Tam Bảo là lão sư của chúng ta. Nếu như không thể cung kính Tam Bảo, thì hiếu thân và tôn sư cũng sẽ không có. Cho nên, người xưa trắc nghiệm người đến tham học, xem qua người này có thể có thành tựu hay không, người ngày trước nói là "người này có phải là pháp khí hay không", dùng lời hiện đại để nói, họ có đầy đủ điều kiện để học Phật hay không. Nếu như đầy đủ điều kiện để học Phật, con người này gọi là "pháp khí", họ ở ngay trong một đời này có thể thành tựu. Nếu như không đầy đủ điều kiện này thì họ không thể nào có thành tựu.
Tam Bảo là Phật-Pháp-Tỳ Kheo Tăng. Không luận là tại gia hay xuất gia, học Phật trước tiên phải bắt đầu từ cung kính Tam Bảo. Thế nhưng hiện tại có rất nhiều người đưa ra nghi vấn, có rất nhiều Tỳ Kheo Tăng - Ni không đúng pháp, chúng ta vẫn phải cung kính đối với họ sao? Không những không có tâm cung kính, mà tâm khinh mạn hủy báng, thậm chí hủy nhục thảy đều có ra. Đây là sự thật phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay. Không hề sai! Người xuất gia làm không đúng pháp, đó là việc của họ, không liên quan với ta. Nếu ta muốn thành Phật thì ta nhất định phải cung kính. Họ là người ác, họ ngày ngày làm việc xấu, ngày ngày phá giới, ngày ngày phạm qui, ta vẫn phải cung kính đối với họ hay sao? Không hề sai! Ta vẫn là cung kính đối với họ. Cách nói này của tôi, người hiểu được không nhiều, mọi người nghe rồi đều cảm thấy mù tịt. Tại vì sao phải cung kính? Họ có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chúng ta nhìn ở trên Phật tánh mà cung kính họ. Hành vi tạo tác của họ là nhân quả báo ứng, đó là sự việc của họ, không liên quan với ta. Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền mười đại nguyện vương, điều thứ nhất là "lễ kính chư Phật", tuyệt nhiên không có nói Tỳ Kheo - Tỳ Kheo Ni phá giới có thể không cần cung kính, không hề có cách nói này. Nếu đã không có nói thì phải lễ kính bình đẳng. Vì sao vậy? Lễ kính là tánh đức của chính mình, nó không phải khác. Chúng ta tu hành là tu cái gì? Đem phiền não tập khí của chính mình tu hết (tu là cải chính); đem tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn của chính mình (đây đều không phải là thứ tốt) tu sửa lại.
Tánh đức vốn đủ trong tự tánh của chúng ta chính là lễ kính. Cho nên, chúng ta học lễ kính không phải học gì khác, là hồi phục tánh đức của chính mình. Sự việc này rất quan trọng, quyết không thể bởi vì nghịch cảnh ác duyên bên ngoài, chúng ta liền tùy theo nó xoay chuyển, đem tánh đức của chính mình vĩnh viễn bị chôn mất đi. Vậy thì đáng tiếc, đây là ngu si! Huống hồ nếu bạn chân thật y theo phương pháp này mà tu hành, cái tốt và lợi ích mà bạn đạt được là quá nhiều. Đây là mọi người đều có thể rõ ràng quán sát ra được. "Kính người thì người kính lại", bạn tôn kính người khác thì người khác nhất định tôn kính bạn, bạn xem thường người khác thì người ta làm sao không xem thường bạn? Chính là đạo lý đơn giản như vậy. "Ái nhân giả, nhân hằng ái chi. Trợ nhân giả, nhân hằng trợ chi". Bạn trồng cái nhân như thế nào thì liền có hồi báo như thế đó. Đây là chân lý, là định luật, vĩnh viễn sẽ không thay đổi. Phật Bồ Tát cũng không thể nào thay đổi định luật này.
Phật dạy bảo chúng ta là chí thiện. Phật đối với tất cả chúng sanh chính là lễ kính. Không chỉ là dạy chúng ta cung kính Tam Bảo, mà chư Phật Như Lai các Ngài dẫn đầu làm. Cho nên nhà Phật thường nói, ngay trong mắt của Phật xem thấy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Lời nói này là thật, không giả chút nào. Trên Phật Kinh thường nói ba đời Phật, có Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai. Những vị nào là Phật vị lai? Tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Cách nói này thực tế mà nói là Phật phương tiện nói, chúng ta nghe rồi có thể tiếp nhận. Nếu như Phật chân thật nói, chúng ta nghe rồi sẽ không hiểu. Phật ở "Kinh Hoa Nghiêm", "Kinh Viên Giác" nói: "Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật". Lời nói này chúng ta rất khó hiểu.
Chư Phật Như Lai cung kính bội phần đối với tất cả chúng sanh, một chút hư giả đều không có. Chúng ta học Phật từ chỗ nào mà học? Chính là bắt đầu học từ "cung kính". Bồ Tát Phổ Hiền mười đại nguyện vương, điều thứ nhất là "lễ kính chư Phật", điều này chúng ta làm không được thì các điều khác đều không có. Mười nguyện cũng giống như tòa lầu mười tầng, lễ kính là tầng thứ nhất, không có tầng thứ nhất, các vị nghĩ xem, làm gì có tần thứ hai, thứ ba? Toàn bộ đều không có!
Không chỉ Phật pháp vào cửa từ lễ kính, mà học vấn của thế gian cũng vào cửa từ lễ kính. Ngày trước, chúng ta đã in "Lễ Ký Thanh Hoa Lục". Quyển sách "Lễ Ký" này là của nhà Nho, cũng như Luật Tạng của Phật giáo chúng ta, đó là Luật Tạng của nhà Nho. Phân lượng quá lớn, nên chúng ta không cách gì hoàn toàn đọc tụng. Người xưa có tâm, như ở trong sách này, bộ phận quan trọng ghi chép lại làm cái Thanh Hoa Lục. Đồng tu chúng ta mỗi một người đều có một quyển. Các vị mở ra, câu đầu tiên ở thiên thứ nhất: "Khúc lễ viết vô bất kính". Ý nghĩa câu nói này cùng câu thứ nhất: "Lễ kính chư Phật" của mười nguyện Phổ Hiền hoàn toàn giống nhau, nói rõ học vấn của thế gian làm thế nào thành tựu? "Vô bất kính" thì thành tựu; kính người, kính việc, kính vật, tất cả cung kính thì mới có thể thành tựu.
Ngày nay chúng ta học Phật vì sao không thể thành tựu? Không biết cung kính. Từ xưa đến nay, Tổ sư Đại đức, đại thiện tri thức tiếp chúng (chính là nhà Phật gọi là "tiếp dẫn đại chúng"), họ tuyệt nhiên không phải có thần thông, không nên cho rằng "những người này có thần thông". Thần thông là gì? Họ xem nghi thái, lời nói, động tác của bạn, người ta là quán sát cái này. Xem thấy bạn là người có tâm cung kính, đối người, đối việc, đối vật có tâm cung kính, thì vị thiện tri thức này liền đặc biệt chăm sóc bạn. Vì sao vậy? Bạn có thành tựu, chính là nói bạn là một pháp khí, bạn đầy đủ điều kiện học tập, dạy bạn sẽ không uổng phí. Nếu như bạn đối với người, sự vật không có tâm cung kính, tuy là bạn thân cận họ, nhưng họ sẽ không dạy bạn, bạn chỉ cùng đại chúng đi theo nghe thì tốt rồi, sẽ không đơn độc đặc biệt quan tâm đến bạn. Vì sao vậy? Bạn không thể thành tựu, nếu họ đem tinh thần và thời gian để ở nơi bạn thì là lãng phí. Chúng ta từ ngay chỗ này mà học được làm thế nào nhận biết một người. Nhận biết một người chân thật có thể có thành tựu, chỉ quán sát họ có kính ý, có tâm cung kính đối với tất cả người, sự vật hay không.
"Tam Bảo" ở chỗ này rất là đơn giản, cái đã chỉ chính là "trụ trì Tam Bảo". Cái thứ nhất là "Phật bảo". Ngày nay Phật không còn ở thế gian, sớm đã rời khỏi chúng ta, thế nhưng giáo hóa của Phật vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, giáo hóa này là Kinh điển. Chúng ta tiếp nhận giáo hóa của Phật, biểu thị cung kính, cảm ân đội đức đối với Phật, cho nên chúng ta tạo tượng Phật để biểu đạt kính ý của chúng ta.
Tượng Phật có qui củ nhất định. Cái qui củ này, ở trong “Đại Tạng Kinh” có một bộ gọi là "Tạo Tượng Độ Lượng Kinh". Trong đây nói rõ tạo hình tượng của Phật, hình tượng của Bồ Tát, hình tượng của A La Hán, hình tượng của thần hộ pháp, rất nhiều rất nhiều. Chiếu theo phương pháp trong đó mà tạo. Chủng loại tạo tượng rất nhiều, có bằng xi măng, có điêu khắc gỗ, có điêu khắc đá, còn có kim thuộc tạo nên, thậm chí đến họa vẽ, họa vẽ ra hình Phật. Những tượng Phật này trên đại thể là giống nhau, diện mạo đương nhiên là không như nhau. Không thể nào làm cho mỗi tượng Phật diện mạo hoàn toàn giống nhau, việc này có quan hệ gì không? Bởi vì Phật không có tướng nhất định. Không chỉ Phật không có tướng nhất định, mà tướng của A La Hán cũng có thể tùy theo tâm của chúng sanh mà khởi tác dụng biến hóa. Trên "Kinh Lăng Nghiêm" nói: "Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng".
Như lần trước chúng ta đến Malaysia thăm viếng một Phật tự của Miến Điện, xem thấy họ dùng đá điêu khắc theo Miến Điện, thông thường gọi là "Phật ngọc Miến Điện", đồng thời chúng ta xem thấy hơn 20 tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, diện mặt của Thích Ca Mâu Ni Phật, tượng thứ nhất là khuôn mặt của người Ấn Độ, tượng thứ hai là người Nê Ban, khuôn mặt của người Trung Quốc chúng ta là xếp ở hàng thứ ba, phía sau chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, từng tượng từng tượng mà xem, chính là khuôn mặt của các dân tộc Đông Nam Á. Vậy mới biết được tướng mạo của Phật Bồ Tát thật là thân thiết, bạn là người ở nơi nào thì tướng mạo đó của Ngài giống y như bạn, cùng đồng chủng tộc với bạn, cùng đồng một quốc gia, một chủng tộc. Cho nên, tướng mạo của Phật Bồ Tát có thể thay đổi, để bạn xem thấy rồi sanh tâm hoan hỉ. Một tổ tượng này vô cùng hiếm có, tôi đã chụp lại hết tất cả những tượng đó, cho chúng ta khải thị rất lớn, Phật đích thực là "tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng", thiên biến vạn hóa, không phải là không thể thay đổi.
Chúng ta đối với Phật, Phật là lão sư của chúng ta, ân huệ đối với chúng ta rất lớn, không thể nào có thể so sánh được với Ngài. Chúng ta nhận được giáo hóa của Ngài, mới có thể ở ngay trong một đời vĩnh thoát luân hồi, vĩnh thoát sanh tử. Hiện tại thế gian này nhiều khổ, ít vui, đại khái 90% là khổ, vui chẳng qua chiếm 10% mà thôi. Đây là nói khu vực Đông Nam Á này của chúng ta, có rất nhiều khu vực bần cùng lạc hậu, họ chỉ có khổ, không có vui. Chúng ta phải thường hay nghĩ đến. Hôm nay, có đồng tu đến nói với tôi, cư sĩ Hứa Triết còn chăm sóc mười mấy người già rất là bần cùng. Những người già này rất là đáng thương, mỗi ngày ở trong quán nhỏ ăn một bữa cơm hai đồng cũng không có tiền trả. Cư sĩ Hứa Triết giúp họ qua ngày tháng, mỗi ngày cúng dường họ hai bữa cơm, cơm trưa, cơm tối, mỗi ngày bốn đồng. Ở khu vực Singapore vẫn có người khổ đến như vậy. Nuôi mười mấy người già này, họ nói với tôi, mỗi năm phải hơn 30 ngàn. Chúng ta nghe rồi, làm sao có thể không đưa tay ra cứu giúp? Thế gian người khổ vẫn còn rất nhiều rất nhiều. Chúng ta phải biết, phải lắng nghe, phải toàn tâm toàn lực đi giúp đỡ họ, đời sống của chính mình có thể tiết kiệm hai đồng, có thể tiết kiệm bốn đồng thì có thể giúp cho họ sống được một ngày. Bạn thường hay giữ cái tâm này thì bạn có phước. Lãng phí là tạo tội nghiệp. Nghĩ lại xem cách ta dùng tiền, ta có thể tiết kiệm bốn đồng thì họ có thể qua được một ngày, một ngày no ấm, làm sao chúng ta có thể lãng phí? Thế gian này còn có người còn khổ hơn họ.
Hai tháng trước, tu nữ Thiên Chúa giáo đến nói với tôi, người bên Phi Châu rất khổ, còn khổ hơn người già của Singapore chúng ta, không chỉ bần cùng mà còn có rất nhiều bệnh tật sanh ra. Chúng ta rất tôn kính đối với những tu sĩ tu nữ này của Thiên Chúa giáo. Họ ở bên đó làm việc đến mười năm, hai mươi năm, cứu tế những người khổ nạn này. Chúng ta nghe được tin tức này, họ ở bên đó làm, chúng ta cũng tặng một ít tiền giúp cho họ. Có một số Phật giáo đồ xem thấy chúng ta làm như vậy thì không cho là đúng. Họ cho là thế nào? “Pháp sư! Tiền của ông là mười phương cúng dường đến, ông phải nên dùng vào trong Phật pháp, vì sao ông có thể đem đi giúp cho ngoại đạo?”. Tôi nghe được rất nhiều. Bạn nói tôi phải nên dùng vào trong Phật pháp, thế nhưng tôi là dùng ở trong Phật pháp. “Ông đem tiền cho các tôn giáo khác, làm sao mà dùng ở nơi Phật pháp?”. Tứ Hoằng Thệ Nguyện các vị đều đã đọc qua: "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ". Câu nói này nói bằng cách nào? Các tôn giáo có phải là chúng sanh hay không? Vậy bạn đọc Tứ Hoằng Thệ Nguyện này còn phải thêm vào chú giải: "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, các tôn giáo khác một mực không độ", có phải như vậy hay không? Làm gì có loại đạo lý này! Họ là chúng sanh mà. Đã là chúng sanh thì chúng ta phải giúp đỡ họ. Bạn tỉ mỉ quán sát Thích Ca Mâu Ni Phật, Thế Tôn Ngài năm xưa ở đời, Ngài không phải là một nhân vật khu vực, không phải một nhân vật của quốc gia, mà Ngài là nhân vật của thế giới. Chúng ta ở trên Kinh điển thường hay xem thấy, 16 vị đại quốc vương quy y hộ pháp, đó chính là nói với bạn 16 quốc gia, không phải là một quốc gia. Thế Tôn giúp đỡ tất cả chúng sanh, không phân cõi nước, không phân tộc loại, không phân tôn giáo, một mực quan tâm yêu thương bình đẳng, giúp đỡ họ. Thực tế chúng ta gọi là mê hoặc điên đảo, tâm lượng quá nhỏ hẹp, sự phân biệt quá sâu, khô cứng ở trong Phật giáo, ở trong cái vòng này không có cách nào vượt qua một bước, bạn còn có thể thoát luân hồi hay sao? Sai rồi, đặc biệt sai lầm, đây chân thật là không hiểu được chân thật nghĩa của Như Lai. Cho nên, chúng ta học Phật thì phải hướng đến Thích Ca Mâu Ni Phật mà học tập.
Chúng ta tạo tượng của Thích Ca Mâu Ni Phật, mỗi niệm không quên nhớ đến Thế Tôn Ngài, mỗi giờ mỗi phút dùng hình tượng này nhắc nhở chính mình. Chúng ta xem thấy tượng Phật phải đảnh lễ ba lạy. Lễ vào thời xưa còn phải nhiễu quanh ba vòng, hiện tại chúng ta không còn, chỉ đảnh lễ ba lạy, biểu thị chân thành cung kính của chúng ta. Thế nhưng ý nghĩa càng quan trọng hơn, phải đem cái phần chân thành cung kính này dùng vào ngay trong cuộc sống thường ngày, đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật cũng cung kính chân thành giống như đối với Phật. Đây gọi là học Phật. Chúng ta khinh mạn đối với người, với việc, với vật, vậy thì không phải học Phật, cho nên đạo nghiệp của chúng ta không thể thành tựu, học được bao nhiêu năm, đừng nói đại ngộ, ngay tiểu ngộ cũng không thể khai. Vì sao đại đức vào thời xưa, chúng ta xem "Cao Tăng Truyện", xem "Tỳ Kheo Ni Truyện", xem "Cư Sĩ Truyện", xem "Thiện Nữ Nhân Truyện", vào thời xưa người tu hành ba năm đến năm năm khai ngộ quá nhiều quá nhiều, tám năm, mười năm chứng quả đâu đâu cũng có. Tại vì sao người vào lúc đó có thể, hiện tại chúng ta không thể? Chúng ta phải nghĩ nhiều đến nguyên nhân này. Nguyên nhân rốt cuộc ở chỗ nào? Pháp của Phật không hề sai, đây là nói lý luận cùng phương pháp Phật đã nói đều không có sai lầm, sai nhất định ở nơi chính chúng ta. Nhất định phải tìm ra tâm bệnh của chính mình. Phật Bồ Tát từ bi, sợ bạn tìm không ra, nên ở trong Kinh giáo mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở bạn. Chúng ta cũng mỗi ngày đều đang đọc tụng, thậm chí một ngày trùng lặp lại nhiều lần, thế nhưng vẫn cứ là trơ trơ không cảm giác, vậy thì còn cách nào chăng? Loại hiện tượng không cảm giác này chính là trong Phật pháp thường nói "nghiệp chướng quá nặng".
Chúng ta trong lúc giảng dạy thường nói, tâm tự tư tự lợi quá nặng, khởi tâm động niệm đều là vì chính mình, không chịu giúp đỡ chúng sanh, đây chính là thường nói không có tâm Bồ Đề, vậy làm sao có thể thành tựu? Không phát tâm Bồ Đề, ngày ngày đi theo Phật cũng không lợi ích gì, cũng không thể thành tựu. Không cần nói Phật, chúng ta xem "Lục Tổ Đàn Kinh", bao nhiêu người thân cận Tổ sư Ngài, cả đời ở bên cạnh Ngài không hề rời khỏi, có thể thành tựu hay không? Không có thành tựu, nhưng cũng có người chân thật thành tựu, ngay trong một đời chỉ cần thời gian một ngày thân cận Tổ sư Ngài. Như Thiền sư Vĩnh Gia, Ngài đến Tào Khê thăm viếng Lục Tổ. Lục Tổ giữ Ngài lại một ngày. Ngài gặp mặt Lục Tổ, vừa hỏi vừa đáp, đáp xong Ngài liền đi. Lục Tổ giữ Ngài lại và nói: “Ông đi quá nhanh vậy! Ở một ngày, ngày mai hãy đi”, cho nên trong Thiền tông gọi là "nhất túc giác". Do đây có thể biết, người chân thật thành tựu có cần ở trước mặt lão sư hay không? Không cần, thân không cần, nhưng tâm cần; tâm theo tâm của lão sư, đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh, đó là chân thật đang ở chung. Ngày ngày ở bên cạnh lão sư, nhưng tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh hoàn toàn không như nhau, thì cả đời cũng không cách gì thành tựu. Thiền sư Vĩnh Gia là một tấm gương tốt.
Trích từ: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tập 205