Home > Khai Thị Phật Học
Trì Giới Tu Định Sanh Trí Huệ
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Vốn phá giới là điều không thể bổ khuyết, cứu chữa được, nhưng nếu quý vị biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì có thể khôi phục được giới căn thanh tịnh của quý vị. Nhưng biết niệm, không phải chỉ là niệm mà thôi, nhất định phải đạt đến Tụng Chú Tam Muội. Chú này chính là phải từ trong tâm quý vị mà niệm ra, chú này lại có thể trở lại trong tâm quý vị; cho nên nói là “chú tâm tâm chú” tâm và chú hợp lại thành một, không có phân biệt, quý vị muốn quên cũng không quên được, đây gọi là “không niệm mà niệm, niệm mà không niệm.”

Quý vị niệm Chú thì phải niệm sao cho tất cả vọng tưởng tạp niệm đều không còn nữa, chỉ một lòng một dạ chuyên nhất trì tụng Chú Lăng Nghiêm mà thôi, đó gọi là “đả thành nhất đoàn”—xâu thành một chuỗi, kết thành một đoàn, trở thành một thể với nhau. Tư tưởng ý niệm của quý vị đã kết lại thành một khối rồi, không còn niệm thứ hai nữa, cũng giống như dòng nước tuôn chảy bất tận – con sóng trước đẩy con sóng sau, cuồn cuộn không dứt, như vậy, “nước chảy, gió động, diễn ma ha”— âm thanh của nước chảy và âm thanh của gió thổi, đều là tâm chú của Chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị có thể niệm đến mức như vậy, tới lúc đó cho dù quý vị có phá giới, thì quý vị cũng vẫn có thể đạt được giới căn thanh tịnh; còn nếu quý vị chưa thọ giới, thì quý vị cũng sẽ được thọ giới. Nếu quý vị vốn không hướng thượng tinh tấn, không nghiên cứu Phật Pháp, nhưng nếu quý vị có thể niệm Chú Lăng Nghiêm, niệm được thời gian lâu rồi, thì quý vị cũng tự nhiên nảy sanh tâm tinh tấn; người không có trí tuệ cũng sẽ được khai mở trí tuệ.

Nếu quý vị tu hành không được thanh tịnh, phá trai phạm giới, nhưng nhờ quý vị không quên Chú Lăng Nghiêm, cho nên quý vị sẽ được nhanh chóng khôi phục lại sự thanh tịnh. Nếu như trước kia, khi chưa biết trì chú, chưa được thọ giới, mà quý vị phạm phải giới cấm, thì sau khi quý vị trì Chú Lăng Nghiêm, tất cả những điều phá trai phạm giới, những tội lỗi bất luận là nhẹ hay nặng, thậm chí những tội không thể sám hối như Ba La Di, Ngũ Nghịch, Tứ Khí (bốn tội Ba La Di), Bát Khí (tám tội Ba La Di) mà quý vị đã trót gây ra, thảy đều có thể được xóa sạch. Quý vị vừa niệm Chú Lăng Nghiêm, bất luận tội nặng như thế nào đều tiêu trừ được, ngay cả nhiều bằng chừng một sợi tóc cũng không còn nữa, cho nên năng lực của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn.

Có nhiều người nghe nói Chú Lăng Nghiêm linh nghiệm như vậy, họ bèn chỉ niệm chú mà thôi, cũng không chịu tu hành nữa, đây là một hành vi thái quá. Bởi vì tu đạo, bất luận tu theo pháp môn nào, chúng ta đều cần phải giữ trung đạo, không nên “thái quá,” cũng không nên “bất cập.” Chú này cố nhiên là linh nghiệm, nhưng chúng ta vẫn cần phải tu định lực nữa. Chú Lăng Nghiêm nói chú này linh nghiệm, nhưng “phản văn văn tự tánh,” tu pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông cũng là một trong những điều quan trọng nhất vậy.

Lúc quý vị tụng Chú, thì cũng nên “phản văn văn tự tánh,”—quay lại lắng nghe tự tánh, phải tự mình “hồi quang phản chiếu.” Đoạn trước không phải tôi đã nói rồi sao? Tụng Chú này, thì Chú chính là tâm, tâm cũng chính là Chú, tâm và Chú không tách rời nhau; “tâm, Chú, nhị nhi bất nhị”—tâm, chú là hai mà không phải hai. Quý vị nếu có thể đạt đến như vậy là tốt rồi; bấy giờ, quý vị cầu điều gì thì đều có thể toại nguyện như ý, nhất định sẽ thành tựu được. Vậy thì nếu quý vị có thể hợp nhất tâm và Chú lại với nhau, đây cũng coi như là quý vị đã đạt đến Thiền Định Tam Muội, đắc được định lực chân chánh rồi, thế nên về điểm này, mỗi chúng ta đều nên biết.
 
Trích từ: Linh Văn Của Trời Đất Cứu Thế Giới


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Chú Lăng Nghiêm Giảng Giải, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Tỳ Kheo Thích Minh Định, Việt Dịch
2.    Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
3.    Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Tam Tạng Pháp Sư Bát Thích Mật Đế | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
4.    Kinh Lăng Nghiêm - Chương Đại Thế Chí, Tam Tạng Pháp Sư Bát Thích Mật Đế | Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
5.    Kinh Lăng Nghiêm Giảng Giải, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Thượng Tọa Thích Nhuận Châu, Tịnh Thất Từ Nghiêm, Việt Dịch
6.    Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông, Đại Phu Phòng Dung | Nhẫn Tế Thiền Sư, Việt Dịch
7.    Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tam Tạng Pháp Sư Bát Thích Mật Đế | Thích Hằng Quang, Việt Dịch
8.    Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm, Việt Dịch
9.    Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tam Tạng Pháp Sư Bát Thích Mật Đế | Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
10.    Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
11.    Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Đời Thanh, Triết Giang, Từ Vân Hương Nghiêm | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
12.    Phật Nói Luận A Tỳ Đàm Về Việc Thành Lập Thế Giới, Tam Tạng Pháp Sư Chơn Đế | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
13.    Surangama (Kinh Thủ Lăng Nghiêm), Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa
14.    Thiên Địa Linh Văn Cứu Thế Giới, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch