Home > Khai Thị Phật Học
Chuyên Trì Danh Hiệu Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Đức Phật dạy bảo chúng ta tu hành có ba cương lĩnh lớn, đó là tam học giới, định, huệ. Do giới được định. Giới là phương pháp, thủ pháp, tuân thủ phương pháp của Phật mà tu gọi là giữ giới, trì giới. Tuân thủ phương pháp tu học thì sẽ dễ dàng được định. Định lâu sau sẽ khai trí tuệ.

Thử nghĩ, tu một pháp môn dễ dàng được định hay tu thật nhiều pháp môn dễ được định?

Nhiều bạn đồng tu dụng công rất nhiều, rất nỗ lực hành thời khóa sớm tối, tụng rất nhiều bộ Kinh, thuộc nhiều bài chú và biết bao nghi thức quy tắc khác, nói chung bận bịu tíu tít trong hai giờ như không thể nào bận hơn được. 

Tu hành như vậy mấy mươi năm, thành thật mà nói, vẫn không bằng người niệm một câu A Di Đà Phật miên mật chỉ trong vài tháng.

Chuyên tâm niệm một câu A Di Đà Phật, không nghi ngờ, không xen tạp, không gián đoạn, chỉ cần ba tháng là tâm tự tại thanh tịnh. Còn hơn người mỗi ngày niệm mấy mươi bộ Kinh Chú, niệm tất cả các danh hiệu Chư Phật Bồ Tát suốt mấy mươi năm, nhưng tâm vẫn loạn động như thường.

Chúng tôi đã khuyên nhiều vị đồng tu niệm một vị Phật A Di Đà, họ không dám tiếp nhận vì băn khoăn rằng: Tôi niệm biết bao nhiêu Phật Bồ Tát trong nhiều năm, bây giờ không niệm các Ngài, các Ngài sẽ trách. Như vậy là do họ sợ đắc tội, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

 Nghĩ như vậy là chúng ta dùng tâm phàm phu mà đo lường Phật Bồ Tát, cho rằng Phật Bồ Tát không khác gì so với chúng ta.

Chúng ta không niệm các Ngài, các Ngài sẽ trách, chúng ta sẽ đắc tội với các Ngài.

Nếu tâm lượng của Phật Bồ Tát như vậy, các Ngài sao lại có thể thành Phật?

Nghĩ như vậy là xem thường Phật Bồ Tát. Chính tâm đó mới là tạo tội nghiệp, là đại bất kính đối với Phật Bồ Tát. Thậm chí không cần nói đến Phật, Bồ Tát mà chỉ cần nói đến các A La Hán vốn đã kiến tư phiền não đoạn. Dù chúng ta làm nhục hay sát hại A La Hán, A La Hán cũng tuyệt đối không giận, mà vẫn cứ yêu quý chúng ta, như vậy mới gọi là A La Hán.

Nếu sân giận thì gọi là yêu ma quỷ quái rồi. Phật Bồ Tát, A La Hán tuyệt đối không giận nếu chúng sanh đắc tội với các Ngài. Do đó cho rằng, trước đây niệm nhiều danh hiệu Phật Bồ Tát, bây giờ không niệm nữa, Phật Bồ Tát sẽ quở trách, giáng họa.

Nghĩ vậy có khác nào xem Phật Bồ Tát là yêu ma quỷ quái, thử nói xem tội chúng ta lớn cỡ nào?

Nếu như vậy thì công phu tu hành cũng không làm sao tiến bộ được. Học Phật việc trước tiên phải rõ lý, làm sáng tỏ chân tướng sự thật. Chư Phật Bồ Tát đều khuyên niệm Phật A Di Đà.

Phật Thích Ca Mâu Ni trong Kinh Vô Lượng Thọ xưng tán Phật A Di Đà là Quang trung cực tôn. Phật trung chi vương. Thế Tôn khen như vậy là thay mặt cho mười phương ba đời tất cả Chư Phật Như Lai mà khen ngợi.

Không phải chỉ một mình Ngài khen ngợi, mà tất cả Chư Phật Như Lai, tất cả Bồ Tát, đều khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà. Cho nên niệm Phật A Di Đà thì tất cả Chư Phật Như Lai đều hoan hỷ, tất cả Bồ Tát đều tán thán, vỗ tay chúc mừng. Chân tướng sự thật là như vậy, đáng tiếc nhiều người chẳng hiểu thấu.

Cho nên, một pháp môn thì dễ dàng được định, định có thể khai huệ, huệ có thể trừ phiền não, việc tu học mới có thể thành tựu. Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ không có bất kỳ pháp môn nào sánh bằng.

Thế Tôn dạy trong rất nhiều Kinh Điển, phàm phu từ lúc mới phát tâm tu hành mãi đến thành Phật, cần bao nhiêu thời gian?

Ai cũng biết là ba đại A tăng kỳ kiếp, nhưng người chân thật nghe hiểu được không nhiều.

Ba đại A tăng kỳ kiếp bắt đầu tính từ lúc nào?

Tính từ khi mới phát tâm.

Ngày nay chúng ta tu hành có tính không?

Không tính!

Vì sao?

Vì chúng ta chưa phát tâm, khởi tâm động niệm vẫn là tự tư tự lợi, chưa phát tâm. Phát tâm là phát tâm bồ đề. Khi tâm bồ đề vừa phát là đạt quả vị Viên giáo Sơ trụ Bồ Tát.

A La Hán, Bích Chi Phật còn chưa phát tâm bồ đề. Quyền giáo Bồ Tát, bốn giáo của Tông Thiên Thai dạy chúng ta, Phật của Tạng giáo, Phật Bồ Tát của thông giáo còn chưa phát tâm bồ đề.

Vậy tâm bồ đề đích thực được phát bởi hạng người nào?

Đó là Viên giáo Sơ trụ Bồ Tát. Phát tâm bồ đề mới vượt qua mười pháp giới, đến pháp giới nhất chân. Từ đó cho thấy, ba đại A tăng kỳ kiếp chỉ Viên giáo Sơ trụ Bồ Tát là đối tượng chính. Họ sơ phát tâm, cho nên Sơ trụ gọi là phát tâm trụ.

Đọc Kinh Hoa Nghiêm phải nên đọc đến phát tâm trụ. Bồ Tát Sơ trụ đến quả vị Phật, tổng cộng bốn mươi hai cấp bậc, qua ba đại A tăng kỳ kiếp mới có thể hoàn thành. Điều này Đức Phật đã nói rất rõ ràng.

A tăng kỳ kiếp thứ nhất là hoàn thành ba mươi cấp bậc gồm:

Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, còn gọi là Tam Hiền.

A tăng kỳ kiếp thứ hai là tu bảy cấp bậc: Từ Sơ địa đến Thất địa.

A tăng kỳ kiếp thứ ba là tu ba cấp bậc: Bát địa, Cửu địa và Thập địa.

Tu hành như trên chứng quả không thể dễ dàng.

Những gì chúng ta đã tu ngày nay không có tính, nếu tính từ phàm phu trong lục đạo, mười pháp giới thì thời gian tu hành tổng cộng là vô lượng kiếp như Kinh Hoa Nghiêm đã nói, làm sao có thể nói chỉ cần có ba A tăng kỳ kiếp?

Cho dù tu vô lượng vô biên pháp môn cũng không ngoại lệ. Hiểu rõ hết những điều này, chúng ta mới nhận thấy sự thù thắng của Tịnh Độ, mới biết mình trong đời này gặp được pháp môn Tịnh Độ là rất hy hữu, quý báu vô cùng.