Home > Khai Thị Phật Học > Nguyen-Tac-Tu-Hanh
Nguyên Tắc Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Việc quan trọng nhất trong việc tu hành là nắm lấy cương lãnh, giữ chặt nguyên tắc, công phu sẽ dễ đắc lực. Cương lãnh, nguyên tắc tức là ‘Phát Bồ Ðề tâm, một hướng chuyên niệm’. Nhất định phải hiểu tường tận đạo lý và ý nghĩa của hai câu này, phải thực hành theo ‘Nguyên tắc phải tuân thủ của đồng học Tịnh Tông’, đó là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Ðộ, Thập Nguyện. Nhất định phải ứng dụng trong đời sống hằng ngày, đây tức là tự hành hóa tha.

[Nội dung của tác phẩm] tiết lục (trích lục, trích đoạn và ghi chép lại) sách ‘Yếu Lược Sa Di Luật Nghi’ bao gồm những điểm chính của năm khoa mục nêu trên, thế nên ‘Nguyên tắc tu hành’ là thuộc về Hạnh Kinh. Kinh có bốn thứ là Giáo, Lý, Hạnh, Quả. ‘Hạnh Kinh’ là [những gì đức Phật] muốn chúng ta thật sự làm được. Chúng ta thực sự có thể dùng tâm ‘chân thành, cung kính’ để tu học, phục vụ chúng sanh, nhất định sẽ được pháp hỷ sung mãn, sẽ được tâm thanh tịnh. Có thể dùng tâm chân thành, tâm cung kính để phục vụ hết thảy chúng sanh chính là tu học Ðại Thừa.

Trong pháp Ðại Thừa, viên mãn cứu cánh nhất là ‘Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh’. Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát là gì? Tức là Lễ Kính Chư Phật, Xưng Tán Như Lai, Quảng Tu Cúng Dường, Sám Hối Nghiệp Chướng, Tùy Hỷ Công Ðức, Thỉnh Chuyển Pháp Luân, Thỉnh Phật Trụ Thế, Thường Tùy Phật Học, Hằng Thuận Chúng Sanh, Phổ Giai Hồi Hướng. Những hạnh này đều nằm trong sinh hoạt hằng ngày. Lễ kính nhất định phải bao gồm chân thành, cung kính; xưng tán nhất định phải pháp hỷ sung mãn; rộng tu cúng dường tức là phục vụ hết thảy chúng sanh. Thế nên Phổ Hiền hạnh bao gồm phạm vi rất rộng lớn, chẳng phải chỉ là lấy một chút tiền bỏ vào bao giấy đỏ là cúng dường đâu, quan điểm này là sai lầm.

Bồ Tát đạo và tinh thần của Phật pháp Ðại Thừa chính là rộng tu cúng dường, rộng độ chúng sanh. Kinh Kim Cang nói: ‘Ta làm cho hết thảy chúng sanh đều nhập Vô Dư Niết Bàn để diệt độ’. Nói theo cách bây giờ thì là: ‘Tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ’. Kết quả của việc phá mê khai ngộ tự nhiên sẽ là lìa khổ được vui. ‘Mê, phải giúp họ phá hết; Ngộ, phải giúp họ viên mãn’, đây tức là thành Phật, tức là ‘nhập Vô Dư Niết bàn, nhi diệt độ chi’. Nếu chẳng sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới mà tu hành ở thế giới này, hoặc tu hành tại mười phương cõi Phật phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới viên mãn. Nếu có người hỏi tại sao phải chọn Tịnh Ðộ? Chúng ta có thể nói với họ: ‘Là vì sợ luân hồi, sợ sanh tử, sợ dày vò, sợ chướng ngại, và vì tự lợi lợi tha đạt đến viên mãn nên mới quyết định cầu sanh Tịnh Ðộ’.

Sanh đến Tây phương Cực Lạc thế giới chính là như trong kinh có nói: ‘Hết thảy khổ nạn đều lìa khỏi’. Hơn nữa có thể trong thời gian ngắn viên mãn thành tựu Phật quả. Trí huệ đức năng viên mãn hiện tiền, sau đó mới trở lại chín pháp giới rộng tu cúng dường, phục vụ cho chúng sanh thì sẽ chẳng có chướng ngại nữa, đây tức là việc nhà Phật thường nói: ‘thừa nguyện tái lai’.