Home > Khai Thị Phật Học
Hai Môn Nhị Môn
| Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch


Đoạn văn diễn bày: Đại sư Đạo Xước kiến lập hai môn là Thánh Đạo và Tịnh Độ, rồi khuyên từ bỏ Thánh Đạo trở về tu tập Tịnh Độ.

Trong “An Lạc Tập” ghi: Hỏi: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và từ vô thỉ đến nay họ đã từng hội ngộ rất nhiều đức Phật; vậy vì nguyên nhân gì, đến bây giờ chúng sanh vẫn bị sanh tử luân hồi chưa thoát khỏi nhà lửa?

Đáp: Căn cứ vào Thánh giáo Đại thừa, vấn đề ấy do vì không không liễu đạt hai loại thắng pháp để cắt đứt sanh tử, thế nên không thể thoát khỏi nhà lửa. Hai loại thắng pháp ấy là gì?- Một là Thánh Đạo, hai là vãng sanh Tịnh Độ. Hiện nay, sự tu tập theo Thánh Đạo rất khó chứng ngộ; bởi lẽ, thứ nhất vì xa cách thời đức Phật quá lâu, thứ hai vì giáo lý uyên áo khó hiểu rõ rốt ráo. Do thế, “kinh Đại Tập Nguyệt Tạng” bảo: “Trong thời Mạt pháp, hàng triệu người phát tâm tu tập giáo pháp của Ta, khó có một người chứng ngộ.”

Thời Mạt pháp bây giờ đang đầy đủ năm thứ ô trược, chỉ có pháp tu Tịnh Độ mới có thể ra khỏi sanh tử. Chính thế, “Đại Kinh” dạy: “Giả như người nào suốt đời đã làm các việc ác độc, trong giờ phút lâm chung mà niệm danh hiệu Con mười niệm liên tục, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh Giác.”

Hơn nữa, tất cả chúng sanh hầu như không tự đo lường khả năng của mình. Xét về “Chân như thật tướng”, “Đệ nhất nghĩa không” của giáo nghĩa Đại thừa, thì chưa từng lưu tâm nghiên cứu trải nghiệm, xét về giáo nghĩa Tiểu thừa, không luận tại gia hay xuất  gia, đối với vấn đề tiêu diệt “Ngũ hạ phần kiết sử”, đoạn tận “Ngũ thượng phần kiết sử” để chứng đạt những quả vị từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, thì hầu như không ai thực hiện. Thậm chí ngay cả việc hành trì nghiêm túc “Ngũ giới, Thập thiện” để chiêu cảm những quả báo tốt đẹp cõi Trời, cõi Người cũng rất hiếm người tu tập; trái lại, xét về việc khởi ác tạo tội thì sao mà quá dễ dàng, hung bạo như “Cuồng phong đại hồng thủy”! Vì thế và chính thế, chư Phật với tâm đại từ-bi của mình, khuyến hóa mọi người trở về với pháp môn Tịnh Độ; giả như người nào suốt đời lỡ tạo nhiều tội ác, nhưng rồi thuần nhất tinh chuyên niệm Phật A Di Đà thì hết thảy tội chướng mặc nhiên tiêu diệt, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Đây là sự kiện không thể tư duy tính toán mà hiểu được, trăm vạn lần xin chớ bỏ ngoài tâm!

Nói thêm rằng: Khi lập giáo thì quan điểm của các tông phái có sự sai khác nhau. Chẳng hạn, tông Hữu Tướng lập “Tam thời” để quy kết giáo nghĩa mà đức Phật đã tuyên thuyết 49 năm, đó là Hữu, Không và Trung; tông Vô Tướng lập “Nhị tạng”, là tạng Bồ Tát và tạng Thanh Văn; tông Hoa Nghiêm lập “Ngũ giáo”, là Tiểu thừa giáo, Thỉ giáo, Chung giáo, Đốn giáo và Viên giáo; tông Pháp Hoa lập “Tứ giáo, Ngũ vị”; “Tứ giáo” là Tạng, Thông, Biệt và Viên; “Ngũ vị” là Nhũ (sữa), Lạc (sữa cô), Sanh (crème), Thục (bơ) và Đề hồ (phô-mát); tông Chân Ngôn lập “Nhị giáo”, là Hiển giáo và Mật giáo. Với tông Tịnh Độ, theo ý kiến của Đại sư Đạo Xước, Ngài kiến lập “Nhị môn” để thâu nhiếp toàn bộ giáo nghĩa mà đức Phật đã dạy, đó là Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn.

Hỏi: Khi thành lập các tông phái, chỉ có tám hay chín tông, như tông Hoa Nghiêm, tông Thiên Thai v.v…, chứ không nghe đề cập đến tông Tịnh Độ; nhưng, hiện nay lại có tông Tịnh Độ thì chứng cứ từ đâu?

Đáp: Chứng cứ về tông Tịnh Độ không phải chỉ có một. Chẳng hạn: Trong “Du Tâm An Lạc Đạo” của Đại sư Nguyên Hiểu ghi: “Ý chỉ của tông Tịnh Độ căn bản là vì hàng phàm phu và cả Thánh nhân”. Trong “Tây Phương Yếu Quyết”, Đại sư Từ Ân ghi: “…Nương tựa vào một tông này”. Lại nữa, trong “Tịnh Độ Luận”, Đại sư Ca Tài bảo: “… Chỉ duy nhất tông này là đạo lộ chính yếu”. Các chứng cứ như vậy không đủ để xóa tan nghi ngờ hay sao!; hơn nữa, khi các tông phái thành lập thì tông Tịnh Độ chưa được hình thành. Tóm lại, theo quan điểm của tông Tịnh Độ, toàn bộ giáo lý được quy kết thành “Nhị môn”, một là Thánh Đạo môn, hai là Tịnh Độ môn.

Trước hết, đề cập đến Thánh Đạo môn, đại lược để nói gồm hai nội dung, một là Đại thừa, hai là Tiểu thừa. Xét về Đại thừa, đại để thì có Hiển giáo, Mật giáo, Quyền giáo, Thật giáo sai khác nhau, nhưng từ lâu chỉ còn tồn tại Hiển giáo và Quyền giáo; do vậy, trải qua nhiều thế kỷ đến bây giờ chỉ tu tập theo hai hệ Hiển giáo và Quyền giáo này mà thôi. Đây là cơ sở để chúng ta cảm nhận sự thật bây giờ của Mật giáo và Thật giáo là như thế nào rồi! Như thế cần hiểu rằng, giáo nghĩa của tám tông phái hiện tại là Chân Ngôn, Phật Tâm, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Pháp Tướng, Địa Luận và Nhiếp Luận đều nằm trong phạm vi tư tưởng ấy. Bây giờ xét về Tiểu thừa, tổng quát để nói, nội dung của Kinh-Luật-Luận Tiểu thừa là xiển dương các pháp tu tập để đoạn trừ các lậu hoặc chứng ngộ chân lý, tức hội nhập các quả vị Thánh Hiền Thanh Văn, Duyên Giác. Đây chính là tư tưởng tu tập của các tông Câu Xá, Thành Thật và các bộ Luật của Luật tông. Tóm lại, đại ý nội dung giáo lý của Thánh Đạo môn bao gồm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa, là ở trong thế giới Ta Bà này để tu tập Đạo lý Tứ thừa nhằm chứng đạt quả vị Tứ thừa. Tứ thừa là Tam thừa cọng thêm Phật thừa nữa vậy.

Thứ đến, bàn về Tịnh Độ môn, cũng có hai nội dung, một là giáo nghĩa chủ yếu vãng sanh Tịnh Độ, hai là giáo nghĩa phụ trợ vãng sanh Tịnh Độ. Xét về giáo nghĩa chủ yếu vãng sanh Tịnh Độ, gồm có ba Kinh một Luận. Ba Kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà; một Luận là luận Vãng Sanh do Bồ Tát Thiên Thân tạo. Hay chỉ nói vắn tắt “Ba Bộ Kinh” với danh xưng “Tịnh Độ Tam Bộ Kinh” (Ba bộ kinh Tịnh Độ).

Hỏi: Quy ước về danh xưng “Ba Bộ Kinh” phải chăng chỉ có một?

Đáp: Quy ước về danh xưng “Ba Bộ Kinh” có rất nhiều. Chẳng hạn: Một là “Ba Bộ Kinh Pháp Hoa”, gồm kinh Vô Lượng Nghĩa, kinh Pháp Hoa và kinh Phổ Hiền Quán; hai là “Ba Bộ Kinh Đại Nhật”, gồm kinh Đại Nhật, kinh Kim Cang Đỉnh và kinh Tô Tất Địa; ba là “Ba Bộ Kinh Trấn Hộ Quốc Gia”, gồm kinh Pháp Hoa, kinh Nhân Vương và kinh Kim Quang Minh; bốn là “Ba Bộ Kinh Di Lặc”, gồm kinh Thượng Sanh, kinh Hạ Sanh và kinh Thành Phật. Hiện nay, duy nhất chỉ có Ba Bộ Kinh Di Đà nên gọi là “Ba Bộ Kinh Tịnh Độ”; “Ba Bộ Kinh Di Đà” là các Kinh diễn đạt về Chánh báo, Y báo cõi Tịnh Độ. Xét về giáo nghĩa phụ trợ vãng sanh Tịnh Độ có các kinh làm rõ thêm sự tu tập vãng sanh ấy, như kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Tùy Cầu, Tôn Thắng v.v… Về các Luận thì có luận Khởi Tín, Thập-Trụ Tỳ-Bà-Sa, Thật Tánh, Nhiếp Đại thừa v.v…

Ý thú tập sách này khi xiển dương “Nhị môn” (Thánh Đạo và Tịnh Độ) là nhằm khích lệ hành giả buông xả Thánh Đạo môn trở về tu tập theo Tịnh Độ môn, đại khái bởi hai lý do, thứ nhất, vì cách xa đức Phật (Chánh Pháp) quá lâu, thứ hai, vì giáo lý uyên áo khó lý giải rốt ráo. Bên cạnh, khi tông Tịnh Độ kiến lập “Nhị môn” không phải chỉ dựa vào ý kiến của một số Đại sư, như Đạo Xước, Đàm Loan, Thiên Thai, Ca Tài, Từ Ân v.v… chẳng hạn, trong “Vãng Sanh Luận Chú” Đại sư Đàm Loan ghi: “Cung kính đọc bộ luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa của Bồ Tát Long Thọ, ghi rằng: Hàng Bồ Tát cầu chứng đạt quả vị Bất thối chuyển thì có hai con đường (Nhị đạo), một là “Nan hành đạo”, hai là “Dị hành đạo”.

Gọi là “Nan hành đạo” (Con đường khó tu tập) bởi lẽ, đang ở trong thế giới đầy đủ năm thứ ô trược, lại không có đức Phật mà cầu chứng quả vị Bất thối chuyển là điều rất khó khăn. Sự khó này có nhiều phương diện, nơi đây chỉ nêu lên năm điểm làm đại biểu: Thứ nhất, hàng ngoại đạo cũng làm việc thiện gây rối loạn con đường tu hạnh Bồ tát; thứ hai, hàng Thanh Văn chỉ lo tự lợi gây chướng ngại sự tu tập hạnh đại từ bi; thứ ba, kẻ ác tự do phá hoại những công đức tốt đẹp của người hiền thiện; thứ tư, mê mờ trong phước báo làm hủy hoại phạm hạnh; thứ năm, chỉ duy nhất nương vào tự lực chứ không có tha lực gia trì. Những chướng ngại tương tợ như thế nhiễu nhương khắp mọi lúc mọi nơi trong sự tu tập, ví như du khách mà đi bộ thì sẽ gặp nhiều tai-họa hiểm nguy.

Gọi là “Dị hành đạo” (Con đường dễ tu tập) nghĩa là, chỉ thuần nhất nương vào nguyện lực của đức Phật A Di Đà để cầu được vãng sanh về cõi thanh tịnh Cực Lạc. Nhờ nguyện lực của đức Phật gia trì mà được hội nhập vào Chánh định Đại thừa, Chánh định này chính là thực tại Bất thối chuyển; trong trường hợp này tương tợ như du khách đi bằng tàu thuyền thì rất dễ dàng và an ổn.

Tóm lại, tại đây “Nan hành đạo” chính là “ Thánh Đạo môn”; “Dị hành đạo” chính là “Tịnh Độ môn”. Nan hành với Thánh đạo, Dị hành với Tịnh độ trên danh tự thì có sai khác, nhưng trên ý nghĩa thì tương đồng. Điểm này Đại sư Thiên Thai, Đại sư Ca Tài v.v… đã từng xác minh rõ.

Lại nữa, “Tây Phương Yếu Quyết” ghi rằng: “Ngưỡng vọng suy niệm về quá khứ khi đức Thích Tôn chuyển vận pháp luân đem đến sự lợi lạc lớn lao cho những chúng sanh hữu duyên, giáo pháp được khai mở tuỳ theo từng xứ sở, bất cứ ai được Ngài giáo hoá đều thấm nhuần Chánh pháp, chứng ngộ được đạo quả Tam thừa; bên cạnh, khi gặp những ai phước đức yếu kém thì Ngài khích lệ trở về với Tịnh Độ. Đã tu tập theo Tịnh Độ thì cần phải tinh chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và hết thảy mọi thiện căn đều hồi hướng cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà là thề cứu độ chúng sanh ở thế giới Ta Bà này, kể từ những người trọn đời niệm Phật cho đến những người khi lâm chung chỉ niệm được mười câu, tất cả đều chắc chắn sẽ được vãng sanh”. Lại nữa, phần cuối của “Tây Phương Yếu Quyết” ghi: “Phàm sanh vào thời kỳ Tượng pháp thì đã xa rời Chánh pháp, nên sự tu tập để khế hợp và chứng đạt những quả vị trong Tam thừa khó có cơ hội thành tựu; ngay cả hai hàng Trời, Người cũng vọng động bất an, chức năng về tâm thức của họ cũng không thể bảo lưu dài lâu được. Qua đây, kiến thức thì mê mờ, tu tập thì thô thiển rất dễ rơi vào con đường tăm tối; thế nên, cần xả ly thế giới Ta Bà, nhanh chóng trở về Tịnh Độ Cực Lạc”.

Như trình bày trên, nội dung của Tam thừa chính là nội dung của Thánh Đạo môn, nội dung của Tịnh Độ chính là nội dung của Tịnh Độ môn. Tam thừa với Thánh Đạo môn, Tịnh Độ với Tịnh Độ môn mặc dầu danh xưng khác nhau, song ý nghĩa thì tương đồng. Là học giả của Tông Tịnh Độ, trước hết cần hiểu rõ tiêu chí này; đó là, giả như thời gian vừa qua đã là người học tập theo Thánh Đạo môn, nếu hiện giờ có chí hướng với Tịnh Độ, thì “cần phải buông xả Thánh Đạo trở về với Tịnh Độ”. Chẳng hạn, như Pháp sư Đàm Loan từ bỏ bốn bộ Luận[[4]] đang thuyết giảng mà nhất tâm trở về với Tịnh Độ, hay Thiền sư Đạo Xước từ bỏ sự giảng dạy và tu tập giáo nghĩa kinh Niết Bàn mà xoay lại tu tập và hoằng truyền Tịnh Độ. Các bậc hiền triết trong quá khứ có động thái tương tợ như thế rất phổ biến, những kẻ ngu tối trong thời Mạt pháp bây giờ sao chẳng chịu noi gương!

Hỏi: Các tông phái thuộc Thánh Đạo môn đều có sự kế thừa, như tông Thiên Thai, thỉ Tổ là ngài Tuệ Văn, tiếp theo là các ngài Nam Nhạc, Thiên Thai, Chương An, Trí Uy, Tuệ Uy, Huyền Lãng, Trạm Nhiên v.v…; hay tông Chân Ngôn, thỉ Tổ là Đại Nhật Như Lai, kế đến là các ngài Kim Cang Tát-Đỏa, Long Thọ, Long Trí, Kim Trí, Bất Không v.v… Các tông phái đều có sự truyền thừa tương tợ như thế, vậy tông Tịnh Độ có sự kế thừa không?

Đáp: Tương tợ như các tông phái của Thánh Đạo môn, tông Tịnh Độ vẫn có sự truyền thừa, chỉ sai khác ở điểm là có nhiều Chi phái. Chẳng hạn, như Chi phái của Pháp sư Tuệ Viễn ở Lô Sơn, Chi phái của Tam tạng Từ Mẫn, và Chi phái của Đại sư Đạo Xước, Đại sư Thiện đạo v.v… Nếu căn cứ vào thuyết của hai Đạo sư Đạo Xước và Thiện Đạo, thì tông Tịnh Độ có hai Chi phái:

– Thứ nhất, thỉ Tổ là Tam Tạng Bồ Đề  Lưu-Chi, kế tiếp là Pháp sư Huệ Sủng, Pháp sư Đạo Tràng, Pháp sư Đàm Loan, Thiền sư Đại Hải, Pháp sư Pháp Nhiên[[5]] v.v.
– Thứ hai, thỉ Tổ là Tam Tạng Bồ Đề  Lưu-Chi, kế tiếp là Pháp sư Đàm Loan, Thiền sư Đạo Xước, Thiền sư Thiện Đạo, Pháp sư Hoài Cảm, Pháp sư Thiếu Khương[[6]] v.v.
————————
[[4]] Bốn bộ Luận (Tứ Luận): Đó là, Luận Trung Quán (4 quyển, Bồ Tát Long Thọ soạn), Bách Luận (2 quyển, Ngài Đề Bà soạn),  Luận Thập Nhị Môn (1 quyển, Bồ Tát Long Thọ soạn), Luận Đại Trí Độ (100 quyển, Bồ Tát Long Thọ soạn).

[[5]] Theo “An Lạc Tập”.

[[6]] Theo “Đường Tống Lưỡng Truyện”.
Trích từ: Đôi Lời Vể Quyển Tuyển Trạch Tập


Từ Ngữ Phật Học Trong: Hai Môn Nhị Môn