Home > Khai Thị Phật Học
Lược Ý Nghi Thức Tắm Phật Trong Pháp Hội Đản Sanh Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Tâm Mãn


Đức Thế Tôn giáng trần phổ thiên đồng khánh, nhạc trời vang dậy, chư thiên tán hoa cúng dường, đại địa sáu lần rung động, vườn Lâm Tỳ Ni, hoa Vô Ưu ngàn năm nay bổng nở, Thiên Long nhất niệm đón chào, chín rồng phúng thủy tắm Phật sơ sanh, tiên A Tư Đà báo trước điềm lành, nhân gian sắp có một bậc Đại Giác.

Từ thuở chín rồng phúng thủy tắm Phật sơ sanh, hôm nay mỗi khi đến ngày đại lễ Phật giáng trần gian, vạn người con Phật trên khắp năm châu bốn biển, cung thiết Phật đài, kính cẩn tác lễ tắm Phật, một nghi thức truyền thống xuyên suốt 2000 năm vẫn còn nguyên giá trị, và vẫn còn thịnh hành mỗi độ Phật Đản lại về trên trần thế Nam Diêm Phù Đề. 

Trong Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả quyển thứ nhất chép: "Ma Da phu nhân mang thai, đến khi gần đến ngày sinh nở, một buổi sáng nọ khi đang dạo chơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, khi đi đến dưới cây Vô Ưu thì đản sanh thái tử Tất Đạt Đa. Bấy giờ Nan Đà Long Vương cùng Phục Ba Nan Đà Long Vương phúng nước thanh tịnh, tắm cho thái tử".

Trong sách Thích Ca Như Lai Ứng Hóa Sự Tích chương Cửu Long Quyền Dục chép: "...Phật bước bảy bước, mỗi bước nở một hoa sen lớn đỡ chân Ngài... tất cả thế gian trời người cung kính cúng dường. Bổng nhiên dưới đất có hai dòng nước vọt lên biến thành hai cái hồ, một hồ nước nóng, một hồ nước lạnh, nước trong hồ thơm tho thanh tịnh, trên không trung có cửu long phúng thủy tắm cho thái tử, chư thiên trỗi nhạc, rưới hoa cúng dường...", nhân vì truyền thuyết này mà nghi thức tắm Phật được ra đời và lưu truyền cho đến ngày nay.

Nghi thức tắm Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, do ảnh hưởng tập tục tưới nước tắm tượng thần, cầu phước diệt tội của Bà La Môn Giáo, trong Kinh Đại Bảo Tích quyển 100 có chép: "Con gái của vua Ba Tư Nặc thành Xá Vệ là Vô Cấu Thí, vào ngày mồng 8 tháng 2 cùng với 500 vị đạo sĩ của Bà La Môn Giáo, bưng bình đựng đầy nước đi ra ngoài thành, tắm rữa cho tượng Thiên Thần, bấy giờ các đạo sĩ Ba La Môn thấy rất nhiều vị Tỳ Kheo đứng ở cổng thành cho là điều không tốt, có một vị trưởng giả khuyên Vô Cấu Thí nên quay về thành, nhưng Vô Cấu Thí không chịu, bèn sanh tranh cải, cuối cùng Vô Cấu Thí cảm hóa được 500 vị Bà La Môn quy y Đức Phật...".

Nghi thức tắm Phật có nguồn gốc ảnh hưởng từ tập tục cổ xưa của Ấn Độ nhưng được Phật Giáo tiếp nhận rồi lồng vào đó những quan niệm đạo đức Phật Giáo, cho nên ý nghĩa, cũng như nghi thức, khác đi với hình thức tắm tượng ban đầu của Bà La Môn Giáo là cầu phước diệt tội. Trong sách Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, quyển 4 Quyền Mộc Tôn Nghi Chương của ngài Nghĩa Tịnh đời Đường chép: " Đức Phật tuy nhập diệt, nhưng hình tượng của Ngài vẫn còn, tâm Phật cũng còn đây, đúng như lý nên tôn kính, nên đem hương hoa cúng dường để sanh thanh tịnh tâm, hoặc tắm rửa tôn tượng để xóa sạch nghiệp chướng hôn trầm...".

Trong Kinh Quyền Tẩy Phật Hình Tượng chép: "Này các Thiện Nam Thiện Nữ, sau khi Phật diệt độ, nên chí tâm niệm Phật được vô lượng công đức lực, tắm hình tượng Đức Phật cũng như Phật còn đang tại thế, được vô lượng công đức, không thể tính đếm được".

Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép về tắm phật có 15 công đức: "... Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau: 1. Thường biết tàm quý; 2. Phát khởi niềm tin thanh tịnh; 3. Tâm ngay thẳng; 4. Được gần gũi bạn lành; 5. Chứng huệ vô lậu; 6. Thường gặp chư Phật; 7. Luôn hành trì chánh pháp; 8. Làm đúng với lời nói; 9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật; 10. Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ; 11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật; 12. Không bị ma quân gây tổn hại; 13. Hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp; 14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ; 15. Mau thành tựu được năm phần pháp thân".

Nghi thức tắm Phật của Ấn Độ ngày xưa cũng được ngài Nghĩa Tịnh miêu tả rất rõ ràng, trong sách Nam Hải Kỳ Quy Nội Pháp Truyện, quyển 4 Quyền Mộc Tôn Nghi Chương chép: "các chùa ở Tây Trúc, nghi thức tắm Phật được tổ chức rất là long trọng và tôn kính, mỗi khi làm lễ tắm Phật, thì vị chức sự đánh kiền chùy, trong sân chùa treo bảo cái, trong đại điện để các bình đựng nước thơm, để tượng Phật được làm bằng vàng, bạc, đồng, đá.v.v... để trong các bồn làm bằng vàng, bạc, đồng, đá. Rồi cho các nhạc công tấu nhạc, lấy các thứ bột báu thơm thoa lên Phật tượng rồi dùng các thứ nước hoa tưới lên tượng Phật, sau đó lấy lụa báu thanh tịnh lau khô thân tượng, rồi thỉnh tượng vào trong đại điện tôn trí trang nghiêm, dùng các thứ hoa vây quanh để cúng dường...".

Cùng với Phật Giáo đông truyền nghi thức tắm Phật trong pháp hội Phật Đản Sanh được truyền vào Đông Độ rất sớm, trong sách Ngô Thư quyển thứ 4 chép: "...Ở đây xây dựng Phù Đồ (tháp Phật) rất lớn...mỗi khi đến lễ tắm Phật, làm rất nhiều cổ bàn đồ ăn thức uống ra đến tận đường, dài đến 10 dặm, để cho người đến tham gia và đi coi lễ hơn cả vạn ăn, tiền chi phí để làm pháp hội nhiều không thể tính hết...".

Đến cuối thế kỷ thứ 4 đầu thể kỷ thứ 5 thì nghi thức tắm Phật đã hoàn toàn du nhập vào xã hội Trung Quốc từ hoàng cung cho đến nhân gian, mỗi năm cứ đến ngày lễ Phật Đản thì nơi nơi đều rộn ràng tổ chức lễ tắm Phật. Theo sách Phật Tổ Thống Kỷ chép: "ngày mồng tám tháng tư năm thứ sáu niên hiệu Đại Minh (462), vua Hiếu Võ Đế thiết lễ tắm Phật...".

Việt Nam nghi thức lễ tắm Phật được du nhập rất sớm vào Giao Châu trong sách Ngô Chí có đoạn chép: “…ở Giao Châu…khi ra đường người ta thường nghe tiếng kiểng, lẫn tiếng trống kèn những người rợ Hồ (chỉ các vị Tăng và Phật tử người Ấn) đi theo thắp hương hai bên có từng đoàn xe có mười người..” . Đây là đoạn văn diễn tả về nghi thức hành tượng trong lễ Phật Đản xưa của Giao Châu, tục lệ ngày xưa thường trước khi làm lễ hành tượng người ta thường cử hành nghi thức tắm Phật.

Trong sách Thơ Văn Lý Trần dịch văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh có đoạn nói về tắm Phật rồi hành tượng như: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật...sai Phụng Thường chỉnh đốn kiệu xe, khiến Phong Bá quét sạch bụi bặm...Chuông trống vang ầm, khánh tiêu rộn rã. Phía trước xe mây Tam Bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng".

Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 2 viết: “Từ đời Lý, mỗi năm hội Phật Đản đã được tổ chức thật lớn lao rồi. Vua Lý Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên đã làm cho lễ Phật Đản trở thành quốc lễ lớn. Lễ tắm Phật bằng nước ngũ vị hương được cử hành sáng mồng tám tháng tư tại chùa Diên Hựu. Vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa cùng triều thần bách quan đều có mặt. Dân chúng các nơi tụ về rất đông để dự lễ. Sau khi chư Tăng tụng kinh Phật Thuyết Dục Tượng Công Đức, thì nước thơm được rưới lên tượng Phật. Trong khi đó, vua quan và quần chúng chắp tay hướng về niệm Phật”.

Người xưa như vậy, hết sức kiền thành cung kính tác lễ tắm Phật mừng ngày Đản Sanh, chúng ta những người nối chân các bậc tiền nhân luôn phải nhớ một niệm tri ân Đức Phật vô bờ bến, ngoài ý nghĩa của tín ngưỡng tắm Phật để nguyện cầu sự gia hộ của chư Phật ra, chúng ta luôn ghi nhớ vì chính sự ra đời của Ngài mà ngày hôm nay chúng ta mới được thấm nhuần, chan hòa ánh sáng của giác ngộ, để trong đêm trường khổ não tăm tối, ánh sáng trí tuệ của Phật đưa chúng ta thoát khỏi u mê vượt qua khổ chướng, trong biển phiền não luân hồi chỉ cho chúng ta thấy rõ bến bờ của giải thoát.

Cho nên những giọt nước mà chúng ta rưới lên thân tượng của Đức Phật, những gọt nước đó sẽ trở thành cam lộ vì sự cảm ứng của Đức Phật và tâm thành của chúng ta, tất cả những công năng của giải thoát sẽ được hình thành vì tâm niệm chí thành và nhất tâm kính tin của từng người con Phật.

Vì sao giọt nước tắm Phật lại có công hiệu vi diệu như thế, chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Kinh Dục Phật Công Đức để nghe đức Phật dạy ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát về cách thức Tắm Phật: "... Đức Phật dạy rằng khi tắm tôn tượng nên dùng các loại hương thơm như ngưu đầu chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, uất kim hương, long não, xạ hương… pha vào nước sạch, đựng trong bình sạch. Chọn một nơi thanh tịnh, đẹp đẽ thiết lập đàn tràng, hoặc vuông hay tròn, kích thước xứng hợp, trên đàn đặt một bệ tắm, ở giữa bệ này tôn trí tượng Phật. Khi tắm tượng thì dùng nước nóng thơm, trong sạch rưới từ trên xuống, sau đó tiếp dùng nước tinh khiết để tắm lại. Nước dùng để tắm này phải được lọc cho thật sạch để không làm tổn hại đến các vi trùng.

Nếu lấy hai ngón tay thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng rồi nhỏ lên đầu, thì nước này được gọi là nước cát tường. Không được giẫm chân lên dòng nước tắm tượng đang chảy trên đất sạch. Sau khi tắm tượng xong, dùng khăn mềm, mịn và sạch lau khô tượng, xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, rồi đặt tượng về vị trí cũ trong điện Phật. Đức Phật còn dạy rằng, nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Sau khi an trí tượng về chỗ cũ, nên đối trước tượng dâng hương cúng dường chắp tay, cung kính tụng bài kệ tắm Phật:

“Con nay tắm gội chư Như Lai
Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy
Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược
Mau chứng Như Lai tịnh pháp thân
Giới, định, tuệ… năm phần hương báu
Tỏa ngạt ngào trong khắp mười phương
Khói hương này xin hằng lan mãi
Phật sự làm vô lượng vô biên
Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt
Nhiệt não trừ, an trú thanh lương
Đồng phát tâm vô thượng Bồ đề
Thoát biển ái lên bờ đại giác.”

Vì vậy nhớ đến ngày Phật Đản Sanh là nhớ đến cội nguồn của giác ngộ, làm lễ tắm Phật có năng lực đưa chúng ta quay lại với chính tự tâm của mình bằng những gọt nước cam lộ thanh tịnh tưới trên thân tượng Phật, cũng như đang tưới vào chính tâm điền của tất cả mọi người, làm tươi mát ngọn nguồn của giác ngộ "dương chi nhất trích chân cam lộ, tán tác sơn hà đại địa xuân" giọt nước cành dương là cam lộ, tưới mát sơn hà trời đất thành mùa xuân.