Trong cuộc sống, cái mà con người thường theo đuổi đa số đều chấp thủ vào ba phương diện là vật chất, tinh thần và sự vĩnh hằng bất biến. Vật chất là điều kiện trước tiên mà con người luôn mong muốn trong cuộc sống, trong đó bao gồm cả bản thân mình và môi trường sống, điều cần thiết là phải vượt qua tất cả mọi thứ vật chất mới có thể đạt được cảm nhận hưởng thụ và sự hài lòng được. Trong xã hội hiện đại mà khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, điều kiện vật chất được phổ biến nâng cao, nên đời sống vật chất con người càng thoải mái dễ chịu hơn. Thế nhưng con người hiện đại không vì thế mà hạnh phúc hơn người xưa, người phiền não vẫn cảm thấy phiền não, thậm chí nó càng phiền não đau khổ hơn trước nữa.
Có lẽ vì lòng ham muốn của con người không có điểm dừng, nên đối với việc mong muốn tham đắm vào vật chất không bao giờ mang lại cho họ sự hài lòng và hạnh phúc đích thực cả, nó chỉ mang lại một vài điều kiện thuận lợi trước mắt mà thôi. Tuy nhiên cái gọi là thuận lợi kia cũng chẳng phải là thuận lợi tuyệt đối gì đâu, bởi vì khi ta thu nhận được sự thuận lợi nào đó thì đồng thời những điểm ưu thế khác cũng sẽ bị mất đi. Ví như, con người thời đại ngày nay luôn sống trong những căn nhà rộng rãi, tất cả những cửa sổ đều bị đóng kín đến nỗi gió không thể có khe luồng vào được, trong phòng có máy điều hòa, lại có đầy đủ các phương tiện thiết bị hiện đại tinh tế nhất, xem ra họ là những người rất an toàn thoải mái, thế nhưng, ai biết được những người ở đây lại phải cách ly với không khí thiên nhiên bên ngoài, vì thế nên họ cũng sẽ mất đi mối liên kết giữa mình với thiên nhiên.
Thế mới biết đối với sự mong cầu ham muốn vật chất cũng không phải là cái để chúng ta nương tựa dựa dẫm vào.
Đối với sự ham muốn tìm cầu về mặt tinh thần quả thật vô cùng trừu tượng, vì đây là sự cảm nhận, sự trải nghiệm và thể hội bên trong của mỗi cá nhân con người. Con người sẽ khác đi khi tầng lớp cuộc sống tinh thần sai khác. Người có tầng lớp tinh thần thấp kém không thể nào hội nhập vào cuộc sống vật chất, nên họ nghĩ rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng người có cuộc sống tinh thần thì khi đọc sách họ có thể lãnh hội được nhiều đạo lý trong đó, đối với họ đọc sách chính là một cảm giác được hưởng thụ.
Tục ngữ có câu: “trong sách vốn có kho vàng quý báu, trong sách vốn có viên ngọc như ý”, điều này không nên nói rằng đọc sách thì nhất định sẽ đem đến cho ta vật chất giàu có, mà khi đọc mỗi một cuốn sách nó có thể mang lại cho chúng ta cảm giác trưởng thành, sự nương tựa và cảm giác được an ủi về mặt tinh thần. Nghệ thuật và tôn giáo cũng như thế, đặc biệt là về mặt tín ngưỡng tôn giáo, nếu ta tin rằng có cõi trời, cõi Phật và cõi tịnh độ, hoặc tin rằng trong cõi tối tăm này chắc chắn có các vị Thần linh, chư Phật và Bồ tát đến cứu giúp chúng ta, đó cũng là một chuỗi liên hoàn trong cuộc sống tinh thần.
Còn như sự vĩnh hằng bất biến, thật sự đó là cái mà chúng ta không bao giờ theo đuổi tìm thấy được, bởi lẽ trên thế giới chẳng có cái gì gọi là vĩnh hằng bất biến cả. Cho nên đức Phật thường giảng về “vô thường”, nghĩa là không có cái gì gọi là vĩnh hằng bất biến mà chỉ có cái gọi là “thường xuyên thay đổi”, nguyên tắc này chẳng bao giờ đổi thay, cho nên vô thường chính là cái vĩnh hằng bất biến. Nếu mọi người đều hiểu rõ, bất cứ sự vật nào trên thế gian này cũng đều thay đổi chứ không thể thường xuyên là vĩnh hằng mà không chấp thủ vào sự tổn tại của cõi vĩnh hằng đó, thì có thể đạt đến cảnh giới giải thoát rồi vậy.
Đứng trên quan điểm của Phật giáo để nói thì trong ba điều kiện vật chất, tinh thần và sự vĩnh hằng. Nói đến vật chất và tinh thần là cái cần được nâng cao, nhưng cõi vĩnh hằng là cái trống rỗng như hư không, cho nên chúng ta không cần phải nhọc công theo đuổi cỗi vĩnh hằng. Theo đuổi tìm cầu, chấp thủ vào lý tưởng huyễn hoặc không thật thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề phiền toái rắc rối hơn, chi bằng ta nên đối diện với thực tế một cách chắc chắn. Nếu như có thể sống đúng như thật, rõ ràng như trong đời sống này thì ta không còn cảm thấy phiền não hay đau khổ nữa, đây chính là cách sống cứu cánh nhất và tốt đẹp nhất.
Có lẽ có người sẽ nghi ngờ và hỏi rằng, nếu thành Phật là bậc cứu cánh nhất thì lẽ nào đức Phật chẳng phải là cõi vĩnh hằng bất biến sao? Thật ra, hạnh nguyện của đức Phật luôn ban rải, tồn tại khắp nơi không chỗ nào là không có, vì thế mà không có cái tồn tại khắp nơi, không có mặt nơi nào cả, Ngài không phải có mặt bất cứ nơi nào một cách cố định, nhưng cũng không phải tồn tại bất cứ một nơi nào. Mặc dù bình thường chúng ta không cảm nhận được sự tồn tại của đức Phật, nhưng mỗi khi chúng ta cần gặp ngài thì tinh thần, hạnh nguyện của ngài tự nhiên cùng tồn tại với chúng ta.
Cho nên, cõi vĩnh hằng đích thực chính là không có cõi vĩnh hằng mà là vượt trên cả cõi vĩnh hằng vậy.