Home > Khai Thị Niệm Phật
Chánh Hạnh
Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch


Như trên đã nói về y chánh báo hai cảnh giới cho đến phần tinh tấn đều là vi diệu, đều là phương tiện cầu được vãng sanh, nhưng chưa phải là chánh hạnh. Dưới đây sẽ trình bày ý chỉ của chánh hạnh.

Thế nào là chánh hạnh?

Hành giả đã phát chí nguyện đem cả thân tâm thanh tịnh vào đạo tràng, trước phải quán tưởng ta và tất cả chúng sanh cùng tận cả hư không giới vi trần sát hải hằng ở trong biển lớn sanh tử, nhiều kiếp không thôi, trôi nổi chìm đắm trong sáu nẻo luân hồi, không biết đường về, không ai cứu hộ, nếu không giúp cho tất cả được giải thoát thì sao gọi là chánh hạnh.

Nơi cảnh sở quán đối với tất cả oan thân khởi tâm đại bi lượng như hư không trùm khắp pháp giới. Lại nên khởi niệm thân ta hôm nay cũng như họ, thân đầy ghẻ lở oan nghiệp khổ lụy, nếu không đem thân này bố thí cho chúng sanh cùng tu pháp tam muội để tất cả được giải thoát thời trái với lời giáo huấn của chư Phật, trái với bản nguyện. Chúng sanh chịu khổ rất đáng thương xót, tôi nay phát tâm như sư tử vương ra khỏi hang không cần bạn lữ, không cần hổ trợ, vươn mình gầm lên muôn thú nép sợ, nhứt quyết không vì quần ma ác đảng làm thối chuyển.

Khi phát tâm rộng lớn rồi, xét theo chánh hạnh niệm Phật của các bậc cổ đức đã thực hành, chọn nơi yên tịnh mà tịnh địa từ trước không có sự uế nhiễm. Sau đó đem hết khả năng tịnh tài của mình như pháp thiết lập đạo tràng, rưới nước thơm, treo bảo cái, trần thiết hình tượng Tam Thánh và cửu phẩm liên đài nghiêm tịnh, dâng cúng hương hoa và cúng phẩm vi diệu thù thắng. Khi lên đạo tràng phải thân tâm thanh khiết mặc áo mới sạch, đốt hương thắp đèn, lên tọa cụ pháp nguyện tất cả thiện căn đã có từ vô thỉ khắp vì tất cả chúng sanh xin được hồi hướng về Tịnh Độ để trang nghiêm hạnh nguyện, nếu không hồi hướng như thế thì ba tâm do đâu mà được viên mãn.

Bấy giờ đem cả thân tâm quỳ xuống chấp tay chí thành quán tưởng tướng hảo của Phật, vận tâm đến vô biên sát hải chúng sanh và thân hiện tại này của đệ tử từ vô thỉ đến nay trôi lăn không biết hồi đầu, đau xót cùng tận, lệ tràn tâm can, cúi xin đức Phật thương rủ lòng từ, thân đệ tử hôm nay như núi lớn sụp đổ qui mạng Tam Bảo, tưởng kính dâng hương hoa đến khắp pháp giới, thỉnh Phật thán đức kỉnh lễ đầu thành hết lòng phát lồ tội quá, thực hành ngũ hối, chí tâm quy y đảnh lễ.

Đảnh lễ xong, ngồi kiết hay bán già, mặt quay về hướng Tây, quán tưởng tướng hảo của Phật mà tụng kinh niệm Phật hay kinh hành, ngày đêm sáu thời theo giờ khắc đã định, hoặc vì chướng nặng chưa cảm thì lấy sự chết làm hạn kỳ, trong thời gian tu tập không được một sát na nghĩ tưởng ngũ dục ở đời, như vậy mà nhứt tâm, nếu không được vãng sanh thời Phật ta đại vọng ngữ rồi. Cho nên tam muội này có thần lực như vậy, chư Phật đều xưng tán, chư Thánh tuân hành. Ban đầu được khởi xướng tại Lô Sơn sau lưu hành trong thiên hạ, nhiều đời truyền thừa đều lấy pháp môn này làm quy thú.

Nghi quĩ tam muội rất nhiều, song trong sự tuyển chọn tinh tường của ngài Từ Vân thì đây là cảnh giới thâm sâu bậc nhất, nơi phpá này hành giả nên phải tận lực thận trọng không nên chạy theo pháp khác, nếu căn cơ không đủ khả năng cho thắng hạnh, khó vẹn toàn, tịnh địa và trong ngoài nghiêm chỉnh trong sạch, thì tùy ý lập hạnh lễ Phật sám hối, thời khóa đã ấn định tinh tấn nhất tâm không hối tiếc, hoặc chuyên tụng kinh, hoặc chuyên trì chú, hoặc chỉ chấp trì danh hiệu cầu cho được vãng sanh, hoặc thông đạt pháp nghĩa quán y chánh của Phật, cho đến thấy được hảo tướng liền biết tội đã diệt duyên thâm cũng sanh về Lạc quốc.

Như kinh nói: “Chẳng thể do chút ít phước đức, nhơn duyên lành mà được sanh về nước ấy”.

Nếu nghe nói danh hiệu đức Phật A Di Đà, rồi giữ danh hiệu mà niệm hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, nhứt tâm bất loạn đến khi mạng chung Phật cùng Thánh chúng hiện đến tiếp dẫn liền được vãng sanh. Nên biết rằng xưng niệm danh hiệu là có nhiều căn lành nhiều phước đức nhân duyên vậy. Lại nữa, vì thế duyên chưa thể dứt, thường làm điều lành ở thế gian đối với cõi Cực Lạc tin chắc không nghi, niệm niệm luyến mộ không quên, như trước tùy ý tu tập, trong bốn oai nghi giữ ý này mà quy hướng, xúc cảnh liền thấu hiểu uyên nguyên của Cực Lạc, lâm sự liền nỗ lực thực hành phương tiện đến khi mạng chung cũng được sanh về Cực Lạc.

Song, những điều lược giải hành trì này có chỗ không đồng mà pháp lực thì như nhau, chỉ cần giữ vững tâm niệm hoặc thong thả hay gấp rút nên ứng nghiệm cũng có chậm có mau, học giả chẳng thể chẳng biết.

Pháp môn mười niệm của ngài Từ Vân là mỗi mỗi sáng tối sau khi súc miệng rửa tay xong, đến chỗ yên tịnh mặt hướng về phương Tây mà tu niệm, đây là nhơn ban đầu để vãng sanh về Cực Lạc, nguyện lực ắt không mất.

Hành tướng như trên, nghĩa đủ sáng tỏ, có thể nói không còn gì để phân vân nữa.

Hi: Trong khi tôi niệm Phật tuy giữ thân khẩu mà tâm niệm cứ phân tán không thể tự chế, vậy phải làm cách nào để tâm không tán loạn?

Đáp: Luôn giữ niệm theo thân khẩu, xét tán loạn từ đâu đến không cho gián đoạn, tự liền nhứt tâm, cũng tức là nhứt tâm. chỉ có xưng niệm không dừng nghỉ cố nhiên không còn lo tán loạn nữa vậy. Như cha mẹ mất đức con yêu, rồng mất ngọc minh châu, không mong cho tâm nhứt mà tâm tự nhứt cần gì phải chế ngự cho được nhứt tâm. Tâm này vốn không cần chế, kỳ thực tại hành nhơn có lúc siêng lúc lười vậy.