(Mùa An Cư năm 2000) Cùng toàn thể Đại Chúng Tăng Ni và Phật Tử thân mến.
Tuần trước, Thầy đã khai thị về Tam Pháp Ấn. Quý vị nên nhớ là Tam Pháp Ấn, đức Phật nói trong những thời pháp đầu tiên nay còn được ghi lại trong kinh tạng Thuộc Nguyên Thỉ hay Nam Tông Phật Giáo.
Đức Phật nói lên cái sự thật, chân lý của cả toàn tạng kinh chỉ nằm ở trong Tam Pháp Ấn đó là: Chư hành vô thường; chư Pháp vô ngã; Niết Bàn tịch tĩnh. Mọi sự vật, có hình tướng, có hành động và có sanh diệt đều gọi là "Vô Thường"; tất cả muôn sự muôn vật không có một sự vật nào có chủ tể, hay thật ngã của nó hết. Tất cả đều là giả ngã nên gọi là "Vô Ngã".
Tuy vậy, nó có một cái gọi là "Niết Bàn tịch tĩnh", tức là trạng thái khi tâm chúng ta giải tỏa được sáu căn bản phiền não (tham, sân, si, mạng, nghi và ác kiến), thì tự nhiên tâm được tịch tịnh, an lạc, thường còn vĩnh viễn. Đây chỉ đề cập đến cái tạm gọi là "Niết bàn" của Thanh Văn khi tất cả phiền não được tận diệt, tức là chứng được vô ngã, thông thường còn gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn (khi còn tại thế) và Vô Dư Y Niết Bàn (khi bỏ thân). Song ngoài ra, theo Đại Thừa Phật Giáo có Vô Trụ Xứ Niết Bàn, Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn khi ngã pháp đều không thì Nhất Thật Tướng Ấn hiển hiện. Quý vị gắng nhớ!
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ra đời chính là một đại sự nhân duyên, mà cái đại sự nhân duyên ấy là gì? Ngài dùng đủ mọi cách, mọi phương tiện để khai mở cho chúng sanh biết mỗi người, mỗi chúng sanh cũng đều có Phật tri kiến, đây là tên khác của nhứt thật tướng ấn. Chúng sanh được chia ra làm hai loại: Hữu tình và vô tình. Hữu tình là những chúng sanh có tình thức có linh giác, và vô tình chúng sanh như cỏ, cây, sắt, đá v.v... Tuy vậy nó cũng có cái linh quang và đều có cái sức sanh trưởng của nó. Cho nên, trong nhà Phật nói các loài hữu tình thì có Phật tánh, trong khi vô tình chúng sanh thì có Pháp tánh. Thật ra, Phật tánh và pháp tánh cũng gần như nhau, chứ không khác. Là Phật tánh thì nó linh động và pháp tánh thì nó không linh động thôi.
Định nghĩa chữ chúng sanh là: "Hợp chúng duyên nhi sanh, cố viết chúng sanh". Nghĩa là hợp các duyên mà sanh ra cái vật đó, cho nên gọi là chúng sanh, như vậy, con người và các loài hữu tình chúng sanh đều do nhiều yếu tố hợp thành, và gọi là có tình thức. Nhưng cỏ, cây, sắt, đá v.v... các loại thuộc thực vật hay khoáng vật cũng do duyên hợp và được gọi là vô tình, vậy thì không có chúng sanh nào tự nhiên mà có. Nói chúng sanh hữu tình có Phật tánh và nếu tu đúng phương pháp và tinh tấn hành trì thì thành Phật, không có nghi, nhưng nói chúng sanh vô tình cũng được thành Phật thì thế nào? chúng ta hãy cùng nhau khai thông vấn đề ở đoạn sau.
Đức Phật, trong 49 năm trường, luôn chuyển bánh xe pháp, Ngài vì phương tiện căn cơ mà giải thích giáo lý cho bậc thường, bậc trung và bậc thượng hay là Đại Thừa, trên 300 pháp hội, mà mục đích tối hậu là để giải thích hay khai (mở) chúng sanh Phật tri kiến hay là nhất thật tướng ấn ở nơi mọi người.
Thí dụ các kinh Đại thừa như: kinh Lăng Nghiêm thì chỉ cho chúng ta cái chân tâm. Kinh Hoa Nghiêm thì nói về pháp giới tánh trùng trùng duyên khởi. Kinh Lăng Già (Lankara) chỉ cho lăng già tâm ấn. Kinh Kim Cương chỉ cho cái đặc chất kim cương bất hoại tâm v.v... Tất cả những kinh điển Đại Thừa đều chỉ cái nhất thật tướng ấn, như thế gọi là thị (chỉ). Nếu mỗi mỗi chúng sanh biết rõ ràng và nhận được nhất thật tướng ấn thì gọi vị ấy là ngộ (nhận ra) Phật tri kiến và cuối cùng là làm sao mà luôn luôn sống được với nó, gọi đó nhập (hằng sống) Phật tri kiến.
Khi mình làm được như vậy, thì ngay đó tức thân thành Phật. Chính đây là cái tinh hoa của đạo, mình phải học đạo để biết được lẽ sống, thế nào là sống với Phật tánh hay là nhất thật tướng và phải cố gắng luôn luôn sống với nó, và thế nào là sống với phàm tánh? Cũng một việc thôi mà khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm, vì vậy phải hết lòng, hết dạ tầm sư học đạo để hiểu tường tận cái tinh túy của đạo, chân lý tuyệt đối đó là nhất thật tướng ấn và đây là tướng chân thật cho nên nó là vô tướng, không thể nào chỉ, nói hay suy nghĩ được. Nên mới nói thật tướng, vô tướng vi diệu pháp môn, nếu có hình tướng thì sẽ bị hoại diệt. Từ tướng có sanh diệt để nhận thấy cái tướng không sanh diệt, chính đây là thật tướng. Nói cách khác nương vào tướng và dụng mà nhận ra được bản thể.
Đức Phật tìm ra chân lý, chân lý này chính là nhất thật tướng ấn, suốt 49 năm trường Ngài dùng vô số phương tiện dạy trong năm thời, tám giáo đều nhằm mục đích tối hậu là muốn tất cả chúng sanh đều nhận ra cái nhất thật tướng và sống với nó mà thôi. Chúng sanh sở dĩ đau khổ vì lầm nhận giả cho là thật, rồi sanh lòng ái nhiễm, sự khổ đau của chúng sanh không ngần mé, nối tiếp nhau từ kiếp này sang kiếp khác chưa từng gián đoạn. Đức Phật vì lòng từ bi mà nói vô số kinh để chỉ cho chúng sanh tất cả sự vật đều là vô thường và vô ngã để từ đó nhận được cái chân thường và chân ngã, thường quán như vậy thì tất cả khổ đau của chúng sanh lần lần tiêu diệt.
Một điểm cực kỳ quan trọng mà người con Phật cần minh tâm là, khi Ngài hoát nhiên đại ngộ dưới cội Bồ Đề, trở thành vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì Ngài quan sát lại hết tất cả phương thế giới, thấy rằng Ngài đã giác ngộ từ nơi tự tâm mình, chứ không có một ông Phật nào ở ngoài nhập vào để mà thành Phật. Giả sử có sự nhập vào từ bên ngoài thì tức là không phải thật, là vọng, là tà.
Sau khi giác ngộ tự tâm Ngài tuyên bố cho tam thiên đại thiên thế giới biết rằng "Kỳ tai, kỳ tai nhất thiết chúng sanh cụ hữu Như Lai trí tuệ, đức tướng; kỳ tai kỳ tai nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh v.v..." Đó là cái nhất thật tướng ấn mà Ngài tìm ra tự ở nơi mình, tất cả chúng sanh đều có bản tánh sáng suốt giác ngộ. Trong các kinh điển Đại Thừa đều ghi rõ ràng là "Phật là chúng sanh đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Thành có nghĩa là trở về với nhất thật tướng, tức là trở về với cái tướng chân thật.
Nhứt Thật Tướng Ấn, nói ngắn gọn, dễ hiểu là một cái tướng chân thật. Mà cái tướng chân thật ấy là gì? Thật tướng mà là vô tướng, cái tướng chân thật, nó không có hình tướng, bởi vì nó không có hình tướng, nên được gọi là cái tướng chân thật. Sự vật có hình tướng nên nó bị hoại diệt theo thời gian. Nó không có cái tướng chân thật được. Khi nói về cái tướng chân thật tức là chỉ cái tâm của chúng ta đấy. Chữ Ấn ở đây là vì được đức Phật ấn chứng, chắc chắn là điều ấy không bao giờ sai, lệch.
Trong Pháp Hoa huyền nghĩa có giải chữ nhất thật tướng ấn như sau: "Nhất thật tướng nghĩa là cái lý chân thật, bất di, bất dịch; bất sanh, bất diệt...tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung". Tướng chân thật đó không phải đồng mà không phải khác, nhưng khi nói đến nhất, là nói cho chúng sanh còn vọng tưởng, vọng niệm, chứ đến khi mà chúng sanh hết các vọng tưởng, vọng niệm rồi, thì con số một cũng không nói được nữa. Trên phương diện của tục đế mà gượng nói có một tướng thật mà thôi.
Chúng sanh lìa được các tướng hư vọng, để chân tâm hiển hiện, nghĩa là tức vọng qui chơn. Ấn tức là Tín vậy, ví như một công văn, bức thơ mà được đóng con dấu ấn chứng thì đó là cái tin chắc thật, một sự thật, còn nếu không có con dấu thì sẽ bị nghi ngờ, không phải là thật. Các công văn được đóng dấu tức là "đắc ấn khả tín’’ để cho người tin tưởng chắc chắn và đây là bằng chứng cụ thể. Như Lai đã nói các kinh, luật và luận Đại Thừa đều dùng cái nhất thật tướng để mà ấn định những lời Ngài thuyết giảng tức là giáo thể, làm như thế là để ngăn chặn lại thuyết của chúng ngoại đạo, cũng như các hàng thiên ma không thể xen tạp hay phá hoại được, nên dùng chữ "Ấn". Để chúng sanh đời sau nhận thức đứng đắn hơn và có thể phân biệt rõ ràng thế nào chánh tà, hư ngụy, chân lý và phi chân lý không bị lạc vào đường ác, thì chúng ta hãy lấy nhất thật tướng ấn làm qui cũ để phân biệt được kinh nào là Phật nói và kinh nào là ngoại đạo. Kinh không có nhất thật tướng tức là ma nói, nên trong kinh có câu: "Đức Thế Tôn nói cái thật đạo, tức là cái chân lý tuyệt đối, và thiên ma ba tuần không thể nói được cái lý này", tướng chân thật cũng tức là bản tâm của chúng sanh.
Ngài Bàng Long Uẩn nói kệ như sau diễn tả Nhất Thật Tướng Ấn:
"Thập phương đồng tụ hội,
Cá cá học vô vi,
Thử thị tuyển Phật trường,
Tâm không cập đệ qui".
Nghĩa là mười phương các nơi kẻ phương Đông, người phương Tây đồng tụ hội. Để học pháp vô vi tức là học tâm của mình; đó là cái trường thi tuyển để làm Phật và sau cùng là bản tâm của mỗi người bây giờ trở lại với tâm thanh tịnh, sáng suốt, không còn mảy may vô minh phiền não. Khi tâm về với chân không rồi thì tức là thi đậu và tên mình được ghi trên bảng vàng. Phàm chúng ta hiện bây giờ hành đạo, học đạo, làm tất cả những công việc Phật sự, tu phước, tu huệ hay tu tất cả các pháp môn khác như tu thiền, tu tịnh, tu mật, đều chỉ nhằm dứt hẳn các vọng tưởng để trở về với chơn tánh, cuối cùng là không ngoài một việc "tức vọng qui chơn". Nhất thật tướng ấn chỉ hiển lộ khi tâm hết các vô minh phiền não, chứ không thể tìm ra nhất thật tướng qua màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay bất cứ hình tướng nào, khi tâm còn chấp các tướng sanh diệt là thật có.
Chúng ta có thể nhận ra các pháp sanh diệt tức là phần vọng hay là giả có, qua các hiện tượng sự vật. Hằng ngày, để chúng ta có thể tìm ra và sống với cái Phật tánh của mình, thì nhất cử nhất động chúng ta làm đều nhắm đến sự giác ngộ, đại ngã (Phật tánh) và với tâm bình đẳng, tuyệt đối không vì tiểu ngã tức là chỉ vì mình (ngã) và người thân (ngã sở) mà làm các sự lợi ích. Chỉ cần chúng ta hành sự với tâm giác ngộ thì bản thân mình đã nhận và sống được cái vô ngã, vô thường ấy; đó cũng là cốt tủy Phật giáo không phân biệt ở Tông phái nào hay ở quốc độ nào. Mọi việc làm của chúng ta bấy giờ đều là Phật Pháp, đều là đúng với chân lý, hợp với sự thật.
Người thực hành được như vậy, chính thống là người có chánh tri kiến. Bản thể của tâm rộng khắp không ngần mé, cho nên từ cái tư tưởng cho đến lời nói và việc làm cần phải cho hợp và thuận với cái chân tâm, tức là: thể thì không sanh diệt, tướng thì rộng trùm cả hư không và dụng thì lợi lạc khắp cả pháp giới.
Theo kinh Kim Cang Bát Nhã diễn tả, làm Phật sự nhưng không chấp vào bốn tướng đó là: Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, thì mỗi giây phút ấy là mình đã tự chuyển nghiệp. Song, Phật chế luật cốt yếu làm cho mọi người qui về cái "nhất luật" (tướng và dụng), tương tợ với cái nhất thật tướng ấn, bởi thế nếu chúng ta nghiêm khắc sống theo luật của Phật chế, tức là ta tự trở về với cái chân lý (bản thể) đấy. Ngược lại, sống với tâm phàm tức là phá giới luật thì mỗi giây, mỗi phút là chúng ta tạo nghiệp bất thiện, vì mọi việc mình làm đều nuôi dưỡng bản ngã thêm lớn và càng ngày càng xa với Phật tánh của mình.
Để mỗi ngày chúng ta tiến gần với cái nhất thật tướng, thì chúng ta thường thực tập hồi hướng (hồi tự hướng tha, hồi nhân hướng quả, hồi tướng hướng tánh, hồi tiểu hướng đại) các công đức lành cho pháp giới chúng sanh bởi ta là phần tử trong pháp giới, vì tất cả đều nằm trong một bản thể, không rời pháp giới mà có ta. Chư vị giác ngộ hằng sống trong chơn ngã, trong bản thể giác ngộ, khác xa với những chúng sanh mê lầm luôn luôn vì trưởng dưỡng giả ngã, vì bản thân và quyến thuộc mà làm những sự lợi ích. Bản tâm chúng ta vốn rộng lớn bao la nhưng vì ái nhiễm nên bị giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp. Tuy là vậy, giác là Phật và mê là chúng sanh. Hai trạng thái đối nghịch, nhưng nó cũng cùng chung một bản thể, song nhất thật tướng ấn chỉ hiển lộ ở nơi người giác ngộ qua tướng và dụng, còn khi mê thì dù cho danh từ cũng không hiểu, nói chi là mong biết được nhất thật tướng là gì.
Nhất thật tướng cũng có rất nhiều tên gọi khác nhau như là: chân tâm, chân tánh, Phật tánh, pháp giới tánh, bản lai diện mục, viên giác diệu tâm, diệu tánh v.v... tùy theo kinh mà dùng cho hợp với công dụng của cái tâm mà cưỡng lập danh. Thành ra, là vị chân tu, nhứt nhứt khi bắt đầu làm việc gì phải tự hỏi mình, làm cho người hay chỉ cho cá nhân mình (giả ngã), cái nhân ta gieo hôm nay, thì mai sau quả thế nào? Khi hoàn thành một việc thiện gì đều hồi hướng công đức cho khắp chúng sanh trong pháp giới đều sớm thành quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Chính tâm này, qui hướng chúng ta về cái nhất thật tướng ấn, vì hành động này thuận với cái thể của chân tâm.
Chư Phật trong ba đời không ngoài tâm và chúng sanh mà có nên có câu ‘’tâm Phật cập chúng sanh thị tam vô sai biệt’’, tất cả đều ở trong cùng một bản thể không rời một, mà có kia. Được sớm trở về sống với cái bản thể nhứt như hay là nhứt thật tướng ấn, thì từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống... mọi việc làm hằng ngày, đều phải sáng suốt, giác ngộ. Làm được như vậy thì tự mình đã có phần giác và đồng thời sự trang nghiêm, thanh tịnh của mình chính là cái pháp thân Phật nên được người qui y, đây thuộc về thân giáo và cũng là một trong nhiều cách giáo hóa chúng sanh.
Tuy vậy, cũng không nên cố ý trang điểm vẻ trang nghiêm bề ngoài để làm người kính phục cho là đạo mạo, đây là một hình thức lừa gạt không thực, mà việc làm ấy là hoàn toàn hướng ngoại về nội dụng thực chất thì rỗng tuếch. Nhân như thế thì quả rốt cuộc chỉ tìm thấy đạo bên ngoài. Nếu cũng một công việc ấy, mà hành giả nghĩ về sự trang nghiêm bên trong nội tâm, thì đây là một đại nguyện, trong nhứt cử nhất động với tâm thanh tịnh, thì việc tự độ và độ tha đều viên mãn, và trí tuệ vô sư sẽ hiển lộ. Làm được như vậy sẽ có sự mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. "Xứng tánh tác Phật sự" là như vậy đó.
Ngược dòng lịch sử, sau khi đức Phật đã tìm ra chân lý, Ngài trao lại nhất thật tướng ấn cho Sơ tổ Ma Ha Ca Diếp trên pháp hội Linh Sơn, hiện giờ là tiểu bang Bhiha, Ấn Độ. Khi đức Phật đương giảng pháp cho hằng hà sa số thính chúng, trong lúc ấy, Ngài đưa lên cành hoa sen, mà chỉ có ngài Ma ha ca diếp Tôn giả biết được cái tâm của đức Phật và hớn hở mỉm cười "phá nhan vi tiếu". Ở đây được nhiều chỗ gọi là đức Phật truyền tâm ấn cho ngài Ma Ha Ca Diếp, tức là tâm của Phật và tâm của ngài Ma Ha Ca Diếp đồng hòa với nhau, nên có sự giao cảm không thể nghĩ bàn.
Lúc ấy, đức Phật truyền trao cái nhất thật tướng cho tất cả thính chúng, nhưng chỉ có ngài Ca diếp lãnh hội được, vì thế đức Phật ấn chứng cho Ngài đã chứng đạo và được làm Sơ tổ nên có câu: "Niêm hoa ngộ chỉ, tổ đạo sơ hưng." Đồng thời Ngài cũng được đức Phật truyền trao cho "Chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn." hay là nhất thật tướng ấn. Từ đấy Ngài truyền trao cho Nhị Tổ là Ngài A Nan và đến vị tổ thứ hai mươi tám tức Bồ Đề Đạt Ma vì thế có câu: Miên diễn tứ thất (4 x 7 = 28) diễn chơn thừa... Có nghĩa là Tổ Tổ tương truyền diễn tiến cho tới hai mươi tám đời tổ, đều truyền thừa cái diệu lý chánh tôn hay chánh pháp nhãn tạng cũng gọi là cái nhất thật tướng ấn. Rồi sau đấy tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa để truyền cho Nhị Tổ là ngài Huệ Khả và cho tới Lục tổ Huệ Năng nên tiếp câu trên là: "...Lục đại diễn truyền đăng, diệc diệp tương thừa, chánh pháp vĩnh xương minh".
Nghĩa là khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa truyền đăng cho Nhị tổ là Huệ Khả và chánh pháp này được Tổ Tổ truyền thừa cho tới Ngài Lục tổ Huệ Năng; "Nhất hoa khai ngũ diệp, kết quả tự nhiên thành". Từ Ngài Lục Tổ trở về sau thiền được đại chúng hóa và gây ảnh hưởng lớn cho nền văn hóa đương thời. Chánh pháp hay nhất thật tướng ấn càng sáng tỏ và trở nên rạng rỡ hơn.
Đức Phật đã tuyên bố trước đại chúng trên Pháp Hội Linh Sơn rằng: "Ta nay có Chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn", nay truyền cho Ma Ha Ca Diếp". Mười sáu chữ này là hoàn toàn nói lên cái nhất thật tướng ấn.
Chánh pháp nhãn tạng chỉ cho cái kho tàng sáng suốt của chánh pháp, là chơn tâm hay Niết Bàn. Niết bàn diệu tâm, tức là bất sanh, giải thoát, tịch diệt diệu tâm tức là chơn tâm. Thật tướng vô tướng là cái tướng chân thật, nên không có hình tướng, thật tướng nên hiểu là thật tánh, vì thế nên tánh thì không thể nào diệt được. Nếu có hình tướng thì nó là giả tướng chứ không phải thật tướng vì nó sẽ bị vô thường biến chuyển. Vi diệu pháp môn là pháp môn không thể nói được, cũng gọi là nhất thật tướng ấn.
Chơn tâm chúng ta không bao giờ chết, không bao giờ hoại diệt, vì thế khi thân này mất thì lúc bấy giờ tùy nghiệp thọ báo. Có 4 loại nghiệpẠ.
Dư nghiệp của đời này (tiền ấm) sẽ theo thân trung ấm mà thọ báo vào thân đời sau tức (hậu ấm). Tùy nghiệp thọ báo là nói về phần sự tướng, phần hiện tượng tức là có thân thọ quả, nhưng khi đứng về góc độ của lý tánh là tùy theo tâm mà thọ báo, cảnh giới sẽ do tâm biến hiện cho tương ưng (chánh báo và y báo).
Bởi tâm chúng ta có sức mạnh rất mãnh liệt và dù nghiệp quả có tới đối với các bậc chứng đạo cũng coi như không. Không còn pháp, không còn ngã, cũng có nghĩa là không có người thọ nhận, cũng không có quả để nhận. Vì thế, dù nghiệp thiện hay ác có đến cũng chẳng can phạm gì với các bậc chứng đạo. Trong Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh gia Huyền Giác có câu: ‘’Chứng thật tướng vô nhân pháp, sát na diệt khước a tỳ nghiệp, nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh, tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp’’. Sức mạnh của chân tâm sẽ thắng được cái nghiệp quả hoặc thiện hoặc ác. Vì tất cả nghiệp báo đều là thuộc loại hữu vi mà tất cả hữu vi pháp được sanh ra và hiện hữu từ nơi cái bản tâm tức là vô vi pháp. Tâm tạo ra tất cả cảnh giới trong sáu đường nên có câu: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Nếu còn là chúng sanh chưa nhập được vô vi pháp thì nghiệp quả như hình với bóng, nên phải cần sám hối để tiêu nghiệp.
Bình nhật khi tâm chúng ta ở trạng thái của cực tham, cực sân và cực si thì lúc bấy giờ cảnh bên ngoài sẽ bị ô nhiễm và ảnh hưởng tâm của những người chung quanh bởi có câu: Tâm bình tức thị cảnh bình và ngược lại. Bởi thế, tu là một quá trình thanh lọc tâm hay tịnh hóa nhân tâm để đạt đến chỗ Chân, Thiện và Mỹ, tự chủ cho ba nghiệp được thanh tịnh. Còn trái lại, cố chấp những vọng tưởng thì càng ngày càng huân tập nghiệp bất thiện. Tuy thân người có sanh diệt, diệt sanh về hình tướng nhưng phần chân tâm vẫn giữ nguyên vẹn không tăng, giảm, không cấu, tịnh...
Ngược lại phần vọng tâm có sanh diệt và tăng giảm tùy theo lúc hiện đời tích lũy chủng tử thiện ác. Sự tăng giảm của phần ô nhiễm đặt nặng trên căn bản của sự hành trì giới luật, mà Phật và chư tổ đã truyền trao. Hiển nhiên, nếu tâm tích tụ nhiều phần vọng nhiễm và chúng ta xuôi tay để nó hoành hành, thì nhất thật tướng, chân tâm sáng suốt tròn đầy không bao giờ hiển lộ.
Thật ra, chân tâm không bao giờ tạm có hay tạm không, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không hề thay đổi. Khẳng định như vậy, để chúng ta hăng hái tinh tấn tu giới, định và huệ để giải tỏa các nghiệp hoặc, phiền não chướng và sở tri chướng. Giải tỏa chúng càng sớm thì nhất thật tướng càng sớm hiển lộ tức là phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân. Vì thế một bài kinh, một thời giảng pháp của Phật giáo nói chung và Phật giáo phát triển nói riêng đều xưng dương tán thán cái chân tâm của mọi người cùng mọi loài và luôn luôn nhắc nhở chúng sanh làm sao phải sống với cái chân và cái sáng và đừng sống với cái vọng hay là cái Tôi, đều là giả ngã.
Để hằng ngày chúng ta sống với cái chân tâm hay thật ngã thì không cách nào hơn là chúng ta phải gia công tu tập, bằng cách học luật để hiểu và giữ giới cho nghiêm ngặt, học kinh cho thông lý để thực hành thiền na và thường tư duy những luận lý của chư Tổ để lại, để trí tuệ phát sanh. Có được giới định huệ thì đạo nghiệp sẽ thành tựu.
Đây là điểm thiết yếu nhất, mà chúng ta cần lưu tâm và cần hiểu cái ẩn ý là những cái phiền não đã có sẵn thì ta nên lần lượt hóa giải, nếu không thể ngay lập tức phá trừ hết tất cả, mặt khác phải nhận không lầm về những chủng tử thuộc về thanh tịnh, nhiễm ô, thiện, ác, hữu lậu hay vô lậu v.v... để có thể gạn lọc và huân tập những chủng tử có công năng giúp chúng ta tiến gần tới quả toàn chân.
Tóm lại, các nghiệp đã tạo do vô minh, nay cần tu giới để ngăn ngừa sự huân tập thêm các chủng tử bất thiện; cần tu định để khi chúng hiện hành ta có thể nhận diện kỹ về phát xuất điểm cũng như chủng loại và thời gian, nhân duyên hiện hành, và tu huệ để nhận rõ các thiện pháp và thật tướng của các pháp.
Nhất thật tướng ấn là tướng chân thật, là phật tánh cũng là cái chánh pháp nhãn tạng mà đức Phật trao cho Ngài Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ đầu tiên tại Ấn Độ và nguồn diệu lý ấy được truyền cho đến Tổ thứ hai mươi bảy tức là Bát Nhã Da La Già Ca. Lúc bấy giờ, qua hiện tượng Ngài thấy sự suy đồi về giáo pháp của đức Phật tại Ấn Độ. Vì muốn duy trì và truyền bá mạch nguồn, nên Ngài khai thị cho Tổ thứ hai mươi tám tức là Tổ Bổ Đề Đạt Ma là phải ‘’Hàng hải nhi lai đông độ’’, nghĩa là phải đi sang phương Đông để truyền pháp lợi sanh. Tổ Bồ Đề theo lời phú chúc ấy nên sang phương Đông để truyền pháp cứu mê tình. Ngài có làm bài kệ sau:
"Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình,
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành."
Giáo pháp được Ngài truyền trao cho Nhị Tổ và cứ thế Tổ truyền Tổ cho đến vị Tổ thứ sáu tức là Tổ Huệ Năng, cũng là Tổ cuối cùng được truyền y bát. Ngài Huệ Năng do nghe một cư sĩ trì kinh Kim Cang mà ngộ. Từ đó, vì Ngài luôn luôn sống thuận với chân lý, nên chẳng cần học mà thông hiểu những yếu nghĩa trong tam tạng kinh điển.
Thời nay, đa số phải cần học giới, học định và học huệ, vì không phải là những bậc lợi căn lợi trí, nên khi học kinh, nghe kinh phải cần qua ba giai đoạn tức văn, tư và tu.
Trong Phật giáo gọi là "tiệm tu". Phần đông căn cơ chúng sanh trong thời mạt pháp (mạt pháp không phải là không có giáo pháp mà là hiếm có người nhận được nhất thật tướng ấn mà Đức Phật nói ra trong Tam Tạng kinh). Nói khác là, chúng sanh không biết cách chuyển hóa những giáo lý đã học, đã nghe, đã đọc từ những vị Tổ, Thánh Tăng, cao tăng, hiền triết thành chất bổ để cuộc sống của mình và người và thiên nhiên thành một thật thể bất khả phân ly,
Thiền Sư Trí Thiền nói "... tùy duyên lập đạo tràng ..." Thế mà, lại có vô số người học đạo rồi chấp vào chữ nghĩa, danh tự rồi trụ vào đó và cho đó là chân lý, gián tiếp tâm bị thâu hẹp lại và bị trụ trước, nên không giải thoát được. Hôm nay, chúng ta vẫn còn thừa hưởng những giáo lý hay những pháp môn vi diệu cũng là nhờ vào sự truyền thừa chánh pháp nhãn tạng mà đức Thế Tôn đã trao cho Ngài Ma Ha Ca Diếp trên pháp hội Linh Sơn.
Sau đây là những bài kệ được trích ra trong kinh điển và những bậc Tổ Sư chứng ngộ nói về nhất thật tướng ấn. Kinh Hoa Nghiêm có câu:
Tâm như công họa sư,
Họa chủng chủng ngũ ấm,
Nhứt thiết thế giới trung,
Vô pháp nhi bất tạo (họa).
Nghĩa là khi chúng ta sống với chân tâm, và tâm ấy như là một ông họa sư đại tài, có thể họa tất cả núi, sông, đất liền, cỏ cây, hoa lá, thế giới, vũ trụ, nhân sinh v.v... Chân tâm hay là nhất thật tướng, đều tạo ra tất cả, nên có câu "nhất thiết duy tâm tạo".
Thật vậy, nhất thật tướng là bản thể không sanh diệt, mà thường ngày chúng sanh không sống với nó, mà toàn là sống với cái hiện tượng, vọng động, sanh diệt và trở thành nhất giả tướng ấn. Tức nhận giặc làm con, nhận giả cho là chân, nên cái thật chơn không thể nào hiển lộ được, dù cho cái chân thật ấy hiện ra sờ sờ đó cũng không nhận ra được và bị điên đảo vọng tưởng. Tâm mình họa ra tất cả ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, gồm có sắc thuộc về phần vật chất (hữu sắc) và thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tinh thần (danh). Thân người và vạn loại hữu tình và vô tình, thế giới đều là năm ấm hình thành, nên gọi là "họa chủng chủng ngũ ấm". Tất cả, tất cả các vật có hình tướng và không hình tướng trong thế giới từ người cho đến nhân sinh và vũ trụ. Không có một pháp nào mà vị họa sư ấy không họa được, nên gọi là "vô pháp nhi bất tạo (họa)". Vị họa sư ấy không ai xa lạ chính là dụ cho cái nhất thật tướng ấn hay cái chân tâm của mỗi người chúng ta.
Công dụng của chân tâm thì không thể nào diễn tả bằng ngôn ngữ hay cái ý thức bình thường mà suy nghĩ, vậy thì vọng tâm là như thế nào? Một thí dụ của vọng tâm được kinh điển diễn tả vô cùng tinh vi về sự luân hồi qua thân trung ấm.
Thần thức của chúng sanh bị vô minh mà đi thọ báo, khi gặp một cái ánh sáng của dâm dục, giao hợp âm dương chớp, nếu hội đủ nhân duyên thì ngay lập tức nhập vào để hòa lẫn phụ tinh mẫu huyết rồi hình thành một hỗn hợp (hình như hột đậu) tạm gọi là thai tạng. Khi thành thai tạng thì thần thức (thân trung ấm) không còn mà đổi thành trạng thái của thức A lại da (Alaiya) gồm chứa cả phần tịnh và nhiễm. Nếu là vì hạnh nguyện của Bồ Tát thị hiện, phần tịnh làm chủ tiến trình phát triển, nhưng đa số là phần nhiễm làm chủ, vì kinh có câu "A la hán cách ấm còn muội và Bồ Tát cách ấm còn mê". Sự phát triển thay đổi của bào thai là do hoạt động của vọng tâm trong mỗi sát na rất tế nhị và tích cực duy trì theo bản năng bảo trì sự sinh tồn của Alaiya. Mỗi bảy ngày thì có sự thay đổi về hình tướng mỗi lúc thì rõ ràng hơn. Cứ chuyển đổi như thế, cho đến bốn mươi thất (9 tháng 10 ngày) thì hiện nguyên hình, tức có danh sắc đầy đủ, từ lục phủ, ngũ tạng bên trong cho tới hình vóc bên ngoài, và các căn đều do cái vọng tâm biến hóa, chứ không có một ông thần thánh nào vào đó để nắn thành thai tạng.
Đây chỉ mới nói một thí dụ của nhiều thí dụ về sự linh động của vọng tâm. Còn chân tâm thì mầu nhiệm, cao quí, uy nghi không thể nghĩ bàn. Vì thế kinh có câu "ngôn ngữ đạo đoạn", hễ nói tới đạo (chân lý tuyệt đối) là phải ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, bởi thế phải ly tất cả, vì tất cả phương tiện chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chớ không phải là mặt trăng "Nhứt thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ". Tuy vậy, mà cũng có câu "Vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp, Phi phương tiện bất thành cứu cánh." Dùng cái vọng tâm mà diễn tả chân tâm thì không thể nào được, Chỉ có cái tâm sáng suốt mới có thể hình dung được, mà nói ra trở thành vọng, như là bóng tối tới và ánh sáng phải lui. Bởi thế, nhiều vị không thích nói nhiều, nhưng đấy chỉ nói về khía cạnh thụ động mà thôi, chứ Chánh Pháp thì phải tích cực mà xiển dương bằng nhiều phương tiện; vì vậy Tông Môn không thể lìa Giáo Môn và ngược lại.
Điểm này chúng ta có thể chắc chắn không có nghi ngờ, tuy có câu "...trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật. Giáo ngoại biệt truyền..." nhưng đức Phật đã tuyên bố cho đại chúng trước pháp hội Linh Sơn sau khi Ngài Ma Ha Ca Diếp ngộ được chân tâm, vì có sự tuyên bố (lập giáo), nên giáo không thể rời tông và tông cũng không rời giáo. Vì thế độ sanh qua sự giáo hóa bằng lời là phương tiện thù thắng nhất. Nhưng mà gọi chân tâm là cái gì thì cũng sai, vì nó tùy duyên mà bất biến, bất biến tùy duyên "accord with conditions, but do not change. Not changing accord with conditions." (Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Kế nữa là một câu kệ trong kinh sách cũng đồng thời đề cao Nhất Thật Tướng Ấn:
"Hữu vật tiên thiên địa,
Vô hình bản tịch liêu,
Năng vi vạn tượng chủ
Bất trục tứ thời điêu."
Bài kệ trên chỉ cho nhất thật tướng ấn hay là chân tâm của chúng ta. Có một vật nó có trước trời đất. Vật ấy không có hình tướng, mà bản chất vẫn là vắng lặng nó linh động và siêu việt vô cùng. Nó làm chủ trong muôn hình tượng, nếu vì một đại nguyện cần ứng vào hình tượng nào tức là làm chủ hình tượng ấy.
Ví dụ, như khi nhập thai ở loài người thì nó làm chủ mọi suy nghĩ mọi hành động và mọi lời nói; nếu nó vào loài ngạ quỉ hay là súc sanh hoặc là trời v.v... đều bị nó điều khiển hoàn toàn. Dù thời gian xuân, hạ, thu, đông hay dù có bốn mùa tám tiết, dù thời gian thì hữu tận, không gian hữu cùng, nhưng bản chất của tánh linh thì vẫn như vậy thôi và không bao giờ hoại diệt. Bởi thế, nói thì bị vọng động, thì sai, nhưng ở quốc độ này không nói thì không được, không chỉ thì làm sao người biết đường đâu tu. Nói rằng chúng sanh có Phật tánh, nếu không nói và chỉ thì làm sao có thể khai triển và phát huy Phật tánh ấy. Nên Kinh Lăng Nghiêm có câu:
Thử phương chơn giáo thể,
Thanh tịnh tại âm văn,
Dục Thủ Tam ma đề,
Tất dĩ văn trung nhập.
Đây chỉ miễn cưỡng mà lập danh, thật tướng không có cách diễn tả cho được. Khi chúng ta hiểu được như vậy rồi thì chúng ta hãy nhứt tâm, nhứt đức mà tiến tu để mau trở về với chỗ sáng suốt giác ngộ ấy. Một điều tối quan trọng quý vị phải hiểu rõ về cái lý đạo để mà tu hành, nhứt là vì chúng ta đang hướng về Đại Thừa Phật Giáo. Khi nói về lý đạo tu hành, thì tất cả tất cả đều qui về lại cái chân tâm. Biết được như vậy, thì mỗi người phải làm sao khai triển cái tâm của mình để ‘’tiến lên, tiến lên, tiến lên mãi; tiến lên đến cái chỗ không còn thấy tiến lên nữa, tức là nhập diệu, tức là nhập vào tánh không Bát Nhã".
Thầy sẽ chỉ ra một điểm rất là cụ thể để quý vị thấy, tại sao những buổi lễ hay những thời Khai Thị, mà ta phải đăng chúc huy hoàng, chuông trống Bát Nhã. Chỗ tôn thờ, chỗ ngồi nghe pháp, nói chung là hoàn cảnh phải được chuẩn bị trang nghiêm về hình thức đó?
Những hình thức ấy đều có dụng ý, là mỗi người đều qui lại với cái Nhất Thật Tướng Ấn, tức là cái tướng chân thật. Cái tướng chân thật ấy chính là chân không diệu hữu. Diệu hữu tức nhiên là hễ khi muốn có thì nó có tất cả những sự nhiệm mầu vô cùng tận, nói không hết, không thể dùng lời nói được những điểm mầu nhiệm đó. Từ chân không mà có các pháp một cách nhiệm mầu và trang nghiêm, nói một cách dễ hiểu là khi chúng ta còn sống trong thế giới của tương đối, thì chúng ta phải nhận cho rõ thế nào là chánh tà hư ngụy, đúng sai... Làm được như vậy thì cái tuyệt đối cũng không rời cái tương đối mà có, chính ngay khi ấy chúng ta trở về với cái diệu hữu. Còn mà chúng ta chưa nhận ra thế nào là vọng chân, hư ngụy, phải quấy, vụng về hay trang nghiêm... thì không thể nào nhận ra cái nhất thật tướng ấn.
Khi chúng ta trở về với cái nhiệm mầu đó tức là trở lại cái chân tâm của mỗi người, bởi thế, trang nghiêm đạo tràng mục đích là qui hướng mỗi người về cái nhứt thể hay là nhất thật tướng ấn. Khi đạo tràng được trang nghiêm thanh tịnh, có nghĩa là thân cùng một xứ; miệng cùng đọc gọi là "cú cú tùng tâm lưu xuất", và hòa trong tiếng mõ không lớn không nhỏ và nhịp nhàng; ý cùng tập trung vào một việc và tâm đồng qui một hướng, thì lúc bấy giờ một tức là tất cả, và tất cả tức là một, không còn có người và ta vì nó hòa nhập trở thành nhứt thể, còn gọi là nhứt thật tướng ấn. Trạng thái nầy không còn tối tăm, không lăng xăng, tạp loạn, chính lúc ấy, yến sáng giác ngộ hiển lộ. Sự lý được viên dung và thể tướng dụng cũng được viên minh, trạng thái thanh tịnh mà chiếu soi, hay là như câu "...linh linh bất muội liễu liễu thường minh..." Quý vị, gắng hiểu cho được cái thâm nghĩa này, trừng tâm đế thính, tư duy thâm nhập. Song, tất cả những Phật sự mà chúng ta đang làm cũng vậy. Phật có nghĩa là giác ngộ và sự tức là sự việc hay công việc làm. Phật sự có nghĩa là làm trong sự tỉnh thức giác ngộ, hết lòng vì chúng sanh, vì chân lý (đại ngã) mà làm gọi là "xứng chân tánh, tác Phật sự...", quyết không vì tham sân si của mình mà làm. Thiết nghĩ đây là điểm quan yếu mà đa số người bị đọa lạc và tự trói mình vào một bản ngã (thô, tế) của chính mình, nên không nhận thức được, muốn nhận ra nó phải cần sự phản quang sâu sắc, vì nó chính là anh lừa gạt hay nhất có thể biện hộ ở bất kỳ cương vị, tình huống nào. Nó làm ta lầm nhận cái giả ngã ấy cho là mình, là tôi, nhưng trong nhất kỳ và sát na vô thường thì cái tôi đó chẳng phải là tôi. Nếu không có sự quán tâm thật kỹ thì tha hồ tạo tác mà vẫn cho là làm đúng, cái Tôi lúc bấy giờ che cả bầu trời. Một bản ngã linh động vô hình nhưng là gốc của mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi lời nói, mọi sự biến chuyển.
Chính cái Tôi thế này, Tôi thế khác là nguồn gốc của sanh tử. Nếu có trí huệ để xét soi thì phải tự kiểm điểm và hỏi câu hỏi thành thật: Có phải vì để trưởng dưỡng cái Tôi mà làm? Yếu tố để trưởng dưỡng cái tôi đó chính là Ngũ Dục Lạc mà tham ái (tự ái và tha ái) là cội gốc. Người Phật tử phải biết tôn trọng sự thật, phải có Trực Tâm, hầu có thể nếm một phần nào giải thoát, và chính Trực Tâm ấy là căn bản để phát triển Thâm Tâm và Bồ đề tâm. Quan trọng là cố gắng làm cho trọn vẹn công việc, mà không chấp vào nó (bốn tướng chúng sanh). Hành xả bốn tướng ấy được, thì đạt được đến chỗ nhứt thật tướng ấn.
Khi giác ngộ thì phật tánh và pháp tánh cũng chung một thể, nên mới có câu "tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo." Nói một cách khác khi mê, thì có phân biệt mình và vật nhưng khi giác thì sống với bản thể, nên không còn ngăn ngại mình và vật. Chính mình có trong vạn vật và vạn vật, từ vi trần, cho đến rộng trùm cả hư không đều có trong tâm chúng ta. Kinh có câu: Tưởng trừng thành quốc độ, tri giác nãi chúng sanh; thân chúng ta là do hỗn hợp của bốn đại, khi tánh giác không còn tức là trở thành quốc độ (y báo), khi còn giác tri thì có phân biệt mình (năng phân biệt) và vật (tức là sở phân biệt), lúc bấy giờ thì có tất cả căn thân và khí giới. Nhưng nhất thật tướng ấn vượt ra khỏi sự phân biệt, năng sở không còn, mà cũng chẳng phải là vật vô tri vô giác kia. Nhất thật tướng bao trùm cả mười phương cõi, luôn cả chư Phật trong mười cũng không ngoài chân tâm. Nên kinh có câu "...thâu lai tại nhất vi trần tán tác phổ châu (triêm) sa giới..." (thâu lại tất cả trong hạt bụi, phóng ra thì bao trùm cả tam thiên). Câu kệ được trích ra trong Kinh Hoa Nghiêm như sau:
"Nhược nhân dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán Pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo."
Tạm dịch:
''Nếu người muốn rõ biết,
Ba đời tất cả Phật,
Phải quán pháp giới tánh,
Tất cả do tâm tạo. ''
Yến sáng ở đây là chỉ cho cái nhất thật tướng ấn, thì phải quán pháp giới tánh, có nghĩa là phải đem cái tâm quán tất cả pháp giới tánh, tức là chân tâm, chân tánh hay là Phật tánh mà luôn luôn quán sát và sống với pháp giới tánh đó. Vậy mới thấy biết được tất cả đều do tâm tạo. Tâm mình là chánh báo, và tam giới và lục đạo và cõi Phật là y báo. Thí dụ, hàng ngày chúng ta sống và hành Bồ Tát Đạo, hành lục độ ba la mật, ấy là nhân Bồ Tát, khi hạnh được công viên quả mãn thì quả Phật không cầu mà vẫn được.
Còn ngược lại, hành động ngũ nghịch hay mười ác thì chắc chắn hiện đời tuy mang thân người nhưng tâm đã và đang thọ nhiều khổ đau, tương ưng với ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh), vì thế khi bỏ báo thân này lập tức sanh về ba đường ấy. Như vậy, quán lại tâm niệm hiện tiền, sẽ biết được tánh của pháp giới. Nhứt thiết duy tâm tạo là như vậy đó. Muốn quán được cái yến sáng của ba đời chư Phật thì chúng ta phải trở lại mà quán chiếu chính cái chân tâm của mình. Phàm thì chúng ta cần biết cái vọng tâm của mình cho thật rõ, vì chính vọng tâm ấy nên nó tạo ra có sơn, hà, đại, địa nhân sinh vũ trụ v.v... Chính vì do chi phần vô minh vọng động, mà làm cho chúng sanh nhận lầm giả thật, niệm niệm tương tục nên sanh ra vạn vật hữu hình và vô hình. Nên có vị Thiền Sư nói:
''Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không,
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không''.
Tạm dịch:
"Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không,
Cho hay bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay cái có, có không là gì".
Giờ đây chúng ta nhận thức được như vậy rồi, thì từ nay nguyện lìa hẳn những cái vọng ấy và phải gia công học đạo, học luật, học kinh, học luận. Chúng ta học nhiều không ngoài mục đích là nhận cái nào là vọng tâm, như trong Duy Thức phân tích rất rõ ràng thế nào là thiện và bất thiện tâm sở, quan trọng hơn là phương pháp lìa hay đoạn ác tâm để thiện tâm hiển hiện "Tức vọng qui chơn". Phật tâm hay chơn tâm chỉ hiễn lộ khi chúng ta thuần sống với tâm thiện, tức là thân, khẩu và ý được thanh tịnh. Vì lợi lạc chúng sanh quên mình, thì hiện đời thành Phật không có gì mà phải chờ kiếp này hay kiếp khác.
Sau đây, là bài kệ của Nho Giáo bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Phật Giáo, diễn tả chữ Tâm. Chính Nho Giáo không thể nào diễn tả được Nhất Thật Tướng Ấn.
"Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà,
Phi mao tùng thử đắc, (đới giác)
Tổ (Tác) Phật giả do tha."
Tạm dịch:
''Ba điểm như sao sáng,
Móc ngay tợ trăng tà,
Đọa Sa hay thành Phật,
Cũng tâm này mà ra".
Trên đây, diễn tả cái tâm viết theo chữ Hán trên có ba chấm, hình như ba ngôi sao, dưới có nét móc nằm ngang, giống như trăng lưỡi liềm. Mang lông đội sừng trong các đường khổ như địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh đều do đây và làm Phật hay làm Tổ cùng từ nơi tâm của chúng ta mà thành. Bởi thế, chúng ta cần phải theo lời đức Phật, các vị tổ và các tiền bối đức trọng mà hằng ngày cố gắng tiến lên để diệt tham, sân, si và luôn luôn tiến đạo nghiêm thân, để chóng thành đạo quả.
Là một vị xuất gia thì ít nhất cũng phải đoạn tận tất cả phiền não, mới không uổng một đời làm vị Sa Môn thọ dụng của đàn na tín thí. Chúng ta phải phát nguyện trước Tam Bảo là mỗi ngày phải trừ một chút vô minh và không tạo thêm những phiền não cho người.
Khi tự tâm chúng ta khởi những vọng niệm mà gốc là tham, sân và si thì ngay lúc ấy phải biết và đổi tham thành nguyện hay còn gọi thiện dục, phải nghĩ về chúng sanh muôn loài để phá cái tiểu ngã, mà trở về với cái đại ngã; sân tâm nổi lên xuất phát từ lòng tham không được toại nguyện, nói cách khác là vì muốn duy trì bản ngã, chấp thân tâm là thật ngã.
Bởi thế chúng phải luôn luôn hiền hòa, nhã nhặn, tươi mát, tích cực, nhưng không phải nhu nhược, không hiểu gì cả, và thực hành được như vậy thì tức là chuyển phiền não thành bồ đề, tức vọng qui chơn. Si mê là những thứ mà không biết được rõ ràng về tánh tướng, sự lý, hiển mật, nhân quả, thiện ác, trắng đen, sáng tối, giác mê v.v... vì thế làm việc không thành công viên mãn.
Bởi thế, chúng ta cần học kinh tức học định, luật tức học giới và học luận tức là học huệ (văn, tư và tu). Phải tầm sư học đạo, mới có thể giải tỏa được những si mê mờ tối nằm trong mọi địa hạt nên có câu rằng: "vô minh thì vô tận mà vô bất tận" cho nên chúng ta lúc nào cũng phải đề phòng bằng cách luôn luôn sống với trí huệ để nhất thật tướng ấn lần hồi hiển lộ.
Người đã nhận được cái nhất thật tướng thì lúc nào cũng sống với cái tâm giác hay là tâm đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả mà hành sự, nhất cử, nhất động đều nằm trong mục đích giải thoát.
Muốn được như vậy, thì trước phải nhận cho rõ ràng cái giả tướng bằng cách quán Tam Pháp Ấn cho thuần thục rồi mọi sự việc trở thành sáng suốt vì, lúc bấy giờ ngã chấp không còn, kế đó là quán không và sau đó nhận biết được bản thể là chơn không diệu hữu, còn gọi là pháp môn bất nhị. Khi sống được với cái không và dùng tam pháp ấn để đối ngoại, hành sự tướng bên ngoài nhưng tâm không mảy may dính mắc, tức là nhất thật tướng ấn hiển lộ hay còn gọi là trung đạo, ngã chấp và pháp chấp tự không còn, vì không năng và sở thì các pháp sẽ không hiện hữu.
Sau đây Thầy có bài kệ nói lên cái nhất thật tướng ấn như sau:
"Nhứt như tâm thể đại đồng,
Thật tánh vô thỉ vô thân tận cùng,
Tướng quang linh diệu sơn trung,
Ấn chứng lý đạo vương cung thăng tòa".
Khi nói về cái nguồn tâm vắng lặng của mình, thiệt ra chỉ có một chớ không có hai, ba đâu. Tâm chúng ta thể nó luôn vắng lặng nhưng bị một vọng niệm vô minh (si) phát khởi và bị cuốn theo cái vọng đó, từ đó có sơn, hà, đại địa, thế giới chúng sanh. Từ vô thỉ kiếp cho đến bây giờ, lặn hụp trong biển khổ, sông mê. Hạnh phúc thay! giờ đây chúng ta được gặp Phật Pháp, được nghe Phật pháp, đó là một phước đức rất lớn, mình phải làm sao để tìm lại cái nguồn chân vắng lặng đó, và trở lại sống với nó.
Thật ra, nó chẳng đâu xa, ở tại lòng ta, ở tại tâm ta, khi mà tất cả những giả tâm hay vọng niệm được giải tỏa thì chơn tâm hiện, tức là thật tướng ngự trị, đó là yến sáng giác ngộ. Thật tánh của mọi người có từ vô thỉ, không có đầu mối và vẫn còn đó cho tới bây giờ và cho đến vô tận cùng thời gian về sau, tâm ấy chỉ tùy duyên mà bất biến và bất biến tùy duyên. Nó tùy theo nghiệp mà hưởng quả báo tương ứng.
Vì thế, người có trí biết được như vậy, thì mỗi việc hoặc tốt hoặc xấu đều tự mình tạo ở kiếp trước do mình vụng hay khéo tu mà thôi. Ông bà, cha, mẹ, gia đình, xã hội, cùng với những yếu tố bên ngoài, hiển nhiên cũng có ảnh hưởng không kém. ‘Tướng quang linh diệu sơn trung, tức là cái yến sáng giác ngộ của cái thật tướng, nó linh diệu vô cùng, nó ẩn trong núi Linh là chỉ bản tâm thanh tịnh còn đang bị vô minh che phủ và lý của Linh Sơn tức là chỉ cho cái linh quang trực vãng hay còn gọi là bản tâm. Vương cung thăng tòa tức là bước lên con đường giải thoát giác ngộ, cũng là thăng tòa thuyết pháp lợi sanh, tục Phật huệ mạng...
Thì hôm nay, thầy muốn nhấn mạnh ở chỗ là trong chúng ta, ai ai cũng có cái nhất thật tướng cũng gọi là chân tâm Phật tánh, biết được như vậy, thì chúng ta phải gắng mà tu để trở lại tánh chân ấy để mà thành Phật, tác Tổ để độ chúng sanh đến bờ giác gọi là "kế mãn khai lai, tục Phật huệ mạng". Là người con Phật ai nấy đều có khả năng và có trách nhiệm như ngài Ma Ha Ca Diếp để truyền thừa chánh Pháp cho đến vô tận thời gian về sau. Còn nếu chúng ta chỉ biết và đình chỉ sự tu ở Tam Pháp Ấn thì sẽ không thể trở về với cái "Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn" hay "Vô Trụ Xứ Niết Bàn" được. Đây là một trong bốn quả niết bàn của hệ phái Bắc Tông Phật giáo, còn hệ phái Nguyên Thủy Phật giáo thì chỉ có hai loại niết bàn đó là hữu dư y và vô dư y niết bàn. Thành ra, sau mỗi thời pháp chúng ta phải tiến lên, vượt lên nên có câu "y nhân, y đạo giai thành Thánh đạo".
Hãy cố gắng mà hành trì, chớ đừng có hời hợt thì uổng lắm. Phải quyết tâm mà dẹp sáu căn bản phiền não hay nói cách khác là đoạn được ngã chấp, pháp chấp và danh ngôn chấp thì nhất thật tướng ấn tự nhiên hiển hiện.