Home > Khai Thị Phật Học
Để Điều Phục Chúng Sinh Bồ Tát Hiện Thân Nai
Đời Đông Ngô, Sa Môn Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Phẩm Nai

Bồ tát Ma ha tát.  Hành sáu Ba la mật. Giữa kẻ rất oán thù.  Ngài vẫn không ác ý.

Tôi từng nghe:

Đời trước, Bồ tát từng sinh vào loài súc sinh mang thân nai, hai bên hông màu vàng kim, xương sống bằng lưu ly, trên thân xen lẫn các loại khác khó nêu tên, móng như xa cừ, sừng như kim tinh, toàn thân trang sức như kho bảy báu, thường làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, thành tựu đầy đủ các pháp thiện. Thân sáng rực như mặt trời mới mọc. Chư Thiên kính trọng nên gọi tên ngài là nai Sắc Vàng. Ngài luôn chỉ dạy, hướng dẫn cho vô lượng con nai. Nai chúa này tu tập hạnh từ bi rộng lớn, tinh tấn, trí tuệ đầy đủ không thiếu, có sức dũng mãnh vượt bậc, hiểu biết tiếng người, vì nhằm điều phục chúng sinh nên thị hiện thân nai. 

Bấy giờ, nai chúa đi lại ở Tuyết sơn. Trong núi có nhiều rừng cây hoa quả, suối chảy, ao tắm. Nếu những cầm thú nào có tâm thù ghét làm hại nhau, liền bị sức mạnh từ uy đức của Bồ tát tiêu diệt hết. Nai chúa ở nơi yên lặng, thường dạy các nai khác xa lìa pháp ác, tu tập pháp thiện: Các ngươi nên biết, trong các hành động, nên quan sát điều ác nhỏ như thức ăn độc. Như vậy ác nhỏ cũng không nên chấp nhận. Nên xem điều thiện nhỏ như là bạn thân, thường nên gần gũi siêng năng thọ trì. Này các nai, vì thân miệng ý các ngươi làm việc ác nên bị đọa vào súc sinh, không thể tu tập pháp thiện. Vì ngu si nên bị mang thân súc vật, trải qua vô số kiếp khó giải thoát được nẻo sinh tử, muốn hưởng an lạc cần phải lấy chánh pháp làm căn bản. Chánh pháp có thể hộ trì chúng sinh không bị đọa vào cảnh giới ác, là cầu đò cho người vượt qua biển khổ phiền não. Như người đi qua chỗ khó phải cần gậy, như cầm đuốc soi thấy các nẻo tăm tối, người làm theo chánh pháp cũng như vậy. Chánh pháp là nơi cần phải thân cận, không thể phá hoại, chỉ dẫn chúng sinh con đường cao cả, có khả năng làm cho muôn loài thọ hưởng an lạc. Được nghe chánh pháp thường làm cho tâm hoan hỷ, tâm niệm luôn luôn hành pháp này thì không còn sợ hãi. Chánh pháp này có thể trừ diệt tất cả các ác, như là thuốc hay có thể trừ được nhiều bệnh. Do đó, cần phải luôn luôn nhớ nghĩ về chánh pháp không được quên đi. Nếu ai quên chánh pháp thì đời này trôi qua trống rỗng. Tất cả thế gian đều hư dối, chỉ có pháp bố thí, nhẫn nhục, trí tuệ biết hổ thẹn mới là chân thật. Nếu ai tu tập những pháp như vậy được gọi là thực hiện đầy đủ về chánh pháp. 

Nai chúa thường thuyết pháp này cho các cầm thú, khiến cho người nghe ngay khi ấy xa lìa tâm dâm dục, cũng như Hiền thánh, xa lìa các ác không còn gây hại. Sau đó, nai chúa cùng bầy nai dừng chân nơi một con sông rộng lớn, sâu thẳm không bờ đáy, nước dâng cao chảy cuồn cuộn, nhiều chỗ nổi chìm, phá vỡ bờ núi, bứng cả cây to, tất cả chim thú đều không dám đến gần. Lúc ấy, có một người bị trôi theo dòng nước, kinh hoàng sợ hãi không biết đến nơi nào, sức lực trở nên yếu ớt, sắp chết đến nơi, nên lớn tiếng kêu cứu: Thiên thần đất trời, ai có từ bi xin cứu mạng tôi, khổ thay! Hôm nay, tôi cách biệt gia đình, bị tai nạn, biết dựa vào ai! Trước đây tôi từng được nghe thế gian có một vị nai tu học phép Tiên, có tâm đại Từ bi, chỉ mong vị ấy cứu mạng cho tôi!.

Ở trước bầy nai, nai chúa nghe tiếng kêu kia, liền vội xem ai bị tai nạn và lên tiếng: Ta nghe như vậy, tâm rất khổ não không khác gì chính người đang bị nạn kia... Các ngươi hãy tùy ý giải tán, ta muốn tìm nơi bằng phẳng để tùy ý uống nước cho đỡ khát. 

Bầy nai nghe bảo, bỏ đi tứ tán. Vua nai theo tiếng kêu cứu đi tìm, thấy có một người bị trôi trong nước, lại bị cây đá xô xát rất là khổ não. Thấy như vậy, nai chúa suy nghĩ: Dòng nước chảy mạnh, giả sử cá lớn cũng không vượt được. Ta thân hình nhỏ, sức yếu, chẳng biết có thể cứu người này được không, hay là cả ta và họ đều bị chết chứ không nỡ thấy riêng họ chịu khổ... Giả sử người này ở trên đất bị voi gây hại, thì ta có thể tìm cách cứu họ, nay đang bị trôi trong dòng nước mạnh, ta làm sao cứu nổi! Nếu ta vào nước mà không cứu được, thì tất cả người nghe biết sẽ cười ta vì đã tự biết không có khả năng, sao lại xuống nước! Ta tuy có tâm từ bi nhưng sức lực kém, sợ không thể làm được. Ta cần phải tinh tấn gấp bội không chậm trễ để đến cứu họ.

Suy nghĩ như thế rồi, nai chúa lên tiếng:

Người không nên sợ hãi nữa! Ta vào nước cũng như cây cỏ, nếu thân bị chết cũng cần phải cứu người. 

Bấy giờ, nai chúa nhảy xuống dòng sông, bơi đến bên người kia và bảo kẻ bị trôi ngồi trên lưng nai. Kẻ bị nạn ngồi an ổn, không còn sợ nữa, như người ngồi yên trên ghế. Trên sông có nhiều cây đá, va chạm vào thân đau đớn vô cùng. Nai chúa liều chết không thả, cõng người bị nạn, cố gắng hết sức bơi qua đến bờ bên kia. 

Sau khi được cứu mạng an ổn, người thoát nạn nói với nai chúa:

Thân do cha mẹ sinh ra và nuôi lớn lên của tôi đã bị chết chìm. Thân mạng hiện nay thật do ngài mà có. Ngài tuy là nai chúa nhưng tôi xin giao thân mạng cho ngài, nếu cần gì xin ngài cứ sai bảo. 

Nai chúa nói với người kia:

Ngươi hãy nghe rõ, ta không cầu công quả với người cũng không sinh ý tưởng cao ngạo. Ta không tiếc thân mạng này, chỉ muốn làm lợi ích cho người khác. Người nên biết, ta mang thân thú thường ở rừng hoang, tự do tùy ý kiếm cỏ nước. Tuy ta không xâm phạm làng xóm dân cư, nhưng tội của ta là nhiều kẻ ganh ghét, lại còn sợ sư tử, hổ lang, các thú dữ, đám thợ săn, không chỗ ẩn náu, không ai bảo vệ. Ta tuy là thân nai nhưng có nhiều màu sắc xinh đẹp. Trong thế gian chưa ai được thấy. Chỉ vì nhằm cứu giúp nên ngươi mới thấy được. Xưa, ta có lập thệ: Nếu thấy khổ nạn phải làm cho thoát khỏi. Người có sức lực mà thấy khổ không cứu, nên biết kẻ ấy sẽ không có phước báo. Như không trồng cây thì chẳng được trái. Nếu người nhớ đến ta thì nên giữ kỹ miệng. Biết ân nhớ ân là điều Hiền thánh khen. Người không biết ân, ngay đời này tiếng xấu lan truyền khắp nơi, bị người trí chê trách, đời vị lai sẽ chịu quả báo xấu ác. Người biết ân, an vui cả trong hai đời, không do bố thí mà được tự tại, chẳng tu tập đa văn mà đầy đủ trí tuệ, tuy không tắm nước mà thanh tịnh không dơ bẩn, tuy không xông hương mà được thơm tho cao thượng, không mang chuỗi ngọc mà thật xinh đẹp, không cần y phục mà được kín đáo, tuy không dao gậy nhưng không ai xâm phạm. Người nên biết: Công đức của người biết ân nói không thể hết. Người không biết ân bị các khổ nạn cũng vô lượng. Vậy người nên giữ kín miệng. 

Nghe nói như vậy, người bị trôi kia vui buồn lẫn lộn, nước mắt đầm đìa, liền lạy sát chân nai, thưa:

Ngài thường thuyết pháp chỉ dạy cho chúng sinh về chánh đạo Niết bàn. Ngài như lương y, trừ diệt tâm nóng, bệnh khổ cho chúng sinh. Ngài là người cha lành đứng đầu trong thế gian, là bậc tôn quý, bậc hướng dẫn, thật tôi muốn theo hầu để sớm chiều học tập không muốn rời xa dù chỉ trong một niệm, tất sẽ không còn làm ác nữa. Nay nếu tôi ra đi, thân hình tuy xa lìa, nhưng tâm không dám có ý tưởng rời xa. 

Sau khi nói xong, người kia từ giã ra đi. Nai chúa nhìn theo người ấy đến khi khuất bóng mới trở lại chỗ bầy của mình. 

Về tới nhà, người bị nước trôi kia vong ân bội nghĩa, phá tắt cây đuốc pháp, tự đốt tâm mình, chặt ngã cây đại thọ pháp, đến nỗi trồng rừng cây độc, tâm thành bồn ác chứa đầy oán độc, vì tham lợi trong hiện tại nên đến tâu lên nhà vua:

Đại vương biết không, vừa rồi thần vào rừng thấy một con nai, thân thể màu sắc vi diệu, như kết bằng bảy báu, là chúa giữa bầy nai, như mặt trăng tròn ở giữa muôn sao. Tấm da nhiều màu sắc của nó có thể phủ trên xe vua. Thần biết rõ nơi sinh sống của nai này. 

Nghe tâu như vậy, nhà vui mừng quá, hỏi:

Khanh hãy chỉ chỗ cho ta, chính ta sẽ đi bắt nó. 

Người bị trôi tâu vua:

Kính tuân lệnh vua. 

Vua liền lên xe và ra lệnh người kia dẫn đường, ngàn xe vạn ngựa nối nhau ra đi. 

Khi ấy, nai chúa đang mệt nhọc nằm nghỉ giữa bầy nai. Trên hư không có nhiều loại chim thấy quân mã của vua, nên bảo nhau: Vua này đến đây chắc vì nai Sắc Vàng. 
Có một con quạ bay xuống, mổ vào tai nai chúa. Nai chúa giật mình thức giấc, suy nghĩ: Quạ này vì sao đến đây đánh thức ta? Từ xưa tới nay, các loại quạ chỉ bay quanh ta chứ không dám lại gần. Hôm nay vì sao dám xúc phạm thân ta?

Nai liền đứng dựng lên trông về xe vua. Bốn phương ồ ạt kéo tới đã gần kề. Nai chúa suy nghĩ: Như thế là các con chim thật không có lỗi! Như có người ngồi xuống bị té, ta lấy tay kéo lên, có gì là lỗi!. Nai lại suy nghĩ: Những chúng sinh này không có tâm từ bi. Sư tử, hổ lang, trên thế gian thường là kẻ oán của ta, nhưng khi nghe ta thuyết pháp liền hết tâm oán. Người này thật vô lý, được sinh làm người lại vong ân bội nghĩa, đối với ta lại sinh tâm độc ác, khác nào đặt hoa thơm đẹp nơi tử thi, bị ghê tởm ngay không ai ưa nhìn. Người này cũng như vậy, vì được một phần nhỏ sung sướng trong đời này, lại vứt bỏ vô lượng quả báo an lạc trong vị lai.

Nai chúa nói với bầy nai:

Các ngươi chớ buồn! Nay nhà vua đến đây chính vì thân ta chứ không phải nhằm hại các ngươi. Ta cũng có thể chạy xa, cũng có thể phá trừ quân lính của họ, vậy cần phải liều mạng chạy đến chỗ vua. Nếu ta làm như thế, các ngươi phải chạy tán loạn cho đến mất mạng. Thế nên ta vì các ngươi sẽ đến gặp vua, hãy đi theo sau ta, chớ nên sợ hãi. Ta sẽ làm cho các ngươi an ổn không bị nạn. Các ngươi nên biết, nếu ta phát tâm muốn nhập Niết bàn, tức có thể làm được. Lý do không nhập là vì các ngươi. Ta đến gặp vua, giả sử bị chết nhưng làm cho các ngươi toàn mạng là ta không ân hận rồi. 

Thế rồi nai chúa đến gặp nhà vua. Người bị nước trôi thấy nai, chỉ cho nhà vua:

Nai chúa chính là đây! 

Tên này vừa nói xong, hai tay liền bị rụng xuống đất. 

Nhà vua thấy vậy, liền xuống ngựa, tâm kinh hoàng, lông tóc dựng ngược, hỏi:

Tay ngươi vì sao bị đứt rơi xuống như vậy?

Vua liền bỏ dao gậy, một mình đi đến gặp nai. 

Khi nai chúa thấy vua, lòng rất buồn rầu. 

Nhà vua suy nghĩ:

Vị ấy tuy mang thân thú nhưng không thật là nai, chính là vị vua của chánh pháp dũng mãnh. 

Nai chúa thưa với vua:

Vì sao đại vương vứt bỏ đao gậy, thân thể ra mồ hôi giống như sợ hãi, hay là ngài sợ tôi. Tôi tu tâm Từ, không bao giờ hại ai cả, như mặt trăng sinh ra lửa, là điều không bao giờ có. 
Nhà vua nghe như vậy, tâm được an ổn, hướng đến nai chúa nói:

Người này vì sao hai tay bị rơi xuống đất? Nhưng như ngài vừa nói hay bố thí sự an ổn cho chúng tôi, vậy tại sao người này vừa chỉ vào thân ngài liền bị quả báo như thế? Vừa rồi ngài nói hay bố thí cho chúng sinh sự không sợ hãi, vì sao làm cho người này như vậy? Nếu nói không bố thí sự an ổn, thì tất cả thế gian sẽ bị lửa cháy thiêu đốt. 

Nai chúa liền thưa với vua:

Như có người phạm tội nặng với quan trên, xúc phạm với vị Tỳ kheo thanh tịnh không tranh cãi. Người như vậy tất bị tội nặng. Người không biết ân cũng như thế, bị tội rất nặng. Vua nên biết, người này tự làm tự nhận quả báo, chẳng phải do tôi. 

Nhà vua hỏi:

Xin ngài nói rõ, tôi muốn được nghe. 

Nai chúa nói:

Xin vua hỏi anh ấy, không cần tôi nói! 

Vua hỏi người kia:

Nay vì sao hai tay khanh bị rụng xuống đất?

Người kia liền kể lại cho vua nghe hết chuyện cũ. 

Vua nghe xong, nói:

Khanh đã gây ra việc như vậy, lẽ nào lại không bị quả báo! Khi bị nguy khốn, nhờ vào người khác, cho đến trong một niệm cũng phải báo ân, huống chi đã trải qua thời gian dài thọ ân như vậy, lại không báo đáp mà còn gây hại, sao không bị quả báo như thế được? Như người bị trời nóng, ẩn núp tại bóng cây mát, người này không được gây hại cho cây dù chỉ một cái lá. Thọ ân không quên cũng giống như thế. 

Quốc vương hướng đến nai chúa, quỳ xuống chắp tay thưa:

Từ nay, tôi thường quy y với ngài. 

Nai chúa đáp:

Đại vương đã rõ được như vậy, xin kính nhận ý ấy của đức vua. 

Vua lại nói:

Ngài đã nhận lời tôi, vậy ngài cầu điều gì?

Nai chúa đáp:

Nếu đại vương có ý tôn trọng tôi, xin hãy lắng nghe. Tôi là thân thú chỉ dùng cỏ nước để sống, ngoài ra không cầu gì cả. Đại vương nên biết, người này trước đây bị trôi trong nước, không ai cứu hộ, mạng sống sắp hết. Khi ấy, tôi còn cứu sống được. Nay, nếu nhà vua có tâm từ bi, hãy xem người kia như con đỏ của mình. Nếu chăm sóc người kia tức là chăm sóc tôi. Người kia ngu si vô trí thật đáng thương, sau khi chết chắc bị đọa địa ngục, trải qua vô lượng năm, bị thọ các khổ. Thế nên phải sinh tâm từ bi thương xót đối với người ấy. Đại vương, như người có nhiều con cháu thương yêu như nhau, nhưng với người bệnh thì phải chú trọng hơn. Bồ tát cũng như vậy, đối với các chúng sinh xấu ác, phải thương yêu nhiều hơn, bởi vì chúng sinh tâm có pháp ác, nên Bồ tát mới vì các chúng sinh ấy mà phát tâm Bồ đề. 

Bấy giờ, nhà vua ôn hòa trở lại và nói:

Ngài thật là bậc Điều ngự đại sư, hộ trì chánh pháp cứu độ ách nạn, là chỗ quy y, hay trừ diệt mọi sự sợ hãi cho tất cả chúng sinh. Các chúng sinh làm nhiều pháp ác nên đáng đọa địa ngục, nhưng không bị đọa là do Đại sĩ hộ trì vậy. Từ nay về sau, cho phép bầy nai vui vẻ không sợ hãi. Trọn đời con xin làm đệ tử. Đời sau, nếu ngài chứng đạo cao cả, xin độ con trước. 
Sau khi nói xong, quốc vương bảo quần thần:

Dân chúng cả nước bắt đầu từ đây không được đi săn, gây nghiệp sát hại. 

Khi Đại Bồ tát thực hành Trì giới ba la mật, tuy thọ thân thú, nhưng đối với kẻ thù oán vẫn không có một chút tâm niệm ác. 
Trích từ: Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bộ Bản Duyên Tập 1, Đời Đông Ngô, Sa Môn Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
2.    Bộ Bản Duyên Tập 2, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Bộ Bản Duyên Tập 3, Tây Tấn Nước Nguyệt Chi Tam Tạng Trúc Pháp Hộ | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
4.    Bộ Bản Duyên Tập 4, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
5.    Bộ Bản Duyên Tập 5, Mã Minh Bồ Tát | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
6.    Bộ Bản Duyên Tập 6, Đời Diêu Tần Sa Môn Trúc Phật Niệm | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
7.    Bộ Bản Duyên Tập 7, Đời Nguyên Ngụy, Sa Môn Kiết Ca Dạ và Đàm Diệu | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
8.    Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
9.    Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi, Đường Na Đề | Thích Thọ Phước, Việt Dịch
10.    Kinh Bồ Tát Thiện Giới, Đời Tống, Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La | Thích Thiện Thông, Việt Dịch
11.    Kinh Thần Chú Bát Cát Tường, Khuyết Danh | Thích Nguyên Lộc, Việt Dịch
12.    Phật Thuyết A Di Đà Kính - Giới Thiệu - Dịch - Chú Giải, Hòa Thượng Thích Thái Hòa
13.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hợp Giải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
14.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Lược Giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa
15.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Việt Dịch
16.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
17.    Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Bồ Tát Giới Vận Thành Hạ Liên Cư | Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Việt Dịch
18.    Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Bồ Tát Giới Vận Thành Hạ Liên Cư | Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Việt Dịch
20.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải Lần Thứ 10, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch