Home > Khai Thị Phật Học > Bon-Phap-Y-Cu
Bốn Pháp Y Cứ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Pháp Phật muôn màu muôn dạng, lý sự viên dung hiển bày; người học Phật cảm thấy may mắn hòa nhập vào biển pháp chân như, không bị gò bó trì trệ như pháp thế gian sanh diệt. Nhưng trong thế gian sanh diệt đó lại hiển hiện giáo lý mầu nhiệm của duy tâm, duy thức, rốt cuộc chỉ là những pháp tùy duyên biến hiện đi vào bản thể chân tâm.

Người học Phật cầu pháp bất sinh bất diệt cũng chỉ là quay về với tự tánh chính mình; nhưng vì chúng sanh lạc đường quên lối, nên phải tìm lại con đường xưa cũ mà đi. Pháp Tứ Y là con đường nhỏ hướng dẫn người thật tu thật học, khởi bước vào ngôi nhà Phật Pháp; pháp Tứ Y là bốn sự nương theo: Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, và Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh.

Y pháp bất y nhân (y theo pháp (chánh pháp) không y theo người).

Người học Phật xưa nay thường phải tìm cầu, ra công nghiên cứu học hỏi để hiểu đạo trước khi thực hành. Trong việc tìm thầy học đạo, chúng ta phải đối diện rất nhiều vấn đề; những vấn đề ấy gọi là phương tiện, đưa dẫn chúng ta đến đích hiểu đạo thành đạo. Người học Phật với lòng mong muốn tha thiết, vì giải thoát nên không kể gì đến hoàn cảnh khó khăn, mà chỉ cầu đạt đến mục đích. Chúng ta thường nghe thời xưa người tìm đạo gian khổ là vậy. Chẳng hạn như Ngài Huệ Khả (Nhị Tổ Thiền Tông ở Trung Hoa) tìm học đạo với Tổ Bồ Đề Đạt Ma; nếu không vì lòng tha thiết dũng cảm cầu đạo, thì làm sao Ngài có thể chịu đựng được những nghịch cảnh khi đối diện với Tổ. Vẽ lạnh lùng dị tướng của Tổ Đạt Ma vẫn không làm Ngài nản lòng, không dẹp được tâm cầu đạo; bởi vì Ngài hiểu lợi ích quý báu của Phật pháp khó gặp khó nghe. Ngài chẳng những vượt qua trong niềm an nhẫn, lại dám hy sinh xem thân xác mình chẳng kể ra chi; chỉ muốn đón nhận nghe được nguồn pháp Phật cao siêu giải thoát. Đó là cung cách chặt lìa cánh tay tỏ lòng kính mộ cầu pháp với Tổ.

Người xưa cầu đạo học pháp như Ngài khó mà có được. Ngày nay chúng ta chẳng gặp khó khăn mất công tìm đạo, cầu pháp. Muốn nghe pháp thì trước mặt cả chồng băng cassette đủ loại bài giảng của hàng mươi vị Pháp sư. Muốn vừa nghe vừa thấy hình tướng Pháp sư, thì xem băng hình băng đĩa video. Người nào thông thái muốn nghiên cứu sâu hơn, đến thư viện chùa mặc sức tra cứu tỉ mỉ từng dòng từng chương Phật pháp đủ loại. Nếu biết thêm ngôn ngữ khác, nhất là Anh văn, Pháp văn thì kiến thức Phật pháp lại dồi dào thêm; như đọc hiểu được cổ ngữ Sanskrit, Pali để muốn tìm hiểu bản dịch của người xưa cũng không còn khó nữa. Đây là việc may mắn lớn trong đời mạt pháp. Vì nói là mạt Pháp mà kinh điển pháp Phật vẫn còn quá nhiều, đến nỗi sức của một người dù thông minh lắm, trọn đời cũng khó đọc và hiểu tới phân nữa số kinh sách hiện thời. Suy ra chúng ta quả thật còn quá đủ duyên để tìm lại pháp ngữ của Phật qua kinh văn; hay may mắn hơn nếu được vị pháp sư chân tu thanh tịnh nhắc lại Pháp Phật, thì niềm tín tâm lại khắc sâu hơn nữa. Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ y cứ vào pháp giải thoát, nên việc ước ao một vị pháp sư như ý, nhắc lại lời Phật dạy, đó là tăng thêm nhân duyên lành mà thôi.

Vấn đề y pháp bất y nhân, là thấy rằng việc y theo pháp là việc thực hành theo pháp, vì khi thực hành mới biểu lộ được sự lãnh hội y theo chánh pháp. Nếu y cứ theo giáo pháp chỉ bằng tin tưởng ca tụng, chẳng có thực hành, tất nhiên sẽ kẹt vào hình tướng học Phật. Hình tướng học Phật, là biết để phô trương hiểu biết của mình; từ đó khó tránh được phiền não, sinh ra ngã mạn. Khi ngã mạn liền chấp chặt vào bản ngã, mắc bệnh tự thị, luôn có thái độ phê bình dò xét. Vậy y pháp bất y nhân, là vì giáo pháp mà học để mong được giải thoát. Do lòng cầu pháp nên có thể tiếp nhận học hỏi, từ nhiều người mà không phân biệt, nếu người đó nói đúng chánh pháp. Bằng như người nào kể cả tu sĩ, dù nổi tiếng vang danh, nhưng không nói đúng chánh pháp, chúng ta nhất định không thể y theo.

Để thực hành y cứ đúng như vậy, cần học hỏi thêm nhiều và phải an nhẫn, hòa vui, nhận ra giá trị đích thực việc cầu học Phật pháp; và tất nhiên pháp mà chúng ta cầu học phải là chánh pháp, tức con đường đưa đến sự an lạc giải thoát.

Y nghĩa bất y ngữ (y cứ vào thâm ý, nội dung không y vào lời nói)

Nên biết biển pháp mênh mông bao la, sâu rộng, nhưng chỉ có một vị mặn, đó là giải thoát. Cũng vậy phương tiện giáo pháp đưa người đến giải thoát có rất nhiều; chỉ cần nắm đúng vấn đề mục tiêu học Phật, thì tu pháp nào cũng là lợi ích. Chúng ta có thể hiểu xa hơn, và mở lòng cho rộng, mở tâm cho sâu tiếp nhận giáo pháp giải thoát, làm được như vậy sẽ dễ dàng tìm sự an hòa trong tâm, trong việc xả bỏ những gì không đáng, để đạt được những gì lợi ích.

Mọi người đều biết, Phật pháp từ khi thoát khỏi cái nôi Ấn Độ, Phật pháp lại càng hưng thạnh thêm; và một điều mầu nhiệm là Phật pháp đến đâu hài hòa đến đó. Phật pháp đến Trung Hoa chẳng những hòa nhập dễ dàng, lại càng thăng hoa muôn màu muôn sắc; bằng chứng, là bao di tích thắng cảnh, hình ảnh chùa viện Phật Giáo có mặt khắp nơi trên đất nước Trung Hoa. Rồi lại tiếp theo các nước Tây Tạng, Việt Nam, Nhựt Bổn, Đại Hàn, Thái Lan, Miên, Lào, Đài Loan… Mỗi nước đều mang sắc thái thanh cao riêng biệt, mà cứu cánh vẫn là cái đẹp giải thoát. Sự hài hòa như vậy là do chân lý giáo pháp giải thoát. Nếu không phải thế tức đã mai một hay bị thoái hóa, nghĩa là mất đi tính chất giải thoát, trở thành tôn giáo tôn thờ mê tín thần linh.

Nhận thức được sự thật này, chúng ta dễ thấy học Phật phải cần nắm được cốt lõi trong việc giải thoát; và từ việc nắm được vấn đề, tự nhiên sẽ không bị gò bó câu nệ để không còn kẹt vào cố chấp (ngã chấp, pháp chấp) gây chướng ngại, ảnh hưởng rất nhiều trên đường học Phật.

Y cứ theo nghĩa, là y cứ theo bản thể của Pháp, thật tánh của sự vật chứ không y theo hình tướng pháp tướng của các pháp. Vì hình tướng thì không thật, thay đổi luôn luôn, còn pháp tánh bản thể là bất diệt. Nếu y cứ vào lời nói văn tự của vị Pháp sư, hay ngay cả từng chữ từng lời trong kinh luận tất sẽ phải ngỡ ngàng, vì chỗ đây nói vậy, chỗ kia nói khác; vị giảng sư này cho là thế, vị giảng sư kia không cho là vậy. Hãy nghĩ xem các nước Phật Giáo trên thế giới mỗi nước đều có thư viện kinh sách, trong đó chứa đầy kinh luật luận; và chỉ có người bản xứ nước đó mới đọc hiểu trôi chảy; nếu đưa một người nước khác (cũng là nước Phật Giáo) đến, bảo đọc và giải thích thì quả thật là việc khó khăn, cho dù vị này là học giả Phật Giáo thông hiểu nhiều ngôn ngữ đi nữa, cũng chỉ hạn hẹp đọc được giới hạn nào thôi. Và điều dễ dàng nhất là vị học giả kia sẽ lịch lãm phân tích khi đọc ngôn ngữ nước mình. Đó là nói một học giả, còn nói về một nhà sư bình thường chỉ biết duy nhất một ngôn ngữ; đối với ông, nhìn đống kinh sách ngoại ngữ kia cũng chỉ là một đống giấy vô dụng không hơn không kém. Nhưng ngược lại ông đã tận hưởng được niềm an lạc tinh túy của diệu pháp, vì ông có thực hành theo kinh sách qua ngôn ngữ của ông. Như vậy không kể ngôn ngữ chi miễn sao bày tỏ được, diễn đạt được cốt lõi của Phật pháp thì tất cả đều có cùng một hạnh phúc an lạc.

Qua đó ta thấy, nếu khổ đau là chân lý (khổ đế) thì con đường hạnh phúc (diệt đế) cũng là chân lý, trong đó sẽ không còn những hạn cuộc ngôn ngữ văn chương. Người theo Nam Tông, hành đúng giáo pháp truyền thống của mình sẽ sung sướng an lạc, thì người theo Bắc Tông cũng vậy. Nhưng nếu cả hai không hành đúng chánh pháp, thì dù Nam Bắc Đông Tây vẫn luân hồi đau khổ.

Thế thì kinh văn ngôn ngữ chỉ là phương tiện chuyên chở chúng ta qua bờ bên kia (bờ giải thoát); khi đã qua được bên kia rồi, đâu còn vấn đề kinh văn ngôn ngữ! Thế thì y cứ theo nghĩa, là y theo nội dung, cốt ý của bài pháp, bài kinh câu kệ, nhờ đó giúp ta giác tỉnh giải thoát.

Y trí bất y thức (y vào trí {trí tuệ hiểu biết giác tỉnh} không y vào thức là kiến thức phân biệt vọng tưởng của chúng sanh).

Chúng ta hiểu rằng, Phật là bậc toàn giác, còn chúng sinh chỉ có phần giác. Vì chỉ có phần giác nên không đủ ngăn chặn, hay sáng suốt nhận rõ vấn đề và vượt ra khỏi vấn đề. Người học Phật là người đã và đang đi trên con đường xây dựng giác ngộ đến hoàn bị; và cố gắng như vậy mãi cho đến toàn giác, thành Phật.

Nghĩa của giác là giác ngộ hiểu biết một cách sáng suốt thanh tịnh, trong đó không có vô minh xen vào, cũng như ở đây gọi là Trí (trí huệ).

Nếu cậy mình có kiến thức hiểu biết ở thế gian, rồi mang tâm tư như vậy đi vào nhà Phật pháp, điều này chỉ tạo thêm nghiệp ác mà thôi. Vì trong kiến thức đó thiếu vắng giới hạnh và từ bi. Cũng có thể suy ra, người chỉ có kiến thức tương đối trong xã hội, nhưng với đức hạnh và lòng nhân ái dư thừa, khi bước vào Phật pháp sẽ dễ dàng đạt được bước tiến rất cao trên đường đạt được trí huệ.

Y cứ vào Trí là y cứ vào sự hiểu biết chân thật đúng với tự tánh của mình; và hợp với bản thể của mọi sự mọi vật. Y cứ như vậy, sẽ thấy rõ sự thật của người và vật, như sự thật của nó. Muốn có được như vậy, cần thanh lọc tư tưởng, tu Giới, Định, Huệ, có thế mới mong thấy được bằng trí sáng suốt. Ngược lại, tất cả chỉ là cái nhìn vọng tâm, do duyên trần, ngoại cảnh tác động vào sáu căn sanh ra với cái thức hiểu biết đó thường bị nô lệ vào sự đối đãi giữa căn trần với nhau; để khi xúc tác, đối đãi, kiến thức hiểu biết trở thành không thật, không đem đến giác ngộ giải thoát.

Qua Trí hiểu biết bằng việc tu tập, vấn đề sẽ được sáng tỏ; theo đó kiến thức được chuyển hóa và hòa nhập vào biển trí tuệ.

Y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh (tu tập theo ý kinh giải thoát của chư Phật; không y theo kinh còn trong vòng nhị biên đối đãi; để kết quả vẫn không thể thành Phật độ khắp chúng sanh) Học Phật chỉ mong sao thành Phật; và trên đường tu tập người Phật tử phải chọn pháp tu xứng hợp với căn cơ trình độ của mình. Phải có người hướng dẫn, phải chính thức quy y phát nguyện với ba ngôi Tam Bảo (Phật Pháp Tăng). Sự phát nguyện và nương tựa như vậy, giúp chúng ta có được niềm tin vững vàng, cũng như không thể lạc lối vào mê trận của tà ma trên đường hành đạo. Kinh dạy có rất nhiều pháp tu, pháp nào cũng giúp hành giả đạt được giải thoát; tuy nhiên có những pháp tu nhanh tu chậm (đốn và tiệm). Chẳng hạn kinh Hoa Nghiêm là đốn giáo, Kinh Pháp Hoa là tiệm giáo; dù vậy tiệm, đốn chỉ là những bước duyên phương tiện ứng hợp với mỗi tâm niệm căn tánh chúng sanh.

Một người lãnh hội pháp Phật trong tức khắc (đốn giáo) không phải là ngẫu nhiên, mà vì người này đã từng bỏ công tu tập lâu dài trong quá khứ (tiệm giáo); nên giờ đây mới dễ dàng thâm nhập. Do thế tùy thuận vào căn tánh của mỗi chúng sanh mà có tiệm có đốn. Vấn đề quan trọng của người cầu đạo giải thoát là chọn con đường tu phải chắc chắn, cho dù lâu hay chóng. Và con đường tu tập phải hợp với tâm nguyện của chư Phật, nghĩa là phải độ mình độ người hoàn bị (tự giác, giác tha viên mãn). Kinh liễu nghĩa mà người Phật tử được cân nhắc, là kinh điển chỉ dạy rốt ráo cùng tận, trọn vẹn con đường dẫn đến quả Phật. Con đường này các vị Bồ Tát đã và đang đi cũng như chư Phật quá khứ đã hành qua. Riêng kinh bất liễu nghĩa cũng là con đường tu; nhưng không được rốt ráo cứu cánh dẫn đến quả Phật. Những vị hành theo con đường này chỉ tự cứu mình mà không có tâm nguyện rộng lớn. Họ có thể đạt được Thánh quả nhưng không đạt được Phật quả. Kinh Niết Bàn Phật dạy: Chư Tỳ Kheo Phải y theo liễu nghĩa kinh đừng y theo bất liễu nghĩa kinh.

Pháp Tứ Y này thiết tưởng Phật tử chúng ta phải suy niệm học hỏi, làm hành trang trên con đường vào đạo. Bởi vì hành trình cầu đạo học đạo, chắc chắn phải đương đầu với người và pháp (sự việc), với vô số suy tư luận giải khúc mắc; và khó khăn nhất với xung khắc ở tâm thức của chính mình (bản ngã). Nhưng nếu tâm ta thật tình mong mỏi cầu pháp giải thoát, thì Pháp Tứ Y sẽ là bửu bối nhắc nhở chúng ta từng bước tiến lên, để đủ sáng suốt đối đầu với chướng duyên thử thách.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

2000