Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Su-Sinh-Hoat-Hang-Ngay-Cua-Doi-Song-Y-Nghia

Sự Sinh Hoạt Hằng Ngày Của Đời Sống Ý Nghĩa
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang

Quy y là những tín ngưỡng minh chánh, giữ giới là những hành động hiệu lực đối với đời sống ý nghĩa của Phật tử, nhưng đó chỉ là 2 sự thực hành căn bản. Từ căn bản này, người Phật tử muốn thực hiện có hiệu quả đời sống ý nghĩa của mình thì phải làm gì nữa trong hằng ngày và ngay trong tâm niệm? Kinh nghiệm cho ta thấy điều này mới thật quan trọng. Thường chúng ta hay với lên những điều cao xa, đồ sộ, chúng ta say mê xây nền đắp móng nhưng trong khi đó chúng ta quên đi những viên gạch và những lát vôi mà chính nhờ chúng, lâu đài đồ sộ của đời sống ý nghĩa mới cất lên được từ nền móng đến tầng cao chót vót. Thực vậy, đời sống ý nghĩa đồ sộ chính thực được tạo ra do những sự sinh hoạt chân xác trong hằng ngày và trong tâm niệm. Cho nên sau đây là 2 điều mà mọi người không thể thiếu trong sự sinh hoạt nhật dụng của mình; phảo tụng niệm và phải có ý thức.

a) Phải tụng niệm. –  Như danh từ của nó, sự tụng niệm là đọc và nhớ lại những điều mình cần phải làm, những đức tính mình cần phải thực hiện. Sự tụng niệm ấy chẳng có gì khó cả trong nghi thức sau đây:

Đại từ đại bi thương chúng sanh.

Đại hùng đại lực cứu muôn loài,

Nam mô A Di Đà Phật (30 lần)

Cứ mỗi buổi tối, trước khi nằm ngủ, ngồi đọc lên tiếng hay đọc thầm như thế. Trường hợp khác cũng có thể tụng niệm như thế được, khác chăng là tuỳ lúc mà đọc ra tiếng hay đọc thầm mà thôi. Riêng tiếng niệm danh hiệu của Phật, ngoài 30 lần mà thêm nữa thì càng nhiều càng hay. Ai muốn và có thể học thuộc lòng thì tụng thêm bài sám hối sau đây:

Đệ tử kính lạy,
Đức Phật Thích Ca,
Phật A Di đà,
Thập phương chư Phật;
Vô thượng Phật pháp,
Cùng Thánh hiền tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
Nghiệp chướng nặng nề,
Tham giận kiêu căng,
Si mê lầm lạc,
Ngày nay nhờ Phật,
Biết sự lỗi lầm,
Thành tâm sám hối:
Thề tránh điều dữ,
Nguyện làm việc lành,
Ngữa trông ơn Phật,
Từ bi gia hộ,
Thân không tật bệnh,
Tâm không phiền não,
Hằng ngày an vui tu tập,
Pháp Phật nhiệm mầu,
Để mau ra khỏi luân hồi,
Minh tâm kiến tánh,
Trí tuệ sáng suốt,
Thần thông tự tại,
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng,
Cha mẹ anh em,
Thân bằng quyến thuộc,
Cùng tất cả chúng sanh,
Đồng thành Phật đạo.

b) Phải có ý thức. – Tức là tự biết và luôn luôn tỏ ra mình là Phật tử trong bất cứ trường hợp nào. Ý thức này ta phải bộc lộ thực sự ra bề ngoài bằng cách đeo tượng Phật vào cổ, bằng cách kính chào liệt vị Tăng già, bằng cách niềm nở với những người Phật tử của mình. Chúng tôi công kích thực sự và chúng tôi nhận thấy rất hợp lý trong sự công kích đó, là cho những người Phật tử mà không tỏ ra mình là một Phật tử như trên đây, thì dẫu vô ý hay vô tình, cũng không còn đáng được gọi là Phật tử nữa. Chúng ta không cần phải nói đến cái vinh dự của một Phật tử mà chúng ta đã có diễm phúc được làm. Không bao giờ chúng ta phải nói đến vinh dự hay cần vinh dự. Nhưng thực tế, khi tỏ ra mình là một Phật tử thì ý thức ấy nó nhắc nhở ta nhớ những nghĩa vụ và trách nhiệm mà mình phải có. Chính ý thức đó là một sức mạnh ngưng lại tất cả ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động bất chánh của mình, đồng thời, nó kích động cho mình một cách tự nhiên những hoạt động cùng những ý tưởng hợp lý. Quên mình là Phật tử thì tất cả những gì một Phật tử phải có, mình sẽ quên hết. Vì vậy, luôn luôn ta phải có ý thức mình là Phật tử và luôn luôn trong mọi trường hợp, phải công nhiên, thẳng thắn, tỏ ra mình là Phật tử đây.

Cái cây sống và lớn được là nhờ nó hút lấy các chất dinh dưỡng và tạo thành trong nó những nhựa sống. Cũng y như thế đó, sự tụng niệm là thu hút vào mình những thứ của chánh pháp quí giá để tạo thành ý thức Phật tử, nhựa sống cần thiết cho đời sống ý nghĩa. Phật tử sẽ mất hết tất cả quy y, giữ giới, mất hết tất cả tín ngưỡng minh chánh và hành động hiệu lực mà luôn theo đó mục đích hợp lý cũng tan nát, nếu hằng ngày không có sự tụng niệm và quên mình là Phật tử ngay trong tâm niệm, trong mọi trường hợp. Như những viên gạch chắc chắn xây thành lầu đài đồ sộ, chính sự tụng niệm trong hằng ngày và ý thức Phật tử trong tâm niệm ấy tạo nên đời sống ý vị hoàn toàn. Mạch máu làm sống cơ thể như thế nào, những sự sinh hoạt vi tế ấy làm sống cuộc đời ý nghĩa cũng y như vậy.

Huống chi sự tu hành chính là sự huân tập, nghĩa là xông ướp dần dần mình vào trong hương hoa vô thượng của Chánh pháp, biến khí vị tội ác, si mê và buông xuôi của nó thành hương thơm từ bi, trí tuệ và nỗ lực. Mà sự tụng niệm như trên, như chúng ta đã thấy, là ôn đọc lại những chánh pháp mà Phật đã huấn thị, là tưởng niệm những đức tánh cao cả mà ngài có, và thâm vào ý thức Phật tử luôn luôn nhắc nhở mình là con Phật, mình phải làm gì và nghĩ gì, thì chính đó: tất cả sự huân tập mà do nó, và chỉ có nó, tạo thành đời sống đầy ý nghĩa. Cho nên, bằng tất cả kiên nhẫn cần thiết, ta phải huân tập hương hoa của chánh pháp vào đời mình trong sự sinh hoạt hằng ngày và trong tâm niệm, trong mọi trường hợp. Nói cho khắc thực thì sự tu tập là tự chiến thắng tâm lý của mình. Mà sự tự chiến thắng tâm lý chính là sự tụng niệm và ý thức Phật tử. Đức Phật có dạy “trải qua vô số kiếp, tôi chiến thắng tâm lý mà tự đưa mình đến địa vị giác ngộ tối thượng”. Giờ đây, khoan nói đến sự giác ngộ tối thượng, ngay đời sống ý nghĩa mà chúng ta ước vọng, cũng chỉ thành tựu được do sự tự chiến thắng tâm lý của mình mà thôi.
 
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ