Có một vị Thượng tọa nhiều năm tham cứu Thiền tông lại thông cả giáo lý, mắt ngài xem bốn biển trống không, tự thệ chứng Nhứt thừa viên quả.

Thượng tọa theo gương ngài Thiện Tài Bồ tát đi tham phỏng khắp các bậc Thiện tri thức.

Một hôm, Thượng tọa đến Hồng Loa Sơn vấn đạo nơi tôi. Nhằm lúc tôi đang muốn sưu tập giáo lý Thiên Thai đặng chú thích quyển A Mi Đà kinh Yếu Giải ([9]), để cho người sơ cơ học Phật có phần tiến bộ. Chứ nguyên bản Yếu Giải, văn thời sâu, ý lại kín rất không tiện cho hạng mông học.

Tôi kính tặng Thượng tọa một tập Yếu Giải và ngỏ ý mình muốn soạn chú thích trình Thượng tọa.

Thượng tọa bảo: “A Mi Đà kinh Yếu Giải tôi đã từng xem, thấy trong ấy nhiều đoạn nói: Áo tạng của Hoa Nghiêm, bí tủy của Pháp Hoa, tâm yếu của chư Phật, chỉ nam của Bồ tát đều không ngoài nơi đây. Những lời ấy rõ là đè bẹp Thiền tông cùng giáo lý mà khen tặng Tịnh độ một cách quá đáng. Thật là hủy báng chánh pháp luân, đưa chúng sanh vào chỗ nghi lầm.

Bất ngờ Ngẫu Ích Đại sư là bậc tri thức mà chẳng trực chỉ chơn tâm cùng hoằng dương chỉ quán, trở đi viết tập Yếu Giải này để làm lá bùa hộ thân cho hạng ngu phu ngu phụ. Khiến cho bao nhiêu người tại gia cũng như xuất gia giữ chặt một môn mà bỏ vạn hạnh, gìn nước vũng mà quên biển cả, đua nhau chạy vào đường mê trái hẳn giác lộ, đoạn diệt Phật chủng. Thật là tội lỗi dẫy trời. Những ai có chí muốn báo Phật ân, nên mau thủ tiêu tập Yếu Giải mới phải, có đâu lại muốn soạn chú thích để giúp tập ấy lưu thông?”.

Chờ cho Thượng tọa khí bình, Mộ Liên Pháp sư chậm rãi nói: “Ông cho rằng Ngẫu Ích Đại sư soạn tập Yếu Giải này là có tội rất nặng, đó là ông chỉ biết ngọn ngành mà không rõ nguồn gốc. Phải biết tội ấy thiệt không phải nơi bộ Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại sư, mà chính là tại nơi đức Thích Ca Mâu Ni, đức A Mi Đà, thập phương chư Phật cùng Tịnh Độ Tam kinh và tại nơi các kinh giáo Đại thừa như Hoa NghiêmPháp HoaBửu TíchBi Hoa v.v… cùng tại nơi các đại Bồ tát Tổ Sư như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Thiện Đạo, Thanh Lương, Vĩnh Minh ([10]) v.v…

Nếu quả thiệt ông là vị đại Pháp Vương ([11]) tuyên bố trị tội ấy, mọi người mới có thể tuân theo lời của ông. Bằng không thời nào khác gì gã dân ngu ở thôn dã tự xưng Hoàng đế, tự đặt pháp luật, trái nghịch chỉ dụ của chính phủ, tất khó khỏi tội chết. Lời kết tội của ông quả là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng tất sẽ đọa địa ngục chịu khổ nhiều kiếp, thật đáng thương thay!”.

Pháp sư nói đến đây, Thượng tọa chẩm hẩm bảo: “Sao Sư lại trái với lệ thường mà nói tội tại nơi Phật, Bồ tát và Tổ sư. Xin Sư biện rõ duyên cớ. Nếu lời lẽ của Sư đúng lý, tôi đâu dám chẳng tuân theo”.

Mộ Liên Pháp sư nói: “Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời. Đại sự nhân duyên là chi? Là muốn làm cho chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật tri kiến để thành Phật mà thôi.

Đó là mục đích độ sanh duy nhứt của đức Phật.

Ngặt vì chúng sanh căn tánh không đồng, có bậc đại căn, có hạng tiểu căn ([12]), chỗ mê chướng lại kẻ sâu người cạn. Đức Phật không thể thực hành sự giáo hóa theo chủ định tối tiên, phải theo trình độ từng lớp người mà dạy dỗ, theo bệnh mà cho thuốc. Vì THẬT mà khai QUYỀN rồi khai QUYỀN mà hiển THẬT ([13]). Nơi trên pháp Nhứt thừa nói ra nhiều giáo thuyết. Với hạng người căn lành thuần thục thời làm cho thẳng lên bờ giác. Với hạng nghiệp chướng sâu dày thời đưa lần ra khỏi trần lao. Đức Phật chịu khó dạy bảo, theo dõi từng người để dắt dìu. Thật là ơn lớn đức dày, trên đời không ơn gì sánh kịp.

Lại vì tất cả pháp môn đều nương tự lực, dầu là hạng người thiện căn sâu dày triệt ngộ tự tâm, nhưng nếu kiến hoặc và tư hoặc ([14]) còn có đôi chút chưa sạch thời vẫn y nhiên là chúng sanh trong vòng luân hồi sanh tử; huống lại khi đã thọ thai có thân ngũ ấm tất sẽ xúc cảnh móng tình; người từ tỏ ngộ đến tỏ ngộ thời ít, mà kẻ từ mê đi sâu vào mê lại nhiều. Bậc thượng căn còn nguy nan như thế, kể chi đến hạng trung và hạ.

Phải biết tự lực đoạn kiến hoặc khó như đoạn dòng sông rộng bốn mươi dặm, đoạn tư hoặc lại muôn vạn lần khó hơn. Giải thoát sanh tử đâu phải là vấn đề dễ dàng.

Vì thế nên những pháp môn chuyên thuộc tự lực, chưa thỏa mãn ý muốn độ sanh của đức Phật, vì chưa có thể lợi ích khắp cả cho hết thảy ba hạng chúng sanh.

Duy có môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ nương nguyện lực rộng lớn của đức Phật A Mi Đà, tất cả lục đạo chúng sanh không luận căn lành thành thục hay chưa thành thục, không luận ác nghiệp nặng hay nhẹ nếu ai bằng lòng tin chắc phát nguyện trì niệm hồng danh A Mi Đà Phật, thời quyết định được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc Tịnh độ, là hạng thiện căn thành thục tất chóng viên mãn Phật quả, nhẫn đến kẻ ác nghiệp nặng cũng đặng dự hàng Thánh.

Nên biết pháp môn niệm Phật là yếu đạo độ sanh của chư Phật, và là diệu pháp mà trên thì Thánh nhơn đại Bồ tát, dưới đến phàm phu đều đồng tu. Vì thế nên trong các kinh liễu nghĩa Đại thừa luôn nhắc đến, mà lịch đại Tổ sư không ai chẳng tuân hành.

Ông tự phụ là thông Thiền tông giỏi giáo lý, mà lại nói quấy rằng người hoằng truyền môn Tịnh độ là báng chánh pháp đoạn diệt Phật chủng. Rõ ràng ông đã mắc phải ma quỷ dựa, loạn tâm điên cuồng mà tự gây lấy tội địa ngục. Sao ông lại nhận mê lầm làm giác ngộ chỉ chánh nhơn cho là tà vạy như thế?

Xét về đức Thích Ca Mâu Ni và Phật A Mi Đà, từ nơi kiếp xưa từng phát đại nguyện độ thoát chúng sanh ([15]). Đức Thích Ca thị hiện ở uế độ dùng uế dùng khổ để chiết phục và thúc đẩy chúng sanh tiến tu. Còn đức A Mi Đà thời an tọa nơi Tịnh độ dùng tịnh dùng vui để nhiếp thọ và đào luyện cho mọi người nên Thánh quả.

Ông thấy dân quê người hèn cũng niệm Phật được rồi vội miệt thị Tịnh độ, sao không xem kỹ lại kinh Hoa Nghiêm về phẩm Nhập Pháp Giới, đức Thiện Tài sau khi chỗ ngộ chỗ chứng đã sánh kề với chư Phật, Phổ Hiền Bồ tát bèn dạy cho pháp mười điều đại nguyện để hồi hướng vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới hầu chóng viên mãn Phật quả, và cũng khuyên khắp cả hải chúng trong Hoa Tạng ([16]). Xét về hải chúng trong Hoa Tạng không có một ai là phàm phu hay nhị thừa cả, chỉ ròng là 41 bậc Pháp thân Bồ tát, đồng phá vô minh đồng chứng pháp tánh, tất cả đều có thể hiện thân làm Phật độ sanh nơi thế giới không Phật. Trong Hoa Tạng Hải có vô số Tịnh độ, mà chí chuyên quyết hồi hướng cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, đủ thấy rằng vãng sanh Cực Lạc là huyền môn thoát khổ, là đường tắt thành Phật.

Vì lẽ ấy nên từ xưa tới nay bao nhiêu tự viện, tòng lâm thuộc Thiền, thuộc Giáo, hay Luật, tất cả nơi nơi đều sớm tối niệm Phật phát nguyện cầu sanh Cực Lạc.

Ông là người ở trong Thiền môn đi tham phỏng các tòng lâm, hàng ngày tất cũng có niệm Phật phát nguyện sao trở lại hủy báng Tịnh độ?

Kinh Hoa Nghiêm là vua trong các kinh mà cũng là vua cả tam tạng, không tin Hoa Nghiêm thời là hàng nhứt xiển đề ([17]), thọ tận ắt khó khỏi khổ quả nơi địa ngục.

Tôi muốn thoát khổ mà cầu sanh Tịnh độ, còn ông muốn chác khổ mà hủy báng Hoa Nghiêm. Thôi ông cứ gìn lấy chí của ông, tôi thời giữ lấy đạo của tôi. Xin ông đi đi, tôi không muốn cùng ông biện luận thêm nữa!
_____________
[9] Quyển này của Tri Húc Đại sư hiệu Ngẫu Ích soạn ra để giải chỗ yếu lãnh của kinh A Mi Đà. Đại sư là bậc triệt ngộ Thiền tông và là tổ thứ 9 Liên tông (xem lược sử của Tổ bộ Đường Về Cực Lạc tập nhứt

[10] Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Thiện Đạo, Vĩnh Minh là bậc đại Bồ tát cùng đại Tổ sư hoằng dương môn niệm Phật. Lược tích của các ngài ở bộ Đường Về Cực Lạc tập I. Trí Giả Đại sư, Tổ của tông Pháp Hoa có lược sử ở bộ Đường Về Cực Lạc tập II. Thanh Lương Đại sư, Tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm.

[11] Bậc viên mãn Phật quả, là vua của tất cả pháp, ở nơi tất cả pháp được hoàn toàn tự tại.

[12] Căn khí Đại thừa là đại căn, người căn khí Tiểu thừa là tiểu căn.

[13] Chỉ thẳng đến Phật tri kiến là Thật giáo; phương tiện khác là Quyền giáo.

[14] Kiến hoặc có 88 phẩm, do mê lý tứ đế mà ra, thấy lý tứ đế thời diệt, nên gọi là kiến sở đoạn hoặc.

Tu hoặc có 81 phẩm, sau khi tỏ ngộ đế lý, (kiến đạo) rồi tư duy, tu tập mà dứt lần lần. Khi dứt sạch hết thời giải thoát sanh tử luân hồi trong tam giới, nên gọi nó là tư sở đoạn hoặc hay tu sở đoạn hoặc.

[15] Vua Vô Tránh Niệm và Phụ tướng Bảo Hải (xem toàn sử ở bộ Đường Về Cực Lạc tập I).

[16] Mười đại nguyện: một là lễ kính chư Phật, hai là xưng tán Như Lai, cho đến mười là phổ giai hồi hướng. Xem toàn văn nơi phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện.

[17] Hạng cực ác, bất cụ tín, đoạn thiện căn.

Trích từ: Thiền Tịnh Quyết Nghi
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Thiền Tịnh Giảng Hòa
Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn

Thiền Tịnh Quyết Nghi
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Khai Thị Thiền Tịnh Không Hai
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc