Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Neu-Co-Ke-Tri-Danh-Vi-Quan-The-Am-Bo-Tat-Nay-Gia-Su-Vao-Trong-Lua-Lon-Lua-Chang-The-Dot-Chay-Duoc

Nếu Có Kẻ Trì Danh Vị Quán Thế Âm Bồ Tát Này Giả Sử Vào Trong Lửa Lớn Lửa Chẳng Thể Đốt Cháy Được
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chánh kinh:

Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu, do thị Bồ Tát oai thần lực cố.

(Nếu có kẻ trì danh vị Quán Thế Âm Bồ Tát này, giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể đốt cháy được, là do sức oai thần của vị Bồ Tát này vậy).


 Phần kinh văn trước là đức Thế Tôn vì Vô Tận Ý đáp tổng quát, tiếp theo đây, Phật nói đến các thứ lợi ích. Như phẩm kinh này nói, Quán Âm lợi ích chúng sanh, về đại thể có hai phương diện:

- Một là “minh ích” (ích lợi ngầm), tức là âm thầm ban cho chúng sanh lợi ích.

- Hai là “hiển ích” tức là ban lợi ích cho chúng sanh một cách rõ rệt.

Trong hai thứ lợi ích này, bây giờ trước hết nói về minh ích. Trong đây lại chia thành ba đoạn:

1) Cứu bảy nạn.

2) Giải tam độc.

3) Đáp ứng hai thứ cầu mong.

Bảy nạn là nạn lửa, nạn nước, nạn hắc phong, nạn đao trượng, nạn La-sát, nạn gông cùm, nạn oán tặc. Thế gian vốn rất nhiều tai nạn, nhưng tối trọng yếu là bảy nạn vừa nêu trên. Nạn thứ nhất trong bảy nạn là nạn lửa, tức là những tai nạn do lửa lớn gây ra. Gặp phải tai nạn này, nếu niệm thánh hiệu Quán Âm sẽ được giải thoát.

Trong thế gian này, bất luận đi đến địa phương nào, bất luận trong thời điểm nào, chúng ta đều có thể gặp phải một trận hỏa tai lớn. Nhỏ thì khiến chúng ta khuynh gia bại sản, lớn thì khiến chúng ta táng thân mất mạng. Bởi thế, bất cứ ai cũng đều sợ hỏa tai. Sợ lửa là một chuyện, lửa bốc lên lại là chuyện khác; nhưng lửa đâu có muốn thế, thường là do sơ ý, một đốm lửa nhỏ nhoi có thể là nguồn tai họa. Nếu gặp lúc đại hỏa tai, nên làm cách nào? Nói theo thế tục là phải dốc tận sức người tìm cách dập tắt. Ngoài ra nên trấn tĩnh cái tâm mình, đừng sợ hãi quá mức; bởi lẽ chỉ có tâm trấn tĩnh mới chẳng đến nỗi bị tổn thất lớn lao! Nếu tâm chẳng thể trấn tĩnh, kinh hoảng, thất thố, thì càng phải chịu tổn thất nặng nề hơn. Bởi vậy, lúc gặp đại hỏa tai, cần nhất là phải trấn tĩnh, đừng kinh hoảng. Nếu tâm hoảng ý loạn, chẳng những không cứu vãn được tình thế, trái lại còn bị hại, phải nhớ kỹ để tránh khỏi!

Nói theo Phật giáo, lại còn có một biện pháp tối hảo, tức là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, bởi vậy mới nói: “Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu” (Nếu có kẻ trì danh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát này, giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể đốt cháy được). Chữ “trì” ở đây thật là trọng yếu, giống như chữ “nhất tâm” trong đoạn văn ở phần trên vậy. Thông thường, ta hiểu Trì là nắm vật gì trong tay, nắm chắc chẳng buông thì gọi là “chấp trì”. Bây giờ vận dụng ý tưởng ấy vào việc niệm tụng danh hiệu Quán Âm, thì gọi là “chấp trì danh hiệu”.

Những gì mình chấp trì chẳng buông đa số đều là những thứ quý báu, nhưng thứ quý báu nhất trong thế gian không gì hơn nổi Phật, Bồ Tát. Bởi thế, xưng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát cần phải chấp trì cho thật chắc. Thế nào mới là chấp trì? Tức là niệm trước, niệm sau nối tiếp nhau chẳng đoạn, thẳng thừng mà niệm thì gọi là “chấp trì”. Chấp trì như thế nội tâm nhất định rất kiền thành. Nội tâm kiền thành bèn được Bồ Tát cảm ứng, dẫu vô ý lọt vào đại hỏa, đại hỏa cũng chẳng thể đốt được quý vị. Vì sao lửa chẳng đốt được? Là do sức thần thông oai đức của Quán Âm Bồ Tát ngầm gia bị cho quý vị đấy. Bởi thế nói: “Do thị Bồ Tát oai thần lực cố” (Do sức oai thần của vị Bồ Tát này vậy).

Điều này có thể luận trên hai phương diện sự thực và đạo lý. Luận trên phương diện sự thực, nếu là Phật giáo đồ đương nhiên là tin, nếu chẳng phải Phật giáo đồ sẽ chẳng thể tin nổi. Chẳng cần biết là tin hay không tin, sự linh cảm của Quán Âm Bồ Tát đích xác là có.

Dưới thời Mãn Thanh ở Trung Quốc, có một người giữ chức quan Vận Lương, tên là Thái Ân Tương. Chỗ ông ta ở tiếp giáp nhà dân, bốn bề khít khao chẳng hở chút nào. Một lần, nhà hàng xóm đột nhiên bốc cháy, mọi người lo chạy cứu đồ đạc này nọ, riêng mình quan Vận Lương ngồi yên trong nhà, có người khuyên ông ta cũng không ra, tựa hồ muốn cùng chết với căn nhà. Kể ra cũng lạ, lửa từ nhà này bén sang nhà kia, nhà hàng xóm bốn bề đều bị cháy rụi, riêng mình nhà ông ta chẳng bị cháy! Sau này có người hỏi ông ta vì sao lại như thế? Ông bèn đáp:

- Trong lúc lửa đang mấy cháy đùng đùng, tôi nhất tâm nhất ý niệm chú Đại Bi, không còn có ý tưởng nào khác. Trong nhà tôi, không riêng gì tôi niệm chú Đại Bi, mấy đời đều niệm chú Đại Bi, mỗi đời đều có linh nghiệm chẳng thể nghĩ bàn, thoát được các thứ tai nạn khác nhau! Riêng bản thân tôi niệm chú Đại Bi đã mười mấy, hai mươi năm, mỗi lần gặp nạn gấp nào đều thấy hóa hiểm thành an! Tình hình bữa nay trong quá khứ tôi đã từng trải qua, cũng do niệm chú Đại Bi mà thoát hỏa tai. Do tôi có tín niệm như vậy, tin tưởng Bồ Tát nhất định thầm gia bị cho; bởi thế, mọi người phải tin tưởng Bồ Tát, niệm thánh hiệu Quán Âm nhiều hơn!

Lại nữa, vào thời Diêu Tần ở Trung Quốc, có vị pháp sư Pháp Trí một dạ chuyên xưng niệm thánh hiệu Quán Âm. Có một lần, có việc phải đi qua nơi khác, con đường Sư đi cắt ngang đồng cỏ lau; ngay lúc đó, có người đến đốt cỏ dại, lửa từ bốn mặt cháy tới, vây kín pháp sư Pháp Trí vào giữa, chẳng có cách nào thoát khỏi biển lửa. Ngay khi đó, pháp sư lắng tâm suy nghĩ: “Mình là người tín phụng Quán Âm, giờ đây đem sanh mạng này giao cho Quán Âm”. Sư bèn ngồi ngay ngắn giữa đám cỏ lau, nhất tâm nhất ý niệm thánh hiệu Quán Âm, niệm một lúc lâu sau, lửa to dần dần cháy lan gần đến thân, Sư bị khói ngộp mê đi, cho rằng sanh mạng đến đây là kết thúc! Thế nhưng lúc lửa to tắt rồi, một trận gió mát thổi tới, Sư dần dần tỉnh lại, nhìn chung quanh, tất cả cỏ hoang đều bị cháy sạch, chỉ có những nhánh cỏ mọc quanh mình trong vòng một thước là chẳng bị lửa bén đến, do đó chưa bị thiêu chết!

Căn cứ vào những sự thực này, chứng tỏ thánh hiệu Quán Âm có thể miễn trừ tai nạn. Quý vị đừng vội kêu mình niệm chẳng có linh nghiệm, vấn đề là có nhất tâm xưng danh hay không?

Lại luận trên phương diện đạo lý: Đối với câu “giả sử vào trong lửa lớn”, chớ nghĩ lửa ở đây nhất định phải là lửa có hình, có tướng, mà phải nghĩ tới loại lửa vô hình vô tướng, hoặc nói theo cách thông thường là lửa nóng giận, chẳng phải là lửa bên ngoài mà là lửa trong tâm. Lửa Sân trong tâm cũng có tác dụng thiêu đốt, như nói: “Lửa nóng giận đốt cháy rừng công đức”, điều này đáng sợ nhất! Kinh Diệu Huệ Đồng Nữ nói: “Sân hoại thiện căn, vật tăng trưởng!” (Sân phá hoại thiện căn, chẳng cho tăng trưởng). Người bình thường chỉ biết lửa dữ ác hại bên ngoài đốt tiêu nhà cửa, rừng cây, chẳng nghĩ lửa Sân trong tâm còn độc dữ hơn lửa bên ngoài. Lửa bên ngoài chỉ có thể đốt tiêu vật ngoài thân, cùng lắm là đốt mất thân thể, còn công đức thiện căn đã tu học, tích tập, bất luận cách nào [lửa dữ bên ngoài] cũng chẳng thể thiêu được. Chỉ có mỗi lửa Sân trong tâm mình mới có thể thiêu cháy thiện căn công đức. Bởi vậy, cố nhiên là phải đề phòng ngoại hỏa, nhưng nội hỏa lại càng phải gia tâm đề phòng.

Ngăn ngừa nội hỏa bằng cách nào? Tức là ngay trong lúc nội tâm nổi nóng, chợt nhớ đến Quán Âm đại sĩ, kiền thành niệm thánh hiệu Quán Âm, khác nào hắt một chậu nước lạnh thấu tận tâm, dập tắt lửa Sân, tự nhiên rừng công đức thiện căn chẳng bị đốt mất. Nếu đổi “thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu” (giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể thiêu) thành “giả sử vào trong lửa Sân, lửa Sân chẳng thể thiêu” có phải là rất hợp đạo lý hay không? Người không tin Phật pháp há chẳng thể cũng tin tưởng điều này hay sao? Bởi thế, Phật pháp là vô cùng hợp tình, hợp lý, chẳng phải là kể chuyện cổ tích, nói huênh hoang đâu!

Lửa Sân có thể đốt cháy hết thảy, nóng giận chẳng ích lợi gì cho người khác, rất nhiều kinh đã nhắc đến. Nay tôi dẫn kinh Di Giáo để nói: “Sân khuể chi hại, tắc phá chư thiện pháp, hoại hảo danh văn, kim thế, hậu thế nhân bất hỷ kiến, đương tri sân tâm thậm ư mãnh hỏa, thường đương phòng hộ, vô linh đắc nhập” (Cái hại của nóng giận chính là phá các thiện pháp, hư hoại tiếng tăm tốt, người đời này đời sau chẳng thích trông thấy. Phải biết tâm Sân còn hơn lửa mạnh, thường phải đề phòng, ngăn ngừa chẳng để cho nó vào được). Thật đấy! Nếu là người thường nổi nóng, dù các mặt khác rất tốt, ai cũng chẳng thích gặp người đó. Như ta thường nghe nói: “Gã đó làm việc rất giỏi giang, cũng chịu giúp đỡ người khác, có thể nói những lời tốt lành, có thể biên chép được, nhưng tánh nóng quá!” Nếu có ai muốn gặp kẻ kia, những người khác đều nói: “Tôi chẳng muốn gặp anh ta, vì tánh anh ta nóng quá!” Bởi thế, lửa Sân độc hại nhất! Thật ra, có những lúc chẳng nên nổi nóng, nhưng do không tự khống chế được mình, bất ngờ nổi giận đùng đùng! Trong lúc đó, nếu có thể nghĩ đến Quán Thế Âm Bồ Tát, nóng giận lập tức mất tiêu!

Trong quá khứ, có kẻ tục nhân hỏi vị pháp sư xuất gia câu này:

- Pháp sư! Tôi vốn có một bệnh không ai trị lành được, chẳng hay pháp sư có trị được bệnh cho tôi hay không?

Pháp sư hỏi:

- Ông mắc bệnh gì?

- Nói thật ra, về mặt thể chất tôi chẳng có bệnh gì, chỉ là thường hay nổi nóng. Lúc nổi nóng giống như sấm sét vậy đó, ai thấy cũng sợ, tôi vốn chẳng muốn nổi nóng, nhưng lúc gặp chuyện bèn tự nhiên đổ quạu giống như trời sanh vậy đó, muốn nóng là nóng, thật không có cách gì!

Gã tục nhân thưa cùng pháp sư như thế. Pháp sư lại bảo:

- Quái lạ! Rất nhiều bệnh tôi từng nghe qua, nhưng chưa bao giờ nghe căn bệnh như thế.

-  Nhà thầy đúng là vô lý quá, nóng giận ai mà chẳng hiểu cơ chứ?

Pháp sư nói:

- Không phải là không hiểu, ông nói nóng giận do trời sanh mà thành, xin ông đem nó ra cho tôi coi, chắc chẳng ngại gì!

Gã tục nhân nghe vậy, không khỏi ngẩn ngơ, suy nghĩ: “Đem bệnh cho ổng coi, tuy nội tâm có bệnh, nhưng làm sao đem cho ổng coi được?” Suy đi nghĩ lại, không cách chi đem ra cho coi được, bởi vậy, gã bảo pháp sư:

- Thầy muốn tôi đem cái bệnh cho thầy coi, nhưng làm sao đem được?

Nhân đó, pháp sư nói:

- Đã không có cách gì đem bệnh cho người khác coi, ông nói là tự nhiên trời sanh, sao tự nhiên chẳng còn?

- Đúng vậy! Nếu là trời sanh ra, ắt phải đem cho người khác coi được. Vì chẳng phải là trời sanh nên chính mình phải rất chú ý!

Gã hiểu ra: Không có tánh nóng nào do trời sanh, chỉ có cách do tu dưỡng sẽ tự khống chế được tình cảm của mình, chẳng để tánh nóng lạm phát, sự nóng giận tự nhiên chẳng bốc lên nữa. Do vậy, bệnh nóng tánh của gã tục nhân đó không cần uống thuốc mà tự lành. Đúng là làm người trong thế gian bất luận gặp phải chuyện gì, chỉ cần chịu lùi một bước, suy nghĩ một chút, tánh nóng giàn trời cũng chẳng thể phát tác được. Cội nguồn của tánh nóng chẳng phải do nguyên nhân nào khác, đại đa số là do chẳng khống chế được tình cảm. Nếu có thể khéo khống chế tình cảm, nhất định sẽ chẳng nóng giận bừa bãi!

Khống chế lửa Sân chẳng để nó thiêu đốt thì niệm thánh hiệu Quán Âm là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra còn có cách khống chế tánh nóng như sau: Nóng giận đa phần là do người khác mà phát khởi, nếu có ai chọc giận, phê bình, chê bai, bỡn cợt, khinh mạn, nhục mạ v.v… sẽ dễ làm người ta nổi nóng nhất.

Nếu lúc đó, quý vị có thể dùng cách sau đây, ắt tánh nóng chẳng đến nỗi phát sanh: Trước hết, xét coi kẻ nói những lời đó là hạng người như thế nào, là quân tử hay kẻ tiểu nhân? Nếu là bậc quân tử rất mực quy củ thì chính mình phải phản tỉnh! Quân tử chẳng tùy tiện phê bình người khác, bây giờ phê bình mình, nhất định mình có nhiều khuyết điểm. Nếu không, quân tử tuyệt đối chẳng phê bình mình. Mình phải nên tiếp nhận lời người đó phê bình, sửa đổi khuyết điểm của mình, sao còn nổi nóng đối với người đó cơ chứ? Nổi nóng trước mặt bậc chánh nhân quân tử đúng là chuyện khó coi lắm! Nếu kẻ tiểu nhân phê bình, lời kẻ tiểu nhân bận tâm làm gì? Nếu cùng kẻ tiểu nhân so đo, hóa ra mình cũng là tiểu nhân ư? Thậm chí còn kém hơn tiểu nhân nữa kia! Nghĩ như thế dù có muốn nổi nóng, cũng nổi nóng chẳng được.

Nói chung, quán sát đối phương chẳng cần biết là quân tử hay tiểu nhân đều chẳng nên nổi nóng!
 
Trích từ: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
9 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về