Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Su-Sanh-Tu-Cua-Con-Nguoi-Chi-Do-Hai-Luc-Tao-Nen

Sự Sanh Tử Của Con Người Chỉ Do Hai Lực Tạo Nên
Pháp Sư Viên Nhân | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Quảng Ánh

Sự sanh tử của con người chỉ do hai lực tạo nên, một là tâm lực thật nhiều mối, bên nào nặng thì nghiêng về. Hai là nghiệp lực, như người mang nợ, mạnh thì kéo dắt trước. Nghiệp lực rất lớn mà tâm lực còn lớn hơn. Vì nghiệp lực không có tự tánh, chỉ hoàn toàn nương vào tâm. Tâm hay tạo nghiệp, thì tâm cũng chuyển được nghiệp. Tâm lực có nặng, nghiệp lực có mạnh thì mới dẫn dắt thọ sanh. Nếu dùng tâm nặng này mà tu tịnh nghiệp thì tịnh nghiệp rất mạnh. Tâm nặng nghiệp mạnh thì chỉ một bề nghiêng về Tây phương mà thôi.Thế thì mai sau thân chung mạng tận nhất định vãng sanh Tây phương chứ chẳng thể sanh vào chốn khác. Như cây lớn, tường cao bình thường đã nghiêng về hướng Tây, mai sau nếu có đổ hẳn sẽ không đổ về hướng khác. Thế nào là tâm sâu nặng? Như chúng ta chuyên tu tịnh nghiệp, trong đó Tín quý ở chỗ sâu bền, Nguyện quý ở chỗ tha thiết, không bị bất cứ tà thuyết nào mê hoặc hay làm giao động, không bị tất cả cảnh duyên nào xoay chuyển. Nếu đang lúc chuyên tu Tịnh nghiệp, dẫu có Đại Sư Đạt ma bỗng nhiên hiện đến nói rằng: "Ta có pháp Thiền chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, ông hãy lìa bỏ niệm Phật, ta sẽ trao pháp Thiền này cho ông". Bấy giờ ta nên đảnh lễ Tổ Sư mà bạch: "Trước, con đã lãnh thọ pháp môn Niệm Phật của Thích Ca Như Lai, phát nguyện tu trì suốt đời chẳng thay đổi. Tuy Tổ Sư có pháp Thiền thâm diệu, nhưng con chẳng dám trái với bổn nguyện". Dẫu có Đức Thích ca Như Lai bỗng hiện thân đến dạy rằng: "Trước kia ta đã thuyết môn niệm Phật, đó chỉ là phương tiện nhất thời. Nay ta lại có pháp môn thù thắng khác siêu việt hơn. Ông nên lìa bỏ pháp niệm Phật, ta sẽ nói thắng pháp cho ông nghe". Cũng như thế, ta cúi đầu lễ Phật mà bạch rằng: "Trước kia con đã lãnh thọ pháp môn Tịnh nghiệp của Thế Tôn, dù chỉ còn một hơi thở, con quyết cũng chẳng đổi thay. Tuy Như Lai có thắng pháp, nhưng con chẳng dám trái với bổn nguyện”. Dù Phật, Tổ hiện thân còn chẳng thay đổi được tín tâm, huống gì Ma vương, ngoại đạo, tà thuyết hư vọng mà có đủ năng lực mê hoặc ta ư? Tín được như thế mới gọi là sâu vậy. Nếu có bánh xe sắt nóng đỏ xoay chuyển sát đầu ta, cũng chẳng lấy sự khổ này mà lui sụt tâm nguyện vãng sanh. Nếu năm dục thắng diệu của Luân vương hiện trước mặt, cũng không vì niềm vui này mà lui sụt tâm nguyện vãng sanh. Dù thuận nghịch cùng tột cũng không đổi được tâm nguyện, huống gì cảnh giới thuận nghịch nhỏ bé của thế gian mà xoay chuyển được ta sao? Nguyện như thế mới thật là nguyện chí thiết. Tin sâu Nguyện thiết, đó là dùng tâm sâu nặng mà tu Tịnh nghiệp thì nghiệp nhất định mạnh. Vì tâm nặng thì dễ chuyên nhất, nghiệp mạnh mẽ thì dễ thuần thục. Nếu tịnh nghiệp Cực Lạc thuần thục thì nhiễm duyên Ta bà liền dứt. Nếu nhiễm duyên Ta bà đã dứt, khi lâm chung, dù muốn cảnh giới luân hồi trở lại hiện tiền thì cũng chẳng thể được. Nếu tịnh nghiệp đã thuần thục, khi lâm chung dù muốn tịnh độ Di Ðà chẳng hiện thì cũng không thể được. Nhưng Tín và Nguyện này lúc bình thường cần phải kiên cố thì khi lâm chung mới không rơi vào đường nhỏ hẹp. Như cổ đức lúc lâm chung, chư thiên cõi Dục đến tiếp dẫn, nhưng các ngài chẳng chịu đi, chỉ một lòng đợi Phật. Sau đó chư Phật hiện, liền nói rằng: "Chư Phật đã đến", rồi chắp tay thị tịch.
Trích từ: Liên Trì Cảnh Sách
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan