Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Doi-Song-Chi-La-Su-Khoi-Hanh-Tro-Lai-Tu-Qua-Khu

Đời Sống Chỉ Là Sự Khởi Hành Trở Lại Từ Quá Khứ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Học hiểu giáo lý giải thoát, chúng ta nhận thức rằng, không gian hoàn cảnh, người, vật khổ đau, hạnh phúc, là cả sự tuần hoàn nhân quả bất biến; người có cảnh giới người, vật có cảnh giới vật. Người cùng người để sống, vật nương nhau tồn tại; tất cả đều tuần tự xảy ra bất tận.

Ngày xưa, xưa lắm lúc mà loài người còn gần gũi chung sống tập trung từng bộ lạc, ngôn ngữ bấy giờ chưa được diễn đạt đầy đủ; con người thường cố tập hợp nhóm lại với nhau để mưu sinh tồn tại. Cho đến bây giờ sự tập hợp trở thành quy mô to lớn; rồi biết tạo thành quốc gia, thiết lập lục địa, đặt tên, định danh địa cầu trái đất tự cho phạm vi đi lại ở hành tinh này là sở hữu của nhân loại, không phải của sinh vật nào chiếm hữu được. Vì nhân duyên như thế con người không thể rời khỏi sinh hoạt con người; và con vật càng tập trung nhóm lại từng bầy chặt chẽ hơn, vì sợ hãi đời sống hiện đại vật chất của con người gây ra; tuy nhiên cả hai con vật con người đều giống nhau, là lập lại sự nhân quả dính mắc không kéo ra được.

Quá khứ như vậy, hôm nay có khác không? Chẳng khác chi cả, chỉ biến đổi hình thức mà thôi. Hình thức ngày xưa quá nhỏ, hình thức ngày nay quá lớn. Ngày nay không gian con người trở nên thu hẹp bởi sự tiến bộ văn minh vật chất; ngày nay con người có được “thần thông” bay đi nơi này nơi kia dễ dàng; có thể liên kết bầu bạn với đất nước xa lạ cách nhau cả một châu lục, rồi nếu có thể sẽ mang hết dân số nước kia qua đến nước đây một cách dễ dàng và ngược lại.

Đó là nói lên sự văn minh tiến bộ về mặt không gian sinh sống con người hiện nay; về thời gian thì con người có khả năng gần như thành tựu một công thức định sẳn, là thiết lập được kế hoạch, quy hoạch định đoạt liệu trước cho cả mấy chục năm tới, cho đến trăm năm, và có thể ngàn năm nữa. Bằng kiến thức văn minh khoa học ngày nay, có thể lập nên một công trình một tác phẩm định được sự thọ mạng lâu dài của nó. Văn minh con người càng kinh nghiệm khi quan sát một tác phẩm công trình của người xưa lưu lại, từ đó càng tăng thêm kiến thức, và sẽ đoán biết tuổi thọ tác phẩm ngày nay, có thể vượt xa hơn nữa trong tương lai.

Nhưng rồi không gian, thời gian, sẽ không như ý của con người, vì còn có những sự việc xảy ra ngoài tiên liệu, ngoài ý muốn, đó gọi là ách nạn trời đất, ách nạn thiên tai giáng xuống, chưa nói đến ách nạn do chính con người hủy diệt chính tác phẩm văn minh của con người. Thế là con người phải làm lại từ đầu, gầy dựng lại cái đã xây lên như ban đầu còn ngổn ngang dưới đất.

Sự dựng lên rồi bị đập phá, chính mình đập phá hoặc thiên tai đập phá; nhưng thời gian trôi qua cứ lớp lớp người thay đổi, lớp lớp người trưởng thành dựa theo ý thức mới phát triển, thành ra chẳng màng đến sự đập phá, chẳng sợ phí công phí sức; cứ như thế con người sống theo vòng tuần hoàn bất tận trong vòng quay như lời Phật dạy: thành trụ hoại không.

Nhưng dù sao cũng nên nhìn nhận, đó là điều mừng, điều hay cần học, vì đây là sự tự tồn, gìn giữ đời sống cho nhau.

Nhắc đến mới nhớ lịch sử đã ghi, hai thành phố Hiorshima và Nagasaki của Nhật Bản, đã bị tàn phá từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, bây giờ đã hơn 60 năm qua. Vị trí hai thành phố bị tàn phá, hiện nay đã đổi thành mới mẽ, trù phú trở lại; vẫn sinh hoạt văn minh như mọi thành phố trên thế giới này; và một chút tàn tích đau thương, còn lưu giữ lại để cảnh tỉnh nhân loại hôm nay; nhưng ý thức con người có chịu ý thức hay không lại là một việc khác ?

Gần nhất của thế kỷ 21 là hai tòa cao ốc thương mại (World Trade Centre) tại Nữu Ước đã bị đổ xuống giết chết mấy ngàn người; và nghe đâu sắp sửa lại mọc lên 2 tòa nhà mới; có thể sẽ đẹp hơn, kiên cố hơn 2 tòa nhà củ! Nhưng có kiên cố vững vàng vĩnh viễn không? Tất nhiên tuyệt đối là không! Tuổi thọ của nó cao lắm là 500 năm hoặc ngàn năm có thể! Nếu sau này trải qua 1000 năm còn tồn tại, thế có ai dám đến gần không? Vì sao? Vì độ nghiêng của nó sẽ giống như Tháp nghiêng bên Ý (The Leaning Tower of Pisa) có thể! Nó sẽ đổ sầm xuống không biết lúc nào. Thế là phải chọn một trong hai giải pháp, thứ nhất tự công khai hủy diệt trước khi tai nạn xảy ra, thứ hai cứ để nó đứng đó, mà lánh xa khỏi khu vực thành phố này; như muốn nhìn ngắm quan sát thật gần, chỉ có việc dùng trực thăng chở đến mà xem.

Thời gian sẽ làm tất cả hư hoại một cách chắc chắn; nhưng con người cứ vẫn tiến bộ, vẫn sống đàng hoàng, vẫn nuôi hy vọng, vẫn lạc quan bàn luận hội thảo hoạch định những công trình ước mơ viễn ảnh cho tương lai.

Với suy diễn trên ta có thể hiểu, không gian là biểu tượng cho vật thể và hoàn cảnh sống con người; thời gian là ý thức không ngừng theo tâm tưởng bản tánh cố hữu của chúng sanh, để cạnh tranh sinh tồn hay đấu tranh phát triển cho lẻ sống. Đây là một định lý hay một truyền thống theo bản năng chung của sinh vật, mà con người cũng là một sinh vật, sinh vật thông minh nhất địa cầu.

Tuy thế theo giáo lý giải thoát, về bốn sự việc gọi là Thành Trụ Hoại Không. Bốn sự việc này lúc nào cũng diễn tiến xảy ra theo nhận thức của một chúng sinh chưa giải thoát chưa chứng đạo. Nếu con người thật sự hiểu được bốn điều này, tức sẽ thấy từ xưa đến nay hành động con người chỉ là lẩn quẩn lập đi lập lại theo một chu kỳ hình tròn không thoát ra được. Các bậc chứng đạo, chư vị Bồ Tát chư Phật, đã từng sinh sống như chúng ta; cũng từng là người của nhiều bộ lạc du mục rày đây mai đó; từng trải đấu tranh, xây dựng, đập đổ đủ thứ, và đầy buồn vui sân giận như mọi chúng sanh.

Nhưng nhờ tu tập, các Ngài mới hiểu được bản thể vấn đề, hiểu được nguồn cội sự vật, tất cả chỉ là giả lập vô thường không thật có; kể cả chính con người đang nhận thức cái giả lập đó. Cho nên các Ngài không còn lao theo chu kỳ vòng tròn sinh diệt, rồi nỗ lực phấn đấu vượt ra khỏi không gian thời gian trong ba cõi.

Con người chúng ta xưa nay, do không chiêm nghiệm sự vật vô thường qua bốn sự kiện Thành Trụ Hoại Không, nên cứ lập lại hoài cuộc sống phù du giả tưởng. Đương nhiên đời sống không tự nó là giả, nó là nhân duyên là sinh diệt. Nhưng chính sự sinh diệt đó đã làm chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh chứng đạo Niết Bàn; chỉ có chúng ta không nhận thức, không tìm hiểu nên chỉ có khổ mà thôi. Cái gì còn sinh diệt cái đó còn vô thường đau khổ.

Thử bàn về bốn điều này: đầu tiên là Thành, có nghĩa đã có nhân duyên trong quá khứ nên quả đã thành; thành con người, con vật, thành hoàn cảnh chung quanh. Thành như vậy cho nên phải chấp nhận ngay, không thắc mắc, không cưỡng lại được. Ví dụ ta sanh vào gia đình nghèo, giàu, quốc gia lớn nhỏ, sắc dân màu vàng trắng v.v… ta phải thọ nhận không thể  thay đổi. Ta có đổi thì đổi ít phần nào của ý thức của hiện tượng qua không gian, chứ quả báo thân thể đã thọ, đã thành sẽ khó mà thay đổi; trừ khi ta thực hành đạo giải thoát, nhờ đó chuyển qua một đời sống khác mới đổi được hoàn toàn. Như thế trong lúc này, dù ta cố gắng nỗ lực đổi được gần hết đời sống quả báo đang thọ, như ta không còn nghèo, không ở quốc gia nhỏ bé, kể cả nhờ vào y học đổi được màu da v.v… thì ta cũng vẫn không đổi được cả một thế giới hoàn cảnh ta đang sinh sống, và cái ý thức còn bám víu vào ba độc tham sân si. Đó là sự việc Thành là vậy.

Trụ, là giải thích thêm sự đầy đủ rõ ràng sau khi đã Thành, chẳng hạn nếu ta đã sinh ra thành con người nghèo, sống ở quốc gia nhỏ bé, trong một sắc dân da màu thấp người ít học, thì sự liên hệ đời sống không gian nơi đó, buộc ta phải thích nghi quả báo như vậy. Đó là nói theo nghĩa hẹp giàu nghèo, nếu nói rộng hơn, khi đã Thành tức có duyên làm con người rồi thì sự Trụ là cả trái đất này đang dung chứa ta, hay ta có là ai đi nữa ta vẫn không thể không phải là người. Thậm chí ta có tu hành chứng đạo đắc quả, thì chánh báo hiện báo của vị Bồ Tát này vẫn còn cho mọi người thấy, đó là hình tướng của một con người trước khi đi vào Niết Bàn giải thoát, chứ không thể biến đổi thành ứng thân vị diệu như ứng thân của chúng sanh cõi trời được.

Tiếp theo là Hoại, nghĩa là đến thời kỳ thay đổi hư hoại. Người sẽ già đi, vật sẽ không còn kiên cố nữa, cảnh sẽ héo tàn, và tất cả mọi thứ trên trái đất này, kể luôn cả trái đất đều phải dần dần hư hoại. Như trái đất hiện nay, đang dung chứa con người chúng ta, chắc chắn nó đang hư hoại dần dần; nhưng vì nó quá lớn, chúng ta thì quá nhỏ, do đó khó biết quả đất đang già đang bịnh. Tuy nhiên các nhà khoa học đã cảnh báo rõ ràng sự hư hại trên mặt địa cầu, ít nhất là ô nhiễm không khí môi sinh. Nếu một ngày nào rừng xanh không còn trên thân thể nó, thì sinh vật cũng thưa dần, và dưỡng khí sẽ không còn nữa. Rồi thì nước lụt trào dâng, sinh vật và dân số trên quả địa cầu chỉ còn rất ít, cho đến khi còn lại giống dân nào đó, sẽ phải chứng kiến cảnh nó tan vỡ, và người chứng kiến sẽ cùng mảnh vỡ của quả địa cầu biến mất vào không gian vô tận.

Đến đây cũng là giải thích việc Không rồi. Bấy giờ con người sẽ trở về cát bụi, cảnh vật trở lại dạng nguyên tử phân tử như ban đầu, hay nói đúng hơn, con người sinh vật chỉ là những chủng tử, mà con người là nguyên nhân chính, là một tâm thức lạc loài, do nhân duyên nhân quả sinh ra rồi trở lại luân hồi theo nhân quả nghiệp báo. Thật là một vòng lẩn quẩn quay mãi không ngừng mà chỉ có Phật mới rõ được cội nguồn duyên sanh.

Qua tư duy nhận định sự kiện luân hồi bằng cách nhìn cụ thể, pháp học Thành Trụ Hoại Không, người học Phật không còn suy nghĩ khác hơn là nỗ lực hoàn chỉnh đời sống hiện tại của mình. Trước nhứt phải thấy nhân duyên hiện hữu của nhân loại có liên hệ mật thiết với không gian thời gian là cõi Ta Bà; đó chính là nghiệp báo, quả báo hành nghiệp của chúng sanh gây tạo từ quá khứ kiếp. Nhân nghiệp phải làm người là quả báo của Nhân Thừa, đây là hành động tác nghiệp thiện; và nghiệp thiện này sẽ tiếp tục tăng lên đến Thiên Thừa là cảnh giới cao nhất trong sáu cõi: Thiên, Nhân, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Muốn vượt lên cao hơn nữa, tức muốn vượt ra sáu cõi, hay đúng hơn vượt khỏi luân hồi; người học Phật phải bắt đầu tư duy sâu hơn, và đó cũng là xác quyết khẳng định con đường tu tập của mình, khi hiểu được đời sống xưa nay chỉ là trở lại vòng quay mãi.

Cầu nguyện tất cả chúng sanh trong sáu cõi sớm thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
  2008
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về

Luân Hồi Nghiệp Báo
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

Đời Sống Ý Nghĩa
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang

Đoạn Ác Tu Thiện Trong Đời Sống
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Luân Hồi
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Đời Sống Của Người Xuất Gia
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Sáu Nẻo Luân Hồi
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa