Home > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Xua-Thuong-Noi--“Sanh-Tu-Su-Dai”-Nhung-Minh-Da-Quen-Song-Trong-Sanh-Tu
Người Xưa Thường Nói : “Sanh Tử Sự Đại”, Nhưng Mình Đã Quen Sống Trong Sanh Tử
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Người xưa thường nói: “Sanh tử sự đại”, nhưng mình đã quen sống trong sanh tử, ai cũng vậy hết, nên thấy không quan trọng. Kỳ thật, lấy mắt đạo mà nhìn vào thì đó là việc lớn của mọi người, của chúng sanh. Đã lăn lóc mãi trong nhiều đời, hiện tại nếu không cố gắng thì những đời sau cũng vẫn lẩn quẩn trong vũng lầy sinh tử mà thôi.

Gặp được Phật pháp rất khó! Trên đời này không có pháp nào thoát ly sanh tử, chỉ có giáo pháp của Phật mới ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế, gặp được rồi thì mình phải cố gắng để vững bền trong chánh pháp. Cho nên, Phật dạy tất cả đều phải tinh tấn nhất tâm. Nhưng chúng ta lại có cái lỗi là luôn luôn phóng dật, giải đãi. Trong Luật, những khi có việc gì thì các vị Trưởng lão, các vị Đại Đức cũng đều khuyên nhắc: “Phải tinh tấn, mạc phóng dật”. Chỉ có hai điều đó thôi!

Phóng dật ở nơi thân khẩu thì dễ biết, còn ở tâm ý thì rất khó biết. Hễ duyên theo lục trần, đều là phóng dật. Do đó, ai nấy cần phải nhất tâm, phải chánh niệm. Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đừng để nó rời!

Niệm Phật thì niệm hồng danh, niệm tướng hảo, niệm công đức. Niệm Pháp phải thuộc kinh, vì nhớ đến kinh pháp tức là niệm Pháp. Niệm tăng thì ở nơi đức Quán Thế Âm Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hay Phổ Hiền Bồ tát ; cho đến Di Lặc Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát … đều là Bồ tát Tăng đáng để cho chúng ta nghĩ đến các Ngài và công Hạnh của các Ngài. Nếu tâm mình thường nghĩ tưởng như vậy thì bớt phóng dật, hễ bớt phóng dật tất được tinh tấn. Tinh tấn dần từ một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến nhiều tháng nhiều năm thì lần lần cội Bồ đề mà mình vun trồng sẽ càng thêm to lớn, vững mạnh.

Người xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được Định, được Huệ. Chúng ta ở thời mạt này lăn lóc ở trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, đông người. Cho nên, tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là tu mót . Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc, rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng ; Được một phút thì tốt một phút, được một giờ thì tốt một giờ, thế nên đừng bỏ qua việc tu mót. Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn nuôi thân được, nuôi gia đình được, đủ lúa đủ gạo để ăn. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ nơi đạo pháp, nuôi lớn Pháp thân huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại, giờ tu mót lại nhiều hơn thời khóa tu hành. Vì thế nếu bỏ qua thì bỏ phí rất nhiều thời gian. Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh Pháp của Đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến lên.

Vọng tâm, vọng niệm dễ sanh. Những phiền não nghiệp chướng cũng dễ phát khởi. Do vì cảnh duyên bên ngoài trợ giúp cho mấy thứ đó phát triển, tăng trưởng. Mình ở trong thời mạt pháp, lấy sức người để tu hành cũng giống như ở nơi giữa dòng sông, chẳng những là nước mà lại có sóng lớn nữa, luôn luôn lúc nào cũng có sóng hết. Trong đó phải bơi phải lội thì việc đó cần cố gắng lắm mới được! Có cố gắng mới thành công. Do đó, cần phải lập nguyện, chí nguyện sẽ giúp mình thêm cố gắng và vững chắc hơn ở nơi đường đạo. Chí nguyện phải thật vững để giúp cho nghị lực, vì có chí nguyện ắt có nghị lực. Như thế mới vững vàng được ở nơi những luồng sóng dập dồn, nếu sơ xuất liền chìm, huynh đệ cần phải suy nghĩ cho kỹ!

Ở nơi cõi ngũ trược này, phát chí nguyện phải dũng mãnh, nghị lực cũng phải dũng mãnh. Ở trong cái khó mà tu tập thì hạnh đức cao vời. Khó thì dễ hư nhưng thành tựu thì được công cao. Do đó, trong kinh Duy Ma Cật nói; “ Bồ tát ở nơi cõi dời này, có những công đức mà ở nơi cõi khác không có được”. Chính là ý này vậy.

Huynh đệ biết khó thì phải cố gắng. Lập chí lập nguyện cố gắng vượt lên. Luôn luôn kiểm soát tâm ý của mình lẫn cả về hành đông và lời nói. Kiểm soát nếu thấy không đúng thì sửa lại cho đúng. Ai cũng đều có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa đổi thì thành tốt.

Mong rằng chư huynh đệ đều nhất tâm tinh tấn tu hành!