Ngũ nhãn (5 con mắt) là gì? Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả : Thích Minh Quang | Xem: 877


Câu Hỏi

Ngũ Nhãn (5 Con Mắt) Là Gì?

Trả Lời

Chúng ta thấy trên một số ảnh, tượng Phật giáo có những mặt người có ba con mắt, tức là ở giữa hai mắt có thêm một mắt nữa. Thực ra, người không thể có ba mắt. Con mắt thứ ba chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là ngoài hai mắt thật ra, còn có mắt của tâm (tâm nhãn). Ý nghĩa của tâm nhãn có sâu có nông. Ý nghĩa nông cạn của tâm nhãn chỉ hoạt động tư tưởng của con người thông thường. Về ý nghĩa thâm sâu của tâm nhãn thì phải nói ngũ nhãn (năm mắt). Theo thuyết ngũ nhãn thì ngoài con mắt thật ra, còn có bốn loại tâm nhãn nữa, với trình độ cao thấp khác nhau.

Cái gọi là ngũ nhãn, chỉ các loại công năng khảo sát sự vật và hiện tượng từ đầu đến cuối, từ gốc đến ngọn trong quá trình tu đạo, từ địa vị phàm phu cho tới quả vị Phật. Có người gọi mắt là cái cửa trí tuệ, là cửa sổ của linh hồn. Con mắt giúp phân biệt sự vật, tăng trưởng tri thức. Công phu tu trì càng cao thì phạm vi của tâm nhãn càng mở rộng. Mắt thật của phàm phu là do cha mẹ sinh ra, nên tầm nhìn, phạm vi nhìn bị hạn chế. Những vật quá nhỏ, quá lớn, quá xa, quá gần đều không nhìn thấy, sáng quá hay tối quá cũng không nhìn thấy. Nếu chứng được thiên nhãn thì trong thế giới vật chất, có thể nhìn một cách tự tại, không bị hạn chế bởi khoảng cách, thể tích và ánh sáng.

Các cõi Trời cũng có thứ bậc, trình độ cao thấp được chia thành Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên và Thiền Định Thiên. Loài Trời ở các cõi Địa Cư Thiên tức là các loại quỷ thần phúc đức đối tượng của tín ngưỡng dân gian. Bốn Thiên Vương, các Thiện Thần ở cõi Trời Đao Lợi, các loài trời ở các cõi trời Không Cư Thiên tức là các cõi trời thiện thần dục giới từ Dạ Ma Thiên đến cõi trời Tha Hóa tự tại. Còn Thiền Định Thiên gồm 22 cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới. Thứ bậc và trình độ càng cao thì công năng của thiên nhãn càng lớn. Nói công năng của thiên nhãn thì ngoài việc không có sự hạn chế càng không có sự ngăn cách chướng ngại, không cần có ánh sáng phản chiếu mà chỉ cần tác dụng sức tinh thần mà thôi. Thiên nhãn nhờ tu chứng mà có hay nhờ phúc báo mà có. Các quỷ thần nói chung đều có thiên nhãn, ít hay nhiều, trình độ cao hay thấp. Đây là trường hợp có phúc báo mà được. Đó là do quỷ thần không bị sự ràng buộc của thân xác chỉ có hoạt động của sức mạnh linh thiêng cho nên ít bị vật thể gây chướng ngại. Các linh môi nói chung có thiên nhãn do dựa vào quỷ thần cảm ứng có thể thấy những sự vật mà con người không thể thấy được. Người ta có thiên nhãn nhờ có tu thiền định. Tuy nhiên mục đích của tu thiền định không phải là để có thiên nhãn. Tuy rằng, có những phương pháp chuyên tu thần thông nhưng tu được thiên nhãn chưa chắc chắn đã nhập được thiền định.

Ngoài những công năng kể trên, thiên nhãn còn có thể thấy được những hiện tượng, sự kiện xảy ra. Đó là do hiện tượng nào phát sinh cũng có quan hệ nhân quả của nó. Đã có nghiệp nhân tạo ra, thì tất nhiên có quả báo. Dù hiện tượng xảy ra nhưng những lực lượng tạo ra hiện tượng đã sớm hình thành, và nếu không có nhân tố nào khác tác động vào, thì hiện tượng đó tất yếu sẽ xảy ra. Vì vậy, người có thiên nhãn có thể biết được chuyện vị lai. Năng lực thiên nhãn càng mạnh càng có khả năng thấy xa và chính xác. Vì sao nói độ chính xác của thiên nhãn ? Đây là do thiên nhãn cũng không hoàn toàn đáng tin cậy, bởi vì nhân tố mới luôn xuất hiện làm cho sự việc dự báo có thể không xảy ra hoặc là tuy có thể xảy ra nhưng biến dạng. Vạn pháp là do duyên sinh, duyên biến thì các pháp cũng biến. Vì vậy Phật pháp không chấp trước vào thiên nhãn, cũng không khuyến khích người ta tu tập để có thiên nhãn.

Cái gọi là ngũ nhãn (năm mắt) tức là ngoài mắt thịt và thiên nhãn ra, còn có mắt trí tuệ (tuệ nhãn), mắt pháp (pháp mãn), và mắt Phật (Phật nhãn). Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ. Các vị A la hán đều chứng được tuệ nhãn, thấy rõ 12 nhân duyên và sự luân hồi sinh tử thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, không còn bị thân tâm ràng buộc, lìa năm uẩn, vượt ba cõi. Trong thế gian cũng dùng trí tuệ, nhưng với nghĩa trí tuệ thế gian, còn chấp ngã. Còn tuệ nhãn của bậc A la hán là vô ngã, không còn chấp trước.

Còn Pháp nhãn (con mắt pháp) của các bậc Bồ Tát từ Sơ địa trở lên thì có khả năng thấy được bản tính, tức pháp tính của vạn pháp, thân chứng được một phần pháp thân của Phật. Pháp thân của Phật phổ biến khắp nơi, khắp mọi lúc, không phải là sắc, không phải là không có sắc, không phải là có tướng, không phải là không có tướng v.v… Nói rằng, tất cả là pháp thân, cũng có thể tất cả đều không phải là pháp thân. Đối với người chấp thủ, thì tất cả đều không phải pháp thân, nhưng đối với người không có chấp thủ, thì tất cả đều là pháp thân. Vị Bồ Tát có đầy đủ pháp mãn được gọi là đại sĩ pháp thân, đó là những điều mà phàm phu không thể tưởng tượng được.

Có hai loại vô ngã : nhân vô ngã và pháp vô ngã. A la hán chứng được lý nhân vô ngã, bỏ được nhân ngã chấp. Còn chứng pháp vô ngã, lìa bỏ pháp ngã chấp, là Bồ Tát từ Sơ địa trở lên. A la hán bỏ được nhân quả chấp, chứng được tuệ nhãn vượt khỏi ba cõi, Bồ Tát tiến xa thêm một bước nữa, lìa bỏ pháp ngã chấp, chứng được pháp thân, chứng được pháp nhãn, tuy ở trong ba cõi nhưng không bị hạn chế bởi sống chết nên được gọi là Đại sĩ pháp nhân. Có một số ngoại đạo tự xưng là Phật pháp, luôn tuyên bố mình đã chứng thực tuệ nhãn hay pháp nhãn. Kỳ thực, ngay cả thiên nhãn họ cũng không chứng được, mà chỉ là tác dụng phản xạ của vận động khí mạch, hay là sức mạnh linh thiêng cảm ứng của quỷ thần mà thôi. Còn Phật nhãn thì có tất cả công năng của bốn loại nhãn kể trên chính là toàn bộ trí tuệ, là bản thân "đại viên cảnh trí" (gương trí tuệ lớn) cũng gọi là đại viên giác, cũng gọi là vô thượng bồ đề.

Trích từ: Học Phật Quần Nghi