Home > Khai Thị Phật Học
Tâm Thanh Thủy Hiện Nguyệt
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Tỳ Kheo Thích Minh Định, Việt Dịch


Thiền tức là tĩnh lự. Khi vị Duy Na đánh ba tiếng mõ, thì chúng ta bắt đầu ngồi, phải ngưng bặt hết thảy mọi vọng niệm. Khi nước đục không lắng trong, thì không cách chi nhìn thấy đáy được, khi bụi bặm lắng xuống, nước lắng trong, thì mới thấy được đáy.

Hằng ngày tư tưởng của chúng ta thường đầy dẫy các thứ tạp niệm, khiến chúng ta hồ đồ trong sự hồ đồ. Khởi vọng tưởng tốt cũng là hồ đồ trong sự hồ đồ; khởi vọng tưởng xấu, cũng là hồ đồ trong sự hồ đồ. Vì hồ đồ trong sự hồ đồ, nên bị trần ai che lấp. Nửa tin nửa ngờ không thể chắc chắn. Tại sao không thể chắc chắn? Vì trong tâm quá hôn mê, không nhận ra đâu là tà, đâu là chánh, gì là đúng, và gì là không đúng. Con người sống hồ đồ trong sự hồ đồ ngày qua ngày, chính mình còn không biết những gì không đúng.

Trước khi tĩnh tọa, mình không bao giờ chú ý đến có vọng tưởng, còn cho rằng mình rất thông minh. Ðợi đến lúc ngồi thiền, thì vọng tưởng tạp niệm đều dấy lên. Lúc này bạn mới bắt đầu biết được, cho nên bạn mới biết có vọng tưởng. Thật ra trước khi chưa ngồi thiền, vọng tưởng của bạn mới nhiều, chỉ vì bạn không biết được mà thôi, cho nên bạn cho rằng không có vọng tưởng. Ngồi thiền đừng sợ có vọng tưởng, không nhận rõ nó là cảnh giới vọng tưởng mà chuyển theo nó.

Cho nên "Tĩnh cực quang thông đạt". Tĩnh đến cực điểm, thì trí huệ quang minh liền hiện tiền, nhưng quang minh không phải là thật, bạn nhìn thấy quang minh, đó chỉ bất quá là bóng trăng mà thôi, không nên cho đó là thật. Chúng ta tu hành, có chút cảm ứng, hoặc chút cảnh giới, không nên được nhỏ cho là đủ, phải tiếp tục nỗ lực, từ từ, mỗi ngày ngồi thiền tập tĩnh cho đúng giờ; ngày ngày dụng công, lâu dần công phu thuần thục, thì thượng lộ, một khi công phu thượng lộ, thì thời khắc luôn luôn nghĩ muốn dụng công. Tại sao chúng ta không muốn dụng công? Vì không có dưỡng thành tập quán.

Tu hành là tu tâm. Cho nên:

"Tâm thanh thủy hiện nguyệt,
Ý định thiên vô vân",

Nghĩa rằng:

"Tâm thanh tịnh thì như mặt trăng hiện trong nước,
Ý định thì như bầu trời không mây".

"Tâm bình bách nạn tán,
Ý định vạn sự cát".

Nghĩa rằng:

"Tâm yên tĩnh thì trăm nạn tiêu trừ,
Ý định thì vạn sự đều tốt lành".

Chúng ta tu hành phải có kiên, thành, hằng. Không những chỉ có tâm kiên cố, mà cũng phải có tâm thành và tâm thường hằng. Nếu chỉ có tâm kiên cố, mà không có tâm thành và tâm thường hằng, thì chẳng làm gì được. Cho nên phải kiên cố lập chí tu thiền, phải kiên cố như kim cang. Thành tức là kiền thành, thành khẩn, không có tơ hào tâm tán loạn. Lại thêm tâm hằng viễn, không phải một sớm một chiều, mà là ngày ngày thời khắc luôn luôn như thế.

Bình thường không cần giảng nhiều; Ðầu lưỡi uốn cong lên hàm trên, có nước dãi thì nuốt vào, đó là nước nhà mình, cũng gọi là nước cam lồ, thường uống nước cam lồ, sẽ tiêu trừ bách bệnh, thân thể tự nhiên mạnh khoẻ.