Tu thiền công án có phù hợp không? Trần Tuấn Mẫn | Xem: 203


Câu Hỏi

Đọc công án Thiền, tôi rất thích thú khi thấy các thiền sư rất phóng khoáng, tự tại đôi khi có phần táo bạo. Tuy vậy lắm khi tôi phân vân không biết giáo lý, thể cách tu tập, truyền dạy của Thiền môn Trung Hoa có phù hợp với thiền học Nguyên thủy hay không? Xin được giải đáp.

Trả Lời

Trước đây chúng tôi có lần trình bày trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo rằng có khá nhiều công án là giả công án; việc sao chép, sửa đổi, thêm thắt sự việc và có khi ngụy tạo khiến chúng ta khó xác định đâu là một công án thực sự. Lại nữa, một công án, một trường hợp khai ngộ của thiền sư cho một môn đệ hay một người tham vấn là một trường hợp rất riêng tư, đặc biệt, tùy thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh, căn cơ của từng cá nhân đương sự. Do đó, khó có thể tham công án để hy vọng đạt ngộ.

Quả thực, qua các công án, qua chuyện kể về các thiền sư về việc tu học thiền Trung Quốc từ thế kỷ VI và kéo dài cả chục thế kỷ sau, ta thấy cả một không khí phóng khoáng, biểu hiện sự tự tại thong dong cao độ, gây phấn khởi cho hầu hết những ai mong chờ giải thoát. Chủ trương của Thiền tông truyền riêng ngoài giáo điển, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thì thành Phật quả thật đã tạo sự hấp dẫn lạ thường. Tuy vậy, cốt cách tự tại, thể cách khai ngộ của các thiền sư vốn đã đạt một mức độ chứng ngộ nhất định, là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài. Các ngài vẫn thường xuyên tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, hành lễ... thậm chí còn viết sách, chú giải kinh luận. Cứ xem tiểu sử và những dẫn chứng kinh điển, sử dụng thuật ngữ, điển tích Phật giáo trong các bài giảng của các ngài cũng đủ rõ điều ấy.

Phật học có thể được xem là tâm học, tức là nhằm nghiên cứu, nhận biết cái tâm, sửa đổi, điều ngự, giải thoát và cuối cùng chứng ngộ cái tâm. Thiền học Nguyên thủy với Nhập tức xuất tức (Anapanasati, quán hơi thở vào, ra), quán Tứ niệm xứ (Satipatthana, quán thân là bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm là vô thường, quán pháp là vô ngã), với việc thực hiện 37 phẩm trợ đạo, cũng là căn bản của Ngũ đình tâm quán (Panca Smrtyah: quán bất tịnh, quán từ bi, quán duyên khởi, quán giới phân biệt, quán sổ tức) của Phật giáo Đại thừa. Thiền học Trung Hoa cũng lấy đó làm căn bản, chỉ khác ở phương cách giảng dạy hoặc ở chỗ triển khai phương pháp tu tập.

Chúng ta cần lưu tâm suy nghĩ về những trường hợp có vẻ mang tính táo bạo, có khi là quá khốc liệt như Nhị tổ Huệ Khả tự chặt cánh tay, đứng giữa tuyết để cầu đạo với Sơ tổ Bồ đề đạt ma; ngài Nam Tuyền chém chết con mèo khi Tăng chúng ở nhà Đông, nhà Tây tranh nhau con mèo ấy; ngài Câu Chi chặt đứt ngón tay của chú tiểu vì chú bắt chước ngài giơ ngón tay lên mỗi khi phát biểu… Có thể nào đây là những trường hợp đã xảy ra thực sự? Ngài Huệ Khả trong lúc đi cầu đạo, lẽ nào lại mang theo một con dao đủ lớn, đủ sắc để có thể tự chặt cánh tay mình? Ngài Nam Tuyền khi cố ý phạm tội sát sinh có chắc chắn rằng ngài có thể khiến cho ai đó ngộ lý không? Người đọc chỉ thấy ở đây ý nghĩa từ bi bị thương tổn chứ không thấy hiệu quả tốt đẹp của hành động chém chết con mèo! Ngài Câu Chi có chắc chắn rằng khi chặt đứt ngón tay chú tiểu, chú sẽ đạt ngộ? Cha mẹ chú, những người khác và chính quyền sở tại có để yên cho ngài không? Nhiều sự kiện được miêu tả trong kinh điển vẫn thường mang tính tượng trưng, nếu không phải do người sau ngụy tạo thì cũng chỉ là tượng trưng, là cường điệu hóa mà thôi chứ không thực sự xảy ra.

Thiền học từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, được chấp nhận bởi những con người vốn ảnh hưởng tư tưởng nhàn nhã, phóng túng, phi nhị nguyên của Lão Trang, đã biến thái về hình thức, phương pháp; nhưng nội dung cơ bản vẫn là giáo lý của Đức Phật Thích Ca vậy.

Trích từ: Vấn Đáp Phật Giáo