Home > Khai Thị Phật Học > Tu-Bi-La-Dao-Duc-Can-Ban-Cua-Phat-Giao
Từ Bi Là Đạo Đức Căn Bản Của Phật Giáo
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch


Từ bi từ sự khế hợp của sự và lý mà lưu xuất, là sự đồng cảm được phát khởi từ ý thức cộng đồng.

Từ bi là đạo đức căn bản của Phật giáo, là tâm của chư Phật và chư Bồ tát. Bồ tát nhất cử nhất động đều không thể thiếu từ bi, tất cả việc làm đều lấy từ bi làm động lực.

1. Phật giáo lấy từ bi làm đạo đức căn bản

“Từ bi là cội gốc”, câu nói này rất đúng và xác thật, thể hiện được điểm cốt lõi của Phật giáo đại thừa, biểu đạt đạo đức chân thật của Phật giáo. Là tín đồ của Phật giáo đại thừa, đối với điều này cần phải tư duy cẩn thận, lập trường thật vững chãi. ứng ở góc độ tu tập của Bồ tát, trong kinh nhiều lần đề cập rằng: “Đại bi là đứng đầu”, “Đại bi là căn bản”. ứng ở vị trí tu tập đã thành tựu quả Phật, trong kinh nói rằng: “Chư Phật Như Lai lấy tâm đại bi làm thể”. Trong Luận tạng đề cập:

“Tâm của Đức Phật là tâm đại từ bi”. Trong Kinh và Luận đều thống nhất cho rằng cốt lõi của hành quả đại thừa không phải cái gì khác, chính là tâm từ bi. Nếu tách lìa tâm từ bi tức không phải Bồ tát, cũng không có Phật. Và cũng có thể nói không có tâm từ bi thì Phật giáo không tồn tại, Phật giáo dựa vào tâm từ bi mà phát triển.

Tông chỉ của đại thừa là như vậy, nhưng các Thanh văn là những vị chú trọng chuyên “lợi mình‟ có thể không đồng ý với điều này. Kỳ thật, trong ba tạng kinh điển mà hành giả Thanh văn cùng thừa nhận, đức Phật Thích ca Mâu ni cũng xác nhận là như vậy.

Căn cứ hành trạng của đức Phật Thích ca để thảo luận, động lực đầu tiên khiến cho Ngài phát tâm tu đạo chính là sự cảm nhận cảnh tượng diễn ra trong buổi lễ hạ điền. Thái tử Tất đạt đa (tức đức Thế Tôn) được sinh ra và lớn lên trong hoàng cung, hiếm có cơ hội quan sát người nông dân cày cấy. Vào buổi lễ hạ điền, Thái tử đã tận mắt chứng kiến họ làm việc dưới cái nắng gay gắt, bụng đói, cổ khô, mệt nhọc vất vả nhưng vẫn không được nghỉ ngơi; nhìn thấy trâu cày bị quất roi, bị ách đè thâm da lở thịt, chảy máu; nhìn thấy những luống đất vừa mới xới lên, có vô số côn trùng bị chim đến rỉa ăn; nhìn thấy máu của trâu đổ ra trên đất ruộng không lâu sau lại sinh côn trùng con, trở thành con mồi cho những chú chim. Chúng sinh tàn sát lẫn nhau, nỗi vất vả của người nông dân, đã khắc họa cảnh tượng khốc liệt của thế gian.

Trong tâm của Thái tử Tất đạt đa dâng lên một nỗi thương xót thấm thía, khiến cho Ngài nghĩ đến việc cầu đạo để giải thoát khỏi thế gian. Trong thời điểm này chỉ nghĩ cho riêng mình. Sau đó, Thái tử lại đi dạo, tận mắt nhìn thấy cảnh sinh, già, bệnh và chết. Ngài hiểu được con người phải trải qua những đau khổ như vậy, bản thân mình cũng không thể nào tránh khỏi. Từ trên thân người khác cũng có thể nhìn ra được bản thân, từ bản nhân cũng có thể hiểu được người khác. Con người, tất cả chúng sinh đều đang chịu đựng hoặc đã trải qua đau thương trong hành trình tồn tại. ối với điều này, nếu chỉ nghĩ cho riêng mình, đó là tâm nhàm chán cảnh khổ của Thanh văn; nếu không vì bản thân mình mà còn nghĩ đến tất cả chúng sinh, đó là lòng thương yêu rộng lớn của Bồ tát.

đức Phật không nghĩ vì bản thân, cho nên một khi ngồi ở dưới cội bồ đề chứng đạo quả, thấy rõ được bản chất của nhân sinh. Ngài đã dọc theo hai bên bờ sông Hằng, đến khắp mọi nơi chuyển bánh xe pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dùng pháp âm vi diệu đánh thức chúng sinh đang chìm trong đau khổ. Từ trong truyện ký, chúng ta biết cuộc đời của đức Thế Tôn, mọi hành vi không tách rời tâm đại từ đại bi, tâm của đức Phật lấy đại từ bi làm gốc. Nếu muốn tiếp tục tìm hiểu sự tu tập của đức Thế Tôn trong quá khứ, có thể tìm trong các câu chuyện Bổn sinh được lưu truyền, trong đó kể về Bồ tát xả thân vì người như thế nào, thương xót chúng sinh như thế nào! Hành giả Thanh văn cũng không thể không nói rằng Bồ tát đem tâm từ để tu tập Ba la mật đa, khi tu tập viên mãn sẽ chứng quả vị Phật. Cho nên, quá trình thực hành và chứng quả của đại thừa, tức chỉ cho Bồ tát và Phật, từ lúc bắt đầu cho đến khi viên mãn, cũng chỉ thực hành tâm từ bi. Nếu tách lìa tâm từ bi thì làm sao có thể gọi là đại thừa!

Trong kinh điển đại thừa ghi: “Bồ tát và Thanh văn, tuy cùng là đệ tử của Đức Phật, nhưng Bồ tát được ví như con của đại phu nhân trưởng giả, Thanh văn như con của người tỳ thiếp trưởng giả”. Nghĩa là Bồ tát là con trưởng của đức Phật, kế thừa huyết thống thuần chánh và cao quý của đức Phật. Còn

Thanh văn thì sao? Các vị tuy cũng từ miệng đức Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh, nhưng không tránh khỏi bị pha trộn dòng máu ti tiện hạ liệt. Dòng máu ti tiện hạ liệt này không phải là gì khác, chính là sự thực hành tâm độc thiện, ẩn cư và khổ hạnh ở trong xã hội Ấn Độ đương thời, mà đức Thế Tôn đã tùy căn cơ giáo hóa.

Giáo pháp Thanh văn thuộc thời kì Phật pháp, có một phần trí huệ thâm sâu, nhưng không thể đại diện cho Phật pháp thuần chánh và viên mãn; vì một bộ phận của giáo pháp này không hợp với bản ý của đức Phật, đó là không có đại từ bi. Do vậy, trong kinh Hoa Nghiêm tỷ dụ “người Nhị thừa được sinh từ lưng của Phật‟. Do đây, nếu nghiêng về pháp Thanh văn để bàn luận, chỉ xem tâm hạnh của Thanh văn là Phật pháp, đây không thể nói Phật pháp lấy từ bi làm nền tảng. Nếu căn cứ đại thừa đại biểu cho tinh thần của đức Phật mà thảo luận, lấy từ bi làm gốc thì mới đúng với bản chất của Phật giáo, tâm huyết của đức Phật.

2. Nguồn gốc của từ bi

Từ bi là căn bản của đạo Phật, cũng có thể nói, từ bi tương đồng với lòng “nhân ái” của văn hóa Trung Quốc, “bác ái” của Ky Tô giáo. Có điều Phật giáo đi thẳng sâu cốt lõi của Từ bi, không chấp nhận tư tưởng mê vọng của thần sáng tạo, hay bị giới hạn trong phạm vi hạn hẹp của một số người, từ đó từ bi được thể hiện một cách trọn vẹn. Theo Phật pháp, từ bi từ sự khế hợp của sự và lý mà lưu xuất, là tình thương được phát khởi từ ý thức cộng đồng. Vấn đề này có thể từ hai phương diện để bàn luận: 1. Từ tính tương quan của tướng duyên khởi, 2. Từ tính bình đẳng của tánh duyên khởi.

2.1. Từ tính tương quan của tướng duyên khởi

Tất cả pháp trong thế gian như vật chất, tâm thức, sinh mạng v.v.. đều không thể tồn tại độc lập, là pháp duyên khởi y tựa vào nhau mà hình thành. Do các điều kiện hòa hợp mà hình thành và tồn tại trong hiện thực, trong đó, biểu hiện thành những cá thể và hoạt động độc lập; đây giống như mạng lưới được kết thành từ các mắc lưới. Thực tại là sự tồn tại trong mối liên hệ. Sự tồn tại trong mối hệ này được xem như một cá thể và hoạt động độc lập, kỳ thực nó được quyết định bởi sự quan hệ, tách rời sự liên hệ sẽ không thể tồn tại. Tất cả trong thế gian vốn là như thế, chúng sinh hay con người đều như thế. Từ sự thật duyên khởi như vậy đã hình thành nhân sinh quan. Đó là nhân sinh quan vô ngã, nhân sinh quan hỗ trợ lẫn nhau, nhân sinh quan tri ân và báo ân, cũng chính là nhân sinh quan “Từ bi là cội gốc”.

Đơn giản hơn, hãy căn cứ hiện tại mà nói, con người không thể tách rời xã hội mà sinh tồn. Ngoại trừ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không bàn đến, thì các vấn đề như y phục, lương thực, nơi ở, thuốc thang v.v., đều nhờ người nông dân mà có nguyên liệu, được gia công chế tạo, nhờ vào thương buôn vận chuyển đến cung cấp. Sự học tập tri thức và kỹ năng thực tiễn, sự thành tựu học vấn và sự nghiệp, thảy đều nhờ vào sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè v.v.. Xã hội theo trật tự mà duy trì, công việc trong cộng đồng được đẩy mạnh, an ninh trong ngoài được đảm bảo, tất cả đều nhờ vào đường lối chính trị và quân sự của chính phủ. Nếu không có sự hòa hợp của những điều kiện như vậy, cuộc sống của chúng ta trong một ngày hoặc một khắc cũng khó được bình an.

Nhìn rộng ra, một đất nước hay một dân tộc khác, đến một thời đại, càng chứng minh sự liên quan mật thiết giữa tư tưởng và kinh tế. Cho đến những chúng sinh không phải là thân người, cũng có sự liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến lợi lạc và sinh tồn của con người. Giữa con người và con người, chúng sinh và chúng sinh, đều quan hệ mật thiết như vậy, tự nhiên sẽ nảy sinh ít nhiều sự đồng cảm. Sự đồng cảm này từ ý thức của cộng đồng mà phát khởi, tức là cảm nhận được giữa cái này và cái kia đều có liên quan, có một điểm chung; do vậy mà quan hệ thân thiết hơn, từ đó thực hành tâm hạnh từ bi ban vui và cứu khổ. Đây chính là hiện thực dễ hiểu của con người ở thế gian.

Nếu căn cứ quá trình sinh tử lưu chuyển trong ba thời mà thảo luận, tất cả chúng sinh từ vô thỉ cho đến nay có mối quan hệ vô cùng mật thiết với ta, cùng sống trong cộng đồng có quan hệ gắn bó, đều là cha mẹ, là anh chị em ruột thịt, là vợ chồng, hoặc là con cái của ta. Tất cả chúng sinh đều có ân đức với ta, đó là ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia (vua), và ân đức của Tam bảo. Do đó từ tâm cảnh của Bồ tát mà nói, tất cả chúng sinh đều “như cha như mẹ, như anh em, như chị em, cùng sống hòa thuận an lạc‟. Từ tâm cảnh của Phật mà nói, đức Phật “xem tất cả chúng sinh như La hầu la‟ (con của Phật). Ý thức cộng đồng này không bị giới hạn trong một gia đình, một đất nước, một dân tộc hay trong phạm vi con người; càng không bị giới hạn trong những người cùng làm một công việc, cùng một chức vụ, cùng một giai cấp, cùng một khu vực, cùng một trường học, cùng một tư tưởng, hoặc cùng một tôn giáo, hay cùng một kẻ thù. Từ mối quan hệ giữa con người và con người phát triển rộng thành ý thức chung cho tất cả chúng sinh, từ đó phát sinh ý nghĩ và hành động báo ân: làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh (từ), cứu giúp hết thảy chúng sinh (bi). Từ bi (tức là Nhân và ái) là cội nguồn của đạo đức, là chuẩn mực cao nhất của đạo đức, tưởng chừng khó hiểu, nhưng thật ra là pháp tắc duyên khởi ảnh hiện từ tâm thức của con người mà lưu xuất ra, là sự cảm thông sâu sắc.

2.2. Dựa vào tính bình đẳng của tánh duyên khởi

Pháp duyên khởi có vô số mối quan hệ, khác biệt vô hạn. Những hiện tượng khác biệt này đều không tồn tại độc lập và không có thực thể cá biệt. Cho nên từ pháp duyên khởi đi sâu đến tận cùng, liền thấu suốt được tính vô ngã của tất cả pháp, thể nhập pháp tánh bình đẳng nhất như. Pháp tánh bình đẳng nhất vị này không phải là thần, cũng không phải phụ thuộc cái này hay cái khác, mà là bản tánh của pháp duyên khởi. Khi đứng từ pháp tánh bình đẳng nhất vị này để thấu suốt pháp duyên khởi, thì pháp duyên khởi không chỉ đơn thuần là mối quan hệ mật thiết cùng y tựa nhau mà hình thành, mà tiến thêm một bậc thấu rõ tính bình đẳng không phải hai không sai khác. Lại như pháp đại thừa nói: “Chúng sinh bình đẳng với Phật”, “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật”; đó đều căn cứ sự hiện quán pháp tánh bình đẳng này mà đạt được. Trong tâm cảnh bình đẳng nhất như này, tự nhiên sẽ sinh khởi “ đồng thể đại bi”. Khi chúng sinh còn đang khổ đau, chúng sinh còn chìm đắm trong mê vọng vẫn chưa thành Phật, đó cũng chính là chúng ta bị bức bách bởi khổ đau, công đức của ta chưa tròn đầy. Trong pháp đại thừa, tâm hạnh từ bi đem lợi lạc và cứu khổ chúng sinh, cho đến tận kiếp vị lai vẫn không dừng nghỉ, cũng chính là do tâm nguyện trên đây vậy.

Tất cả chúng sinh, đặc biệt là con người, không những y tựa vào các điều kiện mà tồn tại rồi phát khởi lòng nhân tức là ý thức cộng đồng; mà mỗi mỗi không phân biệt, trực nhận được sự đồng cảm với nỗi khổ niềm vui của chúng sinh, của nhân loại. Bất luận đối với bản thân, bất luận đối với chúng sinh khác, đều phải hướng đến sự bình đẳng, sự hòa đồng, có sự trực cảm và khát ngưỡng về cùng một cội nguồn. Đó không phải là do thần đang thôi thúc chúng ta, mà là pháp tánh duyên khởi hiển lộ trước chúng ta. Chúng ta không thể hiểu được nó, nhưng cũng không thể tách rời nó. Do những điên đảo, những cố chấp, những sự giới hạn làm chướng ngại, khiến chúng ta hoàn toàn không thể biết được pháp tánh này; nhưng có một loại bị bóp méo, xuyên qua ý thức vọng tưởng của chúng ta mà trực giác được tái hiện, nương vào ấn tượng cũ mà hiển lộ. Đây chính là cội nguồn của thần giáo (đã bị lệch lạc), cội nguồn của ý thức đạo đức, cội gốc của tinh thần từ bi. Từ bi không phải vượt ngoài tâm thức của con người, không phải ở bên ngoài, mà chính là tâm thuần khiết con người từ sự khế hợp chân tướng của sự lý mà lưu xuất một cách tự nhiên.

3. Tâm từ bi và thực hành từ bi

Từ bi là đạo đức căn bản của Phật giáo, là tâm của chư Phật và chư Bồ tát. Bồ tát nhất cử nhất động đều biểu lộ tâm từ bi, tất cả việc làm đều lấy từ bi làm động lực. Do vậy nói rằng Bồ tát vì từ bi mà không được tự tại. Tại sao không được tự do tự tại? Vì Bồ tát không lấy nguyện vọng của mình làm phương châm cho hành động, mà bị tâm từ bi trong chính mình thôi thúc nên lấy nguyện vọng của chúng sinh làm phương châm cho hành động. Chúng sinh mong muốn làm như vậy, Bồ tát cũng khéo dùng phương tiện đáp ứng. Chúng sinh mong muốn dừng lại, Bồ tát cũng khéo biết dừng lại để chúng sinh được an vui. Bồ tát thực hành quên mình vì lợi ích cho chúng sinh, đều vì lòng từ bi, không hề tính toán lợi ích cho riêng mình, hoàn toàn vì lợi ích hết thảy chúng sinh mà quên mình. Tâm từ bi của Bồ tát có bốn tâm: Từ, bi, hỉ, xả. Từ là đem lợi ích an lạc, lợi ích thế gian và xuất thế gian đến cho chúng sinh. Bi là làm cho chúng sinh hết khổ, loại trừ cội gốc khổ đau sinh tử luân hồi nơi chúng sinh. Hỉ là khi nhìn thấy chúng sinh hết khổ được vui nên hoan hỉ, xem niềm vui của chúng sinh như niềm hạnh phúc của chính mình. Xả là bình đẳng đối với oán và thân, không để tâm ghi nhớ người kia có ân hay oán với mình để rồi sinh tâm thương hay ghét. “Ban vui‟ và “cứu khổ‟ là nội dung chính của Từ bi. Nếu tâm đố kỵ lâu ngày trở thành bản tánh, như nhìn thấy người được hạnh phúc, trong lòng sinh hầm hực không vui, có khi lại sinh lòng căm thù, có khi vì tình cảm riêng tư quá nặng rồi lại khởi tâm không thích cái này, ghét cái kia. Như thế chắc chắn không thể sinh khởi tâm từ bi bình đẳng không thiên vị. Thế nên, Bồ tát không những phải có tâm từ bi, mà cần phải có tâm hỉ xả. Từ bi và hỉ xả phải song song với nhau thì mới thực sự thành tựu tâm Bồ tát.

Nếu chỉ có tâm bi thì chưa đủ, cần phải thực hành tâm bi. Nói cách khác, tâm từ bi không phải chỉ suy nghĩ, mà Bồ tát cần phải thực hành những việc thiết thực trong cuộc sống để thành tựu viên mãn tâm nguyện từ bi. Việc làm thiết thực để thành tựu viên mãn tâm từ bi, gọi là việc lợi ích cho người. Việc lợi ích cho người đại thể là Tứ nhiếp pháp, gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và đồng sự .

Bố thí, hoặc là dùng tiền, vật chất, hoặc dùng sức lao động của mình, thậm chí hi sinh tánh mạng để cứu giúp chúng sinh; đó gọi là tài thí. Dùng tư tưởng để khai mở dắt dẫn, dùng Chánh pháp để khai thị, ngay trong mỗi từ, mỗi câu có thể giúp chúng sinh thay đổi tâm tánh, lìa ác hướng thiện; đó đều gọi là pháp thí. Chúng sinh nào mà tâm bị khổ não bức bách, hoặc sống môi trường xấu ác, tràn đầy thất vọng và khổ đau; Bồ tát cần phải đem Chánh pháp khai thị dắt dẫn họ, dùng sức phương tiện để bảo vệ giúp đỡ, khiến họ thoát khỏi lo sợ và khổ đau; đó chính là Vô úy thí. Bố thí được phân làm ba loại lớn như vậy, có thể bao gồm các việc làm lợi ích cho người. Nếu lìa bỏ bố thí thì không còn ý nghĩa của từ bi!

Nhưng làm lợi ích cho người khác cần phải có thêm Á i ngữ, Lợi hành, và đồng sự. Ái ngữ, là lời nói dễ thương thân thiện, lời dịu dàng hòa nhã, hoặc là lời quở trách chân thành mong người sửa sai, thảy đều xuất phát từ tâm từ bi, khiến cho đối phương cảm nhận được ý tốt, mới vui lòng lắng nghe. Còn không, nếu đối với người đang gặp khó khăn hoặc hoạn nạn mà đến bố thí cho họ dùng lời khinh thường, kiêu ngạo, giễu cợt; người có lòng tự trọng chắc chắn sẽ không nhận sự bố thí đó.

Nếu miễm cưỡng phải nhận, thì lòng họ cũng bị tổn thương. Lại khi nhận xét đánh giá về người hay công việc, nếu dùng lời có ý tốt, có tính chất xây dựng, sẽ dễ dàng thuyết phục người khác sửa đổi. Ngược lại, dù lời nói ra có chính xác trăm phần trăm đi nữa, nhưng đã khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm hoặc bị tổn thương, thì không tránh khỏi được sự hiểu lầm hoặc tranh chấp.

Lợi hành, theo ngôn ngữ hiện nay, đó là sự nghiệp phúc lợi xã hội. Nghĩa là do tâm nguyện đem lại lợi ích hạnh phúc cho xã hội, cho mọi người mà làm những việc ban vui cứu khổ.

Đồng sự, có nghĩa là cùng mọi người đồng cam cộng khổ. Trong công việc, trong hưởng thụ thành quả, đều hòa đồng với đại chúng không có phân biệt, được như vậy sẽ làm cảm động lòng người. Bồ tát phải đem tâm từ bi làm lợi ích cho mọi người, không thể không thành tựu bốn pháp nói trên.

Á i ngữ, Lợi hành, đồng sự, là các pháp hỗ trợ cho pháp Bố thí đạt hiệu quả, trở thành phương pháp đem lợi ích thiết thực cho chúng sinh. Bốn phương pháp này là căn bản nhất để ban vui và cứu khổ chúng sinh, kết nối hòa hợp chúng sinh; là các phẩm đức phải có nơi một người lãnh đạo. Bồ tát tuy “là người được tôn kính, là người lãnh đạo‟ nhưng không nghĩ rằng mình có uy quyền trong lãnh đạo; mà nghĩ rằng vì muốn ban vui, cứu khổ chúng sinh nên phải thực hiện công tác lãnh đạo. Nếu không nghĩ như vậy thì không thể nhiếp phục và chuyển hóa chúng sinh, không thành tựu được chí nguyện mang lại lợi ích cho nhân loại. Từ tâm từ bi mà phát khởi các hành vi bố thí v.v., là một vị Bồ tát cần phải trang bị đầu đủ những hạnh này. Sự lãnh đạo của Bồ tát không bị giới hạn trong lĩnh vực chính trị, trong một giai cấp, tầng lớp, hoặc trong một ngành nghề nào. Bồ tát có tâm từ bi và thực hành từ bi tự nhiên sẽ phát huy được khả năng lãnh đạo. Như cư sĩ Duy ma cật, ông ở giữa mọi người được tôn xưng “Người đáng tôn kính trong tất cả‟.

4. Nuôi dưỡng từ bi

Mọi người đều có tâm từ bi, chỉ có điều chúng ta không chịu khai thác nuôi dưỡng tâm từ bi, không chịu rời bỏ lập trường riêng tư hạn hẹp. Chung quy cũng vì riêng tư, sự hẹp hòi, và vì bị tạp nhiễm quấy nhiễu, mà Từ bi bị gọi tình ái.

Người xưa có bài hát về hổ rất ý nghĩa: “Hổ là loài hung dữ nhất trong thế giới động vật, không loài nào dám chọc nó tức! Duy chỉ có tình thương của hổ cha và hổ con khiến nó không rời xa con”.72 Quả thật thương yêu là tình cảm mà tất cả hữu tình đều có, hổ già hung dữ cũng có tình thương. Tu tập từ bi quan trọng là làm sao khai thác và nuôi dưỡng tình thương ấy, làm cho nó thanh tịnh, không bị hạn hẹp và không bị tình cảm riêng tư làm biến dạng. Cho nên tu tập từ bi còn gọi là nuôi dưỡng từ bi; giống như chăm sóc chồi non mọc từ gốc cây mẹ khiến nó ngày một khỏe khoắn vươn lên.

Theo sự truyền dạy chư vị Thánh nhân ngày xưa, nuôi dưỡng tâm từ bi có hai phương pháp chính yếu: 1. Quán chiếu sự hoán đổi vị trí giữa ta và người; 2. Quán chiếu người thân và kẻ oán đều bình đẳng

4.1. Quán chiếu sự hoán đổi vị trí giữa ta và người

Nói dễ hiểu hơn, thử đặt bản thân ta vào một vị trí nào đó, giả sử ta là người kia, và người kia chính là ta, lúc đó sẽ làm gì? ối với sự việc này, cần giải quyết thế nào? Chúng ta đều biết con người không một ai mà không thương chính mình, không ai không hết lòng vì bản thân, ta cũng vậy và người khác cũng vậy. Nếu ta biết yêu thương bản thân ta hãy suy rộng đến người khác, thử đặt ta vào vị trí của người khác, và người khác vào vị trí của ta để suy nghĩ, thì tình thương của từ bi sẽ nảy sinh một cách rất tự nhiên. Kinh Pháp cú nói rằng: “Chúng sinh đều sợ chết, ai cũng sợ đao binh, từ mình nghĩ đến người, chớ giết chớ đánh đập”. Nội dung của đoạn kinh này thống nhất với tinh thần nhân đạo khoan dung của Nho gia. Nhưng đây chỉ mới mở rộng tình cảm mang tính tự ngã, tuy có thể nuôi lớn từ bi, nhưng từ bi chưa được tịnh hóa hoàn toàn.

4.2. Quán chiếu người thân và kẻ oán đều bình đẳng

Ngoài thương yêu bản thân, thì người mình thương yêu nhất và thân thiết nhất không có ai khác, đó chính là cha mẹ, vợ chồng, con cái của ta. ối tượng làm cho tâm từ bi rất khó sinh khởi không ai khác, đó là kẻ mà ta oán hận, thù ghét. Cách tu tập dễ dàng nuôi dưỡng tâm từ bi có thể áp dụng từ thân, đến sơ, rồi đến oán, theo thứ tự như thế để mở rộng nuôi dưỡng tâm từ bi.

Hết thảy con người cho đến tất cả chúng sinh, có thể chia làm ba đối tượng: thân, không thân không oán, oán. Ba đối tượng này có thể chia làm nhiều cấp khác nhau. Trước hết là thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân thiết của ta. Nhìn thấy họ đau khổ gặp khó khăn, ta đến để được lắng nghe chia sẻ, an ủi, giúp đỡ lúc khốn khổ. Biết họ thiếu thốn hạnh phúc, không an lạc, ta dùng các phương cách chia sẻ trợ giúp họ. Tu tập đạt đến chỗ nhìn thấy khổ vui của người thân xem như khổ vui của chính ta, khắc sâu trong tâm ta, lúc nào cũng nghĩ cách khiến họ vượt qua khổ đau để sống hạnh phúc.

Tiếp theo là mở rộng tình thương đến với người không thân không oán. Xét cho tận cùng, đó đều chính là những ân nhân của ta. Từ vô thỉ đến nay, ai chưa từng làm cha mẹ, thầy bạn của ta? ối với khổ vui của những người này, ta chịu khó quan sát, lắng nghe để từ đó sinh khởi tâm từ, tâm bi; thực tập đến khi thương người có ân với ta giống như thương người thân trong một nhà.

Đối với những người không thân không oán đã phát khởi tâm từ bi, lại mở rộng tâm từ bi đến kẻ oán thù. Kẻ oán thù, tuy từng là kẻ thù của ta, hoặc hiện tại vẫn là kẻ thù địch, nhưng biết đâu trong quá khứ đã từng là ân nhân của ta? Tại sao chỉ nhớ oán thù mà không ghi nhớ ân đức? ơn nữa, kia sở dĩ trở thành oán thù, đó không phải là bẩm tánh của người ấy, mà chỉ vì bị tà kiến kích động, bị những thứ vật dục vọng làm mê hoặc, bị phiền não bức bách nên không được tự tại. Nhìn thấy người vì ngu muội thiếu sự hiểu biết nên làm sai làm ác, ta nên sinh tâm thương xót, mở lòng tha thứ, giúp đỡ họ; vì sao chỉ làm tổn thương hay phật ý ta một chút xíu mà đem tâm giận, oán hận họ?

Vả lại, thân và oán cũng không cố định. Như đối với người thân, nếu không dùng Chánh pháp cảm hóa, không dùng từ ái mà đối xử, dễ dàng từ người thân trở thành kẻ oán thù. ối với kẻ oán, nếu biết dùng ánh sáng của Chánh pháp soi sáng, đem tình thương chân thật mà đối xử, thì từ kẻ oán chuyển thành người thân. Vì sao đối với người oán không khởi tâm từ bi, không nghĩ phải làm gì giúp họ lìa khổ được an vui?

Dùng những phương pháp quán chiếu như vậy, tuần tự quán mở rộng, đến khi đối với người có oán thù cũng khởi tâm từ bi, đó là đã thành tựu pháp quán kẻ oán người thân đều bình đẳng, tâm từ đã có mặt ở khắp nơi, đó mới đúng là từ bi của đạo Phật. Từ bi cần phải được nuôi dưỡng chăm sóc, và mở rộng. Pháp môn được nói ở trên (quán chiếu sự hoán đổi vị trí giữa ta và người quán chiếu kẻ oán và người thân bình đẳng) là pháp tu làm cho tâm từ bi được sinh khởi dễ dàng nhất.

5. Thể nghiệm từ bi

Sự nuôi dưỡng Từ bi được trình bày ở trên vần còn nghiêng về phương diện thế tục mà nói. Một bộ phận học giả Thanh văn cho rằng tâm Từ bi chỉ duyên vào tướng thế tục mà sinh khởi chẳng phải là nghĩa căn bản của Phật pháp. Dựa vào kinh điển đại thừa mà nói, Từ bi và Trí huệ không tương phản nhau. Trong dòng ý thức tạp nhiễm của con người, tình cảm và lý trí cũng không tách rời. Có thể nói cái này bổ sung cho cái kia mà tồn tại; cũng có thể nói là hai trạng thái khác nhau khởi lên trong cùng một dòng ý thức. Như trong quá trình chuyển hóa tâm nhiễm ô về lại tâm thanh tịnh, sự chứng đắc của trí huệ cũng chính là sự thể hiện của từ bi; không chỉ thiên về lý trí, mà thật sự tràn đầy từ bi. Như sự giác ngộ viên mãn của đức Phật là sự thành tựu đại trí huệ, cũng là thể hiện lòng đại từ bi bao la vô bờ bến. Nếu lìa bỏ từ bi mà nói về tu tập bàn về chứng đắc, giả sử không rơi vào ngoại đạo, cũng nhất định là người tăng thượng mạn với mầm non giác ngộ đã bị cháy và hạt giống bồ đề đã bị thối rữa .

Từ bi có thể phân làm ba loại: 1. Chúng sinh duyên từ, 2. Pháp duyên từ, 3. Vô sở duyên từ.

5.1 Chúng sinh duyên từ

Đây là tình thương của phàm phu thường tình. Vì không hiểu rõ ngã và pháp đều không, cho rằng thật có chúng sinh, còn thấy cái khổ vui của chúng sinh, từ đó khởi tâm thương xót. Tình thương như vậy, bất kể là lòng nhân rộng lớn, hay bác ái, rốt cuộc đều cuốn vào biển sinh tử.

5.2 Pháp duyên từ

Hiểu được tính vô ngã của chúng sinh, nhưng vì căn tánh hạ liệt không thể thấu suốt rốt ráo “Tất cả pháp đều không”; đây là tâm cảnh của các Thánh giả Nhị thừa, tức là Thanh văn và Duyên giác. Thấu suốt hoặc nghiệp khổ của sinh tử, tức là mấu chốt nhân quả, chính do đây mà chúng sinh mãi lưu chuyển sinh tử không được giải thoát, từ đây mà khởi sinh tâm từ bi. Pháp duyên từ không phải không duyên vào tướng chúng sinh, mà còn hiểu rõ chúng sinh là vô ngã vì nương vào các pháp hòa hợp mà thành. Nếu không duyên vào ngã tướng là giả danh thì làm sao khởi được từ bi?

5.3 Vô sở duyên từ

Đây không giống như Nhị thừa (Thanh văn thừa, Duyên giác thừa) chỉ giác ngộ chúng sinh không thật có, cho rằng các pháp thật có; chư Phật và chư Bồ tát đã chứng ngộ rốt ráo các pháp đều không. Nhưng ở đây không phải nói thiên về sự chứng đắc tánh không thuộc vô sở duyên, mà là khi quán chiếu thấu suốt tất cả pháp đều là không, ngay lúc đó thấy rõ chúng sinh là giả danh. Chúng sinh là pháp duyên khởi nên giả danh, chính là rốt ráo không, “trong rốt ráo không không ngăn ngại chúng sinh”.

Về Trí huệ và Từ bi, cũng có thể nói trong khi hiện chứng trí huệ chính là từ bi (Bát nhã là một pháp, tùy căn cơ chúng sinh mà lập tên gọi khác), thì tâm từ thương xót chúng sinh khổ đau hiển lộ rõ ràng. Sự thể chứng của chư Phật và Bồ tát nếu chỉ chứng tánh Không thì làm sao khởi được tâm từ bi? Cho nên để tâm từ bi được phát khởi và hiển lộ, cần phải duyên vào tướng chúng sinh. an đầu thường chấp rằng chúng sinh là thật có, kế đến lại không chấp chúng sinh là thật có mà chấp pháp là thật có; duy chỉ Vô sở duyên từ của đại thừa mới thông suốt được ngã và pháp đều không, rồi ngã và pháp là giả danh, là như huyễn.

Có người không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của đại thừa, cho rằng sự thể chứng của đại thừa chỉ duyên vào pháp tánh bình đẳng rộng khắp, thiên về mặt lý trí. Họ không biết rằng sự thể chứng của đại thừa là bi và trí bình đẳng. Lìa từ bi mà bàn luận chứng đắc thì không thể hiện được đức hạnh đặc biệt của chư Phật và Bồ tát. Nho gia ở Trung Quốc từ Phật pháp mà thông hiểu được chút ít, cho rằng thể hội “cái thể của lòng nhân‟ thì tâm ý viên mãn; điểm này mới xem qua gần với sự thể chứng của đại thừa. Nhưng Nho gia không thể nào thể hội triệt để tự ngã vô tánh, tâm bị giới hạn (có tướng này tướng kia đối đãi), nên không thể cùng luận bàn với Phật pháp.

Nói về hiện quán để thể chứng pháp tánh, trong kinh A hàm vốn có bốn danh từ, với ý nghĩa khế hợp với bốn pháp ấn.

Vô sở hữu (vô nguyện): Các hành vô thường

Vô lượng: Các thọ đều khổ

Không: Các pháp vô ngã

Vô tướng: Niết bàn tịch tịnh

Vô lượng tam muội là trạng thái ly dục, tương đồng với ý nghĩa của không vô tướng vô nguyện. Nhưng trong quá trình phát triển của giáo pháp Thanh văn, vô lượng tam muội bị bỏ quên, không biết rằng vô lượng chính là không hạn lượng. Khi hướng ra ngoài quán sát, tâm từ bi hỉ xả đều duyên với chúng sinh, từ đó không bị giới hạn, tất cả trong tất cả, nên chúng được gọi là Tứ vô lượng định. Khi hướng vào nội tâm để quán chiếu, tự tánh của chúng sinh bất khả đắc, càng không có khoảng cách giữa ta và chúng sinh. Cho nên Vô lượng tam muội chính là Chánh quán về pháp duyên khởi “cùng y tựa nhau mà hình thành tồn tại‟, tất cả bình đẳng, không có ta, không có chúng sinh. Hiểu rõ đặc tính tương quan giữa ta và chúng sinh, tính bình đẳng, từ đó trí huệ và từ bi được dung hợp, không hề có sự sai khác.

Vô lượng tam muội bị bỏ quên, chứng minh sự thiên lệch của Phật giáo Thanh văn. Từ bi, là đạo đức căn bản của Phật giáo bị xem nhẹ, bị ẩn kín, đây thật sự là sự kiện bất hạnh duy nhất của Phật giáo thời kì đầu. Đến thời kì Phật giáo đại thừa hưng khởi, Từ bi mới được thiện lộ lan tỏa rộng. Do vậy, sự thật chứng của các đệ tử Phật, nếu khế hợp với bản ý của đức Phật, chắc chắn không phải sự thể nghiệm thiên lệch về lý trí, mà là sự thật chứng dung thông giữa bi và trí. Đây là sự chứng nghiệm chân lý dứt sạch đối đãi, cũng chính là sự thành tựu đạo đức ở đỉnh cao nhất (từ bi không còn riêng tư, mà bình đẳng).

Duy chỉ người mà đạo đức đạt đến đỉnh cao nhất, tức là người có đại từ bi, mới chứng đắc triệt để chân lý và thành tựu trí huệ. Cho nên nói: “Tâm Phật là đại từ bi”.


Từ Ngữ Phật Học Trong: Từ Bi Là Đạo Đức Căn Bản Của Phật Giáo