Home > Khai Thị Phật Học
Ý Nghĩa Phẩm Như Lai Thọ Lượng Thứ Kinh Pháp Hoa
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Trong phẩm 16, khởi đầu Phật gọi Di Lặc Bồ tát và 8.000 hằng sa Bồ tát nghe pháp. Điều này chúng ta phải tự nâng cái thấy của mình lên để cảm nhận được điều Phật nói rằng Trời, Người, A tu la là chúng sanh còn trong sáu đường sinh tử, chúng ta chưa đắc quả vị nào, là phàm tăng, nên chúng ta sẽ thấy Phật như con người bình thường. Nghĩa là Trời, Người, A tu la thấy Phật xuất thân từ dòng họ Thích, đến cội bồ đề gần thành Già Da mà thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Phật này là của loài người, chư thiên, quỷ thần, nói chung là bát bộ chúng còn trong sáu đường sinh tử thấy Phật như vậy.

Loài người chúng ta còn kẹt tham, sân, si. Loài trời đã bỏ được lòng tham, nhưng họ còn si mê, hay cao hơn, Phật nói còn kẹt thập triền, thập sử thì đều thấy Phật là người mới thành Phật.

Và nghe Phật vào Niết bàn, những người chưa đắc đạo khởi ý niệm không còn Phật thì không còn ai rầy la, bắt mình giữ giới. Những người nghĩ vậy, tu hành bị đọa.

Hạng người thứ hai tu hành, đứng đầu là A Nan buồn khóc, vì thầy vào Niết bàn, không còn người để nương tựa trong khi mình chưa đắc đạo. Tình trạng này ngày nay một số các thầy tu khi thầy mình viên tịch thì cảm thấy buồn khổ, choáng váng là họ có tu nhưng chưa đắc đạo.

Còn những người có tu và đắc đạo, đắc quả A la hán trở lên nghe Phật vào Niết bàn, họ nhập định để theo dõi xem Phật đi đâu. Đại diện cho chúng đắc Thánh quả rồi là Xá Lợi Phất nghe nói ba tháng nữa, Phật vào Niết bàn, Ngài liền nhập định.

Theo cái thấy bình thường, nói rằng Xá Lợi Phất về thăm mẹ và bà con, rồi giã từ để vào Niết bàn bằng cách Ngài nhập định và chết luôn. Điều này cho thấy các vị Thánh La hán không cần ăn uống, ngủ nghỉ. Chúng ta học theo để chủ động cái chết của mình, vì sớm muộn gì cũng chết, nên lúc nào cũng nghĩ đến chết.

Tôi có duyên gặp vị Thiền sư chuẩn bị cái chết của vị Thánh, hay một người tu thiệt là nhịn ăn và thêm một bước nữa, nhịn uống. Nhịn cả ăn uống, thay vào bằng hai pháp chính là thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Hoằng Pháp đại sư của Nhật (Kubo Daishi) và một số cao tăng Việt Nam như hai Thiền sư chùa Đậu đã nhịn ăn uống, chết mà xác vẫn còn nguyên vẹn. Tôi gợi ý như vậy, nhưng nhịn liền thì không được; vì đói quá mà chưa đắc đạo thì tâm đói, mắt đói, thân đói sẽ có cảm giác như trăm cây kim đâm vào mình. Đó là kinh nghiệm của Phật đã trải qua khi Ngài tu khổ hạnh.

Mang thân tứ đại tất nhiên phải chịu sự hành hạ của nó. Vì vậy, Phật nhắc các Tỳ kheo ban đầu tập ăn ít lần, một ngày ăn một bữa cho đến hai, ba ngày ăn một bữa để tập cơ thể chịu đựng cho quen, thì ngồi liên tục nhập định được hai, ba ngày. Tôi có người bạn nhập định hai, ba ngày, nhưng xả thiền thì hai chân bị liệt luôn, vì máu không lưu thông được. Phải tập ngồi thiền nửa giờ tăng lên 1 giờ, 2 giờ, cho đến bao giờ ngồi thiền không tê chân mới vào định lâu được.

Vì vậy, điều rất quan trọng phải tìm Thiền sư đắc đạo thiệt giúp mình bằng cách mình vào thiền, thầy cũng vào thiền. Bấy giờ, Thiền sư và Thiền sinh ngồi đối diện với nhau, thì mình vào định, thầy biết mình đi đâu, thầy cũng đi theo để dẫn dắt. Thực tế cho thấy người tu thiền rồi trở thành ngơ ngơ ngẩn ngẩn vì không có thầy đắc định chỉ dẫn.

Lạc thiền là điều rất dễ hiểu và dễ xảy ra, vì người và ma cùng gặp nhau trong sáu đường sinh tử. Thật vậy, khi mình mang thân tứ đại là người, nhưng bỏ thân xác này, chỉ còn sống với thức ấm là ma. Vì vậy, khi vào thiền mà rơi vô cảnh giới của thức (thế giới của thức chúng ta dễ lạc vô lắm) thì trong đó có đủ thứ, có những tảng đá ngầm, có các trận cuồng phong, có các loài quỷ quái, yêu ma… Thực sự thiền định đúng pháp và có kết quả đòi hỏi phải có trình độ nào đó, không đơn giản; cho nên Tổ Vĩnh Minh đã nói rằng mười người tu thiền thì chín người bị lạc.

Trở lại việc người học chưa xong, tu chưa đắc đạo, còn trong sinh tử, mà Phật vào Niết bàn, họ cảm thấy lo sợ, bơ vơ, vì không còn thầy dìu dắt. Nhưng người đắc La hán trở lên không sợ, họ nhập định để đón Phật trong thế giới vô hình. Như Xá Lợi Phất nhập diệt trước Phật, nên Phật vào Niết bàn, Ngài đón được, đi theo được. Còn Ca Diếp cũng đắc La hán, khi Phật vào Niết bàn, sửa soạn làm lễ trà tỳ thì Ngài đến kim quan lạy và thấy Phật đưa hai bàn chân ra, Ngài liền úp mặt lên chân Phật.

Tất cả A la hán đi theo Phật vào Niết bàn, trừ một số La hán ở lại gánh vác trách nhiệm kiết tập kinh điển của Phật. Sử sách ghi rằng sau khi Phật Niết bàn, Ca Diếp và 500 La hán kiết tập kinh điển và làm việc này xong, Ca Diếp ôm bát vô núi Kê Túc tu, chờ Phật Di Lặc ra đời.

Một số thầy cho rằng kinh Đại thừa do các thầy tưởng tượng ra, không phải Phật nói. Thiết nghĩ tu hành cần khám phá thế giới tâm linh, còn thấy bằng mắt là bình thường và người làm được, mình làm được. Nhưng Phật quy định những gì mà người thế gian biết thì người tu phải biết. Và quan trọng hơn, việc người thế gian không biết mà người tu biết. Người thế gian không làm được nhưng người tu làm được. Vì vậy, tôi quán sát, tôi làm được, họ làm được là bình thường; nhưng họ làm được mà tôi không làm được, tôi coi họ là thầy. Phần nhiều người ta không biết nhưng hay cãi, đó là người mù rờ voi, hay 62 tà kiến. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng Phật pháp đem cả sinh mạng để đổi còn không được, đâu phải cá ương mà nài ép.

Đến câu thứ hai trong phẩm 16: "Nhưng thiệt từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thường ở Ta bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác. Tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu”.

Lịch sử nói Thái tử Sĩ Đạt Ta là con vua Tịnh Phạn. Nhưng theo Đại thừa, Thái tử Sĩ Đạt Ta là con vua Tịnh Phạn, còn Phật Thích Ca là ông Tổ bảy đời của dòng họ Thích Ca và Ngài đi tu, đắc đạo, làm Sa môn. Giống như tôi truyền giới cho các thầy, nhưng khi tôikhông còn sống, nếu tôi tái sanh và tiếp tục tu nữa thì trên dòng sinh mạng tâm linh, tôi vẫn là thầy của quý vị. Và dòng chảy miên viễn của sự sống tâm linh đó chỉ có huệ nhãn hay pháp nhãn mới thấu tỏ được; nhục nhãn không thể nào thấy tới.

Thể hiện lý này, kinh Pháp hoa nói Phật đã thành Phật từ vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, nên dưới mắt của Đại thừa, Phật là ông Tổ của dòng họ Thích Ca, không phải bây giờ mới là con của vua Tịnh Phạn. Kinh Nguyên thủy cũng nói ý này rằng Đức Phật đã khẳng định từ kiếp xa xưa Ta từng làm cỏ cây, rong rêu, muông thú cho đến mang thân người, hay làm trời, nhưng ở trong loại hình nào, cảnh giới nào, Ngài cũng tu Bồ tát hạnh.

Vì vậy, kinh Nguyên thủy cũng như Đại thừa đều ghi nhận rằng trước khi xuống Ta bà, Phật Thích Ca là Hộ Minh Bồ tát ở cung trời Đâu suất đến khi có đủ duyên, Ngài mới thị hiện ở Ấn Độ làm Phật.

Trên lộ trình Bồ tát đạo, Bồ tát tu tới quả vị Đẳng giác có hiểu biết bằng với Phật, nhưng vì nhân duyên chưa đủ, nên không hạ sanh, như Di Lặc chưa ra đời vì đồ chúng của Ngài chưa thuần thục. Vì vậy, việc chuẩn bị là quan trọng, nếu chuẩn bị chưa đầy đủ mà ra đời sẽ thất bại.

Chính vì Phật Thích Ca đã chuẩn bị rất đầy đủ, nên chúng ta thấy khi Ngài hiện hữu ở cõi đời này, chỉ trong một đêm mà Ngài hàng phục được ba anh em Ca Diếp thuộc hàng lãnh đạo có thế lực của ngoại đạo thời đó và cảm hóa luôn 1.000 tu sĩ là đệ tử của ba vị này. Theo Đại thừa, đây là sự bố trí của Phật, không phải tự nhiên được. Thật vậy, Đại thừa lý giải rằng một vị Phật ra đời thì có 1.000 vị Phật xuất hiện để trợ hóa. Trong chúng của Phật, quan trọng là chúng trợ hóa.

Thí dụ ở trường hạ này, Ban Chức sự đóng vai trò quan trọng và chúng ngoại hộ lo đời sống cho đại chúng cũng quan trọng. Ban Chức sự trường hạ và chúng ngoại hộ có đầy đủ mới đến chúng đương cơ là tân Tỳ kheo. Tôi mở trường hạ này cho chúng tân Tỳ kheo để nuôi Bồ đề tâm của họ và chúng đương cơ tu có kết quả thì người ta theo dõi, nhận thấy trường hạ mình tu hành nghiêm túc, nên họ hoan hỷ và phát tâm.

Trở lại vấn đề thấy Phật như thế nào thì Bồ tát thấy Phật Thích Ca là Bồ tát giáng trần. Nhưng có vị thấy được một kiếp trước, có vị thấy ba kiếp, có vị thấy đến 500 kiếp. Đó là tầm nhìn của người tu chứng.

Và qua Bồ tát viên thừa, không phải thấy Phật là Bồ tát từ cung trời Đâu suất giáng trần, nhưng thấy Phật từ Thật báo trang nghiêm độ mà Phật hiện thân vô Ta bà thuyết pháp giáo hóa và Phật có vô số ứng hiện thân.

Ta chỉ thấy một sanh thân Phật Thích Ca, nhưng như trên đã nói kinh Pháp hoa khẳng định rằng Phật Thích Ca có nhiều sanh thân và nhiều quốc độ.

Từ sanh thân Phật Thích Ca mà thấy được Báo thân của Phật, Trí Giả nói "Hoa lạc liên thành”, nghĩa là sanh thân Phật Thích Ca nhập diệt, các Thánh A la hán tìm hiểu xem Phật đi đâu, như Xá Lợi Phất đón Phật để biết Phật đi đâu.

Như vậy, theo Đại thừa, Phật có thiên bá ức Hóa thân. Trời, người, A tu la thấy Phật có một thân, nhưng kinh Pháp hoa nói Ta thành Phật ở chỗ này thì có tên này, ở chỗ khác có tên khác, là một người đóng nhiều vai khác nhau. Ở thế giới có thọ mạng ngắn thì Phật có thọ mạng ngắn. Ở thế giới có thọ mạng dài, Ngài có thọ mạng dài. Tùy theo loại hình của các cảnh giới mà Ngài hiện ra tất cả loại hình sai biệt có thọ mạng khác nhau và cũng thuyết pháp khác nhau. Ở thế giới của quỷ thần, chư Thiên hay loài người, Phật nói pháp tương ưng với họ. Người có nhu cầu nào, Phật theo đó giải quyết, không phải chỗ nào cũng nói giống nhau.

"Nếu thấy chúng sanh ưa pháp Tiểu thừa, đức mỏng, tội nặng, không thể thấy xa, Ta phải thị hiện thân hình giống nó, bỏ tục, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp rồi nhập Niết bàn…”.

Nghĩa là Phật hiện thân trong loài người, thấy Ngài làm được những việc khó thì họ theo. Thí dụ Phật độ sát nhân Vô Não đắc La hán, nhưng thực sự Vô Não cũng hiện thân làm kẻ giết người nhằm tạo thắng duyên cho Phật thuyết pháp để những người ác cảm được lời Phật dạy, họ hồi đầu, hướng thiện. Và người ta phân chia giai cấp thì Phật độ Sunita thuộc ngoại cấp để phá bỏ định kiến phân biệt đối xử của xã hội Ấn Độ và trợ lực cho người giỏi thuộc giai cấp thấp xóa bỏ mặc cảm thấp kém mà tự vươn lên, thành đạt trong cuộc sống.

Nhưng tôi nhìn kỹ chỉ có một Sunita, một Vô Não được Phật độ thành La hán. Có thể hiểu những người này giống như người đóng kịch trên sân khấu, họ đóng vai ác, nhưng rời sân khấu, họ trở lại con người hiền lành của họ.

Vì vậy, kinh Pháp hoa nói rằng nếu Phật nói sự thật là Vô Não và Sunita chỉ đóng kịch làm sát nhân, làm người hốt phân thôi, chứ họ thực sự là bậc Thánh, thì ai dám tu nữa. Phương tiện của Phật là như thế. Nên đối với người đức mỏng, tội nặng thì Ngài phải làm vậy để độ, nhưng "Từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, nhờ kinh Pháp hoa cảm thành thọ mạng, thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử…”.

Theo Đại thừa, quan trọng là làm sao thâm nhập Pháp thân. Kinh Nguyên thủy nói thân tứ đại đáng ghét, nhưng thật nó là nhà ở cho tâm linh mình, không có thân này không tu được, không xuất gia không làm Sa môn được. Ngoài ra, thân này là phương tiện đưa chúng ta lên Niết bàn. Tôi nói thân mình ví như hỏa tiễn đưa phi thuyền lên không gian.

Trên bước đường tu, chúng ta chuyển hóa tâm trước; thân ô uế, nhưng tâm đừng ô uế. Tham, sân, si, mạn, nghi, biên kiến, tà kiến rửa sạch, tâm trở thành tâm vương và chuyển hóa thành Pháp thân. Thân ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức được chuyển hóa thành năm phần Pháp thân: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Phật khác chúng ta vì Ngài có năm phần Pháp thân. Ngũ uẩn thân thì giống nhau, nhưng Phật đã chuyển hóa hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn. Hữu lậu ngũ uẩn ví như bùn, thân được chuyển hóa thành vô lậu ngũ uẩn ví như hoa sen. Đức Phật chuyển hóa ngũ uẩn thân thành sen rồi thì tâm trở thành viên ngọc sáng, nên Ngài có những diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Thật vậy, về hình thức thì mọi người tu đều giống nhau, nhưng các vị cao tăng làm được những việc mình không làm được là các ngài đắc vô tác diệu lực. Muốn được vô tác diệu lực phải tu giới tướng, giữ gìn 250 giới trước và đầy đủ oai nghi tế hạnh trở thành người tốt thì không còn ý thức giữ giới, nhưng không bao giờ phạm giới.

Nếu anh em thâm nhập Pháp hoa, chứng Pháp thân bất tử là có thân tinh khiết như hoa sen, tâm sáng như viên ngọc quý thì đi bất cứ chỗ nào cũng trở thành tốt. Nói dễ hiểu là người giỏi và tốt đến nơi nào thì nơi đó an lành. Điển hình như ở Tây phương có Đức Phật A Di Đà là người trí tuệ viên mãn và đạo hạnh vô cùng, nên tập hợp được các người có trí tuệ và đạo đức thì biến nơi này thành Cực lạc. Ban đầu Phật A Di Đà chỉ thành lập An dưỡng quốc, nhưng Ngài đặt điều kiện về đó tuyệt đối không có tham, sân, si; vì nơi nào có tham, sân, si thì sớm muộn gì cũng mạt.

Tu Pháp hoa, chuyển hóa được ngũ uẩn thân thành ngũ phần Pháp thân là có thân trong sạch như hoa sen, tâm như viên ngọc sáng, thì mình theo nguyện thọ sanh, đến chỗ đó trở thành tốt. Vì vậy, Phật dạy có Thánh La hán ở nơi nào thì cách đó 500 do tuần cũng được an lạc.

Đức Phật Thích Ca thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử, nhưng Ngài dùng phương tiện nói diệt độ. Nghĩa là Phật bất tử, không chết.

Ngoại đạo hỏi Phật chết rồi thì Ngài còn hay không. Phật trả lời rằng Cồ Đàm sống mà các ông còn không biết, huống chi là sau khi chết.

Trong kinh Kim cang, Phật nói nếu thấy bề ngoài có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà nói là Phật thì Chuyển luân Thánh vương cũng là Phật. Vì vậy, nếu thấy Phật bằng mắt, nghe bằng tai là theo tà đạo.

Vì vậy, không nên thấy Phật bằng mắt, mà thấy Phật bằng niềm tin và nghe pháp bằng tâm thì khả dĩ vào đạo. Riêng tôi tin có Phật hộ niệm cho mình và tôi thấy Phật bằng niềm tin, nên tôi đi tu là đi tìm Phật và có điều rất kỳ diệu, niềm tin Phật mãnh liệt đã dẫn tôi đi trên con đường tu học không phải trải hoa hồng, nhưng có hoa Mạn đà la và hoa Mạn thù sa, nghĩa là tôi được an vui và thanh tịnh trong pháp Phật, mặc dù đời sống vật chất trong chùa rất hẩm hiu.

Trên tinh thần "Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ”, Thái tử Sĩ Đạt Ta vượt thành xuất gia dễ dàng. Trong khi vua Tịnh Phạn không muốn thái tử trở thành Sa môn, nên bảo lính tráng canh gác bốn cửa thành rất kỹ lưỡng và tất nhiên cũng chẳng có ai dám mở cửa thành thì làm sao thái tử ra khỏi thành được. Điều này nếu nhìn bằng niềm tin, hay bằng thiên nhãn là mắt của chư Thiên thì con ngựa Kiền Trắc mà thái tử cỡi là thiên mã, không phải loại ngựa bình thường của trần gian, nên không ai cỡi được, chỉ Thái tử Sĩ Đạt Ta điều khiển được nó. Vì Kiền Trắc là ngựa thần từ cõi trời sai xuống để làm nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là đưa thái tử vượt thành, cộng thêm sự trợ giúp của bốn vị Thiên vương nâng vó ngựa bay ra khỏi thành, không phải phi nước đại như ngựa giỏi bình thường, trước sức bay thần tốc của ngựa trời cùng với hiệp lực của bốn vị Thiên vương thì dù có trăm quân lính của vua Tịnh Phạn cũng chẳng thấm tháp gì trong việc ngăn chặn thái tử. Và đặc biệt nữa, ngựa thần đã vượt dòng sông Anoma đưa thái tử qua quốc gia khác. Thái tử xuống ngựa cắt tóc đưa Sa Nặc đem về. Nhưng trở về tới thành thì ba ngày sau Kiền Trắc chết. Điều này lý giải bằng mắt huệ thì hoàn thành sứ mạng rồi, họ nhẹ nhàng ra đi.

Khi thái tử ở trong rừng một mình, bỗng nhiên xuất hiện một Sa môn đeo cung tên. Thái tử vội cởi bộ y phục bằng lụa sang trọng ngài đang mặc đổi lấy chiếc y Sa môn của anh thợ săn giả làm thầy tu. Nhưng với mắt Bồ tát thấy đây là Thiên Đế Thích hiện ra để cảnh giác thái tử rằng từ đây ngài phải cẩn trọng với những người mặc áo tu. Thái tử vừa đổi áo xong thì anh thợ săn này biến mất. Thiết nghĩ chỉ có chư Thiên mới có khả năng thoắt hiện thoắt ẩn như vậy.

Và thái tử mặc áo Sa môn rồi, bất ngờ có thầy tu thứ hai xuất hiện, dẫn ngài đến gặp Kamala. Ông này đã đắc thiền, nhập được Tứ thiền thiên, tuy mang thân người, nhưng tâm đã lên cõi trời Tứ thiên. Điều này cho thấy thái tử có căn lành sâu dày, nên được Bồ tát hiện thân đưa đến vị đạo sĩ có sở đắc, sở chứng tốt như vậy.

Theo học với Kamala chẳng bao lâu, thái tử cũng đắc Tứ thiền bằng với thầy. Kamala nhận thấy thái tử quá thông minh, ông mới xin giao tu viện cho thái tử. Thái tử từ chối rồi đến học đạo với Uất Đầu Lam Phất và cũng trong thời gian ngắn, ngài đắc Bát định rồi cũng từ chối nhận tu viện của vị thầy này.

Thái tử tiếp tục hành trình đi tìm chân lý. Ngài đã tu khổ hạnh đến kiệt sức thì kỳ diệu thay, cô Su Dà Ta đến đúng lúc để dâng sữa, giúp ngài phục hồi sức khỏe dễ dàng và nhanh chóng. Phải là bát sữa của Bồ tát hiện thân lại để cứu thái tử, chứ bát sữa bình thường làm sao cứu được thái tử nhịn đói chỉ còn da bọc xương một cách nhanh chóng như vậy.

Sau đó, Su Dà Ta thấy thái tử lượm khúc vải liệm xác cô gái hầu mình, rồi giặt sạch để làm y mặc, vì chiếc y đầu tiên của anh thợ săn cúng dường đã rách tả tơi, Su Dà Ta rơi nước mắt và phát tâm dâng cúng thái tử chiếc y mới. Nếu thấy thông thường thì cô này cũng đã có phước báu quá lớn, chẳng những là người được cúng bát sữa đầu tiên giúp Phật khỏe lại, mà còn được dâng cúng Phật chiếc y đầu tiên sau khi Phật thành đạo. Và bằng mắt huệ, có thể thấy cô Su Dà Ta là hiện thân của Bồ tát trợ hóa Phật Thích Ca từ những bước chân đầu tiên trên con đường cát bụi vạn dặm mà Ngài đi tìm cầu quả vị Vô thượng Bồ đề.

Đọc phẩm 16, chúng ta suy nghĩ về Phật. Trước nhất, Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên đất Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ. Ngài mang thân tứ đại là thân phải chịu sự ràng buộc của quy luật sanh, lão, bệnh, tử, mà Đức Phật thường nhắc chúng ta rằng cái gì có sanh tất phải có diệt. Vì vậy, không có gì phải thắc mắc khi sanh thân Phật trụ thế 80 năm thì Ngài viên tịch.

Nhưng Đức Phật là đấng Đại giác. Sự sống của Phật đã vượt ngoài sự chi phối của sinh tử luân hồi và hơn thế nữa, Phật có sanh, nhưng không có diệt, vì Ngài đã thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử.

Và để thâm nhập Pháp thân, phải nương theo kinh Pháp hoa là tự trong sạch hóa thân tâm và có tuệ giác để quán sát các pháp, chuyển hóa các pháp thành thân, gọi là Pháp thân mới bất tử.

Đức Phật thâm nhập Pháp thân. Ngài dạy rằng cái gì không sanh thì không diệt. Thâm nhập Pháp thân, trí và pháp kết hợp; nói cách khác, pháp phải có trí chỉ đạo, khác với người bị vô minh ngăn che. Con người có trí viên mãn chỉ đạo là Như Lai không sai lầm, không kẹt sinh tử; đó là pháp tu chúng ta cố gắng thành tựu cho được.  
 
Trích từ: https://daotrangphaphoa.net/


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh Pháp Hoa, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
2.    Kinh Pháp Hoa - Phẩm Phổ Môn, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
3.    Kinh Pháp Hoa Giảng Giải, Cư Sĩ Lê Sỹ Minh Tùng
4.    Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
5.    Kinh Pháp Hoa Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thái Hòa
6.    Kinh Phổ Môn Xuất Tượng, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
7.    Lược Giải Kinh Pháp Hoa, Hòa Thượng Thích Trí Quảng
8.    Nghi Thức Lạy Tam Bảo, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
9.    Pháp Hoa Bộ 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
10.    Pháp Hoa Bộ 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Pháp Hoa Huyền Luận, Đại Sư Gia Tường Cát Tạng | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
13.    Pháp Hoa Nghĩa Sớ, Đại Sư Gia Tường Cát Tạng | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Pháp Hoa Tông Yếu, Đại Sư Hám Sơn | Ni Sư Hải Triều Âm, Việt Dịch
15.    Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan