Home > Khai Thị Phật Học
Bà La Môn Giết Con
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Xưa có Bà la môn tự cho mình là người học rộng biết nhiều, tinh thông mọi kĩ nghệ tinh thuật, muốn phô trương tài nghệ, người này ôm con đến xứ khác ngồi khóc. Người đi đường thấy vậy hỏi, vì sao khóc. Người này trả lời, con tôi chỉ sống được bẩy ngày nữa. Mọi người nói, nhân mạng khó biết, hơn nữa dự đoán cũng có thể sai, ông không nên thương tâm như vậy. Bà la môn nói, mặt trời mặt trăng có thể tối đen, tinh tú có thể rơi rụng, nhưng lời tôi nói không thể sai được.

Vì danh lợi nên đến bẩy ngày sau gã giết con để chứng minh lời tiên đoán của mình không sai. Mọi người nghe tin con Bà la môn chết, ai nấy đều thán phục cho là đại trí, phát tâm kính tín. Tứ chúng của Phật vì lợi dưỡng, tự khoe đắc đạo, dùng pháp gạt người, giết hại người tốt, giả hiện từ bi, đưa đến quả khổ vô cùng trong tương lai, như hành động của Bà la môn này vậy.

Lời Bình:  

Quan niệm hạnh phúc của nhân sinh là làm thế nào có được ngũ dục, thế nên con người tập trung mọi trí khôn nghĩ tìm phương pháp đắc cho được mục đích trên. Tinh thần chấp thủ này rất kiên cố, không dao động trước mọi khuyến cáo của bậc trí huệ, cũng như cho dù đã chứng kiến biết bao người quanh mình phải chịu các hậu quả ngược ngạo do tinh thần ái thủ này sinh ra. Có hai lý do khiến họ cương quyết lao vào cuộc săn tìm ngũ dục, bất chấp hậu quả, như thiêu thân lao vào lửa sáng, thứ nhất là do ái thủ kiên cố, nên trí huệ không tác động nổi tính chấp thủ này, thứ hai do ái che mờ trí huệ, nên luôn nuôi niềm hy vọng hão huyền là họ sẽ ngoại lệ không rơi vào kết quả ê chề của những người chỉ biết dựa vào ngũ dục. Quyền lực cũng sẽ bị quyền lực giết, tình ái cũng sẽ bị tình ái đẩy vào nỗi đau, tiền tài không làm người ta thong dong nhàn hạ, mà trái lại đưa người đến chỗ không có thời gian để hưởng. Người ta quên rằng mọi thứ đều đến và đi, ngay đến thân mạng cũng đến và đi, tìm cách bắt nắm những thứ đến đi này là điều không thể, nghĩ là có thể giữ được không để chúng đi mất là điều hoang tưởng, nghĩ điều hoang tưởng làm chuyện không thể là xây lầu trong hư không, đích thực là vô minh.

Tinh thần ái thủ này là căn bản vô minh, lại được huân tập nhiều đời khiến căn bản này càng vững chắc không dời đổi, nó là nền tảng (căn) tạo thành thân tâm và cảnh giới của tam giới lục đạo, vì vậy ái dục và ngã câu sinh (thân tâm và ta cùng sinh), do đó nhất thiết chúng sinh bẩm tính sẵn ái, không học tự biết, không thầy tự chứng. Mọi suy nghĩ phát sinh từ căn bản vô minh này đều là thức phân biệt, phân biệt mọi thứ để tắng ái, thủ xả, đắc thất, mà không hề nhận chân ra bản chất gốc của sự vật, mê thất bản chất thật, tức căn nguyên của sự vật là căn bản vô minh, vì từ đó mới sinh ra vô số những hiểu biết sai lầm nơi sự thật (chân lý). Chỉ biết phân biệt hiện tượng để tắng ái là thức, thấy được căn bản của sự vật là trí.

Vì lý do này, người tu hành phải tu huệ để trừ vô minh bằng cách quán thật tướng của các pháp, nếu nhận ra thật tướng tất trừ được căn bản vô minh, từ sự thật này năng sử mọi tư duy đều là trí huệ và mọi sự hành đều có kết quả vĩnh hằng. Huệ để trừ căn bản vô minh phải là chân huệ, tức huệ bao gồm cả giới và định, nhờ giới chặn được sự xâm nhập của ái dục, nhờ định nên đủ mạnh để phá được vô minh căn bản kiên cố, nếu không vậy mọi trí huệ yếu ớt vì thiếu định, bất tịnh vì thiếu giới sẽ bị ái dục khống chế và sai sử, biến trí huệ thành tà trí, như Bà la môn là nạn nhân của tà trí.

Bà la môn có trí của thế nhân, tức loại trí của tham sân si, thiếu vắng giới định huệ, trí này không để hóa độ mà để dối gạt chúng sinh theo ý dục của mình. Cũng có trí nhưng trí kèm tịnh giới thì thành bi trí lợi mình lợi người, nếu trí kèm với tham dục sẽ thành tà trí hại mình hại người, đã đưa đến kết quả hại thì tà trí mới thật sự là ngu si. Song tham dục dùng bản ngã làm chỗ sinh hoạt, nên ngã càng có trí thì tham dục càng có thêm nanh vuốt và vây cánh để tung hoành hạnh hại người hại ta, làm cho tam ác đạo đông đảo và phát triển.

Trí huệ của người xuất gia một khi đã bị ái dục khống chế, tất thành Bà la môn sát tử, giết hết giới định huệ, để đổi lấy ngũ dục. giả trang từ đức, dối gạt chúng sinh, chỉ hành lợi dưỡng, tránh né lưu bố giáo pháp giới định huệ trừ diệt căn bản vô minh, chỉ lo phô trương ngũ dục của bản thân như là quả đức tu hành của ta đã đạt được, khiến hàng đồ chúng mê muội kính sợ và tin nghe, cả thầy lẫn trò vì thế càng dấn thân truy cầu ngũ dục, khiến tâm ái dục thêm tăng trưởng, tạo thành nghiệp hữu trong đời này, đưa đến quả sinh và lão tử nơi tương lai.

Xuất gia mà vẫn tăng trưởng luân hồi sinh tử thì không kể là xuất gia, Như trong Ngộ tính luận, Bồ đề đạt ma nói, lìa được văn tự là giải thoát, dứt được sinh tử là xuất gia, không còn thọ thân sau là đắc đạo.