự trở ngại. Cũng chính vì Tư ha ngăm cấm ngoại đạo Ni kiền không được vào ngỏ, nên đức Phật hỏi Tư ha: ‹Trước đây, Ông như là nguồn suối ngày đêm cung cấp cho ngoại đạo Ni kiền, nay làm sao đoạn tuyệt được?› vì câu hỏi này có liên quan đến vấn đề bố thí của đức Phật mà Tư ha, bằng một câu hỏi khác thay vì câu trả lời về vấn đề bố thí. Có lẽ đây là một câu hỏi để tự xác định lại những gì mình đã được nghe người ngoài nói rằng: ‹Sa môn Cù đàm tự nói, ‘Bố thí, nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác. Bố thí cho Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho người khác sẽ không được quả báo. Nên bố thí cho đệ tử của Ta. Không nên bố thí cho đệ tử người khác. Bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho đệ tử người khác sẽ không được quả báo’.› Qua lời thuật lại của Tư ha cho chúng ta thấy rằng, vào lúc bấy giờ ngoại đạo luôn rình rập chờ cơ hội để chúng bôi nhọ huỷ báng xuyên tạc đức Phật, đệ tử cùng giáo pháp của Ngài. Nhưng đức Phật vẫn nhẹ nhàng khi trả lời, ‹Ta không nói như vậy, mà ta nói: Nếu một người có từ tâm, chỉ đem nước vo gạo cho đến như nước cơm, đem đổ chỗ nước bất tịnh có trùng, khiến cho loài trùng kia được thọ hưởng chất này; Ta nói người kia còn có phước. Huống chi là cho con người. Ta nói, bố thí cho người trì giới được quả báo lớn hơn so với cho người phá giới.› Như vậy vấn đề bố thí, ở đây đức Phật không bảo là chỉ bố thí riêng cho Phật và đệ tử của Ngài mới có phước báo, ngoài ra bố thí nơi khác thì sẽ không có phước báo, mà Ngài tự khẳng định: có bố thí là có phước cho dù là cho bất cứ ai, ngay đến cả loài trùng mà làm cho nó thọ hưởng được cũng là có phước. Huống chi là bố thí cho những vị trì giới thì đương nhiên sẽ có phước hơn những người phá giới. Điều này đâu có gì là cao xa và khó hiểu đâu, vì những vị trì giới là những người trước hết họ có cuộc sống thanh tịnh[22], hơn nữa họ chính là những hình ảnh đại diện cho Tăng bảo là chỗ qui ngưỡng của mọi người. Sở dĩ ngoại đạo có những ác ý đối Phật như vậy là vì vào lúc bấy giờ, đức Phật và Thánh chúng được mọi người qui ngưỡng cung kính cúng dường, trong khi ngoại đạo khất thực khó được.
Sau khi tưóng quân Tư ha nghe những gì mà đức Phật đã trả lời qua câu hỏi của mình, tự ông đả thông được mọi thắc mắc, và biết rõ được những gì mình cầm làm sau đó:
«Tư ha bạch Phật rằng:
«Như lời đức Thế Tôn đã nói, như lời đức Thế Tôn đã nói. Chúng con xin tự biết.»
Rồi đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư ha được hoan hỷ[23]. Từ chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; liền bạch Phật rằng:
«Nay, lần thứ ba, con nguyện trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai....»
Tóm lại, qua đoạn kinh văn trên, qua hai câu hỏi về không nên làm, và bố thí đã được đức Phật trả lời một cách cặn kẽ, đã giải toả mọi thắc mắc nghi ngờ đối với những lời giáo hoá của đức Phật không những đối tướng quân Tư ha, mà ngay đối với chúng ta cũng vậy. Đây là một đoạn kinh văn chúng tôi rút ra từ Luật tạng, nên chúng thiên về phần thực hành hơn là lý thuyết, chỉ dành riêng cho cuộc sống tập thể Tăng[24] vào lúc đức Thế Tôn còn tại thế. Sự thể hiện phong cách sống của đức Phật đối với tập thể Tăng, đối với các hàng cư sĩ tại gia, đối với các hàng sa môn, bà la môn ngoại đạo vào lúc bấy giờ, chính là sự thể hiện của ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh tự tại trong cuộc sống. Chính cuộc sống thanh tịnh tại tự của Ngài được thể hiện ra bên ngoài đã chinh phục mọi người theo về với Phật, Pháp, Tăng là nửa phần thuyết giáo của Ngài hay hơn nữa. Đây chính là thọ quả trong hiện tại được thể hiện ra trong cuộc sống của đức Phật, mà những tác nhân trước đó đã mang lại cho Ngài, và cũng chính nhờ thọ quả hiện tại của Ngài, Ngài đã tác động lên tác nhân khác qua việc thanh tịnh hoá ba nghiệp thân khẩu ý ác bất thiện cho mọi người qua việc nên làm, không nên làm. Nếu ai muốn có cuộc sống như Ngài thì chỉ cần thực hành như những gì Ngài đã giáo hoá, thì người đó có khả năng chuyển mê khai ngộ, chuyển khổ thành vui, chuyển phàm thành Thánh ngay trong đời hiện tại này. Chỉ sợ chúng ta không đủ lòng tin, tinh tấn, kiên nhẫn để thực hành mà thôi. Đến với đức Phật là đến để thực hành chứ không phải đến để tìm hiểu. Ai đến với đức Phật chỉ để tìm hiểu thì người đó sẽ không bao giờ biết đến hương vị giải thoát, và giá trị thực chất của đức Phật là gì?
[1] Ni kiền Tử, 尼乾子。 Skt, Nirgrantha putra, Pàli, Nigaṇṭha putta; là một trong Lục sư ngoại đạo vào thời cổ Ấn Độ, chuyên tu khổ hạnh, thuộc phái loã hình. Vì mặc áo quần vào cho là bị trói buộc, nên không cần mặc quần áo để che thân, mà tự không biết tàm quí, liêm sỉ. Vì vậy cho nên người đời cũng thường gọi là vô tàm ngoại đạo.
[2] Việt dịch: tỳ kheo Thích Đỗng Minh, Thích Đức Thắng.
[3] Tư ha tướng quân 私呵將軍. Pali, Vin.i. 233, Sīhasenapati; vị tướng quân người Licchavī (Lê xa), ở Vesāli; đệ tử của Nigaṇṭha (Ni kiền). Xem Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c); Pali, A.viii.12 Sīha.
[4] Đoán sự đường 斷事堂, chỗ xử án, xử lý việc công.
[5] Nguyên Hán: tác pháp 作法. Tham chiếu. Trung A hàm 4 (T01n0026 tr. 0441a01): «Sa môn Cù đàm chủ trương bất khả tác 不可作.» Cf. Vin.i. 233: akiriyavādaṃ samaṇaṃ gotamaṃ, Sa môn Cù đàm chủ trương «Không được làm.»
[6] Đoạn diệt pháp 斷滅法. Pali: ucchedavādo samaṇo gotamo, Sa môn Gotama chủ trương đoạn diệt (hư vô luận).
[7] Uế ác pháp 穢惡法. Pali: jegucchī, chủ trương khổ hạnh kinh tởm.
[8] Điều phục pháp 調伏法. Pali: venayika, chủ trương tự chế ngự, khắc kỹ.
[9] Diệt ám pháp 滅闇法. Pali: tapassī, chủ trương nhiệt hành (khổ hành). Bản Hán hiểu là tamo (bống tối) thay vì tapo (sức nóng).
[10] Đoạn dưới nói rõ: không nhập thai nữa. Pali: apagabbo, chủ trương không nhập thai (không tái sinh).
[11] Vô uý pháp 無畏法. Pali: assattha, sự tĩnh chỉ, tô tức pháp.
[12] Hán: uế ác pháp, 穢惡法. Tham chiếu Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c) ‹Tông bản khả tằng ố› 宗本可曾惡; Pali, A.viii.12 Sīha. Ucchedavāda, tức chủ trương khổ hạnh.
[13] Hán: Điều phục pháp, 調伏法。Tham chiếu Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c) ‹Tông bản pháp luật› 宗本法律; Pali, A.viii.12 Sīha. Venayika, sự chế ngự.
[14] Hán: Thị thật ngữ pháp ngữ, 是實語法語。Tham chiếu Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c) ‹pháp như pháp› 法如法; Pali, atthi … pariyāyo, yen …pariyāyena: có pháp nôm, do bởi pháp môn đó…
[15] Hán: Vô uý xứ, 無畏處. Tham chiếu Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c) ‹tông bản an ổn› 宗本安穩; Pali, assattha, sự nghỉ ngơi.
[16] Hán: Bất thọ bào thai, 不受胞胎。Tham chiếu Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c) ‹bất nhập thai› 不入胎。
[17] Hán: Đoạn ư sinh tử, 斷於生死, có nghĩa là đã đoạn tận nguồn gốc cội rễ của tham dục, sân nhuế, si mê; ba nghiệp đã được thanh tịnh, giải thoát tất cả các pháp ác bất thiện, không còn sinh tử nữa.
[18] Quy y tam bảo, thọ trì ngũ giới, 歸依三寶受持五戒。
[19] Chỉ cho các nước thực dân phong kiến đế quốc xâm lược vào lúc bấy giờ ở Âu châu. Sa môn, 沙門;Skt: Śramaṇa, Pāli: Samaṇa, Sa môn ở đây chỉ cho các vị xuất gia ngoại đạo, họ đã dứt bỏ các ác, khéo điều phục thân tâm, siêng năng làm các điều lành.
[20] Đoạn kinh văn này, không thấy trong Trung A hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (Đại 1, tr. 440c); Pàli: A.VIII 12 Siha sutta, về vấn đề bố thí thì có đề cập trong đoạn 9, nhưng theo ý thì lại khác.
[21]
[22] Người đã thanh tịnh hoá được tam nghiệp thân, khẩu, ý 三業身口意 không còn tạo ra các ác bất thiện nữa, là người đã được giải thoát khổ đau ngay trong hiện tại.
[23] Đây là ba cách giáo hoá của đức Phật.
[24] Tăng già, 僧伽; Skt=Pàli, Saṃgha, là hoà hợp chúng, cũng là một trong ba ngôi báu, tức chỉ cho những vị tin nhận giáo pháp của Như lai, thực hành đạo giải thoát tác chứng đắc quả.