Người xưa bảo:
- Chớ đợi đến già mới học đạo. Mộ phần đầy cả thiếu niên!
Lúc đến tuổi già, bị trăm thứ bịnh khổ. Tai không nghe được. Mắt không thấy rõ. Bốn cơ chi không còn sức lực. Ăn không được, ngủ không yên, đi không nổi. Những nỗi khổ này, người trẻ chưa nếm qua. Lúc trẻ, tôi cũng giống như quý vị, thấy các người già đến, đều không thích. Nói chuyện, họ không nghe rõ. Nước mắt nước mũi chảy lê thê, nhìn trông gớm ghê, nên rất sợ sống chung với họ. Hiện tại, tôi đã già nên biết cái khổ của người già. Đối với người già, ngày này luôn khác với ngày nọ.
Từ khi có biến cố tại Vân Môn, thân tôi ngày ngày đều thay đổi; cứ mãi nằm trên giường bịnh, bị bao khổ não bức bách. Sáng tối nghĩ suy, đường lộ hoang mang, đạo nghiệp chưa thành, sanh tử chưa đoạn; mở miệng chẳng ra lời, chắc phải bị đầu thai. "Muôn thuyền đẩy không nổi, chỉ theo nghiệp mà thọ sanh".
Lúc còn trẻ không thì chịu tu, để hôm nay đợi đến già mới ra nông nỗi này. Hôm nay, chúng ta có dung mạo tăng tướng đàng hoàng, đều do kiếp xưa đã trồng căn lành, nên mới được báo thân đoan trang, chớ nên làm hư hạt giống lành.
Động Sơn hỏi tăng:
- Việc khổ nhất trên thế gian là gì?
Tăng đáp:
- Địa ngục khổ nhất.
- Chẳng phải! Nơi y phục kim tuyến này, chưa biết được nguồn mối việc lớn, mới là khổ nhất!
Nếu sáng việc lớn, tức không còn nhân địa ngục. Địa ngục chưa hẳn là khổ, vì chưa hiểu rõ tự tâm mới là khổ nhất. Muốn hiểu được việc lớn, phải thường nỗ lực tinh tấn, chớ sao lãng khinh xuất, lo lắng bận bịu mãi, khiến phí mất thời giờ. Ban ngày, ứng duyên gặp cảnh, phải luôn làm chủ. Ban ngày làm chủ được thì trong mộng cũng tự chủ được. Trong mộng tự chủ được thì lúc bịnh hoạn, cho đến lúc sắp mất cũng tự làm chủ được. Làm chủ được vì bình thường tự chủ được chính mình. Tự chủ chính mình tức là dễ dàng ngộ đạo, cắt đứt sanh tử. Chưa ngộ đạo thì sanh tử khó cắt đứt. Ngộ đạo không khó, chỉ quan trọng là luôn khởi tâm thống thiết vì sanh tử, luôn hướng về đạo, và đầy đủ tâm dài lâu, cùng tâm kiên cố, cho đến chết cũng chẳng thối chuyển. Tuy chưa ngộ đạo, nhưng đời nay không thối chuyển, và đời sau sẽ lại nỗ lực tinh tấn, thì có lý do gì không ngộ đạo?
Trong kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm vị thánh chứng được viên thông. Mỗi vị thánh, trải qua bao kiếp dài lâu trường kỳ tu tập, nên mới thành tựu. Chúng ta vì không có tâm thống thiết về sự sanh tử, nên không phát tâm dài lâu. Lúc bịnh thì mới nghĩ đến sự sanh tử. Lúc lành bịnh thì đạo tâm lui sụt. Thế nên, kinh Lăng Nghiêm nói: "Phàm phu tu hành như bị bịnh sốt rét cách ngày".
Khi bịnh thì nhớ đến đạo. Lành bịnh thì quên mất đạo. Khởi vô minh như bị bịnh sốt rét. Vì vậy, phải nên nỗ lực tinh tấn, sanh tâm sám hối, khởi tâm kiên cố, chớ nên chỉ tu hành trong vài ngày rồi nghỉ ngơi. Tu hành phải thâm nhập vào một pháp môn, tức dùng pháp môn đó làm chính, còn các pháp môn khác làm phụ. Mỗi người tu mỗi pháp môn. Chớ cùng nhau phỉ báng khinh chê, xem thường Phật pháp. Muốn hưng thịnh Phật pháp, phải thường khuyên nhủ tán thán giúp đỡ lẫn nhau. Hỗ tương phỉ báng tức là điềm Phật pháp sắp bị hoại diệt.
Phật tử nếu chuyên tâm hướng về đạo, nhớ nỗi thống khổ của sanh tử, thì ăn không cần no, mặc không cần ấm, ngủ không cần đủ.
Xưa kia thừa tướng Bùi Hưu cho con đi xuất gia. Người con vốn là hàn lâm học sĩ. Ông ta lạy tổ Quy Sơn làm thầy, và được pháp danh là Pháp Hải. Lời giáo huấn của ngài Quy Sơn trong quyển Cảnh Sách Châm, viết: "Y phục và thức ăn không dễ dàng mà có. Sao lại cầu y phục nhu nhuyến và đồ ăn béo bổ? Chỉ ăn rau xanh cơm trắng bình thường. Tùy thời khắc, mặc vải bố thô tầm thường. Người khác ngủ rồi mình mới đi ngủ. Tối canh ba đến đầu canh năm, luôn hướng tâm đến điện Phật Thích Ca".
Ngài Quy Sơn bảo Pháp Hải mỗi ngày phải gánh nước phục vụ đại chúng. Ngày nọ, vì gánh nước quá mệt, Pháp Hải tự nhủ thầm:
- Các ông hòa thượng xin nước của hàn lâm học sĩ gánh. Những giọt nước này, uống khó mà tiêu.
Pháp Hải trở về chùa. Ngài Quy Sơn biết tâm niệm của đệ tử mình, nên hỏi:
- Hôm nay con nói những lời gì?
Pháp Hải thưa:
- Con đâu có nói gì!
Lần khác, Ngài bảo Pháp Hải:
- Lão tăng ngồi một lần, có thể tiêu muôn ngàn ký gạo.
Vì vậy, đối với hàng xuất gia, không màng quý vị sanh nhà phú quý giàu sang, một khi đã bước vào cửa nhà Phật thì phải xả bỏ tất cả; luôn chuyên tâm hướng đạo, thì mới thật là con cháu có bổn sắc thiền tông.