Home > Khai Thị Phật Học > Duc-Phat-Day-Ba-Tam-Khong-The-Nam-Bat
Đức Phật Dạy: "Ba Tâm Không Thể Nắm Bắt"
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Trong kinh Kim Cương đức Phật dạy: "Ba tâm không thể nắm bắt"(1), vạn pháp đều do duyên sinh". Ý tứ của câu này muốn nói, chúng sanh thường lấy cái tâm phân biệt, chấp trước, tham ái, bảo thủ, cho cái thân này là ta (ngã); trong khi đó, chính cái tâm ấy là hư vọng, không thật có, không thể nắm bắt được; vì vạn pháp đều do duyên sinh, cho nên bản chất của nó vốn không có tự tính, tức cũng là hư vọng, không thật, không thể nắm bắt.

Chủ thể là tâm, đối tượng là các pháp, còn gọi là năng và sơû, cả hai đều không thể nắm bắt, đó là lời dạy của đức Phật cho chúng ta biết chân tướng của sự thật. Không những tất cả các pháp đều không thật, không thể nắm bắt, mà ngay cả cái không phải pháp (phi pháp) cũng không thật, cũng không thể nắm bắt được.

Tại sao đức Phật lại nói cái không phải pháp (phi pháp)? Phi pháp là tướng không, pháp là tướng có. Trong ba cõi, thì chúng sanh ở cõi Dục và cõi Sắc chấp có, còn chúng sanh ở cõi Vô Sắc chấp không. Không và có gọi là nhị nguyên đối đãi, cả hai đều không thật, không thể nắm bắt được. Rời khỏi ý niệm có và không là vượt thoát được sinh tử luân hồi.

Tuy nhiên, vượt ra ngoài ba cõi, đạt đến Niết bàn thiên chơn, cũng là rơi vào tướng không, không thật. Các bậc A La Hán, Bích Chi Phật chứng nhập Niết bàn, là ở trong loại Niết bàn này. Trong kinh đức Phật nói: "A La Hán ở trong Niết bàn thiên chơn 2 vạn kiếp; Bích Chi Phật ở trong đó 1 vạn kiếp". Trong khoảng thời gian dài này họ không làm gì cả, công phu tu tập hoàn toàn bị đình trệ, không một chút tiến bộ. Cho nên gọi là "đọa vào chỗ vô vi". YÙ tứ của câu kinh này rất sâu sắc. Sở dĩ đức Phật nói như vậy là vì muốn giáo hóa cho hàng Bồ tát đừng bám trụ vào ý niệm có và không. Đó chính là ý nghĩa câu kinh "vô thượng thậm thâm vi diệu pháp", là "vô thượng bồ đề".

Con người sống trong thế gian này, từ đời này qua đời khác, bất luận là chịu khổ đau nhiều hay ít, sang hèn thế nào, đều do bốn yếu tố sau đây làm chủ: báo ân, báo oán, vay nợ, trả nợ.

Chẳng hạn như những nhà tư bản phương Tây, họ có công ty, công sở và rất nhiều nhân công. Họ nuôi những người này cũng chỉ vì trong quá khứ, nhiều đời về trước đã mắc nợ lẫn nhau. Nếu mắc nợ nhiều thì phải nuôi cả đời. Còn nếu như mắc nợ ít, thì có thể nuôi một năm, hai năm. Khi một công nhân rời khỏi công ty, đó là họ đã trả xong nợ. Cho nên, hằng ngày phải siêng năng tính toán, lên kế hoạch kinh doanh… đều là nghĩ cách đòi nợ và trả nợ cho nhau mà thôi. Những người công nhân đối xử với họ rất cung kính, tôn trọng, toàn tâm toàn lực thay họ làm việc, đó là sự báo ân. Nhưng cũng có người mới bị khiển trách chút ít đã nghĩ cách trả thù, đó là sự báo oán. Chúng ta xem xét thấu đáo điểm này một chút thì đối với sự thật chân tướng của cuộc đời không có gì là khó hiểu. Tất cả đều diễn biến theo một chuỗi dài nhân – duyên – quả mà thôi! Nhận thức như vậy thì cái tâm tham luyến thế gian này tự nhiên phai nhạt dần.

Chỉ khi nào thấu hiểu một cách rõ ràng chân tướng sự thật của cuộc đời thì khi ấy mới biết bỏ ác, tu thiện, mới biết tích lũy công đức, mới biết niệm Phật cầu thoát sinh tử, mới xem việc thoát khỏi ba cõi là vấn đề cần thiết, có tính chất cấp bách. Đó mới là người giác ngộ chân chính, mới là người có trí tuệ chân thật. Nếu như vẫn còn tham luyến cuộc đời này, tham muốn công danh, phú quý, thì nhất định không thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mà một khi không thoát khỏi được vòng sinh tử luân hồi thì cơ hội sinh vào trong ba đường thiện rất ít, ngược lại, nguy cơ rơi vào trong ba đường ác lại rất lớn.