Home > Khai Thị Phật Học
Bố Thí Vấn Đáp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Trước nhất chúng ta thường hay lầm lẫn bi với tình cảm, và độ tha hay lợi tha với đồng lõa. Sự thật hoàn toàn tương phản, tình cảm là chướng ngại duy nhất của bi, đồng lõa là giặc giết hại lợi tha.

Phàm nhân hay lợi dụng sự ngộ nhận này của chúng ta để khiến chúng ta đồng lõa hành ác, hay tiếp tay hoặc bao che cho ác, mà cứ ngỡ rằng mình từ bi và lợi tha.

Dụ như họ muốn thực hiện một điều gì đó, được thúc đẩy bởi lòng tham dục, họ muốn ta giúp, nên thường đánh động tình cảm của ta, khiến ta động lòng, như nói, chị không giúp tôi thì chị ác lắm, tình nghĩa với nhau bao lâu nay, mà chị nỡ làm ngơ không giúp, vậy thì từ bi của chị để đâu? Như vậy chị là người không tốt ích kỷ, không biết cứu giúp tha nhân. Những lời lẽ này nếu đối tượng là thân bằng quyến thuộc, anh em cha mẹ, nhất định càng làm ta áy náy lương tâm. Và lương tâm vô trí này sẽ dầy vò trách cứ ta, tại sao không giúp (đồng loã) họ, mà lại ích kỷ (tình cảm ) vậy. Và vì ngộ nhận từ bi và lợi tha, ta bằng tình cảm nhúng tay vào đồng lõa với người ác. Giúp họ hoàn thành điều ác là hại họ, nên đồng lõa giết mất sự lợi tha.

Chúng ta cũng đều biết, bi năng bạt khổ, có nghĩa diệt tội khổ cho chúng sinh là bi. Diệt tội khổ là diệt nhân gây khổ cho họ, đừng hiểu lầm diệt khổ cho họ là làm thỏa mãn dục vọng của họ, như diệt cái khổ cho người ghiền ma túy, là giúp họ hồi đầu cai chừa ma túy, mà không hề là giúp họ thỏa mãn cơn ghiền.

Do bi tâm phát khởi sự cứu tế, nên giúp họ hồi đầu, cai nghiện tức diệt gốc khổ, đó là hành vi lợi tha dựa vào bi tâm, nên bi tâm không cho phép ta tình cảm tội nghiệp trước sự mong cầu giúp đỡ cho họ thỏa mãn cơn ghiền, do bi nên biết tội nghiệp con nghiện, mà không cần chờ quả trổ mới thương hại, sự thương hại này muốn trị tận gốc khổ. Do tình cảm nên chỉ biết tội nghiệp khi con nghiện lên cơn, do vậy nếu hết lên cơn thì hết tội nghiệp, vì vậy chỉ cứu tế khi hậu quả xẩy ra, và cứu nhất thời cho qua cơn mà thôi, sau đó thì ngưng cứu tế, vì cứu nhất thời nên căn khổ hãy còn, vì vậy khổ quả sẽ tiếp nối. Như nếu vì tình cảm, thấy con nghiện tội nghiệp quá, nên tìm ma túy cho họ thỏa mãn để họ hết khổ, thì đó là tình cảm và đồng lõa, hại người hơn giúp người. Vì điều này không thật sự đem đến lợi chân thật cho tha nhân tức diệt khổ vĩnh viễn, nên không phải lợi tha. Tính tình cảm và hành động đồng lõa này chỉ kiến người nghiện thêm tránh né hồi đầu cai nghiện, vì vậy hại tha hơn là lợi tha. Họ không thực hết khổ, vì khổ gốc còn đó nên lại sinh khổ sau này, nên nếu diệt khổ bằng tình cảm và đồng lõa thì chỉ khiến sự giúp đỡ của mình và nghiệp khổ người kia luân hồi không ngừng, cứ tái phát mãi không thôi.

Muốn hành bi nguyện cần phải có trí huệ, trí huệ thấy thật nghĩa của mọi pháp, như biết thế nào thật sự là bi, thế nào là chân chính hành bi, nhờ vậy mới hành bi được, mà không bị tình cảm dối gạt, mạo nhận làm bi để khiến lương tâm ta thất thoát lương tâm, đồng lõa với ác, mà ngỡ là bi và lợi tha. Biết bao người tu học là nạn nhân của tình cảm, một thứ ái dục có muôn mặt xảo ngụy, mà chư Phật bắt phải xả bỏ mới vào được đạo. Chính vì lẽ đó chúng ta mới cần hợp lực tư duy và bổ túc khiếm khuyết cho nhau, làm thành thiện hữu tri thức của nhau, để chống trả với tâm xảo ngụy này.

Còn về vấn đề từ thiện, nếu như có điều kiện cũng nên hành, nhưng vẫn biết từ thiện chỉ cứu giúp nhất thời, nhưng sự nhất thời này đôi lúc cũng rất cấp bách cho tha nhân. Như Trang tử đến Lam hà hầu vay gạo, Lam nói, đợi đến cuối năm tôi thu thuế xong, khi đó dư giả sẽ cho ông vay ba trăm lạng vàng, ông thấy thế nào? Trang tử đáp, hôm qua khi đi đường nghe có tiếng gọi, quay đầu nhìn lại, mới thấy trong vết xe đọng nước có con cá chép, tôi mới hỏi, bạn ở đó làm gì vậy? Cá nói tôi vốn là thủy quan, vì tai nạn mà rơi vào hoàn cảnh này, ông có gáo nước nào giúp tôi khỏi chết không? Tôi nói được rồi đợi ta di du lịch nước Ngô nước Việt, dẫn nước sông Tây về cứu bạn, chờ nhá. Cá nghe xong nổi giận nói, ta chẳng may lâm vào hoàn cảnh này chỉ cần một gáo nước để tạm sống, chờ gì đến dẫn nước sông tây về cứu mạng ta, khác gì lấy nước sông xa cứu nạn cháy gần, chỉ e khi ông trở về chỉ tìm thấy ta trong đám cá khô. Trang tử nói xong bỏ ra về, để Lam ngồi đó với nỗi sượng sùng .

Chúng ta cũng biết đức bổn sư, hằng bao đời xả thân vì chúng sinh, bất luận là người hay súc sinh, mỗi một kiếp xả thân cứu một chúng sinh, tích tụ trong vô lượng kiếp cứu vô lượng chúng sinh, hạnh tu này được gọi là nan hành đạo (con đường khó làm), nhờ vậy phát tâm sau bồ tát Di lặc nhưng thành đạo trước. Đức bổn sư lấy độ sinh làm hành bồ tát đạo, trong lúc xả thân thường hồi hướng đến quả vô thượng bồ đề cho mình và cho ngưòi mình cứu giúp, đó là tu hồi đầu, xả mọi thứ ái nhiễm như quốc thành thê tử, thậm chí đến sắc thân đều xả bỏ, như bỏ đờm dãi không chút tiếc nuối. Hễ có cơ hội là tế độ, nhưng tâm bất động có nghĩa chỉ cần phát tâm cứu, còn cứu được hay không chẳng quan tâm dính mắc, vì được hay không còn do nghiệp lực của người mình cứu. Bồ tát trọng nhân không trọng quả, phàm phu trọng quả bất trọng nhân. Bồ tát hành đạo không bị quả dao động, bất động trước mọi thành bại mới thật sự thành tựu giải thoát.

Vì vậy cứu tế bằng tình cảm nhất thời, không bằng ngồi yên trong rừng núi tu hành, cho đến khi định huệ đủ mạnh để cứu mình và người, bấy giờ xuất hiện nơi đời thuyết pháp độ sinh. Như đức bổn sư bỏ người thân ra đi ẩn tu biệt tích, cho đến khi thành đạo mới trở lại. Thế nhưng nếu được như tổ sư ngồi yên trong núi rừng chuyên tu, thì không cần hành từ thiện mà vẫn có công đức, nhưng nếu sống lẫn lộn trong cuộc đời, thì vẫn phải tu phúc hành từ thiện, cứu tế tha nhân, nhưng không bằng ái kiến đại bi, tức tình cảm, mà bằng bi nguyện, hồi hướng cho ta và người do nhân duyên này hướng đến vô thượng bồ đề, xả bỏ tài lợi của mình mà ban bố cho thiên hạ, coi nhe vật dục hữu lậu, nhờ vậy đắc được tài bảo công đức vô lậu của hạnh bố thí, gọi đó là bố thí ba la mật đa.

Tùy duyên hành, khi ẩn tu thì đừng để chuyện thế gian gây náo thân tâm, chuyên tu thiền định ba la mật đa. Khi ở trong thành thị tụ lạc thì không thể thiền định được, nên tu hành bố thí ba la mật đa, như vậy ở bất cứ nơi nào cũng tu thành ba la mật đa. Mà không nên làm trái lại, ở trong rừng một mình tu hành bố thí, và về thành thị tu hành thiền định.

Bi nguyện độ sinh là độ chúng sinh được hiện thế an lạc, bằng cách cứu tế chúng sinh thoát khỏi hiểm nạn hiện tại, và được cứu cánh an lạc tức bằng nhân duyên với pháp Phật của ta đưa chúng sinh qua bờ bên kia. Đó mới là bi nguyện chân chính.

Kết luận có bốn đừng cần nhớ.

1. Đừng lầm bi với tình cảm
2. Đừng lầm lợi người bằng cách đồng lõa với người hành ác.
3. Đừng lầm từ thiện là chuyện không cần thiết. Mà từ thiện vì tình cảm nhất thời mới không cần thiết.
4. Đừng lầm cứ thân bất động, ngồi yên tu thiền định là cần thiết, mà nên tu tập thiền định để tâm bất động, năng tùy duyên cứu tế, dù thành hay bại cũng không động mới là cần thiết.

Bi nguyện độ tha, là giúp tha nhân hồi đầu, gọi đó là chân lợi tha, muốn vậy phải thuyết phục tha nhân biết thế nào là lợi và hại, mà không để tha nhân dùng tình cảm thuyết phục và không chế ta. Tình cảm là chiều theo tha nhân, đồng lõa cùng họ hướng hạ, hại mình hại người, vì khiến họ không chịu hồi đầu. Bi nguyện không sợ bị người dùng tình cảm trách móc. Tình cảm khi nào cũng sợ bị trách, nên phải đồng lõa với thiên hạ, để có ảo giác an tâm mình là người bạn tốt, biết giúp đỡ tha nhân.

Đừng bao giờ đồng hóa tình cảm với từ bi.

Cầu Phật gia hộ cho tất cả.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Bố Thí Vấn Đáp