Mọi người học tập, tu pháp môn Tịnh độ, trước tiên phải có đầy đủ tư lương tín, nguyện, hạnh. Trong Kinh A Di Đà yếu giải, có nói: “Không có tin thì không thể phát nguyện, không có phát nguyện thì không có thực hành”. Chúng ta tham dự Phật thất niệm Phật bảy ngày chú trọng là thực hành. Phương pháp dụng công niệm Phật phải như thế nào? Bình thường có bốn phương pháp niệm Phật. Hiện tại, tôi xin đơn cử nói đến phương pháp được nhiều người thực hành nhất, một phương pháp dễ thực hành, lại dễ thành công nhất, đó là phương pháp Trì danh niệm Phật. Trì danh, thế nào là trì danh? Là trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật vạn đức hồng danh. Đương nhiên, trì niệm danh hiệu của các Đức Phật khác công đức cũng không thể nghĩ bàn. Vậy thì tại sao Đức Phật Thích Ca lại đề cử Phật A Di Đà là tôn quý nhất trong vô lượng chư Phật? Tại sao Ngài lại khuyên chúng ta thành kính mà niệm danh hiệu Ngài? Vì Phật A Di Đà có nguyện lực rất lớn, Ngài phát bốn mươi tám lời nguyện, độ tất cả chúng sinh. Do đó, chúng ta không cần phải trì niệm bất cứ một danh hiệu Phật nào nữa, để dễ chuyên tâm. Vì thế, cổ đức có nói: “Chuyên tu thì vạn người tu vạn người được” là vậy.
Chúng ta khi dụng công niệm Phật, không kể là niệm bốn chữ hoặc sáu chữ, phải niệm sao cho từng câu từng chữ rõ ràng. Danh hiệu phải lưu xuất từ tâm thành kính, tai phải nghe từng câu từng chữ rõ ràng, tâm phải lưu xuất chú ý vào danh hiệu. Một câu danh hiệu niệm như vậy, nghìn câu vạn câu cũng niệm như vậy, ngày nay niệm như vậy, ngày mai cũng niệm như vậy, năm này niệm như vậy, năm tới cũng nên niệm như vậy, cho đến trăm năm cũng niệm như thế. Điều quan trọng là tâm phải thường hằng, không được ngày nay niệm ngày mai lại phế bỏ, tâm không chuyên nhất khó mà được vãng sinh, lại phí công sức nữa.
Chúng ta nên niệm bốn chữ hay sáu chữ? Kỳ thật, niệm bốn chữ hay sáu chữ công đức đều giống nhau, không phải niệm sáu chữ là tốt hơn bốn chữ. Trong kinh điển thường gọi người chấp trì “A Di Đà Phật”, song, tại sao cần phải niệm thêm hai chữ “Nam mô”? “Nam mô” có nghĩa là quy mạng, là quy y, cũng có ý nghĩa là “nhất tâm”, chúng ta nhất tâm quy mạng A Di Đà, nếu bạn muốn niệm chậm thì niệm sáu chữ, muốn niệm nhanh thì trì niệm bốn chữ, cái nào cũng tốt.
Chúng ta niệm Phật cũng phải như ăn cơm vậy. Mỗi ngày đều phải ăn, từ khi lọt lòng mẹ đã ăn rồi, hiện tại ngày nào cũng phải ăn. Vậy đến khi nào mới ngừng ăn? Chỉ có khi nào Diêm vương đến rước bạn mới ngừng ăn thôi. Chúng ta niệm Phật cũng phải giống như vậy. Phải niệm cho rõ ràng, niệm đến khi nào Phật A Di Đà đến tiếp dẫn mới thôi niệm. Không nên cho rằng niệm một ngày, hai ngày, hoặc một Phật thất, hay hai Phật thất là được, mà phải niệm Phật, niệm đến lúc nào thành thục mới thôi. Giống như một em tiểu học, học thuộc lòng văn chương, học một lần không thuộc, lại học hai lần, ba lần vẫn không thuộc thì phải đọc đến trăm lần, học đến khi nào thuộc mới thôi. Chúng ta niệm Phật cũng phải như vậy, niệm đến khi nào Phật A Di Đà đến tiếp dẫn mới có thể dừng nghỉ được.
Chúng ta một khi được vãng sinh rồi thì không còn lo sợ không thành Phật nữa. Phàm phu sinh đến Tây phương, đầu tiên là tạm trú tại cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sau đó lại đến ở tại Phương Tiện Hữu Dư độ, Thật Báo Trang Nghiêm độ, sau cùng là tiến nhập vào Thường Tịch Quang Tịnh độ mà thành Phật. Chúng ta tại sao cần phải niệm Phật? Vì muốn được thành Phật, thành Phật để làm gì? Vì độ chúng sinh. Do đó chúng ta cần phải phát Bồ đề tâm mà niệm Phật, hành Bồ Tát đạo mà niệm Phật, có như thế mục đích mới chính xác. Nếu bạn xả bỏ tâm Bồ đề mà niệm Phật tức là kim chỉ nam của bạn đã sai hướng rồi, một khi vãng sinh Tịnh độ rồi cần phải trở lại Ta Bà để độ chúng sinh, độ chúng sinh đến khi nào mới dừng nghỉ? Đến khi nào chúng sinh hết, giác hạnh viên mãn mới thôi.