Tiết mục:
I. Bồ Tát giáng thần
II. Bồ Tát nhập thai
III. Bồ Tát trụ thai
IV. Bồ Tát đản sanh
V. Tiên nhơn xem tướng
VI. Thái tử học tập văn võ
VII. Mấy cuộc nhàn du
VIII. Thái tử xuất gia
IX. Thái tử hỏi đạo
Pháp Tạng trích dẫn: Kinh Phật Bản Hạnh, Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, Tỳ Nại Gia Tạp Sự, Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Kinh Phật Thuyết Thập Nhị Du, Kinh Vị Tằng Hữu, Kinh Thoại Ứng, Kinh Tu Đạt Noa, Phật Học Đại Cương.
Đề yếu: Toàn chương viết phỏng theo nửa đoạn của thuyết “Tám tướng thành đạo”, từ lúc Bồ Tát giáng thần cho đến khi Thái tử xuất gia, nhưng có thêm mấy tiết: năm, sáu, bảy và chín, để cho sự tích thêm phần đầy đủ. Đại khái trong chín tiết, kể những sự trạng từ khi Bồ Tát giáng thần, vào thai, ở trong thai, lúc đản sanh, được tiên nhơn xem tướng, lớn lên học tập văn võ, có gia đình, rồi nhân đi chơi thấy cảnh già, bệnh, chết, mà xuất gia tìm đạo. Đây là nửa đoạn đời về trước của Ðức Thích Tôn.
Thuyết “Tám tướng thành đạo” theo Đại thừa là: Đâu Suất giáng thần, Nhập thai, Trụ thai, Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển pháp luân và Nhập niết bàn. Trong tám điều nầy, Tiểu thừa thêm tướng Hàng ma mà không lập tướng Trụ thai, vì cho trụ thai gồm trong thác thai; còn Đại thừa thì không lập tướng Hàng ma, vì biết rõ ma chính là Phật.
Trong chương nầy có vài điểm mà theo quan niệm thế gian, người ta cho là xa với thực tế. Nhưng theo quan niệm Phật giáo, thì các pháp đều như huyễn, huyễn pháp tùy theo nghiệp duyên thiện ác mà biến hiện không lường, huống nữa với Thái tử Tất Đạt Đa, một vị Bồ Tát đã từng nhiều kiếp tu chứng Lục ba la mật. Vậy không nên đem tâm tư thế gian mà đoán định.
Theo các kinh Trung Hoa phiên dịch, thời gian Phật đản sanh nhằm ngày mùng tám tháng tư. Nhưng gần đây, quyết nghị của Hội Phật giáo thế giới xin các nước Phật giáo lấy ngày 15 tháng 4 (â.l.T.H.) làm ngày kỷ niệm Phật đản. Vì thế nên trong đây sửa lại ngày ấy làm ngày trăng tròn.
Lại, theo quyết nghị chung, Phật giáo thế giới năm 1952 đã đồng ý lấy năm Đức Phật niết bàn, tức là 544 năm trước kỷ nguyên, làm năm kỷ niệm “Phật lịch” thống nhất của Phật giáo. Thế thì Ðức Thích Tôn giáng sinh vào khoảng thời gian 624 544 năm trước tây lịch. Hiện nay năm Phật lịch là 2508 1964.
Tiết I: Bồ Tát Giáng Thần
Hộ Minh Bồ Tát từ nơi pháp hội của Ðức Ca Diếp Thế Tôn, giữ gìn cấm giới, phạm hạnh trong sạch, sau khi mạng chung, chánh niệm sanh lên cõi Đâu Suất Đà thiên.
Sau khi vãng sanh, Bồ Tát trụ nơi nội viện thiên cung. Các cung điện ở cõi Đâu Suất ánh sáng huy hoàng, sự trang nghiêm tốt đẹp vô lượng vô biên. Đó đều do sức công đức oai thần của Hộ Minh đại sĩ mà tự nhiên hóa hiện. Các Đại Phạm thiên vương và hàng A tu la oai đức lớn, đều vân tập nơi cung trời Đâu Suất, vây quanh Bồ Tát, thưa thỉnh pháp âm. Vô lượng chúng sanh khi sanh lên cõi Đâu Suất, thấy sự vui ngũ dục nhiệm mầu, phần nhiều đều mê nhiễm, không nhớ bản nguyện và hạnh tu đời trước. Bồ Tát tuy thấy cảnh ngũ dục thắng diệu, song vẫn không mê hoặc, lại nhớ đến nhân duyên của mình vì dẫn dạy chúng sanh nên mới ứng hiện nơi cõi nầy. Thọ mạng của chư thiên cõi Đâu Suất đến bốn ngàn năm. Bồ Tát vì hàng chư thiên ấy thuyết pháp giáo hóa, chỉ rõ pháp tướng, khiến cho đại chúng đều hoan hỷ. (Kinh Phật Bản Hạnh)
Khi vận kỳ gần đến, sắp phải giáng sinh thành Phật, Bồ Tát quán sát năm việc:
1. Căn duyên của chúng sanh đã thuần thục hay chưa?
2. Đã đến thời kỳ hóa độ chưa?
3. Trong châu Diêm Phù Đề, quốc hộ nào ở chính giữa?
4. Trong các chủng tộc, tộc tánh nào quí thạnh?
5. Về nhân duyên quá khứ, ai là bậc chân chánh, đáng làm cha mẹ mình?
Sau khi quán sát năm việc ấy xong, Ngài biết rõ: Hiện nay các chúng sanh do mình giáo hóa từ khi mới phát tâm, thiện căn đã thuần thục. Đã đến thời kỳ những kẻ hữu duyên có thể lãnh thọ pháp mầu thanh tịnh. Trong cõi Đại thiên thế giới nầy, nước Ca Tỳ La Vệ ở giữa châu Diêm Phù Đề. Trong các chủng tộc, có họ Thích Ca thuộc dòng Cam Giá là quí thạnh nhất. Về nhân duyên quá khứ, Bạch Tịnh Vương và Ma Gia hoàng hậu là bậc hiền lương chân chánh, có thể làm cha mẹ mình. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Tiết II: Bồ Tát Nhập Thai
Bấy giờ, Hộ Minh Bồ Tát xem xét con bạch tượng ở cõi trời, thấy nó mạnh mẽ vững vàng như sư tử chúa; cưỡi tượng vương nầy giáng sinh, tất không còn có sự rối loạn sợ hãi, tâm được an điềm. Ngài day lại bảo chư thiên rằng: “Các vị nên biết, đã đến giờ ta giáng sinh. Đây là lần thọ thân sau rốt của ta”.
Khi ấy nơi thành Ca Tỳ La, Ma Gia hoàng hậu trong giấc mơ, thấy có một vị Bồ Tát cưỡi con bạch tượng sáu ngà, đầu voi ửng sắc đỏ, ngà trang nghiêm bằng vàng, từ hư không đi xuống, chun vào hông bên hữu của mình. (Kinh Phật Bản Hạnh)
Tiết III: Bồ Tát Trụ Thai
Có những chúng sanh, khi nhập thai không thể chánh niệm; hoặc khi nhập thai chánh niệm, khi trụ thai không thể chánh niệm, hoặc khi nhập thai, trụ thai đều chánh niệm, khi xuất thai không thể chánh niệm.
Lại các chúng sanh khác, khi trụ thai hoặc có lúc ở bên trái, có lúc ở bên mặt, làm cho người mẹ chịu rất nhiều sự nhọc nhằn đau đớn. Bồ Tát khi trụ thai thường ở bên mặt, không di động, không làm tổn đến người mẹ.
Các chúng sanh khác, khi trụ thai tất bị nhiễm các thứ không sạch trong thân người mẹ. Bồ Tát khi trụ thai, không có sự kinh sợ, không bị nhiễm chất dơ, ví như bình báu lưu ly được áo trời gói kín, dù đem để chỗ dơ cũng không bị ô nhiễm.
Các chúng sanh khác khi trụ thai, người mẹ thường chịu sự nặng nề, nhọc mệt, thân thể không an. Bồ Tát khi trụ thai, người mẹ thân không mỏi mệt, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ đều được an vui.
Các chúng sanh khác khi trụ thai, người mẹ hoặc làm những tạp hạnh, hoặc dục tâm hừng thạnh, hoặc thèm các mùi vị, hoặc tham lam bỏn xẻn, hoặc giận hờn độc ác, hoặc thân thể suy yếu, vàng võ gầy gò. Bồ Tát khi trụ thai, người mẹ ưa giữ giới hạnh, không có lòng dục nhiễm, không tham đắm các mùi vị, ưa bố thí, hằng thương xót không làm tổn hại mọi loài, thân thể mạnh khỏe, dung sắc tươi vui.
Trên đây là những pháp vị tằng hữu của hàng Bồ Tát. (Kinh Phật Bản Hạnh)
Tiết IV: Bồ Tát Đản Sanh
Hoàng hậu Ma Gia mang thai đã gần đủ ngày tháng (bấy giờ bà đã 45 tuổi). Khi ấy, Thiện Giác trưởng giả (Anusàkya A Nâu Thích Ca) sai sứ qua thành Ca Tỳ La tâu với Tịnh Phạn Vương, xin y theo cổ tục đem con gái về quê ngoại là xứ Câu Ly (Koly Câu Lợi) an dưỡng để chờ ngày sanh. Tịnh Phạn Vương y lời, sai quan Hữu Tư sửa sang con đường từ thành Ca Tỳ La đến thành Đề Bà Đà Ha (Devadaha Thiên Tý thành) cho bằng phẳng, trừ bỏ gai gốc sạn đá, quét dọn sạch sẽ. Vua lại bảo quan quân thể nữ sắp đặt xe báu, rải hương hoa, tấu các thứ âm nhạc, đưa Ma Gia phu nhân về quê.
Trên quãng đường về, hoàng hậu ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) để thưởng ngoạn mùa hoa đang nở. Trong vườn có cây Ba la xoa (Sala Vô ưu), tàn che rộng rãi, cành rũ thấp bốn bề, hoa lá chen nhau, sắc xanh tím cùng chói dưới ánh triều dương, lộ vẻ muôn phần xinh đẹp. Hoa của loại cây nầy có mùi hương thanh nhẹ, bay lan theo làn gió thoảng, làm cho người thần trí vui tươi. Hoàng hậu dạo xem khắp nơi, rồi lần chẫm rãi bước đến cội Vô ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay mặt từ từ vịn cành cây xuống. (Kinh Phật Bản Hạnh)
Khi ấy, ánh sáng rực rỡ bốn bề, cõi đất rung động sáu cách, Ma Gia phu nhân đã đản sanh ra Bồ Tát. Bấy giờ, trời Đế Thích đem hoa sen rải theo lối đi. Bồ Tát chân đạp hoa sen, nhẹ đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, xướng lên rằng: “Đây là thân sau rốt của ta. Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quí hơn cả”. Lúc đó, trên hư không Long vương phun hai thứ nước: ấm và mát, để tắm gội cho Bồ Tát. (Tỳ Nại Gia Tạp Sự)
Tịnh Phạn Vương hay được tin ấy, liền nghiêm chỉnh đốn binh, cùng với quyến thuộc và một ức người Thích chủng, đi đến vườn Lâm Tỳ Ni. Khi đến nơi, vua thấy Thái tử tướng lạ trang nghiêm, vô cùng hoan hỷ!
Bảy hôm sau ngày sanh nở, hoàng hậu Ma Gia ly trần, sanh lên cung trời Đao Lợi, hưởng phước tự nhiên, do bởi hoài thai Bồ Tát, công đức rất lớn. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Thái tử ở tại vườn Lâm Tỳ Ni đủ bảy ngày, rồi được đưa về thành Ca Tỳ La. Vua Tịnh Phạn đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa (Siddhàrtha Nghĩa Thành). (Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm)
Tiết V: Tiên Nhơn Xem Tướng
Sau khi hoàng hậu qua đời, Tịnh Phạn Vương giao Thái tử cho bà Ba Xà Ba Đề (Prajàpati) nuôi dưỡng. Ngài lại truyền mời các thầy tướng số vào đền để xem tướng cho Đông cung. Khi xem xong, các tướng sư đều thưa: “Tâu Đại vương! Cứ theo sách xưa nói, thì người nào đủ 32 tướng như Thái tử đây, sẽ có hai việc: một là được làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ, bảy báu đầy đủ. Hai là nếu xuất gia, tất sẽ thành Phật, độ vô lượng chúng sanh”. Vua Hỏi: “Những tướng ấy như thế nào?” Các tướng sư đều chỉ rành rẽ mỗi mỗi trong 32 tướng. Tịnh Phạn Vương rất vui đẹp.
Trong ngày đó, Thủ môn quan lại báo tin có A Tư Đà tiên xin yết kiến. Vua truyền mời vào, đảnh lễ tiên nhơn, thỉnh ngồi trên bảo tọa, rồi thưa rằng: “Chẳng hay tiên trưởng đến đây có điều chi dạy bảo?” Đạo sĩ Đáp: “Thưa Đại vương! Tôi xem thiên tượng, biết Ma Nạp Bà Tỷ Giả Bồ Tát đã vào thành nầy. Nay nghe Đại vương mới sanh Thái tử, nên muốn xin cho được thấy mặt”.
Quan Ngự thị thưa: “Thái tử hiện đang ngủ”. Tiên nhơn mỉm cười đọc bài kệ:
Ngựa hay không ngủ nhiều,
Nửa đêm tạm thời nghỉ,
Việc định làm chưa xong,
Sao để say thần trí?
Vua truyền bảo cứ vào bồng ra. Khi quan Ngự thị bồng Thái tử vừa đến đại điện, Ngài bỗng mở mắt, vẻ mặt tươi tỉnh. Đạo sĩ A Tư Đà lặng lẽ xem tướng xong rồi Hỏi: “Các tướng sư khác nói như thế nào?” Vua y lời trước thuật lại. Tiên nhơn bảo:
Các tướng sư ấy nói chẳng đúng,
Trong đời mạt pháp không Luân vương.
Nếu như bậc chúa hóa bốn châu,
Thì tướng Luân vương chưa hiện đủ.
Mà nay có được thắng duyên nầy,
Quyết định về sau sẽ thành Phật.
Vua Tịnh Phạn nghe nói Thái tử sau sẽ tu hành, chứng Cam lộ pháp, thì lặng lẽ không vui. (Tỳ Nại Gia Tạp Sự)
Tiết VI: Thái Tử Học Tập Văn Võ
Thái tử lần lần khôn lớn. Tịnh Phạn Vương rất chiều quí con, cấp cho đủ các thứ xe: voi, ngựa, trâu, dê, và năm trăm kẻ thương đầu như bọn Xa Nặc... để theo hầu hạ. Năm Thái tử lên bảy tuổi, vua cho thỉnh 500 vị Bà La Môn tài đức vào hoàng cung, để dạy con về các môn: thiên văn, địa lý, toán số, kỹ thuật, nghị luận, văn học, võ nghệ. Trong các giáo sư, có ông Tỳ Xa Mật Đa La về văn học tỏ ra xuất sắc, còn ông Sằn Đề Đề Bà thì tinh thông về võ nghệ. Trí thông minh của Thái tử rất phi thường không ai sánh kịp. Học chẳng bao lâu mà Ngài đã thông suốt mọi ngành. Các thầy dạy của Ngài lần lần đều cảm thấy sự học vấn của mình có hạn, mà chỗ hiểu biết của vị đồ đệ lại sâu rộng vô cùng. Rốt cuộc các ông vừa tự thẹn vừa khen ngợi bái phục, trở lại tôn xưng Thái tử là bậc thầy, rồi từ biệt ra về.
Khi Thái tử được mười bảy tuổi (có thuyết nói 16 tuổi), vua hội quần thần lại để bàn định việc hôn phối cho con. Một quan đại thần tâu: “Thưa Đại vương! Bà La Môn Ma Ha Na Ma thuộc dòng họ Thích, có một người con gái tên Gia Du Đà La (Yasodharà Đặc Dự), trí huệ thông minh, tư dung xinh đẹp, tài hạnh hơn người. Cô ấy có thể làm vị nguyên phối của Thái tử”. Vua sai người đến nhà trưởng giả Ma Ha Na Ma, quan sát trong bảy ngày, thấy quả đúng như thế, liền cho sứ giả sang làm lễ thông vấn, rồi lựa ngày tốt để nghinh hôn. Sau khi kết hôn, Thái tử đối với Gia Du công nương, trong khi đi đứng trò chuyện vẫn sánh đôi cùng nhau, nhưng thường lãnh đạm không có niệm thế tục. Ban đêm thanh vắng, Ngài thích tĩnh tọa chuyên tu thiền quán. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Công nương Gia Du Đà La cũng có hiệu là Cù Di, cha là Ma Ha Na Ma tức Xá Di trưởng giả (Thủy Quang), mẹ là Nguyệt Nữ phu nhân. Khi Cù Di mới sanh, mặt trời sắp lặn, ánh tịch dương phản chiếu khắp trong nhà sáng rỡ, nhân đó công nương lại có hiệu là Minh Nữ. Ngoài Cù Di là bạn nguyên phối, Thái tử lại có hai bà phi khác là Gia Duy Đàn, con của Di Thi Bà La Môn, và Lộc Dã, con của Thích trưởng giả. Vua Tịnh Phạn xây cất cho ba vương tức ba tòa điện các, mỗi điện có đến hai vạn thể nữ. (Đối chiếu các Kinh: Phật Thuyết Thập Nhị Du, Vị Tằng Hữu, Thoại Ứng, Tu Đạt Noa)
Tiết VII: Mấy Cuộc Nhàn Du
Một hôm, Thái tử nghe các cung nữ hát những bài vịnh cảnh vườn cây tươi tốt, ngọn suối reo thanh, bỗng động ý nhàn du. Ngài suy nghĩ: “Nếu ta cứ ở mãi trong cung, làm sao biết được cảnh vật bên ngoài thế nào?” Nghĩ xong, Thái tử tâu với Phụ vương xin ra ngoài thành du ngoạn. Vua Tịnh Phạn nghe nói vui vẻ ưng thuận, sai quan quân cùng đi với Đông cung.
Khi đi đến một cánh đồng, Thái tử trông thấy những người nông phu quần áo lam lũ, làm việc dưới ánh mặt trời nóng bức, xem ra rất là vất vả. Ngài lại thấy mỗi lần cày đất lên, loài côn trùng lớp bị đứt đoạn, lớp bò ra, những chim muông tranh nhau bay xuống bắt chúng để ăn. Mục kích cảnh ấy, Thái tử động lòng thương xót than rằng: “Cuộc đời là một chuỗi nhọc nhằn, khổ sở, xâu xé lẫn nhau như thế ư? Ta phải làm thế nào để cứu vớt chúng sanh thoát ly mọi nỗi khổ?” Du ngoạn xong, Ngài cùng các quan trở về thành, bên lòng canh cánh một tâm niệm không vui.
Cách ít lâu sau, Thái tử lại tâu với vua cha xin ra ngoài thành du lãm. Trước tiên, Ngài cùng quan quân hộ vệ ra cửa thành phía đông. Đang lúc dạo chơi vui vẻ, Thái tử bỗng thấy một ông lão lưng còm, tóc bạc, khí lực suy vi, tuy có chống gậy song lối đi đứng xem ra nhọc mệt. Nhìn qua cảnh đó, Ngài suy nghĩ: “Bóng thiều quang thấm thoát trôi mau, cái già sẽ đến không mấy lúc. Ta tuy giàu sang quyền thế, nhưng làm sao tránh khỏi cảnh nầy! Tại sao người đời không nghĩ đến nỗi khổ sẽ đến với mình mà tìm phương giải thoát, lại an nhiên trong vòng dục lạc?”
Kế đó, Thái tử ra dạo cửa thành phía nam. Lần nầy vua Tịnh Phạn cho người sửa sang, quét dọn trước đường sá. Dọc theo bên lộ, cách khoảng lại có treo những lọng, phướn và đốt hương rải hoa. Nhưng không may, trong lúc du ngoạn, Thái tử thấy một người bệnh gầy yếu vàng võ, tay chân run rẩy, miệng không ngớt kêu rên. Bệnh nhân do hai người dìu đỡ, đang đi khấp khểnh bên lộ. Ngài liền bảo quan quân dừng lại, rồi vội vã xuống xe, dùng lời từ ái hỏi thăm an ủi, lại cỡi chuỗi ngọc trong mình ban cho để thân nhân kẻ bệnh lo việc thuốc thang. Trải qua cảnh ấy, Thái tử mất hết hứng thú vui chơi, truyền quan hộ vệ đẩy xe về cung.
Lần thứ ba, Thái tử ra dạo cửa thành phía tây. Mấy kỳ trước, sau cuộc du ngoạn trở về, vua Tịnh Phạn thấy con có nét u buồn, hỏi thăm kẻ tùng nhân đã biết rõ duyên cớ. Vì thế lần nầy vua cho một vị Bà La Môn trẻ tuổi, đủ tài thông minh hùng biện, tên là U Đà Di, đi theo làm bạn với Thái tử. Nơi thành ngoại, vua lại ngầm sai quân ngăn không cho kẻ già, bệnh ra đường. Chẳng những các lối đi sửa sang trang nghiêm hơn trước, mà ở mấy khuôn viên ngoài thành, Tịnh Phạn Vương cũng đặt sẵn những đoàn âm nhạc ca vũ, cho cảnh trí tăng thêm vẻ vui tươi. Nhưng trong lúc đoàn du ngoạn đang vui bước lần lần dạo chơi ra xa, một đám xác từ đàng kia đi đến. Theo sau đó, các thân nhân người chết kêu khóc thảm thiết bi ai. Sau khi hỏi biết đó là đám xác mà người ta đem đi nơi xa vắng để hỏa táng, Thái tử lộ vẻ buồn bực, truyền quay xe trở về. Ưu Đà Di hết sức khuyên lơn, song cũng không được.
Một thời gian sau, Thái tử lại xin vua cha cho đi dạo ngoài cửa thành phía bắc. Tịnh Phạn Vương không nỡ ngăn cản, nhưng đã trải qua mấy phen sơ hở trước, kỳ nầy ngài sai quân triệt để ngăn ngừa các nơi ở thành ngoại, không cho Thái tử thấy một tướng trạng nào có thể gọi là bất tường. Vua lại cho sửa sang khung cảnh du ngoạn thật bội phần trang nghiêm, và dặn những kẻ tùng nhân khuyên Thái tử khi dạo chơi nên dùng ngựa để trông thấy rõ cảnh đẹp bốn bề. Sáng hôm sau, Thái tử cùng Ưu Đà Di và hàng quan thuộc cưỡi ngựa chậm rãi ra khỏi thành. Khi đến một khu vườn, Ngài cho các tùng giả tản đi dạo chơi xung quanh, rồi xuống ngựa lại gốc cây ngồi yên lặng một mình, vẩn vơ lo nghĩ đến cảnh già, bệnh, chết. Lúc ấy từ đàng xa, một vị Sa môn mặc pháp phục, ôm bát, cầm tích trượng khoan thai đi đến. Thấy tướng trạng an nhàn tự tại đó, Thái tử bỗng sanh lòng hoan hỷ, đứng lên đón hỏi đạo nhơn về mục đích của sự tu hành. Vị Sa môn Đáp: “Cảnh thế gian đều vô thường giả huyễn, người đời vì mê theo dục nhiễm, nên bị lôi cuốn trong vòng buộc ràng khổ não. Mục đích tu hành của tôi là trừ lòng tham trước nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đem tâm vào nơi điềm đạm vô vi, lần lần sẽ chứng quả Niết bàn, thoát nẻo luân hồi, hằng được an nhàn tự tại. Khi tự mình đã giải thoát, lại đem đạo mầu mà hóa độ chúng sanh”.
Nghe mấy lời ấy, Thái tử cảm thấy sự lo nghĩ từ trước thoạt tiêu tan, nơi trí mở ra lối đi quyết định. Ngài buột miệng khen: “Lành thay! Ở trong đời chỉ có việc nầy là cao quí hơn cả”. Trên con đường về, Thái tử luôn luôn lộ vẻ vui tươi; nhưng khi vào đến cửa hoàng thành, gương mặt Ngài bỗng ẩn nét lo buồn. (Lược thuật theo Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Tiết VIII: Thái Tử Xuất Gia
Sau khi du ngoạn bốn cửa thành trở về, Ưu Đà Di thấy Thái tử hằng trầm tư, sợ Ngài có quan niệm thoát tục, liền lựa dịp khuyên can: “Đại vương dạy tôi làm bạn với Thái tử, để có sự đắc thất thì khuyên nhủ cùng nhau. Mà đạo bằng hữu kết yếu lại chỉ có ba điều: 1. Nếu thấy có lỗi phải khuyên can nhau. 2. Thấy có việc tốt thì mừng cho nhau. 3. Gặp lúc nguy khổ, không rời bỏ nhau. Nay tôi đem lời thành thật tỏ bày, mong Thái tử chớ để tâm phiền trách: từ xưa đến nay, theo thông lệ, các bậc vương giả đều hưởng sự vui ngũ dục trước, rồi mới xuất gia. Song đó chỉ là điều phụ, mà thật ra phần chính là: nhiệm vụ đối với việc trị nước an dân và bổn phận đối với gia đình, chủng tộc. Nay tôi xem ý Thái tử dường như không thích con đường ấy, là bởi tại sao?” Thái tử Đáp: “Ta không bảo rằng thú ngũ dục không vui. Song thử Hỏi: Các vị vương giả ấy bây giờ còn chăng? Và ở đâu? Hay là do say đắm theo dục lạc, gây nhiều nghiệp duyên tội chướng mà bị đọa lạc rồi? Ta không bảo việc trị nước an dân là không quan trọng, song địa vị quốc vương dù không có người nầy, cũng còn lắm kẻ tài đức khác. Ta cũng không bảo tình nghĩa gia tộc là không thiết yếu, nhưng theo ý ta, đó là một tình thương và nhiệm vụ trong khuôn khổ nhỏ hẹp, sao bằng tình thương khắp cả sinh linh, nhiệm vụ cứu độ muôn loài thoát nẻo luân hồi đau khổ?” Ưu Đà Di đem hết nguồn biện luận để khuyên ngăn, song rốt cuộc rồi cũng đuối lý. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Sau khi suy nghĩ kỹ, muốn thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết, duy đường lối tu hành là có thể hy vọng, Thái tử đã quyết chí xuất gia.
Một hôm, thừa lúc Tịnh Phạn Vương vui vẻ, Thái tử sửa y phục nghiêm chỉnh đến bạch rằng: “Thưa Phụ vương! Giàu sang quyền thế, ngày kia sẽ hết; ân tình hội hợp, có lúc phải chia ly. Xin Phụ vương cho con xuất gia tu hành để độ thoát lấy mình, gia thuộc, và tất cả chúng sanh”. Vua Tịnh Phạn nghe nói, cả mình rung rẩy, uất ức nghẹn lời, một viên đá bị chày Kim cang đập nát thế nào, thì tâm trạng buồn khổ, thất vọng, rã rời của ngài cũng như thế ấy! Vua cầm tay Thái tử, lặng thinh giây lâu mới nói được một câu nho nhỏ: “Con nên bỏ ý kiến đó đi, đừng làm cho cha sầu não!” Thái tử thấy Phụ vương bi lệ không cho, bèn lạy chào trở về cung, âm thầm suy nghĩ phương pháp thoát ly.
Khi biết Thái tử có chí xuất trần, vua Tịnh Phạn cho quân ngày đêm canh giữ hoàng thành nghiêm nhặt. Ngài lại dặn công nương Gia Du Đà La và các nội quan trông chừng, nếu thấy Thái tử có hành động gì khác thường, phải lập tức cho hay.
Một đêm, sau cuộc tiệc vui liên tiếp mấy hôm, tất cả đoàn âm nhạc ca vũ trong cung, cho đến công nương Gia Du Đà La đều mệt mỏi yên giấc. Riêng Thái tử nằm trằn trọc không ngũ, Ngài suy nghĩ: “Ngày tháng chóng qua, tuổi xuân không trở lại, ta phải sớm thoát ly, không nên dần dà như thế nầy mãi”. Nghĩ đến đó, Ngài bỗng nghe văng vẳng có tiếng nói: “Những hạnh nguyện đã tu từ vô lượng kiếp đến nay, hiện đã tới thời kỳ thuần thục. Thái tử nên mau xuất gia, mọi việc đã có chúng tôi giúp đỡ”. Lúc ấy, công nương Gia Du Đà La bỗng chợt thức giấc, gọi Thái tử nói với giọng đầy vẻ sợ hãi: “Thiếp vừa nằm mộng thấy liên tiếp ba điềm: Mặt trăng rơi xuống đất, gẫy một chiếc răng và rụng cánh tay mặt, không biết đó là triệu chứng gì?” Thái tử an ủi: “Việc chiêm bao hư huyễn không thật, nàng hãy yên tâm nằm nghỉ”.
Đợi công nương yên giấc xong, Thái tử nhẹ bước ra ngoài, gọi kẻ hầu thân tín là Xa Nặc (Chana) bảo thắng yên cương con bạch mã Kiền Trắc đem đến, Xa Nặc nghe nói kinh hãi, trong lòng dụ dự, nửa không dám trái lời vua dặn, nửa lại sợ oai lực Thái tử, chỉ rơi nước mắt thưa: “Đang lúc giữa đêm, không phải giờ du ngoạn, cũng không phải vì đem quân ra ngăn giặc, chẳng hay có chuyện chi cấp thiết mà Đông cung phải cần đến ngựa?” Thái tử bảo: “Ta muốn vì tất cả chúng sanh hàng phục giặc phiền não, ngươi chớ nên trái ý”. Biết không thể cưỡng được, Xa Nặc sắp sửa yên cương, rồi thầy trò vượt ra thành. Do sức chư thần, nên quân canh gác đều ngủ mê man không hay. Con Kiền Trắc chạy mau như gió, vừa lúc bình minh đã đến bờ sông A Nô Ma. Thái tử xuống ngựa, cắt tóc, đem trân phục nơi thân đổi lấy bộ cà sa của người thợ săn dùng giả trang để bắn thú, hoàn thành hình tướng sa môn. Xa Nặc thấy thế, tỏ vẻ bi ai, quyến luyến! Thái tử an ủi: “Ngươi chớ nên thương buồn, vì người đời có hợp tất có tan. Như khi ta mới sanh ra bảy ngày thì mẫu hoàng đã mạng bạc. Rất đổi mẹ con chí thiết, mà còn có lúc tử biệt vô thường, huống nữa là những tình trường riêng khác! Thôi ngươi hãy về đem ý ta thuật lại, nói ta có lời xin lỗi cùng phụ hoàng, di mẫu và tạm biệt công nương”. Nói xong, Thái tử xây mình chẫm rải bước đi; Xa Nặc đứng lặng lẽ trông theo cho đến khi Ngài khuất bóng. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Lúc ấy, nhằm đêm mùng tám tháng hai, Thái tử được 29 tuổi và đã có con là La Hầu La (Ràhula). (Tỳ Nại Gia Tạp Sự theo Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả thì Thái tử xuất gia lúc 19 tuổi; khi ấy công nương Gia Du mới có thai).
Vua Tịnh Phạn hay con đã xuất gia, liền cho năm người tôn thân là: Kiều Trần Như (Àjnàta Kaundinya), A Thấp Bà (Asvajit A Thuyết Thị), Bạt Đề (Bhadrika), Ma Ha Nam (Mahànàma), Thập Lực Ca Diếp (Dasabala Kàsyapa Bạt Đà) đi theo Thái tử để làm thị giả. (Phật Học Đại Cương)
Tiết IX: Thái Tử Hỏi Đạo
Sau khi xuất gia, Thái tử đi tìm chỗ ở của Bạt Già Bà tiên nhơn (Bhàrgava) để hỏi đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy những vị ở đây tu nhiều thứ khổ hạnh: Có kẻ dùng cỏ, hoặc vỏ cây, hoặc lá cây làm y phục. Có kẻ ăn một ngày một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày một bữa. Có kẻ thờ nước, lửa, hoặc thờ mặt trời, mặt trăng. Có kẻ đứng co một chân, hoặc nằm dưới đất, trên gai, miểng, hoặc nằm gần bên nước lửa. Thái tử hỏi tiên nhơn rằng: “Các ông tu khổ hạnh như thế để cầu quả báo gì?” Bạt Già Bà Đáp: “Chúng tôi cầu sanh lên cõi trời”. Thái tử nói: “Chư thiên tuy hưởng nhiều sự vui, song khi phước hết phải chịu luân hồi, lạc vào khổ thú. Lối tu của các ông là đem cái khổ để đổi lấy cái vui giả tạm. Ví như khách hàng hải vì của báu mới chịu khó nhọc đi ra biển; vị quốc vương vì đất đai mới đem binh đánh dẹp các nơi. Nhưng của báu cùng đất đai đâu phải luôn luôn thuộc về mình? Vậy lý tưởng của các ông không phải là con đường giải thoát cứu cánh”. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)
Kế đó Thái tử lại đi đến chỗ A Ra La Ca Lan tiên nhơn (Àràda Kàlàma), ở phụ cận kinh thành Tỳ Xá Ly (Vaisàlì), mà hỏi về đạo giải thoát. Sau một hồi đối đáp, Ngài biết vị tiên nhơn nầy lấy cảnh giới Vô sở hữu xứ làm Tối thượng niết bàn. Nhưng cảnh giới nầy là quả báo của sự siêu việt tất cả tư tưởng hữu vi. Khi thọ quả báo ấy, thân tâm tạm nghỉ, nhưng chủ thể của quả báo là cái “ta” do nhân duyên giả tưởng hòa hợp vẫn còn. Mà còn cái “ta”, tức là còn mầm mống của sự khổ não. Thái tử biết đạo lý nầy cũng chưa phải là nguồn cứu cánh giải thoát, nên từ biệt tiên nhơn ra đi. (Phật Học Đại Cương)
Sau khi từ giã nơi đây, Thái tử lại đi đến chỗ tiên nhơn Uất Đà La Ca Ma Tử (UdrakaRàmaputra) ở khu rừng ngoài thành Vương Xá (Ràjagrha), mà hỏi rằng: “Làm thế nào để đoạn được sanh tử?” Tiên nhơn Đáp:
Nguồn gốc muôn loài
Do bởi minh sơ
Từ nơi minh sơ
Mà sanh ngã mạn
Từ nơi ngã mạn
Sanh ra si tâm
Từ nơi si tâm
Mới có ngã ái
Từ nơi ngã ái
Sanh năm vi trần
Từ năm vi trần
Mà có ngũ đại
Từ nơi ngũ đại
Sanh tham, sân, si
Rồi do bởi đó
Mới có luân hồi
Sanh, già, bệnh, chết
Buồn, khổ, thương, lo
Nay tôi vì ngài
Nói lược đại khái.
Thái tử lại Hỏi: “Đó là nguồn gốc sanh tử, theo chủ thuyết của tiên trưởng; còn phương tiện dứt trừ phải làm thế nào?” Tiên nhơn Đáp: “Muốn đoạn trừ sanh tử, phải xuất gia, giữ giới, nhẫn nhục khiêm ty, lìa những điều ác, ở chỗ vắng vẻ, tu tập thiền định. Do công tu tập lâu ngày, tâm yên tĩnh, có giác có quán, được vào Sơ thiền. Kế đó trừ giác quán, định tâm thêm thuần, lòng được hoan hỷ, vào Nhị thiền. Rồi bỏ hoan hỷ, chánh niệm, được sự vui nhiệm mầu, vào Tam thiền. Lại phải trừ tâm khổ vui, được tịnh niệm và xả căn, vào Tứ thiền. Nhưng Tứ thiền chưa phải là giải thoát, phải tiếp tục trừ sắc tưởng, được Không xứ định; dứt hữu đối tưởng, được Thức xứ định; diệt vô lượng thức tưởng duy quán một thức, được Vô sở hữu định; lìa các thứ tưởng, được Phi tưởng phi phi tưởng định. Đó là cứu cánh giải thoát, là bỉ ngạn của người tu”. Thái tử Hỏi: “Môn định Phi phi tưởng của tiên trưởng nói, có ta hay không ta? Nếu không ta thì chẳng thể gọi là Phi phi tưởng. Nếu có ta thì cái ta ấy có biết hay không biết? Nếu không biết tất đồng với gỗ đá, có biết thì tâm phan duyên. Tâm đã theo duyên tất có nhiễm trước, và đã nhiễm trước thì đâu phải là giải thoát?”
Tiên nhơn nghe nói lặng thinh. (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả)