Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tinh-Do-Tay-Phuong-So-Voi-Noi-Vien-Dau-Suat-Co-Gi-Hon-Kem...?

Tịnh Độ Tây Phương So Với Nội Viện Đâu Suất Có Gì Hơn Kém...?
Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh

Tịnh độ Tây Phương so với Nội viện Đâu Suất có gì hơn kém?

Đáp: Sự hơn kém giữa hai cõi thật hiển nhiên, những bậc thức giả đều biết rõ, cần gì phải hỏi thêm. Các bậc cổ đức đã soạn Luận Tịnh Độ, trong đó đã phân tách sự hơn kém, ở đây không phiền giải thích. Thế nhưng các bậc cổ đức soạn luận, trình bày vẫn còn sơ lược, hiện nay sẽ dùng mười hai nghĩa để làm rõ thêm chi tiết: (1) chủ, (2) xứ, (3) quyến thuộc, (4) thọ mạng, (5) nội ngoại, (6) thân sắc, (7) tướng hảo, (8) ngũ thông, (9) bất thiện, (10) diệt tội, (11) thọ lạc, (12) thọ sanh.

1) Chủ: Chủ trời Đâu Suất (Bồ tát Di Lặc) vẫn còn là phàm phu, tuy được gọi là Nhất sanh bổ xứ, nhưng chưa chứng đắc quả Phật (Diệu giác). Tuy sẽ thành Phật, nhưng hiện nay chỉ hiện hóa thân. Chủ cõi Cực Lạc là Đức Phật A Di Đà đã thành Chánh giác, cư trú tại cõi Tịnh độ, phần nhiều hiện thân thọ dụng (báo thân). Sự thật mà nói, hiện hóa thân hay hiện báo thân không có sự hơn kém. Thị hiện độ chúng sanh, thầy (Phật) trò (Bồ tát Đẳng giác) khác biệt, tức là một bên hiện nay đã thành Phật, một bên tương lai sẽ thành Phật, một bên là Báo thân Phật, một bên là Hóa thân Phật, một bên đã viên mãn, một bên chưa viên mãn, một bên hiện cõi diệu, một bên hiện cõi thô, cảnh tướng hoàn toàn khác biệt. Đây là nghĩa thứ nhất.

2) Xứ: Cảnh Đâu Suất ở cõi Ta Bà trược uế, vẫn còn dục lạc nam nữ; cõi Cực Lạc là Tịnh độ ở phương khác, thù thắng vi diệu. Bàn về sự hơn kém, không cách nào ví dụ được. Sự đẹp xấu giữa hai bên quả thật rõ ràng. Đây là nghĩa thứ hai.

3) Quyến thuộc: Trời Đâu Suất có trời nam và trời nữ, còn cõi Cực Lạc thì không có người nữ. Từ đây hình dung ra, hành giả tự biết bên nào đẹp, bên nào xấu, bên nào hơn, bên nào kém. Sự cách biệt giữa hai cõi như trời với đất. Đây là nghĩa thứ ba.

4) Thọ mạng: Thọ mạng ở cõi trời Đâu Suất là bốn trăm năm, mỗi ngày trên đó là bốn trăm năm ở cõi người. Như vậy các vị trời Đâu Suất thọ mạng bằng 400x30x12x400 = 57,060,000 (năm mươi bảy triệu sáu mươi ngàn) năm ở cõi người, nhưng vẫn có trường hợp chết yểu, như vậy làm sao so sánh với thọ mạng vô lượng a tăng kỳ kiếp ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Thọ mạng dài ngắn bất đồng, không thể so sánh. Đây là nghĩa thứ tư.

5) Nội ngoại: Trời Đâu Suất có hai viện, nội viện và ngoại viện. Những vị trời sống trong nội viện được gần gũi ngài Di Lặc là bậc Bồ tát Nhất sanh Bổ xứ, cho nên vĩnh viễn được bất thoái chuyển, còn những vị trời sống ở ngoại viện thì đam mê ngũ dục, không tránh khỏi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Ngài Giác Sư Tử, em trai ngài Thế Thân, còn bị sanh nơi ngoại viện. Ngài Thế Thân đạo hạnh ngang với ngài Vô Trước, cũng cầu vãng sanh Nội viện, cho nên biết rằng sanh vào Nội viện là một điều khó khăn. Phần lớn đều sanh nơi Ngoại viện, tiếp tục tạo thập ác, tu hành thoái chuyển, đọa lạc vào ba đường ác, không bằng vãng sanh Tây Phương, dù là hạ phẩm hạ sanh, khi hoa sen nở sẽ gặp ngài Quán Thế Âm, nghe giảng các pháp thật tướng sâu xa, pháp trừ diệt tội chướng, vĩnh viễn không bị luân hồi. Dùng đây để hình dung, làm sao có thể so sánh được. Đây là nghĩa thứ năm.

6) Thân sắc: Các vị trời Đâu suất, thân sắc tuy thanh tịnh vi diệu, thế nhưng đến lúc lâm chung, các tướng chết hiện ra, như là chảy mồ hôi nách, hoặc là quang minh ẩn mất, làm sao có thể so sánh với cõi Tây Phương, toàn thân bằng vàng, quang minh chiếu rọi hàng trăm ngàn do tuần. Kinh Vô Lượng Thọ dùng thí dụ dung mạo kẻ ăn mày so sánh với vị đế vương, cho đến dung mạo của vị trời Tha hóa tự tại nếu so sánh với các chúng sanh ở cõi Cực Lạc thì tướng mạo quang minh của họ chẳng khác gì đống mực đen để cạnh núi vàng ròng. Đẹp xấu khác nhau. Đây là nghĩa thứ sáu.

7) Tướng hảo: Thân tướng các vị trời tuy đoan nghiêm, đâu có thể so sánh với chúng sanh cõi Cực Lạc, thân tướng thù thắng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt. Không có cách nào mô tả sự hơn kém giữa hai bên được. Đây là nghĩa thứ bảy.

8) Ngũ thông: Trong phần Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà có nói: “Nếu tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi đắc được ngũ thông, hoặc thấy, hoặc nghe, tối thiểu là trăm ngàn vạn ức cõi Phật, v.v…” Các vị trời Đâu Suất, dù cho có ngũ thông chăng nữa cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp của cõi Ta Bà mà thôi. Giả sử có sanh vào Nội viện đi nữa, nếu chưa chứng quả thánh, chưa có kinh nào nói đến việc họ đi cúng dường, phụng sự chư Phật mười phương. Dùng đây so sánh, đây là nghĩa thứ tám.

9) Bất thiện: Các hành giả sanh về Nội viện của ngài Di Lặc là phàm phu sống trong cõi Dục. Tuy gần gũi bậc Nhất sanh bổ xứ, được nghe pháp Đại thừa, nhưng họ vẫn còn đầy phiền não. Vì không được bổn nguyện nhiếp thọ nên vẫn còn khởi tâm bất thiện, gây tạo ác nghiệp. Các chúng sanh cõi Tịnh độ không có những cảnh duyên ác này, hơn nữa nhờ nương vào bổn nguyện của Phật mà tội chướng tiêu trừ. Đây là nghĩa thứ chín.

10) Diệt tội: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Người nào niệm một danh hiệu ngài Di Lặc sẽ diệt trừ được một ngàn hai trăm kiếp tội ác sanh tử; nghe danh hiệu ngài, chắp tay cung kính trừ được năm mươi kiếp tội ác sanh tử; kính lễ Đức Di Lặc sẽ diệt trừ được một trăm kiếp tội ác sanh tử”, làm sao sánh được với niệm một danh hiệu Phật A Di Đà trừ diệt được tám mươi ức kiếp tội ác sanh tử, vãng sanh Tây Phương! Đây là nghĩa thứ mười.

11) Thọ lạc: Các vị trời Đâu Suất bị ngũ dục trói buộc, còn các chúng sanh nơi cõi Cực Lạc được tự tại, không còn ưu sầu khổ não nữa. Đây là nghĩa thứ mười một.

12) Thọ sanh: Các vị trời Đâu Suất thọ sanh vào thân thể nam nữ, còn các chúng sanh cõi Cực Lạc chỉ thọ sanh vào hoa sen, hoặc thọ sanh vào cung điện bảy báu. Đây là nghĩa thứ mười hai.

Ở đây dùng mười hai nghĩa để nêu rõ sự hơn kém. Nếu trình bày chi tiết ắt sẽ nhiều vô lượng. Tuy hai cõi có sự hơn kém như vậy, thế nhưng kinh Phật đều khuyên vãng sanh về cả hai cõi. Tùy theo nguyện vọng của hành giả, y theo lời dạy tu hành, ắt sẽ được như sở nguyện. Kính mong hành giả Tây Phương đừng chê bai Đâu Suất, và hành giả Đâu Suất cũng chớ phỉ báng Tây Phương. Mỗi người tùy theo lòng ái mộ, tu tập pháp môn mà mình ưa thích, không nên thị phi, đây mới là Phật pháp, còn nếu chê bai lẫn nhau, thì hai bên đều tạo nghiệp ma, chẳng những không được vãng sanh mà còn bị trầm luân tam đồ ác đạo. Khuyên các hành giả hãy tự nỗ lực.

Trích từ: Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về