Home > Khai Thị Niệm Phật > De-Nhat-Nghia-De-Cuu-Canh-La-Khong
Đệ Nhất Nghĩa Đế Cứu Cánh Là Không
Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Thích Tâm An, Việt Dịch


Nếu y theo đệ nhất nghĩa đế mà nói, thật tướng chân như cứu cánh là không. Nói nhiều thì lại càng sai, nói đúng hơn “tâm suy nghĩ tức là sai”. Tâm phải không có một mảy may trụ chấp vào bất kỳ một pháp nào, ngay cả danh từ “không” cũng không trụ, cũng phải bỏ đi, đó mới gọi là niệm Phật thật tướng, niệm đệ nhất nghĩa đế không, cũng là niệm mà vô niệm, mọi người nghe qua khó mà hiểu được. Học Phật pháp điều đáng sợ nhất là không hiểu, vì không hiểu sẽ đưa đến hiểu lầm, rồi sinh ra hủy báng. Nhưng chúng ta nghe dần dần sẽ liễu giải được thôi. Nếu không giảng, thì mãi mãi chư vị sẽ không thể hiểu được. Hiện tại trong khóa tu, chúng ta không dùng phương pháp thật tướng niệm Phật, mà chỉ chú trọng trì danh niệm Phật thôi. Niệm Phật thật tướng là chuyên nhờ vào tự lực, trong khi đó căn cơ chúng ta ở đây còn thấp kém nên chỉ chú trọng trì danh niệm Phật là chính, vì trì danh niệm Phật là nhờ vào tha lực. Thời đại mạt pháp ngày nay, nếu không nhờ vào tha lực sẽ không bao giờ có ngày liễu sinh thoát tử, chư vị nên chú ý điều đó!

Phật pháp giảng bản thể muôn vật không. Song, tất cả hiện tại sự vật là có, giống như hư không, bản chất của nó vốn là không, song, trời đất, sông núi, tất cả các tinh cầu, nhân vật đều trụ trong hư không, từ hư không mà lưu xuất. Bản thể hư không, không có cái gì nên gọi là không. Chính vì bản thể vốn là không đó, nó mới có năng lực chứa tất cả các pháp. Không có một pháp nào mà không trụ trong hư không, nếu lìa “không”, sẽ có pháp gì nữa không? Chúng ta hằng ngày theo tập quán, chỉ cho rằng “không” là không có gì cả. Song, “không” không phải là không có gì. Như chư vị xem, hiện tại trong niệm Phật đường này, bản chất là không, nếu không có “không” thì làm sao có thể dung chứa được tượng Tam Thánh? Làm sao có thể chứa đựng được những thứ trang nghiêm khác? Lại nữa, làm sao có chỗ cho chúng ta niệm Phật, lạy Phật? “Không” chính mới có thể dụng, “không” có không thì không có thể dụng. Do đó, chư vị nghe qua trí tuệ có thể phát khởi rồi, hy vọng từ đây chư vị không còn ngộ nhận cho “không” là không có gì nữa. Xin chư vị hằng ngày cứ lấy hư không quán sát làm thí dụ, chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh. Một lúc nào đó, chư vị sẽ liễu giải được nghĩa lý vi diệu chân không của Phật pháp. Chúc chư vị thành công!